Củng cố đức tin và khích lệ “đàn chiên nhỏ bé”, cổ vũ cuộc gặp gỡ và đối thoại với các tôn giáo lớn, thúc đẩy hòa bình và bảo vệ sự sống cũng như môi trường cách trọn vẹn.
Đây là ba điểm chính trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 32 của ĐTC Phanxicô tại Thái Lan và Nhật Bản.
Trong thông điệp video gửi đến Bangkok, ĐTC xác nhận rằng, ngài sẽ gặp cộng đồng Công giáo Thái Lan để khích lệ đức tin, bằng cách tin tưởng đóng góp “để làm nổi bật tầm quan trọng của việc đối thoại liên tôn, hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau trong tình huynh đệ, đặc biệt để phục vụ cho người nghèo, những người túng thiếu và phục vụ cho hòa bình.
Chuyến đi đến Châu Á của ĐTC Phanxicô sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 26 tháng 11. Hai quốc gia này đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô viếng thăm, vào năm 1981 tại Nhật Bản và 1984 tại Thái Lan.
ĐTC đang đến gần chuyến đi này với một cảm giác “quý trọng” vì các dân tộc này đang thực hiện “những nỗ lực cụ thể để tìm kiếm sự hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo của mình”; với “lòng biết ơn sâu sắc”, và niềm vui đặc biệt, vì những chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc viếng thăm này. Giấc mơ nay đã thành hiện thực. Thật vậy, khi còn ở chủng viện, chàng thanh niên Gioan Jorge Mario Bergoglio [Giáo hoàng đương kim] đã bày tỏ mong muốn được sai đi truyền giáo tại Nhật Bản, nhưng bề trên đã quyết định cách khác.
ĐTC sẽ đưa ra 20 bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha. Sẽ có hai người phiên dịch : nữ tu Ana Rosa Sivori, dòng Salêdiêng, em họ của ĐTC và Renzo De Luca, người Argentina, học trò cũ của ĐTC, hiện đang sống tại Nhật Bản.
Thái Lan có khoảng 380.000 Kitô hữu, chiếm 1% dân số, trong khi tại Nhật Bản có khoảng 536.000 người Công giáo chiếm 0,4% dân số. ĐTC sẽ chủ sự thánh lễ bằng tiếng Anh tại Thái lan, và tiếng Latin tại Nhật Bản.
Người công giáo có mặt tại hai quốc gia này từ thế kỷ 16, mặc dù họ phải chịu rất nhiều những cuộc đàn áp nặng nề cho đến thế kỷ 19. Vì thế, những thời điểm quan trọng trong chuyến đi này tại Thái lan là viếng thăm đền thờ Chân phước Nicolas Bunkred Kitbamrung, chết vì bệnh lao năm 1944, sau khi bị giam giữ vì những nỗ lực truyền giáo ở miền Bắc nước này. Và tại Nhật Bản, khán đài được dựng lên tại ngọn đồi ở Nagasaki, nơi thánh Phaolô Miki và 25 bạn bị giết chết vào năm 1597.
Đại đa số người Thái là Phật tử, trong khi hầu hết người Nhật theo Phật giáo và Thần đạo. Tại Bankok sẽ diễn ra buổi họp với vị đứng đầu giáo hội Phật giáo, sau đó ĐTC sẽ gặp gỡ một số nhà lãnh đạo tôn giáo, và cũng có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi như thế tại Hiroshima, thành phố “tử đạo” như ở Nagasaki, vì bom nguyên tử vào năm 1945.
Ngoài ra, trong chuyến tông du này, ĐTC sẽ gặp các nhà lãnh đạo của hai quốc gia: Vua Rama X và thủ tướng Prayuth Chan-ocha tại Bankok; Vua Naruhito và Thủ tướng Shinzo Abe tại Tokyo. Đặc biệt là viếng thăm, gặp gỡ các nạn nhân của thảm họa động đất, sóng thần và sự cố Fukushima xảy ra vào năm 2011. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9.0 MW ngoài khơi Nhật Bản. Trận động đất đã gây ra sóng thần lan dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản và một số nước lân cận. Sóng thần cao đến 38,9 m đã đánh vào Nhật Bản chỉ vài phút sau động đất. Hai ngày sau đó, nhà máy điện hạt nhân Fukushima I bị nổ và rò rỉ, khiến chính quyền phải di tản toàn bộ số dân cư trong khu vực bán kính 3 km.
Tháp tùng trong chuyến đi này có Đức Hồng y Pietro Parolin tổng trưởng; ĐHY Fernando Filoni, bộ trưởng Bộ Truyền giáo và Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, Đức giám mục Miguel Angel Ayuso Guixot.
Trong chuyến bay từ Ý đến Bankok và Nhật Bản, ĐTC sẽ gửi điện thư cho các quốc gia ngài đi ngang qua: Trung quốc, Hồng Kông và Đài Loan.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng