Thân Cát Bụi

116

Thân Cát Bụi

 



1_0_668971Mỗi dịp Mùa chay, chúng ta lại có dịp chiêm ngắm mầu nhiệm về con người. Con người được Thiên Chúa sáng tạo theo hình ảnh của Ngài và với tình yêu nên con người mang nơi mình sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa, nghĩa là con người biết yêu thương và biết đáp trả tình yêu một cách ý thức và tự do. Tuy nhiên, khi đặt mình vào sự bao la và mênh mông của vũ trụ, con người chỉ nhỏ nhoi như một hạt bụi. Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh. Vì là thân cát bụi, chúng ta sẽ trở về cát bụi.

Tại sao con người lại được ví là bụi đất? Bụi đất là một cái gì vô giá trị! Thậm chí nó còn tượng trưng cho cái gì dơ bẩn, là biểu hiệu của cái gì hoang tàn và chết chóc. Nó không có hình thù cụ thể, không có khuôn mặt; thường bị người ta chà đạp dưới chân. Nó không tự làm chủ mình, nó bay theo mọi cơn gió; nó bay khắp nơi, đâu đâu cũng là chỗ của nó nhưng nó lại không có một chỗ cư ngụ ổn định. Bụi đất là thế, nhưng con người thì đẹp đẽ, cao quý đến thế tại sao lại được ví như bụi đất.

Thực ra, hình ảnh tro bụi xuất hiện trong Kinh Thánh nhiều lần. Trong sách Sáng Thế, Abraham đã nhận mình là thân tro bụi, ông đã thân thưa với Chúa rằng: Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa…”. Còn các Thánh Vịnh gia, khi ý thức được sự yếu hèn của phận người, đã thốt lên rằng: “Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn người nhớ: ta chỉ là tro bụi”.

Vì mang thân phận tro bụi, con người yếu hèn và mong manh về mọi phương diện: Yếu đuối về thể lý, tâm lý cũng như tâm linh. Chỉ cần một cơn gió nhẹ, cũng đủ để làm con người gục ngã. Con người cũng dễ dàng bị chao đảo, dễ dàng sa vào vòng tội lỗi và hậu quả của tội là sự chết. Mỗi ngày chúng ta sống nhưng cũng đồng thời chúng ta đang tiến gần đến sự chết. Dường như cái chết chính là cùng đích của con người.

Tuy ý thức về thân phận bụi đất như thế, nhưng con người không bi quan về thân phận của mình. Đối với chúng ta là những người Công giáo, chúng ta tin rằng, chúng ta là hạt bụi, nhưng chúng ta được hóa thân nhờ tình yêu của Thiên Chúa, và theo giống hình ảnh của Ngài nên chúng ta cũng mang nơi mình sự vĩ đại của Ngài. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mặc dù không phải là người Công Giáo, nhưng khi gẫm suy thân phận của con người, ông đã không ngại ngùng để ca ngợi thân phận bụi tro của mình. “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi… Ôi, cát bụi tuyệt vời”. Nó vẫn tuyệt vời ngay khi “lá úa trên cao rụng đầy”, chứ không phải chỉ tuyệt vời khi “vươn hình hài lớn dậy” mà thôi.

Vâng, dường như con người nhận ra thân phận bụi tro của mình, nhưng con người cũng cảm nhận được niềm hy vọng nơi mình. Vì chính Ngôi hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người, và chấp nhận sự yếu đuối của phận người, nghĩa là Người đã chấp nhận mang lấy thân phận bụi đất của chúng ta, để rồi nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngài, bụi đất của ta sẽ được lãnh nhận hơi thở sự sống của Thiên Chúa. Như thế, bụi tro không còn là cùng đích của chúng ta, dẫu rằng chúng ta vẫn phải trở về bụi tro nhưng tro bụi không còn là điểm tới, nhưng là khởi điểm để đưa con người vào cuộc sống vinh quang bất diệt.

Lạy Chúa,
Trong mùa chay này,
Xin cho chúng con nhận ra
Sự nhỏ bé của chúng con.
Chúng con là thân cát bụi
Nhưng là cát bụi tốt lành,
Là cát bụi vô tri,
Nhưng được sống động nhờ sự sống của Chúa,
Là hụt bụi nhơ nhớp,
Nhưng lại được Chúa yêu,
Xin cho chúng con biết chết đi mỗi ngày,
Dám để cho mình được tan biến,
Để cùng được sống lại trong tình yêu vinh hiển của Ngài.

 

Nguyễn Minh Triệu sj