Một ứng Dụng Của Tâm Lý Đạo Đức
Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6:12). Bạn đã đọc và suy niệm những lời này bao giờ chưa? Và nhất là bạn đã thực hành theo lời dậy này của Chúa chưa? Kinh nghiệm tha cho người khác là một kinh nghiệm không chỉ mang tính chất tâm linh, đạo đức, mà còn ảnh hưởng đến cả tâm lý của con người nữa.
Để phần nào cảm nghiệm được tại sao Chúa Cứu Thế đã dạy phải cầu xin ơn tha thứ này, ta cần đi sâu vào kinh nghiệm của cá nhân mỗi người khi được tha thứ. Khi ta được tha thứ về một lỗi lầm nào đó, thì ngoài sự bình an của tâm linh (lương tâm), nó còn mang đến sự nhẹ nhàng và thoải mái về mặt tâm lý nữa.
Chúa Giêsu khi dậy tha thứ cho nhau, Ngài không dừng lại ở khía cạnh tâm linh hay tâm lý nhưng còn đi xa hơn nữa khi dẫn ta đến cốt lõi của ý nghĩa hành động tha thứ, đó là tình yêu. Một hình thức tâm lý đạo đức ứng dụng. Ý nghĩa này được Thánh Luca ghi lại qua trường hợp của người thiếu nữ trong Tin Mừng với một kết luận rất rõ ràng, “được tha nhiều vì yêu mến nhiều” (Luca 7:47). Yêu nhiều thì được tha nhiều. Ðược tha nhiều vì yêu nhiều. Tình yêu và tha thứ là một liên hệ nhân quả.
Tâm lý khi được tha
Khi làm một điều lầm lỗi mà lại cố tình che đậy, giấu giếm, thì hậu quả trực tiếp là sự bất an của tâm hồn (lương tâm). Nó được diễn tả qua thái độ phập phồng sợ hãi, và ngờ vực. Ảnh hưởng này trực tiếp tác động đến tâm lý sống. Sợ hãi và ngờ cực chính mình. Mình có thể che đậy lỗi lầm ấy được đến bao giờ? Liệu có một lúc nào đó, sơ ý mình tiết lộ lỗi ấy cho ai không? Hoặc có ai nhận ra hay phát giác ra được lỗi của mình không? Nếu lỗi mình bị phát hiện thì hậu quả sẽ ra sao? Và từ sự sợ hãi dẫn đến ngờ vực.
Ngờ vực khả năng che đậy của mình, và ngờ vực những người chung quanh mình. Càng cố tình lẫn tránh, che đậy, thì sự bất an càng theo sát ta như bóng với hình. Theo khảo cứu của các trường hợp tội phạm cho biết, đa số các thủ phạm giết người sau một thời gian lẩn trốn đã tự mình ra đầu thú. Ðiều này có thể giải thích được bằng sự cắn rứt của lương tâm. Trong lãnh vực siêu hình, nó cũng có thể được giải thích như do oan hồn người chết ám ảnh và thúc đẩy. Nhưng khi có lỗi mà được tha thì cảm giác ấy mới thật tuyệt vời. Kinh nghiệm này là một kinh nghiệm mà mỗi người, qua cảm nghiệm cá nhân đều đã trải qua, kể cả bản thân người viết.
Tôi nhớ hôm đó, vô tình đã làm vỡ một chiếc bát cổ trong bộ sưu tập đồ cổ của thầy tôi. Với truyền thống giáo dục và sửa phạt thời ấy, tôi tin chắc mình sẽ bị một trận đòn có cái tội – dù rất vô tình – này. Sợ hãi, tôi đã nhặt mấy mảnh vỡ ghép lại thành nguyên hình chiếc bát, và để nó vào trong tủ như không hề cho chuyện gì xảy ra. Không may cho tôi, ít hôm sau đó có người khách quí đến chơi nên phải dùng đến bộ bát cổ. Thay vì bảo tôi đi lấy bát, đích thân thầy tôi mở tủ lấy bát. Khi vừa đưa tay cầm chiếc bát lên, thầy tôi như khựng lại, vì thấy chiếc bát tự nhiên rơi ra từng mảnh. Tôi nghĩ rằng thầy tôi biết rõ ai là thủ phạm, nhưng ông không nói gì. Ðợi cho đến khi khách về, ông mới gọi tôi lại và hỏi:
– Ai làm vỡ chiếc bát vậy?
Biết mình không thể che giấu được tội lỗi, và sợ rằng mình rất có thể bị phạt nặng hơn nếu nói dối, tôi đã mếu máo trả lời:
– Con! Con vô ý làm vỡ nó mấy hôm trước.
– Lần sau cẩn thận. Mà nếu đã làm lỗi thì phải cho thầy mẹ biết không được giấu đút như vậy nghe chưa. Lần này tha cho tội vô ý làm vỡ bát, nhưng tội che giấu thì phải phạt. Ra quì ở góc tường kia đến khi nào cho đứng lên mới được.
Trong suốt thời gian quì ở góc tường, tuy đầu gối có bị mỏi nhưng lòng tôi nhẹ nhàng như trút được một tâm sự nặng nề. Loại bỏ được mặc cảm tội lỗi đã theo tôi trong suốt mấy ngày trước. Nào là không biết bao giờ thì tội tôi sẽ bị phát giác? Phải bào chữa như thế nào khi bị hỏi tới? Và hình phạt nào sẽ xẩy ra? Sức ép tâm lý còn kinh khủng hơn khi tôi biết rằng thầy tôi đã phát giác ra cái bát đã bị vỡ, vậy mà ông vẫn giữ im lặng. Từng giây, từng phút yên lặng ấy là một cực hình đối với tôi. Kinh nghiệm nhẹ nhàng, thoải mái khi được tha thứ này hơn 50 năm sau bây giờ nhớ lại, nó vẫn là một kinh nghiệm quí giá giúp tôi hiểu thế nào là có lỗi và được tha lỗi.
“Yêu nhiều thì được tha nhiều”. Thánh sử Luca tuy không ghi lại bất cứ một câu nói nào của người thiếu nữ với Chúa Giêsu, ngay cả một lời xin lỗi ngắn gọn, thí dụ: “Lạy Thầy, con là người tội lỗi!” Hoặc: “Lạy Thầy, con yêu mến Thầy”… Nhưng ai cũng hiểu được tình yêu mà thiếu nữ này dành cho Chúa Giêsu, qua hành động thống hối của nàng. Ðó là một bình dầu thơm quí giá đã khiến Giuđa phải tiếc rẻ. Là những giọt nước mắt ăn năn. Là mái tóc gợi tình gợi cảm nàng đã từng làm mê hoặc nhiều người nay được dùng để lau chân cho Ngài.
Tha cho chính mình
Nhưng để tha cho một người, ta phải học tha cho chính mình trước.
Tha cho chính mình. Có ai lại không yêu mình và không muốn bào chữa, bao che cho mình? Nhưng thực tế hành động tha cho mình không phải là một việc dễ làm. Ðể tha cho mình, cần phải biết rõ ưu và khuyết điểm của mình.
Biết và nhắc đến những ưu điểm, những cái hay, cái tốt, những thành công của mình chưa phải là biết mình. Ngược lại, sợ nhắc đến những cái giở, cái xấu và cái bất toàn của mình càng không phải là hành động biết mình.
Những người chỉ muốn nghĩ đến cái hay, nói đến cái tốt của mình mà sợ phải đối diện với những cái xấu và khuyết điểm của mình, phần nào mang hội chứng Narcissistic Personality Disorder. Một hội chứng đề cao mình. Hậu quả là ngăn cản không cho ta có thể chấp nhận được những khuyết điểm của mình, cũng như không thể chấp nhận khuyết điểm của kẻ khác. Kết quả là không thể tha thứ cho mình, cũng như cho người khác nếu có lỗi với mình.
Chỉ có cái nhìn trung thực về mình mới giúp ta dừng lại ở những giới hạn của mình. Tâm lý học cho đây là một thái độ trưởng thành về tâm lý. Thực tế có rất nhiều điều mình muốn, mình thích nhưng vẫn không làm được. Cũng như có rất nhiều điều mình không muốn làm nhưng lại làm. Thánh Phaolô đã rất thành thật về điều này khi ngài viết: “Ðiều tôi muốn, tôi không làm. Ðiều tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rom 7:15). Do đó, người trưởng thành là người biết rõ mình và giới hạn của mình. Không sống trong ảo tưởng, ảo giác, nên hiểu được giới hạn của mình và người khác, từ đó dẫn đến việc dễ dàng tha thứ cho mình, cũng như đón nhận và tha thứ cho kẻ khác.
Người trưởng thành là người tự tin khi đối diện với những ưu và khuyết điểm của mình, coi đó như một phần của kiếp người, của con người thực của mình. Không nhận ra những ưu điểm của mình vẫn chưa phải là người khiêm tốn. Ðức Maria không những nhận ra điều kỳ diệu Thiên Chúa Giavê đã làm cho Mẹ, mà còn nói tiên tri về thân phận mình, một lời tiên tri mới nghe xem ra rất cao ngạo: “Vậy từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc” (Luca 1:48). Nhưng Mẹ không quên qui về vinh danh Thiên Chúa. Tự mình, Mẹ vẫn nhận ra cái giới hạn của mình: “Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những việc trọng đại. Và danh Người chí thánh” (Luca 1:49).
