THẦM CÁM ƠN BA
Cuộc đời Ba là những chuỗi ngày gian khổ. Ba sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con. Vì hoàn cảnh khó khăn, hết lớp năm, Ba phải nghỉ học cùng Nội đi rừng.
Hai bốn tuổi, Ba cưới Mẹ. Năm “thiên thần bé nhỏ” lần lượt ra đời. Ba phải làm việc vất vả hơn vì miếng cơm manh áo. Cuộc sống lại khó khăn hơn khi chị em chúng tôi đến tuổi đi học. Gáng nặng chồng chất lên đôi vai gầy của Ba. Vì thế Ba già đi rất nhiều. Đôi bàn tay Ba chai sần đi vì những công việc nặng nhọc ; đôi bàn chân nứ nẻ thô ráp vì quanh năm lội suối qua đèo. Khó nhọc là thế nhưng tôi chưa nghe Ba than trách một lời. Cuộc sống lao nhọc khiến Ba đổ bệnh. Tôi biết căn bệnh sỏi thận làm Ba đau lắm. Nhưng vì không muốn chị em tôi phải nghỉ học, nên Ba đã âm thầm chịu đựng và gắng sức làm việc. Khuôn mặt Ba lúc nào cũng tỏ vẻ bình an để chúng tôi khỏi phải lo lắng. Âm ỉ bấy lâu, đột nhiên một ngày bệnh của Ba trở nặng làm Ba đau đớn hơn. Nhìn Ba đau lòng tôi như thắt lại. Tôi ước mình có thể chịu thay Ba nỗi đau ấy. Thương Ba nhưng tôi chẳng biết làm gì để giúp Ba. Tôi chỉ biết nguyện thầm cùng Chúa : xin Ngài cất đi nổi đau cho Ba, và ban cho chúng con lương thực hàng ngày, để Ba không phải đi rừng nữa.
Suốt cuộc đời, Ba chỉ biết hy sinh cho gia đình mà quên đi bản thân. Dù biết trong mình mang bệnh nhưng Ba không lo chạy chữa vì Ba biết sẽ tốn kém rất nhiều. Nhiều lần Mẹ giục Ba đi chữa bệnh, nhưng Ba chỉ ậm ờ cho qua. Nhìn Ba ngày càng hao gầy, tôi không sao cầm nổi nước mắt.
Tình yêu Ba dành cho chị em tôi không chỉ dùng lại ở sự hy sinh, Ba còn trao cho chúng tôi một trái tim chan chứa tình mến thương. Ba là một người nông dân hiền lành, chất phác. Ba đã dạy tôi bài học đầu tiên, bài học về tình yêu vô vị lợi của Ba và sự hy sinh đến quên mình. Ngày còn bé, có lần vì ham chơi, tôi bị rơi xuống giếng, sự sống chỉ còn trong giây lát. Không chút do dự, Ba nhảy ngay xuống cứu tôi. Người Ba toàn những vết trầy xước vì va vào thành giếng. Tôi tự hỏi, nếu không có Ba thì tôi còn sống trên đời nữa không ? Bước vào đời tu, tôi được nhiều tình thương của chị em. Nhưng tôi vẫn cảm thấy trống vắng tình thương của Ba. Xa Ba, tôi nhận ra những ngày tháng sống bên Ba thật hạnh phúc, tôi luôn được Ba dạy dỗ bảo ban.
Ngày tiễn tôi lên xe vào nhà Dòng, Ba nhắc nhở tôi phải biết sống yêu thương, nhương nhịn chị em và cố gắng tu cho tốt. Lúc ấy tôi muốn ôm Ba và nói : “Con yêu Ba nhiều lắm !”. Vậy mà tôi đã không đủ can đảm để nói lên điều ấy, nhưng trong lòng tôi thầm cảm ơn Ba. Hình bóng Ba sẽ mãi khắc ghi trong trái tim tôi.
Cảm tạ Chúa đã cho con có Ba, một người Ba tuyệt vời !
Tép Riu
Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức