Hồi bé, mỗi lần mẹ hứa “Các con ngoan, giúp mẹ rồi tết mẹ mua cho bộ quần áo mới” là cả một bầu trời hy vọng cho tuổi thơ tôi. Tôi mong tết lắm lắm! Tết, tôi sẽ được cùng mẹ đi chợ. Nói là đi chợ cho oai chứ thực ra là đi giữ xe cho mẹ. Mẹ đi bán rau, đi sắm đồ tết, chợ tết đông, không có chỗ giữ xe nên mẹ cho tôi đi cùng. Chỉ giữ xe tôi nhưng tôi sướng lắm. Đứng ở một góc chợ tôi quan sát được tất cả. Cảnh người người chen chúc, người bán thì cố gắng mời mọc mọi người mua hàng… Người mua thì kì kèo trả giá…Ai ai cũng vội vã, cũng xôn xao, vội vội, vàng vàng như thể không nhanh thì tết sẽ qua đi, vận may cũng như thế vuột đi mất vậy. Tôi cũng sướng vì thường sau mỗi phiên chợ mẹ sẽ mua cho tôi một thứ bánh trái gì đó, mà con nít nhà quê như tôi thì việc cầm trên tay dù chỉ là một cái bánh cam nóng hổi đã là to tát…
Tôi cũng mong tết vì mỗi lần tết đến là chị em tôi ai cũng được mẹ sắm cho quần áo mới. Nhà tôi đông con là thế, nhưng tết nào bố mẹ cũng cố gắng mua quần áo cho tất cả chúng tôi. Thế nhưng bộ quần áo bố mẹ mặc không biết đã qua bao nhiêu cái tết rồi, chẳng mấy khi tôi thấy bố mẹ sắm cho mình một bộ quần áo mới. Giờ nghĩ lại sao thấy tình thương bố mẹ lớn chừng nào.
Tết là mùa xuân đấy, mùa xuân chim én không biết từ đâu bay về rợp cả bầu trời. Những cánh én lả lướt chao liệng trên cánh đồng, hương lúa non quyện với mùi thơm cỏ mật làm nên một cảnh thiên nhiên thơ mộng và bình yên. Thế nhưng, con nít tụi tôi đâu để ý đến vẻ đẹp trời ban ấy. Chúng tôi mải miết chạy khắp cánh đồng chỉ để bẫy chim và la hét cho sướng miệng mỗi khi có một con chim tội nghiệp sập bẫy. Chỉ thế thôi thế mà chúng tôi cũng mong tết đến lạ.
À! Không chỉ có thế đâu. Một điều làm tôi mong mỏi chờ tết nữa là vì cái bánh tét con con của bố. Bàn tay bố thô thô, chai sạn nhưng cũng khéo léo lắm. Tết, mẹ bận rộn chợ búa, dọn dẹp nhà cửa thì bố lo gói bánh tét và bắc lò nấu bánh. Ngày bố gói bánh, chị em tôi túm vào phụ bố. Đứa lau lá dong, đứa luộc đậu, đứa chùi nồi, đứa sắp củi chồng vào gần bếp… Làm bao việc như thế chỉ để được bố gói cho cái bánh tét con con. Cái bánh tét con con ấy được gói bởi những chiếc lá, một ít nếp và nhân còn dư lại… Nhưng nó là của riêng tôi, bởi thế nó đặc biệt.
Thời ấy, quê tôi nghèo, cơm ăn ngày ba bữa không đủ thì việc được ăn thịt, ăn nhiều món ngon cũng là một lý do chính đáng cho bọn con nít như tôi ngóng tết. Nhà tôi đông anh em họ hàng nên tết nào cũng phải làm thịt cả một con heo mới đủ thịt dọn cỗ. Ngày thịt heo, chị em tôi cứ xúm xít quanh nồi luộc lòng heo, để được ăn miếng lòng đầu tiên ấy. Thường thì mẹ cứ phải giấu bố, len lén cắt cho chị em chúng tôi mỗi đứa một miếng. Miếng lòng thơm nức, béo ngậy, vừa thổi vừa ăn đã lấp đầy sự khao khát và thèm thuồng bao lâu của chị em tôi. Tết thêm tươi cũng nhờ những niềm vui nho nhỏ ấy.
Đã bao giờ bạn từng nghe câu: “Tết phải tắm gội sạch sẽ cho tuổi nó chui, ở bẩn thì tuổi nó không chui vào được”. Còn con nít ai mà chẳng mong làm người lớn. Bởi vậy lời dọa nạt của mẹ hoàn toàn hiệu nghiệm. Chúng tôi bị mẹ lôi ra giếng, dội nước và kì cọ đến đỏ cả người. Gàu nước lạnh và cơn gió hanh quả là cực hình đối với chúng tôi. Tết, ngoài những niềm vui chúng tôi tha thiết mong chờ còn có nỗi ám ảnh mang tên “tắm” nữa cơ đấy…
Ngày tết, tôi thích nhất được cùng bố mẹ đi lễ. Những Thánh lễ đầu năm bao giờ cũng thật sốt sắng. Mẹ dạy tôi khi đi lễ đầu năm phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã gìn giữ gia đình tôi một năm bình an, đã ban cho chúng tôi biết bao ơn lành và phải biết dâng cho Chúa năm mới này để Ngài chúc lành cho gia đình. Mẹ cũng dạy tôi dâng những ước nguyện nho nhỏ lên Chúa với tất cả niềm tín thác. Giờ lớn rồi, mẹ không còn dạy tôi những điều đó nữa, nhưng đối với tôi tết còn là dịp để tôi bày tỏ nỗi niềm tri ân và tâm tình phó thác cho Đấng là Cha muôn đời của tôi.
Thu Hiền, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức