Tất cả cho con

139

ba meGiáo dục con cái là cốt lõi của  các bậc cha mẹ, một bổn phận không ai thay thế hay nhường cho ai khác được.

 Tình thương của cha mẹ dành cho con cái là một trong những tình cảm đẹp nhất nơi con người. Từ xưa tới nay người ta dùng nhiều ngôn từ, nhiều áng văn, vần thơ, nhiều bài ca, câu chuyện …. để tôn vinh và ca ngợi tình thương của cha mẹ. Nhưng trong thực tế, tình thương ấy được biểu lộ thế nào ?

Cho con sinh ra đời.

Trong tinh thần Kitô giáo, con cái là kết quả từ một tình yêu thương phong phú  của cha mẹ, cha mẹ được cộng tác với Thiên Chúa để lưu truyền sự sống, để tác tạo một con người mới. Con cái chính là những món quà để làm nổi bật, để hoàn thiện vai trò làm cha mẹ của các đôi hôn nhân. Vì thế một đứa trẻ sinh ra đời là một ân ban vô giá.

Sự sống là một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa và tuyệt hảo hơn cả là sự sống con người. Quá trình mang thai, sinh con là một hành trình kỳ diệu. Ngay từ những ngày đầu của giai đoạn mang thai, cơ thể, tâm hồn người mẹ có những thay đổi từng ngày và mầm sống trong cơ thể của bé cũng không ngừng biến đổi và phát triển : Tế bào trứng thụ tinh, được phân chia liên tục, trở thành phôi thai, rồi thành thai nhi trưởng thành.

Khi trẻ cất tiếng chào đời, cơ thể của bé non nớt, yếu ớt về mọi phương diện. Tương quan yêu thương độc nhất vô nhị giữa cha mẹ và con cái, sự chăm sóc của cha mẹ, của người thân từng chút, từng ngày sẽ giúp em bé bắt đầu một hành trình lớn lên cách kỳ diệu về thể chất, trí tuệ, tinh thần, tâm lý, tình cảm và nhân cách.

Từ lúc còn thơ cho đến khi thành người, công ơn sinh thành , nuôi dưỡng của cha mẹ thật lớn lao chẳng sao kể hết. Tục ngữ có câu : ‘Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ’. Còn sách Huấn Ca, chương 7 câu 27 và 28  nhắc nhớ công ơn cha mẹ rằng :

“Cha con, con hãy hết lòng tôn kính và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.
Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng ?

Cho con một nền học vấn.

Một em bé phát triển bình thường thì ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi. Cùng với sự trợ giúp của cha mẹ và những người chăm sóc, khả năng vận động  của bé được từ từ hình thành, không cần phải đến trường. Nhưng để biết đánh vần, biết đọc, biết viết, biết diễn tả tư tưởng, biết những kiến thức phổ thông thì phải đến trường để học.

Cha mẹ ngày nay rất quan tâm đến việc học của con cái. Nhiều cha mẹ ở nông thôn tuy rất nghèo, có khi chẳng biết đến cái chữ là gì, nhưng vì thương con, sẵn sàng hy sinh, buộc bụng, có khi đi vay, đi mượn để tiến cho con đi học. Một số cha mẹ dù phải chịu phí tốn, phải trả giá, phải xa con nên không chỉ chọn trường thật tốt trong nước cho con, mà còn tìm đủ cách cho con du học ở nước ngoài đẻ tương lai của con được tốt đẹp hơn.

Ngạn ngữ Nga có câu : “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”. Việc trau dồi cho con cái về học vấn, từ đó chúng có thể tiến thân, có nghề nghiệp ổn định, sống tự lập, xây dựng tương lai cuộc đời mình và góp phần xây dựng xã hội là một trong những trách nhiệm hàng đầu của cha mẹ.

Cho con một tinh thần.

Mẹ tròn con vuông, nuôi con khỏe mạnh, học hành tấn tới đâu đã làm cho cha mẹ được yên tâm. Dạy con nên người mới là trách nhiệm khó khăn nhất.

Bổn phận giáo dục con cái là điều cốt lõi của việc làm cha mẹ. Vai trò giáo dục của cha mẹ không ai thay thay thế được và cũng không nhường cho ai được. Ngày nay, hơn bao giờ hết, cha mẹ lo nhất là việc giáo dục con. Nhiều cha mẹ khá giả, học thức cao, am hiểu tâm lý con cái, nhưng họ thú nhận rằng việc dạy dỗ con cái thời nay rất phức tạp.

Nhiều người quan niệm rằng, sinh ít con, cẩn thận chọn trường, chọn bạn, chọn thú vui giải trí cho con, đồng hành sát với con, đưa đón con đi học mỗi ngày là an toàn. Điều này xem ra rất bảo đảm, nhưng chưa đủ. Nhiều bài học thực tế cho thấy : “Khôn ba năm, dại một giờ”. Không có sức mạnh bên trong, không thể chiến thắng sự xấu, sự dữ bên trong mình và ngoại cảnh.

Sớm muộn gì các con cũng phải đối diện với những khó khăn đủ loại trong trường đời. Cuộc chiến gay go nhất không phải là ngoại cảnh, là người khác, nhưng là chiến thắng với chính mình. Cần có nội lực mới vượt qua được mọi khó khăn và như thế. Chúng mới trưởng thành thực sự.

Đời là một trường tranh đấu. Rèn luyện cho con một tinh thần vững mạnh, sống có lập trường, có lý tưởng, biết chọn điều đúng, điều thiện, biết vượt qua chính mình, biết chỗi dậy sau những yếu đuối, sai lầm mới là điều hệ trọng.

Chưa thể thành người trưởng thành được nếu chưa có năng lực nội tại. Victor Cousin nói rằng : “Không có việc gì có giá trị ở đời mà không đổi bằng thời gian, lao nhọc, bị hiểu lầm, chịu đau khổ và quyết chí thành công.”

Dạy con sống đức tin.

Thánh Gioan Don Bosco là một giáo dục giới trẻ đại tài trong thời của Ngài và cả thời nay. Theo Ngài, việc giáo dục là việc tự nó vượt lên trên bản tính con người. Ngài xác tín rằng : “Không có tôn giáo thì không thể giáo dục người trẻ được.”.

Khi Gioan Bosco còn trẻ, mẹ Margarrit chăm sóc đời sống thiêng liêng cho con thật chu đáo. Don Bosco nhớ mãi và vui sướng kể lại rằng : “Mẹ của cha để tâm nhất là lo dạy các con hiểu biết và sống đạo, hướng dẫn các con biết vâng lời và bận bịu với các công việc hợp với tuổi của mình. Ngay từ nhỏ, chính mẹ dạy cha cầu nguyện … Cha nhớ chính mẹ chuẩn bị cho cha xưng tội lần đầu, cùng cha đi đến nhà thờ, chính mẹ xưng tội trước, gửi gắm cha cho cha giải tội, rồi sau đó giúp cha cám ơn Chúa. Mẹ tiếp tục giúp cha như thế cho đến khi mẹ thấy cha có khả năng xưng tội một mình cách xứng đáng”.

Với Don Bosco, tôn giáo không trừu tượng nhưng bén rễ trong đời sống. Con người được giáo dục tốt phải là công dân sống đức tin. Chính Ân sủng là tác nhân cho sự trưởng thành nhân bản. Chính tôn giáo cống hiến cho người trẻ những tiêu chuẩn để đánh giá, phê phán đúng đắn. Chính tôn giáo giúp người trẻ hành động đúng và sống niềm tin cách can trường và xác tín. Một người Kitô hữu tốt sẽ là một công dân tốt… Biết bao công dân tốt, Kitô hữu tốt, linh mục, tu sĩ, vĩ nhân và cả thánh nhân đã được huấn luyện từ trường học của Don Bosco.

Gia đình cũng là trường học về đức tin. Con cái thấm nhuần lòng thành kính đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân sẽ  giúp cho việc giáo dục toàn diện trong đời sống cá nhân và xã hội trở nên dễ dàng.

Cha mẹ thương con, cho con tất cả những giá trị tốt đẹp, cho con sinh ra đời, cho con một nền học vấn, một tinh thần vững mạnh, dạy con sống đức tin…. Chính tình yêu giáo dục này giúp con nên người trưởng thành và hữu ích cho gia đình, xã hội và Giáo hội. Ơn gọi bậc hôn nhân gia đình cao cả ở chỗ đó….

Ngọc Tâm, FMA
Trích từ chuyên đề Don Bosco,  số 11