Thân xác con người

89

Chúng ta tự nhận biết mình là “con người”, khác với những loài khác. Chúng ta cũng biết rằng mình là một huyền nhiệm, một thực thể có tính linh thiêng duy nhất trong trời đất. Tuy nhiên, ít bao giờ chúng ta tự đặt câu hỏi: khi tôi nói mình là “con người”, tôi đang có ý gì vậy? Rõ ràng, hai chữ “con người” vẫn còn để lại trong chúng ta nhiều uẩn khúc chưa có lời giải đáp. Nhưng ít ra chúng ta nhận biết được một “con người” nhờ thân xác của họ, cái hữu hình đang hiện diện trước mắt chúng ta. Quả vậy, chẳng có con người nào lại không có thân xác. Cũng chẳng ai có thể hiện hữu bên ngoài thân xác. Không thể có chuyện thân xác ở một nơi, nhưng “người đó” lại ở chỗ khác. Con người hiện hữu trong chính thân xác của mình.

Do ảnh hưởng của nhiều phong trào triết học thời xưa, nhiều người vẫn còn tin rằng thân xác là cái cầm tù con người. Họ mường tượng ra hình ảnh linh hồn ở trên trời tìm kiếm một thân xác nào đó rồi “nhập vào” hoặc bị “đày” vào, khiến cho nó cử động. Bởi thế, chính cái thân xác hữu hình này đã kiềm kẹp, không cho linh hồn được giải thoát để đi về miền tiêu diêu cực lạc, vui hưởng trạng thái hạnh phúc thiên thu. Vì thân xác vốn giới hạn, nên nó cũng chịu sự chi phối của không gian và thời gian. Nó sẽ trở nên tiều tuỵ, già yếu, mang lấy những tật bệnh. Nó mang vào trong con người những phiền sầu khổ ải. Nó làm cho con người mệt mỏi bởi những hành vi nó làm. Nó bắt con người phải chịu số phận hư nát của nó… Bởi quan niệm như vậy, người ta hạ thấp thân xác, khinh thường nó, xem nó như là kẻ thù. Họ hành xác, làm cho mình bị thương như một hình thức tu luyện. Có nhiều người còn tự kết liễu cuộc đời mình để giải thoát cho linh hồn, giúp linh hồn không còn chịu sự kiềm kẹp của thể xác…

Rõ ràng, đây là một quan niệm hết sức sai lầm. “Thân xác” không tách khỏi “con người”. Đúng ra mà nói, thân xác chính “là” con người. Khi cánh tay tôi đau, là tôi đau. Khi cái chân tôi đau, là tôi đau. Chẳng có một sự phân biệt nào giữa thân xác tôi với tôi cả. Con người tôi được phô bày ra trong thế giới này qua thân xác mà Trời ban cho qua bố mẹ. Khi thân xác này chết, chính là tôi chết. Giáo Hội vẫn dạy rằng con người có xác và hồn. Nhưng không nên hiểu lời dạy này theo nghĩa đây là hai phần riêng biệt và chẳng dính dáng gì với nhau như kiểu xác là chiếc bình, còn hồn là nước nằm trong chiếc bình ấy. Con người là sự kết hợp tinh tuý giữa “cái mà ta thấy” (tức là thân xác) với “cái mà ta không thấy” (linh hồn). Con người vừa mang giá trị hữu hình vừa vô hình, vừa vật chất vừa tinh thần, vừa thể chất vừa thiêng liêng. Như thế, ngay chính nơi thân xác con người đã mang một giá trị cao quý đến nỗi nếu không có thân xác, con người chẳng còn là con người nữa.

