Thắc mắc về Lòng Chúa Thương Xót
“Con la Chung Sinh cua Dai Chung Vien Thanh Quy – Can Tho. Khi con duoc goi den lam cong viec tong do cua ho dao Rach Suc, mot ho dao nam ngoai o TP Can Tho, mot so nguoi hoi con ve Long Chua Thuong Xot: Cach cau nguyen, lan chuoi, hoi doan, cong tac tu thien,… Con khong biet tra loi ra sao! Con noi de ve tim tai lieu se noi lai voi ho. Con len mang tim va thay dia chi mail cua Chu. Nen con co y nho Chu giup. Con nghi nguoi trong hoi thi ro hon. Mong Chu giup con. Than ai trong Chua Kito. Thay Toma Truong Anh Hao”.
Trước hết, tôi xin nói ngay rằng tôi chỉ là người được “tham khảo ý kiến”, vì tôi không phải là một “chuyên viên” về LCTX, tôi cũng không là thành viên trong bất cứ một cộng đoàn LCTX nào. Tôi chỉ là “kẻ đến sau”, vì tôi mới biết đến lòng sùng kính LCTX khoảng gần 2 năm nay, dù ở TGP Saigon đã có lòng sùng kính này hơn 10 năm rồi, nghĩa là tôi chỉ như “trẻ sơ sinh” về lòng sùng kính này mà thôi.
Tôi phải “dài hơi” như vậy để bất kỳ ai, nếu đọc được bài này, không quá thất vọng, đồng thời thông cảm rằng chắc chắn tôi trả lời không thể được đầy đủ hoặc sâu sắc, vì tôi chỉ là một người bình thường nhất.
Xin sơ lược một chút:
LCTX được chính Chúa Giêsu mặc khải cho nữ tu Maria Kowalska Faustina (1905-1938, người Ba Lan), một người khiêm nhường nhưng nhận trọng trách nặng nề với LCTX. Người đầu tiên có công truyền bá LCTX là Lm Micae Sopocko (Ba Lan), một linh mục nhiệt thành, sống tâm linh, hạnh phúc với sứ vụ mục tử. Cuộc đời Lm Sopocko đã thay đổi từ năm 1933, khi được bổ nhiệm làm tuyên úy cho Dòng Nữ tử Đức Mẹ của Lòng Thương Xót (Sisters of Our Lady of Mercy) ở Vilnius, nay là Lithuania.
Dù Thánh nữ Faustina chỉ được học ở trường chưa đầy 3 năm, nhưng Chị đã được soi sáng về đời sống thần bí của linh hồn và có khả năng hiểu tường tận về mầu nhiệm LCTX. Lm Sopocko đã phải xem lại những bài viết của Thánh Tôma Aquinô và Thánh Augustinô để xác định tính xác thực đối với các mặc khải cho Chị Faustina, mà thuộc tính vĩ đại nhất của Thiên Chúa chính là LCTX.
Tại tòa giải tội, Lm Sopocko gặp nữ tu Faustina. Thiên Chúa đã bắt đầu mạc khải LCTX cho nữ tu này – một sứ điệp khẩn cấp Ngài muốn chị chia sẻ với toàn thế giới. Nhưng ai tin chị đây? Mới đầu không ai tin chị. Không bề trên nào trong dòng và không linh mục tuyên úy nào tin chị.
Ngày phong thánh cho nữ tu Faustina, Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập lễ LCTX vào Chúa nhật II Phục Sinh, và chính ngài còn ban hành Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia) vào ngày 30-12-1980.
Chúa Giêsu đã bảo đảm với Thánh nữ Faustina là “sẽ được giúp đỡ ngay trên thế gian, và người đó sẽ giúp con thực hiện ý nguyện của Cha trên thế gian này” (Nhật Ký, số 53). Và điều này đã và đang trở thành hiện thực trên toàn thế giới.
Kinh Thánh luôn đề cập LCTX, đặc biệt trong Phúc âm có một số dụ ngôn “điển hình” về LCTX: Người Samari Tốt Lành (Lc 10:30-37), Con Chiên Bị Mất (Lc 15:4-7), Đồng Bạc Bị Mất (Lc 15:8-10), Con nợ không xót thương (Mt 18:23-35), và nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15:11-32).
Nhiều lần Chúa Giêsu đã “chạnh lòng thương” (Mt 9:36; Mt 14:14; Mt 15:32; Mt 18:27; Mt 20:34; Mc 1:41; Mc 6:34; Mc 8:2; Mc 9:22-23; Lc 7:13), dù họ chỉ là những kẻ vô danh tiểu tốt, Ngài còn chạnh lòng thương đến nỗi bật khóc trước cái chết của Ladarô (Ga 11:32-35). Đó là LCTX, và Lòng Thương Xót đó lớn hơn cả tội lỗi của mọi người ở mọi thời trên thế gian này. Quá vô biên, không ai có thể hiểu thấu, dù là trí tuệ của các thiên thần!
Tôi xin lần lượt “điểm” qua các vấn đề được chủng sinh nọ đề cập. Nhưng xin nói rõ là tôi chỉ nói về những gì tôi biết theo khả năng riêng, theo cảm nhận riêng và cách riêng của tôi mà thôi.
1. Cách cầu nguyện. Lời cầu chính của lòng sùng kính LCTX mà Chúa Giêsu truyền cho Thánh Faustina là: “Jezu, Ufam Tobie !” – Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài! – Jesus, I Trust in You!
Tất nhiên chúng ta có thể cầu nguyện theo tâm tình riêng bằng nhiều cách. Xin mở ngoặc: Cầu nguyện ở đây có ý nói cảm tạ, tôn vinh, yêu mến và chúc tụng Chúa, chứ không là cầu xin hoặc “đòi hỏi” điều gì khác ở Chúa. Và lời cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” là lời nên dùng vì là lời cầu nguyện được Chúa Giêsu mặc khải cho Thánh Faustina, cũng như Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện được được Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông đồ. Tất nhiên, những gì chính Chúa Giêsu dạy thì luôn luôn và vô cùng có giá trị thiêng liêng.
Riêng tôi, tôi thường kết hợp 3 lòng sùng kính và nguyện tắt: “Vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu, vì Máu Thánh Chúa Giêsu, và vì Nước Mắt Mẹ Maria, xin thương xót con và thế giới, xin cứu các linh hồn và cứu độ những người đau khổ phần hồn hoặc phần xác”.
2. Lần Chuỗi LCTX. Chuỗi LCTX được Chúa Giêsu truyền đọc vào lúc 3 giờ chiều, giờ Chúa Giêsu tử nạn, giờ linh của LCTX. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể đọc vào giờ khác. Chuỗi LCTX gồm 50 lần xướng-đáp: “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô – Xin thương xót chúng con và toàn thế giới”. Các chi tiết có ghi rõ trong sách kinh về lòng sùng kính này.
Riêng tôi, có khi tôi lần Chuỗi LCTX vào buổi sáng, có khi tôi lần Chuỗi LCTX vào buổi tối, có khi tôi lần Chuỗi LCTX khi đang chạy xe trên đường. Tất nhiên tôi làm vậy thì không “tốt lành” bằng người khác, nhưng tôi làm vậy vừa để khỏi nghĩ lung tung và vừa “giết thời gian” mà thôi! Mỗi người một hoàn cảnh, miễn sao chân thành với Chúa.
3. Hội đoàn. Thông thường, người ta gọi là cộng đoàn LCTX. Có người không công nhận cộng đoàn LCTX là một Hội đoàn như các hội đoàn khác (Legio Mariae, Dòng Ba Đa-minh, Hội Con Đức Mẹ, Thiếu Nhi Thánh Thể, Liên Minh Thánh Tâm, Gia đình Phạt tạ, Gia đình Tận hiến,…). Thiết nghĩ, cộng đoàn hay hội đoàn thì cũng vậy. Cứ xét mình mà xem: Vì Chúa hay vì ai? Vì cái gì?
Riêng tôi, hiện nay tôi chẳng thuộc một cộng đoàn hoặc hội đoàn nào như nhiều người khác. Tôi cảm thấy mình không đủ điều kiện hoạt động, và xưa nay tôi vẫn “bị” người ta “khó ưa”. Chính tôi cũng chẳng hiểu nổi. Vì thế mà tôi chỉ âm thầm và ráng theo Chúa thôi!
4. Công tác từ thiện. Cộng đoàn nào hoặc hội đoàn nào cũng có những hoạt động từ thiện riêng. Chẳng hạn thăm người già, bệnh nhân, người “khô khan”, trẻ mồ côi,… Sống bác ái và yêu thương là luật Chúa Giêsu truyền lệnh: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34-35; Ga 15:12, 17). Luật yêu thương đó được Chúa Giêsu gọi là Điều Răn Mới.
Công tác từ thiện là bác ái, là yêu thương, là trao tặng: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10:8). Từ thiện là yêu mến, là điều quan trọng, như Thánh Phaolô so sánh: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Thánh Phanxicô Assisi đã cầu xin: “Lạy Chúa, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Kinh Hòa Bình).
Yêu thương là CHO nhiều hơn NHẬN. CHO có thể là trao tặng vật chất hoặc tinh thần. Riêng tôi, làm từ thiện về vật chất thì tôi không có điều kiện. Đây là điều tệ hại của tôi!
Tóm lại, ai cũng đã từng là tội nhân, do đó càng cần phải thể hiện lòng thương xót với tha nhân. Thánh Phaolô cũng đã khuyến cáo: “Anh em phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau” (Ep 4:32).
Hy vọng đôi dòng diễn tả chút thiển ý của tôi có thể giúp bạn hiểu phần nào về LCTX.
TRẦM THIÊN THU
Chiều mưa, 6-6-2013