Thần Học Về Đời Sống Tận Hiến
Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP
Bài này trình bày văn kiện của đức Gioan Phaolô 2 về đời sống tận hiến Vita consecrata, ban hành ngày 25/3/1996. Đây là một tông huấn đúc kết những thành quả của Thượng hội đồng Giám mục họp hội tháng 10 năm 1994. Trước hết cần ôn lại sự tiến triển của thần học về đời tận hiến từ công đồng Vaticano II, cũng như những vấn đề được Thượng hội đồng gợi lên, để từ đó dẫn nhập vào văn kiện của đức Gioan Phaolô II.
A. NHẬP ĐỀ
I. Thần học về đời sống tận hiến từ công đồng Vaticano II
Chắc là có người sẽ lấy làm chói tai nếu nghe nói rằng thần học về đời sống tận hiến mới phát triển từ công đồng Vaticano II! Thực ra thì đời tu trì đã xuất hiện từ lâu đời trong Giáo hội, và văn chương tu đức không thiếu những tác phẩm viết về đời tu. Tuy nhiên, vào thời trước công đồng, đa số những sách viết cho các tu sĩ đều mang tính cách luân lý và giáo luật, nhằm giải thích những bó buộc của lời khấn (khi nào thì việc vi phạm lời khấn sẽ mắc tội trọng, khi nào thì chỉ lỗi lời khuyên).
Công đồng Vaticano II đã mở ra một hướng mới cho thần học về đời tu, khi trình bày nó không phải như một bộ luật các nghĩa vụ phải giữ, nhưng như là một lý tưởng sống. Hiến chế về Hội thánh đã lòng đời tu trong ơn gọi nên thánh cũng như trong chiều kích cánh chung của Giáo hội. Sắc lệnh “Đức ái trọn hảo” (Perfectae caritatis) phân tích bản chất đời tu với ý niệm đi theo Đức Kitô (sequela Christi).
Sau công đồng, thần học về đời tu chú trọng tới ý niệm tận hiến (consecratio). Bộ giáo luật 1983 đã thu nhận đường hướng đó, và đã trình bày các chiều kích của sự tận hiến ở đ.573. Nội dung phong phú của ý niệm “tận hiến” được giải thích tường tận trong văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu sĩ” (năm 1983).
Song song với sự tiến triển thần học dựa trên ý niệm “tận hiến”, người ta ghi nhận một chiều hướng khác, dựa trên ý niệm đoàn sủng (charisma). Khuynh hướng này cho rằng ý niệm “tận hiến” nêu bật chiều kích thần bí của đời tu, thích hợp cho các Dòng chiệm niệm hơn là cho các Dòng hoạt động tông đồ. Mặt khác, ý niệm “tận hiến” hướng đến một mẫu số chung cho hết các Dòng tu, với nguy cơ là bỏ qua tính cách đa dạng của đời tu. Đối lại, ý niệm “đoàn sủng” vừa làm nêu bật tính cách năng động truyền giáo của đời tu, vừa nhấn mạnh tới tính chất đa dạng của các Dòng. Thêm vào đó, ý niệm “đoàn sủng” đề cao tác động của Chúa Thánh Thần, một nhân vật thường bị thần học lãng quên. Trong bài thuyết trình khai mạc các cuộc trao đổi ý kiến tại Thượng hội đồng năm 1994 (relatio ante disceptationem, no. 8-14), đức Hồng y Basil Hume cho thấy rằng thần học về “đoàn sủng” áp dụng vào đời tu đã mang lại hai sắc thái sau đây:
– đời tu một hồng ân mà Thánh Thần ban cho Giáo hội và nhân loại (chiều kích ngôn sứ):
– mỗi Dòng nhận được một căn cước riêng cần phải bảo vệ đoàn sủng của mỗi Dòng bao gồm một sứ mạng, một linh đạo, một nếp sinh hoạt, những yếu tố tạo nên gia sản tinh thần của Dòng.
II. Thượng hội đồng Giám mục năm 1994
Thượng hội đồng các Giám mục không phải là một diễn đàn để thảo luận các vấn đề thần học. Tuy nhiên, trong đời sống của Giáo hội, không thiếu lần những tư tưởng đã gây tác dụng (tích cực hay tiêu cực) không nhỏ đến sinh hoạt của Giáo hội. Do đó, các cuộc bàn luận mục vụ không thể nào bỏ Thần học về sự “tận hiến” đã bị tố giác vì tính cách hàm hồ của nó. Câu hỏi như thế này: sự “tận hiến” (hay “thánh hiến”) là một hành vi của con người hay là của Thiên Chúa? Tất cả các Kitô hữu đều đã chẳng được thánh hiến trong bí tích rửa tội đó sao? Như vậy sự thánh hiến của các tu sĩ có thêm cái gì mới lạ khác thường hay không? Thêm vào đó, tư tưởng “tận hiến” ra như chỉ nhấn mạnh tới chiều kích thiêng liêng của đời tu chứ không thúc đẩy họ tham gia vào hoạt động tông đồ.
Ngoài nền tảng đạo lý, Thượng hội đồng đã đương đầu với những vấn đề hoặc thách đố cụ thể của đời tu. Chúng tôi sẽ trở lại những vấn đề này khi phân tích nội dung tông huấn của đức Gioan Phaolô II. Ở đây chỉ nên ghi nhận vài nét đặc sắc của hội nghị này. Ngoài số 244 nghị phụ ( được cử theo quy luật chung). Đức Thánh Cha còn chỉ định 75 dự thính viên (51 nữ và 24 nam, thuộc về các Dòng tu, tu đoàn tông đồ, tu hội đời), 9 dự thính viên thuộc các Giáo hội ngoài công giáo, 20 chuyên viên (12 nam và 8 nữ). Hội nghị đã khai mạc từ ngày 2/10 và bế mạc ngày 29/10. Cũng như những lần trước, thượng hội nghị kết thúc với một sứ điệp gửi Dân Chúa, chứ không biểu quyết văn kiện nào. Các cuộc bản thảo được đúc kết thành 55 đề nghị (propositiones) trình lên Đức Thánh Cha. Đặc biệt, đề nghị số 3 yêu cầu ngài xác định bản chất thần học của sự tận hiến tu trì.
Đức Gioan Phaolô 2 không những đã tham dự các phiên họp của Thượng hội đồng nhưng còn đóng góp tích cực cho thần học về đời tu qua hai bài giảng Thánh lễ khai mạc (2/10) và bế mạc (30/10), cũng như một loạt bài huấn giáo trong các buổi tiếp kiến chung hàng tuần từ ngày 28/9/94 cho đến ngày 29/3/95.
III. Tông huấn “Vita consecrata”
Tông huấn này được ban hành ngày 25/3/96 và được giới thiệu cho báo chí ngày 28/3. Sau nhập đề (số 1-13), văn kiện được chia thành ba phần:
– Phần 1 Confessio Trinitatis, bàn về sự tận hiến xét trong chiều kích đối thần (số 14-40)
– Phần 2 Signum Fraternitatis, bàn về chiều kích thông hiệp của đời tận hiến (số 41-71)
– Phần 3 Servitium Caritatis (số 72-103). Sau những lời hô hào kêu gọi, văn kiện kết thúc với những kinh nghiệm hướng lên Chúa Ba Ngôi và đức Maria (số 104-112).
Về cấu trúc của văn kiện, nên biết là từ “tài liệu làm việc” (Instrumentum laboris) cho tới bản danh mục các đề nghị (propositiones), chúng ta đều thấy một thứ tự như nhau. Đời tận hiến cần được nhìn dưới ba chiều kích: hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại, dưới ba chủ đề “consecratio – communio – missio” (thánh hiến – hiệp thông – sứ mạng). Đây là một mô hình Giáo hội học đã trở thành quen thuộc kể từ thượng hội đồng giám mục năm 1985. Khi trình bày văn kiện cho báo chí, đức hồng y Martinez Somalo (tổng trưởng bộ Tu sĩ) còn thêm rằng ba phần này đáp lại ba khát vọng của thời đại mà các tu sĩ cần đáp ứng: khát vọng giá trị tinh thần; khát vọng tình tương trợ; khát vọng bác ái vi lợi.
Văn kiện mang giọng văn của bài suy niệm và lời khuyến khích. Trong phiên họp của Thượng hội đồng, đã có nghị phụ yêu cầu Tòa thánh hãy nghiêm khắc lên án những lệch lạc của các tu sĩ, nguyên nhân của sự sa sút ơn gọi. Nhưng thay vì trách mắng, Đức Gioan Phaolo II chỉ nhẹ nhàng nhắc tới các khó khăn thách đố của đời tu (số 2; 13), các chước cám dỗ (số 38). Ngài muốn trình bày một viễn ảnh tích cực hơn, tạ ơn Chúa về hồng ân của đời tu, khuyến khích các tu sĩ hãy can đảm nhìn về tương lai (số 2; 13). Đặc biệt ngài đã trình bày vẻ đẹp (pulchritudo) của đời tu, và đay là một khía cạnh mới, lấy từ thần học Đông phương , được tiêu biểu với nhà thần học Simeon (949-1022) trích dẫn ở số 20. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (philocalia: số 19), hướng tới sự chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27), và đồng thời cố gắng tu bổ hình ảnh của Thiên Chúa đã bị méo mó trên khuôn mặt của bao anh chị em đồng loại (số 75). Những ý tưởng vừa nói được quảng diễn khi chiêm ngắm quang cảnh Chúa Giêsu biến hình trên núi. Bức tranh này được đặt làm sườn cho cả văn kiện (số 15), biến nó thành một cuộc đàm đạo thiêng liêng, với những đề tài như là: “lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa”, cũng như những đề tài liên quan tới sứ vụ truyền giáo. Thực vậy, liền sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa biến hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75): họ còn phải trèo lên một núi khác nữa, tức là núi Calvariô (số 14; 40). Đức Kitô cần phải qua núi Calvariô để vào vinh quang thiên quốc. Trước đây, đời tu trì quen được ví với việc khắc kỷ tu thân, vác thập giá để đi theo Chúa. Nhưng đó chỉ mới là cái nhìn của truyền thống latinh; còn truyền thống Đông phương thì muốn nêu bật sự biến dạng đổi hình (transfiguratio), từ con người phàm tục sang con người thần thiêng khi đi theo Chúa. Đức Gioan Phaolô 2 đã kết hợp cả hai cái nhìn về đời tu trong quang cảnh Chúa biến hình: chủ để thập giá và vinh quang gắn liền với nhau trong mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô.
Nói chung văn kiện này mang hình thức của một bài suy niệm, đặc biệt là ở phần thứ nhất. Dĩ nhiên, người đọc cần phải hòa đồng vào bầu khí đó thì mới nhận ra được vẻ phong phú của nó.
B. Chiều kích hướng thượng của đời sống tận hiến
Tông huấn “Đời sống thánh hiến” của đức Gioan Phaolô II được chia làm 3 phần, tương ứng với ba chiều kích: hướng thượng, hướng nội và hướng ngoại. Chương thứ nhất, mang tựa đề là Confessio Triniatis (Tuyên xưng Ba Ngôi) là một chương phong phú nhất xét về thần học đời tu. Xin tóm lại trong ba điểm:
– bản chất của đời thánh hiến;
– các khía cạnh của đời thánh hiến;
– giá trị của ba lời khuyên Phúc âm.
I. Bản chất của đời thánh hiến
Trên đây, chúng tôi đã tóm lại sự tiến triển của thần học đời tu từ công đồng Vaticano II đến nay. Công đồng trình bày bản chất đời tu, với ý niệm đi theo Đức Kitô (sequela Christi). Thần học sau công đồng dần dần phát triển thêm các ý niệm tận hiến (consecratio) và đoàn sủng (charisma). Trong thời gian họp thượng hội đồng Giám mục (1994) đã có nhiều vấn nạn được nêu lên chung quanh từ ngữ “tận hiến”: tận hiến (hay thánh hiến) là gì: nó là một hành vi của Thiên Chúa hay là của con người? sự thánh hiến của các tu sĩ có gì khác với sự thánh hiến của các tín hữu trong bí tích thánh tẩy hay không? sự thánh hiến của đời tu là con đẻ của lịch sử hay là nằm trong bản tính của Giáo hội? Câu hỏi cuối cùng được đặt ra bởi vì theo các học giả, đời tu trì xuất hiện vào thế kỷ thứ 3-4; như vậy nó thành hình do hoàn cảnh lịch sử, chứ không nằm trong ý định của Đức Kitô khi thành lập Giáo hội. Thượng hội đồng đã không nhất trí tìm ra câu giải đáp cho các vấn nạn vừa nêu, và đã xin Đức Thánh Cha giải quyết khi soạn tông huấn (xc. đề nghị số 3).
Đặt trong bối cảnh ấy, Tông huấn đã đánh dấu một bước tiến trong thần học về đời tu, bởi vì đã tìm ra những chìa khóa để trả lời cho các vấn nạn được Thượng hội đồng Giám mục nêu lên. Tông huấn lấy lại ý niệm “đi theo Đức Kitô” của công đồng Vaticano II và mở rộng đến tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa: nội dung súc tích của sự thánh hiến được biểu lộ khi đối chiếu với tác động của Ba Ngôi Thiên Chúa.
- Xét trong tương quan với Thiên Chúa, sự thánh hiến là một hồng ân phát xuất từ tình yêu của Chúa: Ngài đã kêu gọi con người hãy tiến lên trên đường trọn lành qua việc đi theo Đức Kitô. Ơn kêu gọi bao hàm sự tuyển chọn và thánh hiến. Khi đã nhận ra tiếng gọi đó, con người muốn đáp lại bằng việc dâng hiến toàn thân cho tình yêu. Sự tận hiến ra trong khung cảnh của giao ước tình yêu.
- Xét trong tương quan với Đức Kitô, tu sĩ muốn họa lại nếp sống của Ngài, nếp sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Xét trong tương quan với Thánh thần, đời tu là một ân huệ do Ngài đã khêu gợi lên. Đành rằng tất cả các Kitô hữu đều đã được thánh hiến cho Thiên Chúa qua bí tích rửa tội, nhưng không phải tất cả các tín hữu đều được kêu gọi để sống khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời giống như Đức Kitô. Cần có một ơn gọi đặc biệt để phát triển tất cả tiềm năng của ơn gọi Kitô hữu. Vì lý do đó mà sự thánh hiến tu trì khác với sự thánh hiến của bí tích rửa tội: nó giả thiết một ơn gọi khác (số 30).
Tiện đây nên ghi nhận rằng Chúa Thánh Thần được tông huấn nhắc đến ở rất nhiều nơi: Ngài đã ban ơn thúc giục các tín hữu đi theo Đức Kitô; Ngài đã khêu gợi lên các đặc sủng khác nhau qua các vị Sáng lập Dòng (số 5; 48); ngài là nguyên ủy của sự thông hiệp cộng đoàn (cố 41); ngài là động lực của đức ái thúc đẩy các tu sĩ ra đi phục vụ nhân loại (số 73).
Nếu hiểu rằng bản chất của đời tu hệ tại việc họa lại nếp sống của Đức Kitô, thì cần phải nhận rằng đời tu gắn liền với bản chất của Hội thánh (số 3). Hội thánh có nhiệm vụ thông truyền Đức Kitô cho nhân loại, không phải chỉ thông truyền những lời giảng của Ngài mà thôi nhưng còn phải thông truyền cả nếp sống của Ngài nữa. Vì vậy, tuy dù các hình thức, tu trì có biến đổi theo bản tính (họa lại nếp sống của Đức Kitô) găn chặt với sức sống của Hội thánh: nếu thiếu đời tận hiến thì Hội thánh sẽ chỉ là hình hài thoi thóp, bởi vì sẽ chỉ là một tổ chức xã hội như bao tổ chức nhân loại khác, khi không còn được trang điểm bởi các nhân đức thánh thiện nữa. Chính vì đời sống tận hiến làm hiển hiện nếp sống cụ thể của Đức Kitô trong Hội thánh (số 32). Nói như thế không có nghĩa là hạ giá các giáo sĩ hay các giáo dân. Mỗi bậc sống có một sứ mạng riêng, và cần được bổ túc cho nhau trong việc kiến tạo Giáo hội: các giáo sĩ bằng việc giảng lời Chúa, cử hành bí tích, điều hành cộng đoàn; các giáo dân bằng việc đem các giá trị Phúc âm vào các thực tại trần thế; các phần tử đời tận hiến bằng chính đời sống thánh thiện (số 33).
II. Các khía cạnh của đời thánh hiến
Có thể vạch ra ít là 6 khía cạnh của đời thánh hiến; Kitô, Tam vị, Giáo hội, Truyền giáo, Cánh chung, Maria.
1) Kitô. Đây là khía cạnh được quảng diễn rộng hơn cả. Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15; 18), họa lại nếp sống của Ngài, đời tận hiến tiến tới chỗ “đồng hóa hiện thân” (số 16: assimilatio conformativa) với Ngài. Ngoài việc họa lại nếp sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô, đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm thập giá và phục sinh của ngài nữa (số 23-24).
2) Tam vị. Sự hòa đồng với nếp sống của Đức Kitô đương nhiên bao hàm tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Kitô sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Khía cạnh tam vị của đời tận hiến được quảng diễn cách riêng khi bàn tới các giá trị của các lời khuyên Phúc âm (số 21), của đoàn sủng (số 36) và sự thông hiệp cộng đoàn (số 41). Trước khi kết thúc văn kiện, một kinh nguyện đã được dâng lên Ba Ngôi (số 111).
3) Giáo hội. Đời thánh hiến nằm trong bản chất thánh thiện của Giáo hội. Giáo hội có sứ mạng chuyển thông Đức Kitô cho nhân loại; nhưng Đức Kitô không thể chỉ được chuyển thông bằng ý niệm nhưng còn bằng cả lối sống nữa (số 3; 29). Ngoài ra, đời thánh hiến biểu lộ mối tình chung thủy của Giáo hội dành cho Đức Kitô, hôn phu của mình (số 34).
4) Truyền giáo (số 25) và cánh chung (số 26). Việc họa lại nếp sống của Đức Kitô đương nhiên cũng kèm theo việc họa lại trót tâm tình của ngài, tận hiến cho việc phục vụ Nước Thiên Chúa (số 18; 22; 25; 27; 72). Phần thứ ba của tông huấn được dành cho đề tài này. Đời tận hiến loan truyền và thể hiện Phúc âm sống động (số 25). Đời tận hiến tiên báo các thực tại cánh chung của Nước Chúa (số 27; 32).
5) Maria. Đức Maria được trình bày như mẫu gương của đời thánh hiến (số 28):
– mẫu gương trong việc đáp lại tiếng Chúa gọi;
– mẫu gương trong việc đi theo Chúa;
– mẫu gương trong việc thông dự vào mầu nhiệm Vượt qua (số 23);
– mẫu gương cho tình yêu phong nhiêu (số 34).
Ngoài ra Đức Maria còn là mẹ của các người tận hiến, cầu bầu cho họ trung thành với ơn gọi. Tông thư đã kết thúc với lời nguyện dâng lên Đức Maria (số 112).
III. Giá trị của ba lời khuyên Phúc âm
Tông thư đã trình bày ba lời khuyên Phúc âm được nhìn dưới nhiều khía cạnh. Tiên vàn ba lời khuyên nhằm họa lại nếp sống của Đức Kitô (số 18). Từ đó tông thư khai triển các giá trị phong phú của ba lời khuyên, khi đặt trong mối tương quan với Ba ngôi (giá trị tuyên xưng), khi đối chiếu với các khuynh hướng nhân bản (giá trị giải phóng).
1/ Ba lời khuyên Phúc âm mang giá trị tuyên xưng Đức Kitô trong tương quan với Chúa Cha (số 16):
– Sự khiết tịnh bắt chước tình yêu thanh khiết của Đức Kitô, và tuyên xưng ngài là Con một, hoàn toàn hợp nhất với Chúa Cha.
– Sự khó nghèo tuyên xưng đức kitô là Con, lãnh nhận hết mọi sự từ Chúa Cha.
– Sự vâng phục tuyên xưng Đức Kitô là Con rất yêu dấu của Chúa Cha, tìm hết cách đểlàm vui lòng Cha.
Ba lời khuyên Phúc âm còn là biểu lộ tình yêu của Chúa Con đối với Cha trong sự hợp nhất của Thánh Thần (số 21).
– Sự khiết tịnh phản ảnh tình yêu liên kết Ba Ngôi Thiên Chúa, tình yêu mà Chúa Cha đã tỏ ra khi ban Con mình cho nhân loại; tình yêu được Thánh Thần đổ xuống tâm hồn ta.
– Sự khó nghèo tuyên xưng sự giàu sang tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng đã phân phát dồi dào các hồng ân của Ngài cho vạn vật cho tới mức hủy diệt mình vì chúng.
– Sự vâng lời tuyên xưng tình yêu hỗ tương giữa Ba ngôi, một sự vâng phục hiếu thảo chứ không phải nô lệ.
2/ Ba lời khuyên Phúc âm thăng tiến các khuynh hướng tự nhiên của con người, gắn liền với phái tính, chiếm hữu tài sản và tự do tự quyết (số 87-92). Sự khiết tịnh nêu bật giá trị của tình yêu trao hiến. Sự khó nghèo mở rộng con tim đến tình liên đới chia sẻ với những thành phần xấu số trong xã hội. Sự vâng lời cho thấy thế nào là sự tự do đích thực: tự do được hướng dẫn bởi chân lý.
Trên đây là sơ lược những nét chính của thần học về đời tu. Đức Gioan Phaolo II đã trình bày chúng khi chiêm ngắm quang cảnh Đức Kitô biến hình trên núi, để cho thấy tất cả vẻ đẹp của nó. Việc chiêm ngắm đó đưa tới những hệ luận cho cuộc sống: cố gắng sống cho xứng với lý tưởng đồng hóa với Đức Kitô, cách riêng trong tâm tình tri ân hiếu thảo với Chúa Cha, cũng như trong tâm tình phục vụ đến mức trao hiến mạng sống.
C. Chiều kích hướng mội của đời sống tận hiến
Chương thứ hai của tông huấn “Vita consecrata” mang tựa đề là Signum fratemitatis (dấu chỉ của tình huynh đệ), bàn về chiều kích hướng nội của đời sống tận hiến. Đời sống tận hiến bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính khi chiêm niệm nguồn gốc của mình, các phần tử tận hiến cũng tìm thấy một mô hình kiểu mẫu để tổ chức đời sống cộng đoàn của mình: mô hình thông hiệp và huynh đệ (số 41). Từ đó, đời sống tận hiến trở thành dấu chỉ của sự thông hiệp của Giáo hội (số 42) và trở thành men bột để phát triển tình huynh đệ đại đồng của nhân loại, mục tiêu của công cuộc truyền giáo (số 47).
Trong chương hai, tông huấn đề cập đến những cấp độ khác nhau của sự thông hiệp:
– thông hiệp huynh đệ trong cộng đoàn (số 42-45);
– thông hiệp với Giáo hội toàn cầu cũng như Giáo hội địa phương (số 46-51);
– thông hiệp giữa các Dòng tu với nhau (số 52-53);
– thông hiệp với các giáo dân (số 54-56).
Bên cạnh những giá trị có tính cách hằng cửu, tông huấn bàn đến một vài vấn đề cụ thể mà Thượng hội đồng các giám mục năm 1994 đã nêu ra. Một cách cụ thể hơn, có ba vấn đề mà chính thức đức Gioan Phaolô 2 cho biết là sẽ thiết lập ủy ban để cứu xét, đó là:
– nội vi của các Dòng kín (số 59);
– các tu sĩ không có chức thánh có thể làm bề trên trong các Dòng hỗn hợp (số 61);
– các hình thức tu trì mới chẳng hạn như mở rộng cho những người đã lập gia đình (số 62).
Phần chót của chương hai bàn về việc tuyển mộ ơn gọi và đào tạo (số 63-71).
Xét vì các vấn đề quá nhiều và phức tạp, nên tông huấn quy chiếu về những văn kiện của Tòa thánh đã ban hành trước đây, đặc biệt là ba văn kiện sau:
1/ Về đời sống huynh đệ, Vita fraterna in communitate, do bộ tu sĩ ban hành ngày 2-2-1994;
2/ về tương quan giữa các Giám mục và tu sĩ, Mutuae relationes, do bộ Giám mục và bộ tu sĩ đồng bna hành ngày 14-5-1978;
3/ về việc đào tạo, Potissimum insitutioni, do bộ tu sĩ ban hành ngày 2-2-1990.
Chúng ta hãy rảo qua nội dung của chương hai, tóm lại trong hai mục chính: những cấp độ thông hiệp và việc đào tạo.
I. Những cấp độ thông hiệp
Như đã nói, mẫu mực của sự thông hiệp là Ba Ngôi Thiên Chúa (số 41). Sự thông hiệp của các phần tử tận hiến cũng còn có giá trị tuyên xưng Ba Ngôi nữa: tuyên xưng Chúa Cha muốn quy tụ hết mọi người vào một gia đình; tuyên xưng Chúa Con đã nhập thể để thu thập những người lạc lối về làm một; tuyên xưng Thánh Thần là nguyên ủy của sự hiệp nhất của Giáo hội (số 21). Ngoài mẫu mực từ Chúa Ba Ngôi, tông huấn còn trình bày một mẫu mực khác từ cộng đoàn các Kitô hữu ở Giêrusalem (số 45; xc.41). Cảm hứng từ những khuôn mẫu đó, đời sống tận hiến muốn họa lại và xây dựng các cấp độ thông hiệp giữa các phần tử trong cộng đoàn, rồi từ đó mở rộng ra tới cộng đoàn Giáo hội và xã hội nhân loại.
1. Đời sống huynh đệ
Văn kiện của Bộ tu sĩ năm 1994 (số 3) đã ghi nhận sự khác biệt giữa đời sống huynh đệ (vita frate) và đời sống chung (vita in conmmuni): đời sống huynh đệ là cái hồn, biểu lộ của tình yêu thương, đời sống chung là cái xác, nhằm bảo vệ và phát triển cái hồn. Luật lệ có thể truyền buộc tuân giữ đời sống chung (tham gia vào sinh hoạt cộng đoàn); nhưng chưa đủ để tạo ra đời sống huynh đệ. Sự phân biệt này được lặp lại ở số 42; xét về mặt pháp lý, chỉ có các phần tử của các Dòng tu và của các tu đoàn tông đồ mới buộc phải giữ đời sống chung; còn đời sống huynh đệ là một yêu sách của hết các người tận hiến (dù là thành viên tu hội đời). Những yếu tố xây dựng đời sống huynh đệ là Lời Chúa, bí tích thánh thể và hòa giải, sự cầu nguyện, đoàn sủng của Dòng, công hội Các bề trên cũng có vai trò then chốt để xây dựng sự thông hiệp cộng đoàn (số 43). Số 44 dành cho những phần tử yếu đau già lão, một thực tại của nhiều cộng đoàn hiện nay bên Âu mỹ.
2) Sự thông hiệp trong Giáo hội
Đời sống tận hiến gắn chặt với bản tính của Giáo hội; vì vậy mà các phần tử của đời tận hiến cũng cần cảm thấy gắn bó với Giáo hội (sentire cum Ecclesia: số 46). Trong mối tương quan của đời tận hiến với Giáo hội, tông thư bàn tới hai cấp độ:
Giáo hội toàn cầu;
Giáo hội địa phương.
Mối tương quan với Giáo hội toàn cầu được biểu lộ qua sự thông hiệp với Tòa thánh, và qua việc phục vụ các miền truyền giáo trên toàn thế giới (số 47). Mối tương quan với Giáo hội địa phương được xét dưới nhiều khía cạnh.
– Tương quan giữa các tu sĩ với các Giám mục. Ngoài việc quy chiếu về văn kiện “Mutuae relationes”, tông huấn đưa ra vài đề nghị cụ thể: sự hiện diện của đại biểu các Bề trên Dòng tu cạnh Hội đồng Giám mục; và sự hiện diện của đại diện Hội đồng Giám mục cạnh hiệp hội các Bề trên thượng cấp (số 50). Sự đối thoại không chỉ dừng lại ở cấp độ quốc gia, nhưng còn phải tiếp nối ở cấp độ giáo phận, đặc biệt là trong việc phối hợp các kế hoạch tông đồ. Giám mục không được phép cưỡng bách một Dòng tu phải đảm nhận một công tác trái ngược với đặc sủng của họ; đối lại, một Dòng tu cũng không được phép nại tới đặc ân miễn trừ để không cần đếm xỉa tới các kế hoạch tông đồ của giáo phận.
– Tương quan giữa các Dòng tu (số 52-53). Sự thông hiệp khởi đầu từ những dòng có cùng một linh đạo cần tiến tới hết tất cả các Dòng, trong việc giúp nhau thi hành ơn gọi tận hiến. Sự hợp tác có thể diễn ra nhiều cách: qua các cơ quan (Hiệp hội các Bề trên thượng cấp), qua việc tổ chức các cơ sở đào tạo, qua việc thông tin chia sẻ để nâng đỡ tinh thần trong những hoàn cảnh khó khăn của đất nước.
– Tương quan giữa các tu sĩ và các giáo dân (số 54-56). Sự hợp tác có thể diễn ra trong nhiều lãnh vực: hợp tác trong các công tác tông đồ: chia sẻ về tu đức linh đạo.
II. Công cuộc đào tạo
Su khi đã nói tới việc cầu nguyện và tuyển mộ ơn gọi (số 64), tông huấn đã dành các số 65-71 cho công cuộc đào tạo. Các chi tiết đã được mô tả trong văn kiện của Bộ Tu sĩ Potissimum institutioni ban hành năm 1990. Ở đây chỉ cần ghi nhận vài nét chính.
– Mỗi Dòng tu cần phải soạn thảo một chương trình đào tạo (số 68). Ngoài ra, cần phải để ý tới việc huấn luyện các huấn luyện viên nữa (số 66).
– Sự đào tạo được hướng dẫn bởi hai tiêu chuẩn chính: trung thành với ơn gọi tận hiến, trung thành với đặc sủng của Dòng (số 65; 71). Vì vậy sự đào tạo bao hàm nhiều khía cạnh: nhân bản, đạo đức, tri thức, chuyên nghiệp. Cách riêng số 98 đã khuyến khích các tu sĩ hãy chuyên cần học hành. Sự học hành không những trau dồi kiến thức mà còn là phương thế khổ chế nữa.
– Sự đào tạo kéo dài suốt đời. Tiếp theo sựd đào tạo khởi thủy (hướng tới việc nhận ra ơn gọi và dấn thân vĩnh viễn trong Dòng tu) là sự đào tạo liên tục, cần được nhấn mạnh vào những thời điểm thường gây ra khủng hoảng, được kể ra ở số 70: những năm đầu va chạm với thực tế: khi công việc trở thành máy móc: khi bản lĩnh đồng nghãi với ích kỷ: khi rút lui về hưu dưỡng: lúc sắp tạ thế.
Kết luận
Những vấn đề linh tinh
Có ba vấn đề được trao cho ủy ban cứu xét.
1) Nội vi của các Dòng kín (số 59). Có lẽ vấn đề được đặt ra không phải là cho phép các chị dễ đi ra cho bằng là cho phép người ngoài để đi vào. Nói cách khác, có nên để cho các chị nhà kín cũng được đảm nhận vài công tác tông đồ: mở trường học, trung tâm cấm phòng tại tu viện. v.v…
2) Trong những Dòng “hỗn hợp” (Instituta mixta số 61), nghĩa là gồm bởi những tu sĩ không có chức thánh. Theo giáo luật hiện hành, chỉ có những ai có chức thánh mới có thể nắm quyền cai quản. Vài Dòng đã yêu cầu cho hết tất cả mọi người, bất luận có chức thánh hay không, cũng đều có thể làm bề trên. Nên biết là vấn đề chỉ được đặt ra cho các Dòng hỗn hợp theo nghĩa chặt, nghĩa là vào hồi nguyên thủy chưa có sự phân biệt giữa tu sĩ và giáo sĩ (thí dụ: Dòng Biển-đức, Phan-sinh). Còn những Dòng nào đã được định nghĩa là “tu huynh” (frères, thí dụ Dòng Bệnh viện, Sự huynh Lasan) hoặc “giáo sĩ” (Dòng Đa-minh, Dòng Tên) thì khác (số 60).
3) Những hình thức tu trì mới (số 62). Đừng kể những tu viện “kép” (nam nữ ở cạnh nhau), có nơi còn thâu nhận cả những phần tử đã lập gia đình vào tu nữa.
Riêng về mối tương quan giữa giáo dân với các tu sĩ, thiết tưởng không nên bỏ qua những gợi ý ở các số 54-55. Trước đây, chỉ có những Dòng cổ (chẳng hạn: Biển-đức, Phan-sinh, Đa-minh, Cát-minh) mới có Dòng ba; nhưng gần đây nhiều dòng mới lập cũng có những hiệp hội tương tự giành cho những giáo dân muốn chia sẻ linh đạo của mình. Hơn thế nữa, có những Dòng còn chấp nhận cho những giáo dân thiện nguyện được kết nạp một thời gian, và cũng được tham gia vào các hoạt động của Dòng.
Sau cùng, một câu chuyện khá sô nổi trong thời gian họp Thượng hội đồng là vai trò của nữ giới. Tông thư đã dành hai số 57-58 để tri ân các phụ nữ, cũng như mời gọi họ đào sâu thêm thiên chức của mình, tựa như: dấu chỉ của khuôn mặt dịu dàng âu yếm của Thiên Chúa, dấu chỉ của Giáo hội vừa trinh khiết vừa hôn thê và mẹ. Bao nhiêu môi trường đang chờ đợi sự góp phần của các nữ tu: rao giảng Tin mừng, giáo dục thanh thiếu niên, đào tạo chủng sinh và tu sĩ, linh hoạt các cộng đoàn tín hữu, linh hướng, thăng tiến nhân phẩm, bảo vệ sự sống và hòa bình.
D. Chiều kích hướng ngoại của đời sống tận hiến
Chương 3 của tông huấn “Vita Consecrata”, mang tựa đề Servitium caritatis (Phục vụ bác ái). Có thể coi đấy như chiều kích hướng ngoại của đời tận hiến tham gia vào sứ mạng của Giáo hội.
I. Tận hiến và sứ mạng
Từ sau công đồng Vaticano II, thần học về đời tu chia ra hai khuynh hướng chính.
– Một khuynh hướng muốn nhấn mạnh tới chiều kích hướng thượng và định nghĩa đời tu như là sự tận hiến cho Thiên Chúa. Đời tu không phải được đánh giá qua những công tác tông đồ cho bằng qua tình yêu dâng hiến.
– Khuynh hướng thứ hai thì cho rằng ý niệm tận hiến chỉ đúng cho các Dòng đan tu chiêm niệm, chứ không áp dụng cho các dòng tông đồ; đa số những dòng này được thành lập nhằm để thi hành một công tác bác ái nào đó (từ mục vụ giáo xứ, truyền giáo cho tới việc giáo dục thanh niên hoặc săn sóc bệnh nhân, người nghèo, v.v…). Theo khuynh hướng này, căn cước của đời tu được biểu lộ qua “sứ mạng” (missio) hay “đặc sủng” (charisma) của mỗi Dòng.
Xem ra đức Gioan Phaolô II nghiêng về khuynh hướng thứ nhất, bởi vì đã dùng ý niệm “tận hiến” để định nghĩa căn cước của đời tu (Vita consecrata). Trên thực tế, tông huấn đã muốn gắn chặt hai khía cạnh “tận hiến” và “sứ mạng” với nhau. Sự tận hiến bao hàm sứ mạng: việc hòa đồng với nếp sống của Đức Kitô cũng kèm theo việc tham gia vào sứ mạng của ngài. Đức Kitô đã được Chúa Cha thánh hiến và sai đến trần gian (Ga 10, 36) để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Mặt khác, chính đời sống tận hiến cho Thiên Chúa là một công việc truyền giáo hùng hồn hơn cả, bởi vì không những nó trình bày cho thế giới một bằng chứng của Phúc âm diễn tả thành cuộc sống, nhưng nó còn biểu lộ thành quả ưu tú nhất của công cuộc truyền giáo, đó là con tim đã được Đức Kitô chiếm đoạt trọn vẹn (số 25). Đời sống huynh đệ cũng là một hậu quả của sự thông hiệp hòa giải của ơn cứu chuộc, khi mà những con người với cá tính khác biệt đã biết đối xử với nhau như anh em vui sống êm ấm một nhà (số 72).
Nhận xét tổng quát vừa kể đưa tới hia hệ luận sau đây:
Thứ nhất. tất cả các tu sĩ đều có nhiệm vụ tham gia vào công cuộc truyền giáo (kể cả các Dòng kín), bởi vì tất cả các tu sĩ đều muốn đi theo Đức Kitô trong việc mang tình yêu của Chúa đến cho nhân loại.
Thứ hai, tất cả các tu sĩ cần thâm tín rằng công tác truyền giáo độc đáo nhất của họ là chính việc sống ba lời khuyên Phúc âm, bởi vì nhờ đó mà cuộc đời của Đức Kitô được truyền bá không phải như là những hàng chữ chết mà đã trở nên hiện thực.
Khi muốn diễn tả chiều kích hướng ngoại của đời tận hiến, tông huấn đã sử dụng những ý niệm: sứ mạng (missio), dấu chỉ (signum), chứng tá (testis), ngôn sứ (vaticinium, indoles prophetica) xc. số 15; 25; 35; 73; 84.
Sau khi bàn đến sứ mạng của đời tận hiến nói chung, tông huấn bước sang các hình thức đặc thù của các hoạt động của mỗi Dòng tùy theo đặc sủng của họ. Danh từ “đặc sủng” (Charisma) được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như khi nói tới sự đa dạng của đời tu (số 5b; 19; 32), chiều kích Ba Ngôi (số 36), việc đào tạo (số 68), linh đạo (số 37; 93), tổ chức nội bộ và hoạt động tông đồ (số 48; 63; 72), hội nhập văn hóa (số 80). Mỗi Dòng cần phải biết trung thành bảo vệ đặc sủng của mình (số 36); sự trung thành không đồng nghĩa với bảo cổ, nhưng là “trung thành sáng tạo” (fidelitas efficiens, actuosa, số 37; 74) biết đáp ứng với những đòi hỏi của thời đại. Chúng ta không thể tự mãn với lịch sử đã qua nhưng còn phải viết lên những trang sử mới (số 110).
Riêng về các hình thức tu trì và hoạt động tông đồ, chúng ta thấy có những sự phân loại đại cương như sau:
1/ Xét theo dòng lịch sử (từ số 5-11): đan tu, hành trình nữ, ẩn sĩ, góa bụa; Dòng thuần túy chiêm niệm; Dòng tông đồ, Tu hội đời, Tu đoàn tông đồ.
2/ Xét theo những hình thức phục vụ bác ái (số 32); các tu sĩ sống đời chiêm niệm họa lại Đức Kitô cầu nguyện trên núi; các tu sĩ hoạt động bày tỏ Đức Kitô loan báo Nước Trời cho đám đông, hoặc chữa lành những kẻ thương tích bệnh tật và giúp các tội nhân đổi mới cuộc đời, chúc lành các nhi đồng, làm việc từ thiện cho hết mọi người; các thành viên tu hội đời muốn tiêm nhiễm tinh thần Phúc âm vào thực tại trần thế.
II. Vài vấn đề khẩn trương
Nguồn gốc của đời tận hiến nói chung và của từng Dòng nói riêng là một hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội. Vì thế Giáo hội và các Dòng cần phải biết bảo tồn hồng ân đó. Mặt khác, Thánh Thần vẫn còn tiếp tục tác động trong dòng lịch sử. Việc trung thành với Thánh Thần đòi hỏi cả việc trung thành nhận ra tiếng gọi của Ngài hôm nay, qua những dấu chỉ thời đại hoặc những thách đố (số 73). Thực ra điều này đòi hỏi sự phán đoán siêu nhiên (iudicium, tiếng Ý: discernimento), bởi vì không thể nào đồng hóa “dấu chỉ” với “mốt” của thời đại; lắm lần thời trang là con đẻ của tinh thần thế gian chứ không phải của tinh thần tận hiến. Các tu sĩ cần thâm tín rằng việc sống theo ba lời khuyên Phúc âm trái ngược với não trạng của thế gian, ham chuộng khóai lạc, hưởng thụ, bóc lột (số 87-92). Đời tu cần được hội nhập vào văn hóa, nhưng đồng thời cũng cần phải tiêm nhiễm văn hóa của Phúc âm (số 98).
Trong những môi trường khẩn trương đang thách đố sự dấn thân của các tu sĩ, đức Gioan Phaolô II đã liệt kê: việc truyền giáo cho lương dân (số 76-78); việc hội nhập văn hóa (số 79-80); phục vụ người nghèo và những thành phần bị bỏ rơi (số 82); săn sóc các bệnh nhân (số 83); giáo dục (số 96-97); truyền thông xa hội (số 99), đối thoại đại kết (số 100-101); đối thoại liên tôn (số 102).
III. Từ sứ mạng đến tận hiến
Tông huấn “Vita Consecrata” đi từ đề tài “tận hiến” ở chương một để phát triển sang đề tài “sứ mạng” ở chương ba. Như đa nói trên đây, hai đề tài đó gắn liền với nhau. Để kết luận, ta có thể nói rằng đề tài sứ mạng lại dẫn về đề tài tận hiến. Lý do đễ hiểu: nếu thiếu đời sống nội tâm phong phú, thì bao nhiêu công tác tông đồ sẽ chẳng mang lại kết quả gì hết (số 84). Hơn thế nữa, công tác tông đồ quan trọng hơn cả mà giáo hội mong đợi nơi các tu sĩ và chứng tá của sự thánh thiện (số 33-35). Vì thế không lạ gì, chính trong phần cuối của tông thư, đức Gioan Phaolô II đã đề cập tới “linh đạo” của đời tận hiến. Ở số 93, linh đạo được định nghĩa cách tổng quát như là đời sống tinh thần (vita spiritalis), nghĩa là sống theo hướng dẫn của Thánh Thần để đồng hóa sát với Đức Kitô hơn và yêu mến phục Giáo hội hơn. Theo nghĩa chặt, linh đạo của một Dòng (modus singularis spiritalitatis) được coi như là một chương trình cụ thể về tương quan với Thiên Chúa và khung cảnh, chú trọng tới vài nét cá biệt về đạo đức hay hoạt động.
Thực ra, linh đạo của đời tận hiến đã được trình bày trong suốt văn kiện, ngay từ những trang đầu tiên. Linh đạo ấy được diễn tả với nhiều đặc trưng:
– linh đạo tận hiến (số 3), nghĩa là thuộc trọn về Chúa, với tình yêu không chia sẻ, tựa như hiến lễ toàn thiêu (số 17). Tình yêu dâng hiến đáp lại tình yêu tuyển chọn của Thiên Chúa, và diễn ra tình yêu dành cho tha nhân.
– linh đạo biến hình đổi dạng với Đức Kitô (số 14: christiformis), đồng hóa với Đức Kitô (số 16: conformation), với tâm tình, nếp sống và hoạt động của Ngài: linh đạo của các chân phúc (số 33).
– linh đạo thông hiệp, huynh đẹ (số 46: 51).
– linh đạo tông đồ (hành động), nghĩa là “nhìn Chúa trong hết mọi sự và nhìn hết mọi sự trong Chúa” (số 74): linh đạo của ngôn sứ, từ cảm nghiệm mật thiết với Chúa đến chỗ trở thành tiếng nói của Chúa (số 84-85).
– linh đạo phục vụ (số 75), trao hiến tất cả, không dè sẻn, bất vụ lợi, theo gương cô Maria Bêtania (số 104), theo gương các anh hùng tử đạo (số 86).
Đức Gioan Phaolô II không dừng lại ở những lời hay ý đẹp. Ngay từ chương thứ nhất, Ngài đã nhắc nhở các tu sĩ về con đường phải đi để có thể biến hình với Chúa, đó là sự cầu nguyện và từ bỏ mình, chiến đấu với các chước cám dỗ, trong đó phải kể cả chước cám dỗ đi tìm hiệu quả việc làm dựa trên tiêu chuẩn của thế gian (số 38). Sang chương 3, tông huấn đi sâu hơn vào những phương thế giúp cho đường thiêng liêng được tăng trưởng: lắng nghe lời Chúa (số 94), cử hành phụng vụ và các bí tích (số 95), nếp sống khiêm tốn đạo bạc (số 82), thống hối và cải hoán (số 103).
Kết luận
Ngay từ đầu (số 2), ra như đức Gioan Phaolô II đã muốn cho thấy cung giọng của tông huấn là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa vì hồng ân của đời sống thánh hiến ban cho Giáo hội. Dù nhận biết rằng đời tu trì đang trải qua cơn khủng hoảng, nhưng mà thay vì trách móc thì tông huấn muốn thôi thúc hy vọng hướng về tương lai (số 13). Vào cuối văn kiện (số 109-100), Đức Thánh Cha mời các tu sĩ hãy hợp giọng trong bài ca ấy, bằng cách để cho hồng ân của Chúa chiếu rực trong cuộc đời của mình, làm sao cho nhân loại thấy họ biến hình, nghĩa là có thể nhận thấy Đức Kitô nơi khuôn mặt và cuộc sống của họ.