Chẳng cần gì ai dạy bảo, tự bản thân chúng ta đều nhận thấy phải biết yêu lấy mình. Chẳng ai trong chúng ta nỡ làm mình đau. Phản xạ tự nhiên của chúng ta là cố gắng mưu cầu sự thoải mái cho thân xác mình. Ai cũng mong mình có một thân xác đẹp và hoàn hảo. Ai cũng thích được khen là có cơ thể đẹp, khuôn mặt xinh xắn dễ thương. Tạo Hoá đã đặt để trong chúng ta một bản năng sinh tồn, để khi đói, ta biết kiếm gì đó ăn, khi khát, ta biết kiếm gì đó uống, khi bệnh tật, biết uống thuốc, giữ ấm… Chăm sóc tốt cho bản thân là một thiên hướng căn cốt đã được khắc sâu vào trong mỗi người. Kinh Thánh còn cho chúng ta biết giá trị cao quý của thân xác khi nói rằng thân xác chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa. Người ta sẽ nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa qua thân xác con người. Thân xác con người là báu vật của Tạo Hoá. Chính Thiên Chúa đã khẳng định lại giá trị của thân xác con người khi mặc lấy nó để trở thành một con người thật sự: biết no đủ, biết đói khát, biết khoẻ, biết mệt, biết đau và có thể chết. Thân xác của con người là chính con người ấy. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn tôn trọng thân xác của người đã qua đời. Tự nơi đó, ta thấy toát lên một nét linh thiêng khiến chúng ta phải tôn trọng và, phần nào đó, phải khiếp sợ.

Chính nơi thân xác mà ta được trải nghiệm tất cả mọi chuyện nhân tình thế thái ở thế giới hữu hình này. Đặc biệt, nhờ có thân xác, ta thấy mình có tương quan với người khác. Thân xác của con người không chỉ là cấu thành của những yếu tố sinh học, nhưng còn là nơi để con người phô bày ra những gì bên trong. Chúng ta không thể có tương quan với “một cái gì đó” trừu tượng, mông lung. Và trong bất kỳ một tương quan nào, chúng ta cũng cần những cái đụng chạm, gặp gỡ, nghe tiếng… Những giác quan trên thân xác này là những kênh truyền để con người mình – vốn là một huyền nhiệm – bắt nhịp với những con người khác – cũng là huyền nhiệm. Khi tương quan trở nên gần gũi và khăng khít hơn thì nó cũng đòi hỏi một sự gần gũi về mặt thân xác. Ban đầu là những cái bắt tay, sau đó là những cái ôm, hôn… và đỉnh cao để thể hiện một tương quan sâu sắc nhất – tình yêu nam nữ – là sự dâng hiến cả thân xác cho nhau. Khi yêu, dĩ nhiên là người ta dành cho nhau tất cả, và không chỉ yêu “trên tinh thần”, yêu bằng linh hồn. Một cách tự nhiên, khi yêu ai thật lòng, ta không ngại ngùng trao dâng cho họ thân xác.

Chúng ta thể hiện tình yêu của mình cho người khác qua những cử chỉ của thân xác. Những cái vuốt ve chính là cái thể hiện việc mình đang hưởng nếm nét đẹp của thân xác của người đó. Những cái ôm là dấu chỉ của việc mở ra, đón người đó vào lòng và giữ chặt họ gần trái tim mình. Những cái hôn là để trao gửi trọn vẹn yêu thương chất chứa trong tim. Và khi quan hệ tình dục, người ta thể hiện ước muốn thuộc trọn về nhau. Bởi thế, tính dục của con người khác với những loài động vật khác. Trong khi những loài kia chỉ nhắm đến việc thoả mãn hay sinh sản, thì con người còn gửi gắm vào đó một yếu tố tuyệt vời khác: tình yêu. Con người không thể quan hệ tình dục bừa bãi, vì việc quan hệ tình dục hàm chứa một ý nghĩa rất sâu xa, thậm chí là rất linh thánh.

Làm hại thân xác, xúc phạm thân xác, làm nhục thân xác mình chính là làm điều có lỗi với Tạo Hoá. Thân xác con người được dựng nên là để chuyển tải tình yêu và chỉ được dùng để hướng đến tình yêu. Phải biết trân quý thân xác mình, nhận thức rằng thân xác ấy là nơi Thiên Chúa ngự trị, và được thánh hoá bằng ân sủng của Thánh Thần, thì con người mới có thể sống giới tính của mình một cách trưởng thành và đúng đắn.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net