Tha thứ có khó lắm không?

35
Kristina Hjelkrem
Khi thánh Phêrô hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 21 – 22).
Là Kitô hữu, rõ ràng chúng ta được mời gọi tha thứ cho nhau và sống trong hòa bình. Nghe có vẻ hay, nhưng trong thực tế, nó có thể phức tạp hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Nó cũng có vẻ bình dị hơn hoặc vượt quá khả năng của chúng ta.
Tôi muốn chia sẻ với các bạn một đoạn phim hoạt hình ngắn rất hay có tên là Cái Rổ (The Basket), kể về một câu chuyện liên quan đến sự tha thứ mà qua đó có thể để lại chút âm hưởng cho bất kỳ ai xem.
https://youtu.be/5qKYrajRNwo?si=6FfPNd6idTFIYqIN
Hành động can đảm của việc tha thứ
Nét đẹp của video này nằm ở chỗ, nó thể hiện sự tha thứ trong hình thức cụ thể nhất, không sáo rỗng hay có những hành động anh hùng vượt quá khả năng của chúng ta. Bộ phim trình chiếu cho chúng ta một cảnh xảy ra hằng ngày trong gia đình (nơi phải trả giá đắt cho việc tha thứ), một cô bé và một người cha thấy mình phải làm điều đó cho nhau.
Phim The Basket cho thấy động lực tha thứ của con người, cũng như rất nhiều người có thể đã trải qua: chúng ta phạm sai lầm vì vô ý, chúng ta làm tổn thương người khác (đôi khi đó là người chúng ta yêu thương nhất), và ngay cả khi chúng ta tìm cách để sửa đổi những gì chúng ta đã làm nhưng không thể.
Trong nhiều trường hợp, chúng ta không nhận được sự kiên nhẫn hay lòng xót thương của người mà chúng ta đã gây ra đau đớn, và đó là chuyện bình thường, bởi vì vết thương không phải lúc nào cũng được chữa lành. Điều rõ ràng là cả việc xin tha thứ và chấp nhận hòa giải đều cần đến sự can đảm.
Tha thứ cho người xúc phạm, nó không dễ tí nào
Trong thế giới bất toàn này, động lực để chấp nhận tha thứ hoặc xin tha thứ có thể rất đau đớn. Chúng ta là con người, chúng ta phạm sai lầm với nghìn lẻ một cách, và mọi thứ xung quanh chúng ta đều tác động đến cách chúng ta cầu xin và chấp nhận tha thứ.
Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản hoặc làm chúng ta phân tâm khi muốn đạt được nó. Thật khó! Đúng vậy, vì có một trái tim bị thương tổn (có thể là hai), nhưng nó đáng giá và không có gì phải nghi ngờ. Tha thứ giải thoát chúng ta, mang lại cho chúng ta bình an và cho phép chúng ta tiến về phía trước.
Nếu như sai lầm thuộc về con người thì sự tha thứ thuộc về Thiên Chúa. Chấp nhận tha thứ là giây phút đặc biệt mà qua đó trái tim con người giống như trái tim của Thiên Chúa.
Tha thứ là chọn yêu thương hơn là thù ghét
Nó có nghĩa là chọn lựa cách can đảm nhất để cho thấy rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Nếu chúng ta gây tổn thương cho những người thân của mình, tình yêu này sẽ vượt qua mọi lỗi lầm. Chắc chắn là vậy, tuy nhiên, khi chúng ta phải tha thứ cho người mà mình không yêu thương thì nhiệm vụ đó còn khó hơn gấp bội.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta vì chúng ta chứ không phải vì điều chúng ta làm hoặc không làm. Nếu chúng ta nhận mình là con cái của Chúa thì chúng ta phải sống sao cho tình yêu và giáo huấn của Chúa được phản chiếu. Ước gì tất cả chúng ta đều có khả năng xóa bỏ mọi thứ và bắt đầu lại như Thiên Chúa đã làm với chúng ta mỗi khi chúng ta chạy đến dưới chân Chúa để ăn năn!
Thật vậy, kinh nghiệm về sự tha thứ sẽ chữa lành, nhưng điều này không có nghĩa là nó có các giai đoạn và chúng ta phải kiên nhẫn vượt qua từng giai đoạn. Chúng ta có giới hạn, và ngay cả khi chúng ta đặt mục tiêu tha thứ cho những điều xấu đã gây ra ngay từ phút đầu tiên, nhưng điều đó khiến chúng ta có thể phải trả giá.
Tôi thực sự thích đoạn hoạt hình ngắn này vì nó cho thấy động lực của sự tha thứ “giữa anh em với nhau” một cách rất sư phạm, để cuối cùng là thể hiện sự tha thứ của Chúa Cha.
Chúng ta phải kiên nhẫn với nhau, đặc biệt mỗi khi nỗi đau hiện diện giữa chúng ta. Hãy học cách hy vọng và sống tha thứ theo phiên bản con người hết sức có thể. Hãy lưu ý rằng thực tế không ai trong chúng ta là những người hoàn hảo, và chỉ với tâm hồn khiêm tốn chúng ta mới có thể thành công để đến gần Chúa hơn.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