Tiếp đến, công đồng Vaticanô II, trong sắc lệnh Ad Gentes, sau khi nói lên mục đích chuyên biệt của hoạt động truyền giáo, đã để ý đến sự kiện có nhiều dân tộc và nhiều nhóm người đã được Phúc-Âm-hóa có thể có nhu cầu mới, vì đang xuất hiện nhiều thay đổi triệt để.[2] Mười năm sau đó, Đức Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi đã nói đến một sự dấn thân loan báo Tin Mừng cho thế giới đang từ bỏ Kitô giáo.[3]
Sau cùng, chính Đức Gioan Phaolô II lần đầu tiên đã giới thiệu thuật ngữ ‘tân Phúc-Âm-hóa’ cách rõ ràng và khúc chiết trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội thường kỳ lần thứ 19 của CELAM vào ngày 09 tháng 03 năm 1983 tại Port-au-Prince (Haiti).[4] Sau đó ngài đã lặp lại tại Santo Domingo vào ngày 12 tháng 10 năm 1984 nhân dịp cử hành đệ ngũ bách chu niên rao giảng Tin Mừng tại Mỹ Châu.[5] Từ đó thuật ngữ này trở thành biểu tượng của giáo huấn mục vụ của ngài.
Như tiếng vọng lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, với những giọng điệu khác nhau do những hoàn cảnh văn hóa, xã hội và giáo hội khác nhau, tân Phúc-Âm-hóa trở thành đề tài trung tâm trong các văn kiện của đại hội các Giám mục trên toàn thế giới. Chính hoàn cảnh của thế giới hiện nay đủ là lý do cho cuộc ‘tân Phúc-Âm-hóa này’, như được mô tả trong Christifideles Laici.[6] Đến lượt mình, thông điệp Redemptoris Missio đã cống hiến một sự chỉ dẫn rất quí giá để thực hiện chương trình khẩn cấp của cuộc tân Phúc-Âm-hóa.[7]
Như thế, tân Phúc-Âm-hóa là một thuật ngữ, một quan niệm, được khai triển trong sự liên tục với sự gợi hứng nguyên thủy của công đồng Vaticanô II, đồng thời với sự đón nhận trong giai đoạn hậu công đồng mà cao điểm là tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI. Đó là câu trả lời của Giáo Hội cho các thách đố của thiên niên kỷ thứ ba đã bắt đầu. Sự khẩn cấp của một cuộc Phúc-Âm-hóa như thế phát sinh từ sự kiện nhân loại ngày nay đang sống trong một khúc ngoặt đáng kể mà Gaudium et Spes đã thấy trước[8] và ngày càng đến nhanh hơn sau sự sụp đổ của các ý thức hệ và cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa duy lý.
Nguồn : gpquinhon.org