SUY NIỆM Cầu nguyện Tháng 11 – Mỗi ngày một lời nguyện

Tháng 11 – Mỗi ngày một lời nguyện

Ngày 1: Lạy Chúa! Mừng Lễ Các Thánh, Hội Thánh cho chúng con suy niệm Bài Tin Mừng về Các Mối Phúc. Bát Phúc chính là những nẻo đường nên thánh của chúng con. Vì thế, nếu chúng con muốn trở nên thánh thiện, thì chúng con phải thực hiện các mối phúc mà Chúa đã dạy trong Bài Giảng Trên Núi. Xin cho chúng con biết lắng nghe lời Chúa, và để cho những lời của Chúa làm xáo trộn, thách đố, và đòi hỏi chúng con có một sự thay đổi thật sự trong lối sống của mình. Nếu chẳng vậy, “cố gắng nên thánh mỗi ngày” không là gì khác hơn, một cụm từ sáo rỗng đối với chúng con. Amen.

Ngày 2: Lạy Chúa! Việc cầu nguyện cho những người đã qua đời có nguồn gốc từ Cựu Ước: Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì tin rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc ngu xuẩn. Ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi. Trong Tháng Cầu cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời, xin cho chúng con biết dâng những hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho những người đã ra đi trước chúng con. Amen.

Ngày 3: Lạy Chúa! Khi dâng các việc hy sinh hãm mình, và cầu nguyện cho những người đã khuất, chúng con tuyên xưng niềm tin (1) vào sự sống lại và sự sống đời đời, (2) vào mầu nhiệm các thánh thông công, và (3) vào lòng thương xót của Chúa. Chúng con cũng bày tỏ lòng hiếu thảo và lòng bác ái đối với những người đã ra đi trước chúng con. Chúng con cũng ý thức hơn về thân phận chóng qua của mình, để biết ra công tìm kiếm Chúa, là hạnh phúc đích thực. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời không chỉ là tháng của những người chết, mà còn là tháng của những người sống, đang trên đường: bước vào ánh sáng vinh quang. Amen.

 

Ngày 4: Lạy Chúa! Các linh hồn ở trong luyện ngục là ở trong niềm hy vọng. Hy vọng, vì họ biết mình vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng của Thiên Chúa, nhất là họ biết rằng: họ sẽ được đảm bảo sự sống thiên đàng bên Chúa. Đây là một giai đoạn chuẩn bị sau cùng để họ được vào cõi sống đời đời. Chính vì thế, dù có phải trải qua lửa luyện tội đau đớn, họ vẫn không hề bi quan, nhưng đầy tràn niềm vui và hy vọng. Xin cho chúng con biết năng nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, và những hy sinh của mình, vì chắc chắn rằng: một khi được giải thoát, họ cũng sẽ nhớ đến chúng con trên thiên đàng. Amen.

 

Ngày 5: Lạy Chúa! Để giải thoát chúng con khỏi quyền lực Thần chết, Con Chúa, là Đức Kitô đã đến để mang lấy thân phận phải chết của chúng con. Người thực hiện thánh ý của Chúa là muốn cứu độ tất cả mọi người. Người đã chết vì chúng con, đã làm hy tế xá tội cho chúng con. Nhờ cái chết của Người, chúng con được hòa giải với Chúa, hầu có thể lãnh nhận gia nghiệp muôn đời. Người đã chiến thắng tử thần bằng sự phục sinh vinh hiển, nên quyền lực của Thần chết đã bị vô hiệu hóa. Kể từ đó, tương quan của chúng con với sự chết đã thay đổi, vì Đức Kitô chiến thắng: sẽ luôn chiếu soi cho những ai đang ngồi trong bóng tử thần. Amen.

 

Ngày 6: Lạy Chúa! Sự chết nhắc nhở chúng con về bản chất thật ngắn ngủi, mong manh của đời người trên dương thế. Đứng trước định mệnh khắc nghiệt này, chúng con dễ sầu đau, đôi khi thất vọng chán chường. Tuy nhiên, sự khôn ngoan đích thực thì vượt xa hơn thế: khi chúng con nhận biết thân phận mình nằm trong bàn tay Chúa. Điều đó giúp chúng con khám phá ý nghĩa sự sống đích thực qua sự chết. Khi nghĩ đến những người đã chết, chúng con cũng phải nghĩ tới cái chết của chính bản thân mình. Đó là chuyến đi cuối cùng, một chuyến đi quyết định và quan trọng hơn tất cả, chuyến đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Amen.