Tóm lại trưởng thành tâm lý sẽ giúp ta dễ dàng tha thứ cho mình, khi thấy mình có những lỗi lầm, yếu đuối. Từ đó nẩy sinh lòng thương xót để dễ dàng tha thứ cho những khuyết điểm và yếu đuối của kẻ khác. Bởi ý thức được giới hạn và thân phận của mình.
Tâm lý tha cho người khác
Sau khi cảm nghiệm được cái hạnh phúc khi được tha, và nhận ra lý do khiến ta cần phải tha cho kẻ khác. Giờ đây, chúng ta hãy tìm hiểu về cái hạnh phúc khi tha thứ cho người khác.
Ðể cảm nghiệm hạnh phúc khi tha cho một người, cũng cần trở lại nguyên tắc tha cho mình trước, vì sự bình an, và tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái nằm ngay trong tâm hồn người tha chứ không chỉ ở trong tâm hồn người được tha. Khi chưa tha cho ai, chính ta tự ràng buộc mình với cái món nợ – tinh thần hay vật chất – mà người khác nợ mình. Sự cầm giữ này là một trói buộc tinh thần trong tương quan giữa chủ nợ và con nợ. Vì thế, người chủ nợ cũng vẫn mang một nỗi sợ hãi, phập phồng và bất an.
Bao giờ thì mới đòi được món nợ kia? Làm cách nào con nợ có thể trả được món nợ ấy? Có thể nào người ta sẽ quịt nợ mà không trả không? Và như vậy thì phải đối phó bằng cách nào? Xiết nợ, bỏ tù, hay sai người hành hung con nợ? Hoặc có bao giờ con nợ phát khùng liều mạng với mình không? Ðó là những kết quả tiêu cực cho chính người chủ nợ. Như vậy, khi tha cho một người nào, tức là bạn đã tha cho bạn, đã hóa giải nỗi phập phồng, bất an cho chính bạn. Một nghĩa nào đó, bạn là người hưởng được kết quả của hành động tha thứ ấy trước. Thánh Phanxicô Assisi đã nói: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.
Một trong những điều thuộc tâm lý ứng dụng, đó là nếu bạn muốn dùng quyền lực để khống chế, đè nén người khác, người khác sẽ tìm cách nổi loại và chống cự lại. Nếu bạn dùng thủ đoạn để củng cố quyền lực hay quyền lợi, bạn sẽ bị người khác dùng mưu mô để qua mặt. Nếu bạn dùng sự giầu sang, tiền của để đè bẹp người khác, sẽ có người khác giầu và nhiều tiền của hơn bạn coi thường bạn. Nhưng nếu bạn dùng lòng nhân ái và sự hiểu biết để chinh phục người khác, thì không ai sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tìm cách chống lại bạn, qua mặt bạn, hoặc coi thường bạn. Bởi vì lòng nhân ái, sự hiểu biết sẽ dẫn đến hành động tha thứ và thông cảm.
Nhưng liệu lòng nhân từ và sự hiểu biết cảm thông của ta có bị lợi dụng không? Có thể có, nhưng dù bị người khác lợi dụng, thì sự bình an tâm hồn và tâm lý hạnh phúc vẫn là kết quả mà chỉ người tha thứ, hiểu biết và thông cảm mới có chứ không phải là người phản bội hay lợi dụng lòng thương xót của người khác.
Yếu tố hạnh phúc
Yêu thương, tha thứ, xót thương. Khi ta nói mình thương một ai, mà không phải chịu đựng, xót xa một chút về hành động thương yêu ấy, thì đó không phải là thương, hay tình yêu đúng nghĩa. Cũng vậy, khi tỏ tình thương và tha thứ cho một ai đó, mà ta không chịu đau đớn bỏ cái tôi của mình, chấp nhận một chút thiệt thòi về hình thức, về danh giá, hoặc ngay cả về tiền của, thì sự tha thứ của ta không mấy ý nghĩa. Theo tâm lý học, người có tâm hồn bình an, có tâm lý sống thoải mái sẽ sống lâu và sống khỏe. Mà tha thứ là một yếu tố quan trọng làm cho sống lâu và sống khỏe ấy. Và đó cũng là lý do tại sao tha thứ là yếu tố đem lại hạnh phúc.
Trần Mỹ Duyệt