TIN TỨC Tin Giáo hội Việt Nam TGP. Sài Gòn: Lời Chủ Chăn tháng 10.2011

TGP. Sài Gòn: Lời Chủ Chăn tháng 10.2011

Lời Chủ Chăn tháng 10.2011

Toà Tổng Giám Mục Thành phố HCM
1.10. 2011

LỜI CHỦ CHĂN

VƯỢT KHÓ TRÊN ĐƯỜNG ĐỔI MỚI

 

Kính gửi Anh em linh mục, anh chị em tu sĩ, giáo dân trong gia đình giáo phận

Anh chị em rất thân mến,

 

1. Nhận diện những khó khăn 
Lời Chủ Chăn những tháng trước khai mở con đường đổi mới hiện trạng nếp sống đạo, nếp sống văn hoá xã hội. Lời Chủ Chăn tháng 10.2011 mong gợi ý cho mọi người suy nghĩ, nhận diện những khó khăn trên đường đổi mới, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa, tìm lối thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn với những ngõ cụt, để mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội. Mục đích là nhằm đưa những giá trị Tin Mừng, những giá trị nhân bản, vào trong đời sống gia đình và xã hội, kinh tế và chính trị hôm nay. Đó là cách tham gia vào sứ vụ Tân Phúc Âm hoá hôm nay, và đồng hành với Chúa Giêsu phục vụ cho sự sống cùng sự phát triển của gia đình nhân loại.

2. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa 
Trong lịch sử thế giới, công cuộc đổi mới đời sống nhân loại, trên bất kỳ châu lục nào, cũng đều đối diện với nhiều khó khăn. Những khó khăn với những nguyên nhân khách quan và chủ quan bắt nguồn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự diễn ra nơi chiều sâu của cuộc sống con người. Nguyên nhân khách quan, điển hình như công cuộc cải tạo xã hội, mang tính cưỡng bách đã gây ra những chấn động tâm lý, đã tạo ra những xáo trộn và bất ổn cho đời sống nhân loại. Nguyên nhân chủ quan, cụ thể như đối diện với những chấn động tâm lý tạo ra bất ổn và lo sợ, nhiều người mang tâm trạng thất đoạt khép lại trong bản năng tự vệ để sinh tồn, khiến tâm trí con người bị đình bộ, lập trường và thái độ bị đóng băng trong tư thế dễ gây hấn và chống đối.

3. Khó khăn từ sự tương tác giữa thế sự và tâm sự
Những diễn biến lịch sử hôm qua gây xáo trộn và bất ổn ở một vài nơi, hôm nay được lập lại ở nhiều nơi trên thế giới. Trên đất nước Việt Nam, sau biến cố lịch sử 1975, công cuộc cải tạo xã hội làm cho riêng Giáo Hội công giáo miền Nam Việt Nam mất đi hơn 2000 cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo. Về Tổng giáo phận Saigon, ngoài việc mất đi lối 400 cơ sở, gia đình giáo phận mất đi cả cái tên nguồn gốc xã hội của mình cùng nhiều thành viên và sự ổn định. Với những mất mát to lớn về của và người, nhiều người cảm thấy bị loại trừ, bị xoá sổ, bị bách hại, quyền lợi và tự do của họ bị biến thành của bố thí theo cảm hứng của người đang nắm quyền lực trong tay.

Khó khăn từ những hướng sống khác nhau
Bị tổn thương nặng nề và mang tâm trạng bất an kéo dài, một số buộc phải rời khỏi quê hương đi tìm một cuộc sống mới nơi xa lạ, theo làn sóng di dân trên khắp thế giới. Một số thì khép lại trong thái độ tự vệ để tồn tại. Một số khác nỗ lực bung ra đồng hành cùng dân tộc để đấu tranh cho sự sống còn. Tình hình đó làm cho đời sống cộng đồng phân rẽ theo nhiều hướng khác nhau. Những hướng sống khác nhau, những quan điểm khác nhau, nói chung là những dị biệt trong đời sống cộng đồng giáo hội hay cộng đồng dân tộc, vừa có thể là một mối lợi khi được sử dụng để bổ túc và phong phú hoá cho nhau qua đối thoại trong chân lý và hợp tác phục vụ cho công ích, vừa có nguy cơ trở thành một thảm kịch khi được sử dụng để chống đối và loại trừ nhau, tạo nên những cuộc xung đột không ngừng.

Khó khăn từ nguy cơ bị biến thành công cụ chính trị
Trong thực tế, trên phương tiện truyền thông, xuất hiện nhiều nhãn hiệu khác nhau, như bảo thủ hay cấp tiến, khuynh hữu hay khuynh tả, chống cộng hay quốc doanh, được phía nầy phe kia sử dụng để quy kết cho nhau. Dù mang nhãn hiệu nào, những nhóm theo những khuynh hướng sống khác nhau, đều trở nên mối quan tâm hàng đầu của những nhà chính trị ở hiện trường, cũng như của cánh làm chính trị trên mạng truyền thông, hay trong quán cà phê. Quan tâm để thừa cơ hội sử dụng tổ chức nầy hay loại người kia như một công cụ chính trị, để chống đối và kết án nhau, để đấu tranh cho lập trường và quyền lợi của mình.