 

Ngày 7: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó”. Sự khó nghèo thiêng liêng thì gắn liền với thái độ “bình tâm”, nghĩa là: đứng ngay ở giữa như bàn cân, Chúa bên nào, chúng con nghiêng về bên đó. Xin cho Hội Thánh của chúng con là một Hội Thánh nghèo và vì người nghèo, xin cho chúng con biết đồng cảm và chia sẻ với những người nghèo túng nhất, để chúng con được nên đồng hình đồng dạng với Đấng: tuy giàu có, nhưng đã tự nguyện trở nên nghèo khó vì chúng con. Amen.

 

Ngày 8: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai hiền lành”. Hiền lành là cách diễn tả sự nghèo khó bên trong, của những ai đặt hết tin tưởng vào chỉ một mình Chúa mà thôi. Hiền lành luôn là điều tốt, vì những khát vọng sâu xa nhất của chúng con sẽ được lấp đầy: chúng con “sẽ được đất làm cơ nghiệp”. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu có người nào đó làm phiền chúng con, thì xin cho chúng con biết sửa lỗi họ, với một tinh thần hiền lành, ngay cả khi: bảo vệ đức tin và những niềm xác tín của mình, xin cho chúng con cũng phải biết thể hiện, bằng một thái độ hiền lành và khiêm nhường. Amen.

 

Ngày 9: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai khóc lóc”. Xin cho chúng con luôn biết đồng cảm với những ai đang khóc lóc, khổ đau, bởi vì, chúng con chỉ có thể sống giới răn yêu thương của Chúa cách thiết thực nhất, bằng việc đi đến giúp đỡ, cảm thông, và xoa dịu những ai đau khổ. Xin cho chúng con luôn cảm nhận rằng: tha nhân là thịt bởi thịt mình, để chúng con không sợ đến gần, ngay cả, chạm đến những vết thương nơi những người ấy. Xin cho chúng con luôn biết chạnh lòng thương cảm những người bất hạnh cách sâu sắc, đến độ, mọi khoảng cách đều không còn nữa. Amen.

 

Ngày 10: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai khao khát công lý”. Công lý chỉ thực sự đến trong đời sống, khi chúng con công minh chính trực, trong các quyết định của mình, nghĩa là, công lý chỉ được diễn ra, khi chúng con tìm kiếm công lý cho người nghèo và người yếu thế. Xin cho Hội Thánh luôn biết khao khát công lý và hòa bình cho tất cả mọi người, nhất là, cho những người hèn mọn, những người dễ bị tổn thương và bị đối xử bất công nhất, như lời ngôn sứ Isaia đã kêu gọi: “Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, bảo vệ cô nhi, biện hộ cho quả phụ”. Amen.

 

Ngày 11: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai biết xót thương”. Chúng con được quy tụ trong một Hội Thánh Thánh Thiện, nhưng lại bao gồm những con người tội lỗi bất toàn, chúng con như một đoàn quân của những người được tha thứ. Xin cho chúng con có được lòng thương xót của Chúa khi đối xử với những người xúc phạm đến chúng con, và xin cho chúng con biết tha thứ cho họ: bảy mươi lần bảy như lời Chúa dạy. Trong cuộc sống hằng ngày, những khi chúng con cứng lòng, không muốn tha thứ, xin cho chúng nghe được lời nhắc bảo: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn, như ta đã thương xót ngươi sao?” Amen.

 

Ngày 12: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai trong sạch”. Những việc làm của yêu thương phải xuất phát từ một quả tim trong sạch. Chính ý hướng trong trái tim là nguồn gốc của những khao khát và những quyết định thâm sâu dẫn tới các hành động của chúng con. Một trái tim yêu mến Chúa và tha nhân cách chân thành là một trái tim trong sạch: có khả năng nhìn thấy Chúa. Xin cho chúng con có được quả tim tinh tuyền, để những suy nghĩ, lời nói, việc làm của chúng con trong cuộc sống hằng ngày, đều xuất phát từ một tấm lòng trong sạch: chỉ chất chứa một mình Chúa mà thôi. Amen.

 

Ngày 13: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai kiến tạo hòa bình”. Xây dựng hòa bình thật là một việc khó, bởi vì, nó đòi chúng con phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra một sự dàn hòa, đồng thuận trên giấy tờ. Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lờ, hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, chúng con phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó, bằng sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo, để biến nó thành một mắt xích cho một tiến trình mới. Xin cho chúng con luôn biết kiến tạo hòa bình cho mình và cho thế giới hôm nay. Amen.

 

Ngày 14: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho những người đã qua đời, xin cho chúng con cũng biết xin cho chính mình được ơn chết lành, muốn “chết lành”, thì trước hết, chúng con phải lo “sống thánh” bằng cách thực hành các mối phúc mà Chúa đã truyền dạy: “Phúc cho ai bị bách hại”. Bách hại mà Chúa muốn nói ở đây là những bách hại không thể tránh được, chứ không phải loại bách hại, mà chúng con tự gây ra cho mình, qua việc ngược đãi người khác, hay làm cho người khác không thể chịu nổi do thói kiêu căng của chúng con. Xin cho chúng con ý thức rằng: Bách hại không phải là chuyện của quá khứ, vì hôm nay chúng con cũng kinh nghiệm nó, hoặc là qua việc đổ máu của nhiều vị tử đạo thời nay, hoặc như bị vu khống và bị lừa dối: như Chúa gọi là “có phúc”, khi người ta vu khống chúng con đủ điều xấu xa vì Chúa. Amen.

Ngày 15: Lạy Chúa! Khi chiêm ngắm cuộc đời của các thánh, chúng con nhận thấy rằng: Thánh thiện không chỉ là một nỗ lực, khó nhọc của bản thân, nhưng còn là một ân huệ nhưng không của Thánh Thần. Thánh thiện không chỉ là một tham vọng miễn nhiễm hoàn toàn, nhưng còn là một kinh nghiệm tội lỗi luôn được thứ tha. Thánh thiện không chỉ là một giấc mộng thành toàn viên mãn, nhưng còn là một thao trường với biết bao kiên nhẫn, gian nan. Thánh thiện vừa là công trình của  Chúa vừa là của loài người chúng con. Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để trở nên thánh thiện mỗi ngày. Amen.

Ngày 16: Lạy Chúa! Khi chiêm ngắm cuộc đời của các thánh, xin cho chúng con ý thức rằng: Không có vị thánh nào, mà không có quá khứ, không có tội nhân nào, mà không có tương lai. Thánh thiện không chỉ là một ước vọng tinh tuyền trong trắng, nhưng còn là một cảm nghiệm về sự mỏng dòn hoen ố thường hằng. Thánh thiện không chỉ là một mục tiêu để chứng minh bản lĩnh, nhưng còn là một phương pháp giải thoát khỏi cái tôi tự yêu mình. Thánh thiện không chỉ là một cuộc chinh phục đỉnh cao hoàn thiện, nhưng còn là một ý thức về những bất lực, thất bại triền miên. Thánh thiện không chỉ là một trạng thái đầy tràn trọn vẹn, nhưng còn là một xác tín về sự rỗng không trước lòng thương xót Chúa. Amen.

 

Ngày 17: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn biết cảnh giác trước những kẻ thù của việc nên thánh: Tiến Sĩ Bàn Giấy luôn cầm tù người khác trong các tư tưởng của họ; đo lường sự hoàn thiện bằng tri thức, hiểu biết, nhưng bỏ quên đức ái. Họ không quan tâm đến tha nhân, nên họ thiếu khả năng chạm đến những đau khổ của Đức Kitô nơi những người khác. Họ giảm trừ giáo huấn của Đức Giêsu thành một luận lý khắc nghiệt, lạnh lùng. Họ là những tiên tri giả, sử dụng tôn giáo để quảng bá tri thức như: thay thế Thiên Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể bằng Đơn Nhất Tính. Họ tự cho mình là thánh, là tốt lành hơn những đám đông dốt nát. Xin cho chúng con đừng bao giờ muốn tự mình nên thánh bằng sự thông tuệ của mình. Amen.

 

Ngày 18: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn biết cảnh giác trước những kẻ thù của việc nên thánh: Tiến Sĩ Bàn Tay chỉ tin tưởng vào sức mạnh của mình và cảm thấy mình cao hơn người khác khi tuân giữ một số quy tắc, luật lệ. Họ coi ý chí là toàn năng, ân sủng chỉ là cái được bổ sung vào. Họ tự nên thánh bằng những việc làm, và những cố gắng của riêng mình, mà không cần ân sủng của Chúa. Họ nghĩ mình có quyền đòi hỏi, và cũng có thể mua được ân sủng thần linh bằng những nỗ lực của mình. Họ tự mãn, kiêu hãnh về khả năng xử lý những vấn đề thực tiễn, những chương trình tự lực, và thành tựu cá nhân.Xin cho chúng con đừng bao giờ muốn tự mình nên thánh bằng sức riêng của mình. Amen.

 

Ngày 19: Lạy Chúa! Khi cố gắng để sống thánh thiện mỗi ngày, xin cho chúng con luôn nhớ rằng: chúng con nên thánh không phải bởi những việc làm hay những cố gắng của riêng mình, nhưng là bởi ân sủng của Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước. Ngay cả khát vọng được thanh tẩy cũng đến với chúng con nhờ sự tuôn đổ và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng con được nên thánh cách nhưng không, bởi vì, không có gì đi trước việc nên thánh, không phải đức tin cũng không phải việc làm, mà chính là do ân sủng. Ân sủng Chúa trao ban thì vượt quá năng lực của trí năng và ý chí của chúng con. Amen.

 

Ngày 20: Lạy Chúa! Được trở nên nghĩa thiết và bạn hữu của Thiên Chúa là một điều gì đó muôn trùng siêu vượt trên chúng con. Chúng con không thể mua nó bằng những việc làm của mình. Đó chỉ có thể là một quà tặng, do sáng kiến tình yêu của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng con hân hoan sống tâm tình biết ơn về ân ban mà mình hoàn toàn bất xứng này, bởi vì, khi chúng con nhận được ân sủng, thì ân sủng đã nhận được đó, không phải do chúng con xứng đáng. Ngày cuối đời, chúng con sẽ ra trình diện trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, tất cả những việc làm, mà chúng con tưởng là thánh thiện, thì đều nhiễm uế trước mắt Chúa. Amen.

 

Ngày 21: Lạy Chúa! Chúng con trở nên thánh thiện là hoàn toàn do bởi Chúa. Điều này được diễn tả rõ ràng trong Lời Chúa đến nỗi không thể nào bị chất vấn. Chân lý này phải tác động đến cách sống của chúng con, bởi vì, nó tuôn chảy từ cốt lõi của Tin Mừng và đòi buộc chúng con không chỉ chấp nhận nó trong trí năng, mà còn phải biến nó thành một nguồn vui lan tỏa. Chúng con chỉ có thể mừng quà tặng nhưng không này, khi chúng con nhận ra những khả năng tự nhiên của mình đều là ân ban của Chúa. Điều này thật không dễ trong một thế giới vốn nghĩ rằng mọi sự đều do tự nó, và do sáng kiến của nó. Amen.

Ngày 22: Lạy Chúa! Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời cũng nhắc nhớ cho chúng con về bản chất của Hội Thánh: là mầu nhiệm cánh chung, bởi vì, Hội Thánh chỉ được quan niệm trong tương quan với Nước Trời. Hội Thánh luôn hướng về đó, và có sứ mạng dẫn đưa mọi người tới đó. Thật ra, chính Hội Thánh đã là Nước Trời rồi, một Nước đang lữ hành và chịu đóng đinh. Hội Thánh đã phục sinh cùng với Đức Kitô, cùng lúc, chia sẻ cuộc Khổ Nạn và cái chết của Người. Xin cho Hội Thánh chúng con không thuộc về thế gian, mà vẫn tác động vào thế gian và làm chứng trước mặt thế gian về các giá trị và những thực tại của thế giới mai hậu. Amen.

 

Ngày 23: Lạy Chúa! Cánh chung không phải là cớ để Hội Thánh xao lãng những mục tiêu trần thế, nhưng, những mục tiêu trần thế phải được tương đối hóa, và phụ thuộc vào những mục tiêu cánh chung. Bị loại ra khỏi Nước Trời là một thất bại. Hội Thánh luôn nhấn mạnh đến khả thể của thất bại này, không phải để dọa nạt, nhưng là để cảnh giác đề phòng. Mục đích tối hậu của đời sống chúng con là vào Nước Trời, nơi Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người đến. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con biết tiến về Quê Trời với tất cả niềm tin và niềm hy vọng vững bền. Amen.

 

Ngày 24: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Sự sống thay đổi, chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Quê Trời. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con biết xử sự: như hôm nay mình phải chết, để lương tâm chúng con được thanh thản, không quá sợ hãi cái chết khi biết: đời người là có hạn, thân xác sẽ trở về bụi đất, và sinh khí sẽ trở về với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng con, xin cho chúng con được diễm phúc chết trong ân nghĩa Chúa. Amen.

 

Ngày 25: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con nhớ rằng: Cái chết đã vào trần gian vì loài người đã phạm tội, nhưng Chúa muốn chúng con không phải chết, bởi vì, cái chết đi ngược lại với ý định của Chúa. Xin cho chúng con ý thức rằng: Cái chết đã được biến đổi nhờ Đức Giêsu, đã chịu chết vì mang thân phận loài người chúng con, và nhờ vâng phục Cha, Đức Giêsu đã biến đổi cái chết: từ chỗ là lời nguyền rủa, trở thành lời chúc lành cho tất cả loài người chúng con. Amen.

 

Ngày 26: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: xác và hồn của chúng con đã được vinh dự thuộc về Đức Kitô. Vì thế, chúng con phải tôn trọng thân xác của mình, cũng như của những người khác. Thân xác của chúng con là để phụng sự Chúa, vì Chúa là chủ thân xác chúng con. Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại, thì cũng sẽ cho chúng con sống lại. Xin cho chúng con ý thức rằng: Chúng con là chi thể của Đức Kitô, chúng con không còn thuộc về chính mình nữa, và Chúa sẽ cho chúng con được cùng sống lại và cùng hiển trị với Đức Kitô trên cõi trời. Amen.

 

Ngày 27: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Nhờ cái chết và sự phục sinh của mình, Đức Kitô đã mở cửa Thiên Đàng cho chúng con. Các thánh đã được hưởng trọn vẹn hoa quả ơn cứu chuộc của Đức Kitô. Những ai tin vào Đức Kitô và trung thành với Người cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người. Xin cho chúng con biết rằng: Trong vinh quang Thiên Đàng, các thánh vẫn tiếp tục hân hoan thi hành thánh ý Chúa đối với những người khác và toàn thể các thụ tạo. Xin cho chúng con ngày sau được cùng được họp đoàn với các thánh trên Thiên Đàng. Amen.

 

Ngày 28: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Chỉ nơi Chúa, chúng con mới tìm được sự sống và niềm vui, nên cực hình chính yếu của hỏa ngục là bị xa cách Chúa đời đời. Những điều Thánh Kinh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời chúng con phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời. Xin cho chúng con biết ăn năn hối cải: cố gắng vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Xin cứu chúng con khỏi án phạt đời đời. Amen.

 

Ngày 29: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Sự trông đợi “trời mới đất mới” không làm suy giảm, nhưng trái lại, kích thích nỗ lực của chúng con để làm cho quả đất này ngày càng tăng trưởng. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con, tuy phải phân biệt rõ ràng: những tiến bộ trần thế, với việc mở rộng Vương Quốc của Đức Kitô, nhưng, những tiến bộ trần thế cũng trở nên quan trọng đối với Nước Trời, tùy theo mức độ góp phần của chúng, bởi vì, tất cả những thành quả mà chúng con đã đạt được, chúng con sẽ được: nhận lại chúng sau này, khi chúng đã được thanh luyện khỏi mọi tỳ ố, được chiếu sáng và biến đổi trong Đức Kitô. Amen.

 

Ngày 30: Lạy Chúa! Khi cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, xin cho chúng con ý thức rằng: Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ, bằng lòng vâng phục, bằng đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để hoàn trả sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Trong nhiệm cục ân sủng, Mẹ vẫn tiếp tục thiên chức làm Mẹ Hội Thánh, cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu độ mọi người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết kêu cầu Mẹ, để nhờ sự trợ giúp của Mẹ, chúng con luôn tiến bước vững vàng, nhờ luôn biết hướng nhìn về Mẹ, như dấu chỉ và hình ảnh cánh chung của Hội Thánh. Amen.

Exit mobile version