Khó khăn từ sự u uất bị biến thành khí thế đấu tranh
Tình trạng đối kháng căng thẳng lo sợ kéo dài, tạo nên những u uất trong lòng nhiều người. Và bước kế tiếp là, mỗi khi xuất hiện một sự kiện trong sinh hoạt xã hội, hay một tin tức trên mạng truyền thông, và khi cánh nầy cảm thấy quyền lợi mình bị tổn thất, cánh kia quy kết là nguy hại cho quyền lực của mình, thì sự u uất bùng lên thành ngọn lửa đấu tranh. Kinh nghiệm cho thấy, dù mang tính ôn hoà hay bạo lực, một khi ngọn lửa đấu tranh bốc lên thành xung đột, trước mắt ít có tính chữa lành, lại còn làm cho vết thương cũ ngày càng hằn sâu vào đời sống cộng đồng.

4. Cởi bỏ nếp sống cũ, xây đắp nếp sống mới 
Thánh Phaolô là người trước kia đã từng xông xáo đi lùng sục, bách hại và loại trừ người kitô hữu, nhưng sau biến cố té ngựa, đã trở thành sứ giả Tin Mừng cho các dân tộc. Theo kinh nghiệm của Ngài, làm mới hiện trạng đời sống bị kiềm toả trong vòng những căng thẳng và chống đối, trước tiên có nghĩa là cởi bỏ nếp sống cũ, thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của những cuộc xung đột dây chuyền. Và xây nếp sống mới có nghĩa là nỗ lực sống yêu thương đồng cảm với đồng loại, hợp tác với mọi người kiến tạo một trật tự nhân bản hơn cho mọi chế độ xã hội hôm nay, xây mới ngôi nhà thế giới hôm nay trên nền đá vững chắc, với bốn trụ cột vững bền là chân lý và tình thương, công lý và hoà bình. Nói cách khác, cởi bỏ nếp sống cũ đồng nghĩa với cởi bỏ lối sống văn hoá sự chết, và xây đắp nếp sống mới có nghĩa là nỗ lực cùng nhau vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho gia đình nhân loại hôm nay.

Nhân vật lịch sử Phaolô còn truyền lại cho hậu thế kinh nghiệm quý giá nầy: loài người chỉ có thể làm mới hiện trạng nếp sống nhân loại nhờ sự hợp lực với nhau, đồng thời nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí mọi người, dẫn dắt họ bước đi trong ánh sáng chân lý và tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Và ý thức mục đích đổi mới là nhằm thực hiện ý định của Thiên Chúa yêu thương cứu độ, đưa gia đình nhân loại ra khỏi vòng kiềm toả của tính đối kháng và lòng tham sân si, để mọi người được tự do cùng nhau tiến bước đi đến tận nguồn sống mới, nguồn sống dồi dào, trong yêu thương và an bình.

5. Theo vết chân sứ giả Tin Mừng trong thế giới đầy mâu thuẫn và xung đột
Nhiệm vụ chăm sóc và dẫn dắt đoàn chiên của Chúa đi đến nguồn sống dồi dào, đòi hỏi linh mục hôm nay có khả năng tạo điều kiện cho cộng đoàn dân Chúa thoát khỏi vòng lẩn quẩn của những bất hoà và xung đột, để tự do tiến bước trong ánh sáng bình an và niềm vui cứu độ của Chúa, tự do cùng nhau mở rộng sự hiệp thông trong Giáo Hội cũng như xã hội, mở đường cho công cuộc Phúc Âm hoá, loan Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

Từ đó, nhiệm vụ tự đào tạo đòi hỏi linh mục quan tâm rèn luyện khả năng luôn đồng hành với Chúa trong mọi hoàn cảnh đổi thay. Việc đồng hành với Chúa có nghĩa là luôn ý thức ở trong thế gian để yêu thương và phục vụ như Chúa đã yêu thương và phục vụ cho sự sống của chiên trong đàn và chiên ngoài đàn. Đồng thời ý thức mình ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Không thuộc về thế gian có nghĩa là không buông theo lòng tham sân si, không thống trị theo kiểu thế gian, không chạy theo sự khôn ngoan thế gian với những chủ nghĩa duy tục hoá, duy vật chất, duy hưởng thụ, duy thực dụng… Nói cách khác, linh mục cần ý thức, trong mọi hoàn cảnh, trung thành bước đi trong đường lối khôn ngoan của Chúa. Vì lẽ trời cao hơn đất bao nhiêu thì ý định của Đấng Chí Thánh Chí Tôn cao hơn ý định của người phàm bấy nhiêu, trời rộng hơn đất bao nhiêu thì sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá rộng hơn sự khôn ngoan của loài thọ sinh bấy nhiêu. Vả lại, người xưa có câu “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, nhắc nhở cho linh mục phải có khả năng có những quyết định vừa thuận ý trời, vừa hợp với hoàn cảnh xã hội, vừa hoà với lòng dân.

Nhằm tạo thuận lợi cho linh mục hoàn thành nhiệm vụ mục tử, Giáo Hội quy định linh mục không có chỗ đứng trong cơ chế quyền lực trần thế. Và trách nhiệm cùng chỗ đứng của giáo sĩ trong cộng đồng chính trị là đồng hành với Chúa Giêsu và cộng tác với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, chứ không phải phục vụ cho một thế lực trần thế hay một phe phái chính trị.

6. Đồng hành với Chúa Giêsu trong Giáo Hội
Vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội hôm nay, đòi hỏi người mục tử, trong mọi sinh hoạt mục vụ, cũng như trong tổ chức và điều hành cộng đoàn dân Chúa, trước hết và trên hết vừa đồng hành với Chúa Kitô, vừa gắn liền với Giáo Hội của Ngài. Vì lẽ Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với Giáo Hội của Ngài trên con đường tình yêu cứu độ của Ngài. Nói cách khác, đồng hành với Chúa Giêsu còn có nghĩa là một lòng một ý với người đứng đầu Giáo Hội toàn cầu và Giáo Hội địa phương, đồng thời hiệp thông huynh đệ tương thân tương trợ với các đồng sự và cộng sự, hiệp thông đồng cảm với đối tượng mà Chúa giao phó cho mình phục vụ.

Trên con đường xây đắp và mở rộng tình huynh đệ hiệp thông trong Giáo Hội và xã hội, người mục tử cần luôn có trong tâm trí và trong tầm nhìn đường lối Đấng Cứu Độ yêu thương và phục vụ với 4 bước như sau:

(1) hoà nhập vào đời sống văn hoá xã hội nhưng không để bị nhiễm thói đời, biết đồng cảm với phận người trong nhân loại, nhưng không gây phân hoá trong cộng đồng nhân loại;

(2) dấn thân phục vụ cho Tin Mừng Đức Giêsu Kitô và cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, với tư cách là người của Chúa, người của Giáo Hội, người của xã hội, nhưng không làm người của một thế lực trần thế;

(3) yêu thương đến hiến thân và hiến cả mạng sống, nhằm giúp mọi người cởi bỏ nếp sống cũ, để được tự do đi đến nguồn sống mới trong yêu thương và bình an, không dừng lại ở cuộc sống duy vật chất chỉ lo cơm áo gạo tiền.

(4) cộng tác với Chúa Thánh Thần đổi mới lòng trí con người, để được tự do tiến bước trong ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu của Chúa cứu độ, đi đến nguốn sống mới của Chúa Phục Sinh, là sự sống dồi dào trong ánh sáng chân lý và tình yêu, trong sự hiệp nhất và an bình.

7. Bí quyết làm người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội
Gắn bó với Chúa, hiệp thông huynh đệ với mọi thành phần trong Giáo Hội cùng xã hội, để trở nên người của Chúa, người của Giáo Hội, và người của xã hội, tất cả những điều đó chỉ có thể thành hiện thực bằng cách năng gặp gỡ Chúa Giêsu, lắng nghe Lời Ngài,

– Lời nhập thể làm người ở giữa chúng ta,

– Lời hiện diện trong bí tích Thánh Thể,

– Lời được ghi lại trong Sách Thánh,

– Lời được triển khai trong đời sống và giáo huấn của Giáo Hội,

– Lời được ngỏ qua dấu chỉ của thời đại,

– Lời như hạt giống được gieo vào truyền thống đạo lý và văn hoá dân tộc.

Năng gặp gỡ Chúa, và lắng nghe Lời ban ánh sáng chân lý, Lời ban sức sống mới, Lời yêu thương, Lời khôn ngoan của Ngài, người mục tử ngày càng xác tín Chúa là Đầu của Giáo Hội là Nhiệm Thể của Ngài, ngày càng mến tin Chúa và Giáo Hội của Ngài. Càng gắn bó với Chúa, thì càng hiệp thông mất thiết với cộng đồng giáo hội cùng cộng đồng xã hội, vì lẽ cộng đồng dân Chúa cùng cộng đồng nhân loại, đều là đối tượng Chúa yêu thương cứu độ và phục vụ cho sự phát triển toàn diện và vững bền.

 

Gioan B. PHẠM MINH MẪN                                         Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM
Hồng Y Tổng Giám Mục                                                    Giám Mục Phụ Tá

 

 

 

Exit mobile version