Thư Mục vụ 2014 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (số 1) viết: “Xin anh chị em hãy tiếp tục hướng đi tốt đẹp này, nhất là trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang hết sức quan tâm đến ơn gọi và sứ vụ gia đình, được cụ thể hóa qua Thượng Hội đồng Giám mục thế giới bàn về “Những thách đố mục vụ cho gia đình trong bối cảnh Tân Phúc-Âm-hóa”. Đồng thời, trong năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes), chúng tôi mời anh chị em hướng đến một gia đình rộng lớn hơn, là giáo xứ. Thật vậy, giáo xứ là gia đình của những người con cái Thiên Chúa, trong đó tất cả là anh chị em với nhau. Gia đình giáo xứ cần được Phúc-âm-hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân.”
Nếu coi năm 2014 là năm các gia đình Ki-tô hữu Việt Nam “đóng cửa bảo nhau” (“xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng.” – Thư Chung 2014 của HĐGMVN, số 6), thì bước sang năm 2015 là lúc “mở cửa ra” thực hiện kế hoạch “Phúc-Âm-hoá đời sống giáo xứ và các cộng đoàn” (ibid).
Có thể ví các gia đình cứ khép kín cửa nhà trong mọi sinh hoạt thì cũng chẳng khác gì người vừa điếc vừa ngọng (Mc 7, 31-37). Căn bệnh này rất cần được Thầy Thuốc Chí Thánh “đặt ngón tay vào lỗ tai, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi, rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra!” (Mc 7, 33-34). Và vì thế, gia đình cần phải ý thức trọng trách của mình là sứ vụ Truyền Giáo thì rất cần phải biết “mở cửa ra”:
I- Hội Thánh – ngôi nhà luôn mở cửa “đi ra”:
Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng “Evangelii Gaudium” (số 20) nói về “Hội Thánh “đi ra” như sau: “Mọi Ki-tô hữu và mọi cộng đồng sẽ phân biệt đâu là con đường mà Chúa đòi hỏi, nhưng chúng ta đều được mời chấp nhận lời mời gọi này: đi ra ngoài khu vực quen thuộc của mình và can đảm đi đến tất cả những vùng ngoại vi, là những người cần ánh sáng của Tin Mừng.” Muốn “đi ra” thì phải “mở cửa”, bởi vì “Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha. Một dấu chỉ cụ thể của việc mở cửa này là phải có tất cả các nhà thờ với cửa mở rộng. Để nếu bất cứ ai muốn theo tác động của Chúa Thánh Thần mà đến đó tìm Thiên Chúa, thì người ấy không gặp sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng kín.” (T/H “Evangelii Gaudium”, số 47).
Ngôi nhà của Chúa Cha với “Cánh cửa Đức Tin – Porta Fidei” luôn sẵn sàng rộng mở cho những ai khao khát tìm kiếm chân lý (“Cánh cửa đức Tin” – Cv 14, 27) dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo hội, vẫn luôn mở rộng cho chúng ta.” – Tông thư Năm Đức Tin “Porta Fidei”, số 1). Nhưng muốn mở được Cánh Cửa Đức Tin, người tín hữu cần phải chạy đến với Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Lời Chúa, Mẹ Đức Tin và nhất là ngôi vị “Mẹ của Phúc-Âm-hóa – Ngôi sao của Tân Phúc-Âm-hóa” (T/H “Evangelii Gaudium”, số 284-287).
Gia đình hãy mở cửa đến với ngôi nhà luôn mở cửa “đi ra” là Giáo Hội Mẹ – Hiền thê của Đức Hôn phu Giê-su Ki-tô; ở đó sẽ gặp được Đức E-và Mới, và như vậy thì lo gì Đức Mẹ không sẵn sàng dắt đến gặp Đức A-đam Mới – Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ (Ad Jesum per Mariam).
II- Hội Thánh Tại Gia cũng phải mở cửa:
Trong lời nhắc nhở “Hội Thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha. Một dấu chỉ cụ thể của việc mở cửa này là phải có tất cả các nhà thờ với cửa mở rộng. Để nếu bất cứ ai muốn theo tác động của Chúa Thánh Thần mà đến đó tìm Thiên Chúa, thì người ấy không gặp sự lạnh lùng của một cánh cửa đóng kín”, Tông huấn “Evangelii Gaudium” (số 47) còn nhấn mạnh: “Nhưng có những cánh cửa khác cũng không được đóng kín.” Những “cánh cửa khác” ở đây phải hiểu đó là những Hội Thánh địa phương (Giáo phận, Giáo xứ), Hội Thánh tại gia. Vâng, tất nhiên các gia đình Ki-tô hữu cũng phải mở cửa ra:
A- Mở cửa ra đón Chúa: Trước hết, cần ý thức rằng Đức Giê-su Thiên Chúa luôn đứng ở trước cửa nhà của mỗi người, mỗi gia đình, nếu người tín hữu luôn tỉnh thức và sẵn sàng mở cửa ra đón Chúa, thì Người sẽ vào và ban phát nhiều ân sủng (“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” – Kh 3, 20).
Quả thật, bất cứ ai đón nhận Đức Giê-su đến nhà đều nhận được những ơn lành hồn xác. Sự kiện này đã được minh họa rất sống động trong Kinh Thánh: Đức Giê-su đến thăm gia đình ông Si-mon và đã chữa cho bà nhạc mẫu của ông khỏi cơn sốt nặng (Mt 1, 29.31); Người cũng đến nhà ông Gia-ia để phục sinh con gái của ông vừa chết nằm trên giường (Mc 5, 22.38-43); Người đến dự tiệc tại nhà viên thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu và đã chữa lành cho một người mắc bệnh phù thũng (Lc 14, 1-4); Người đến ở trọ nhà viên trưởng thu thuế Da-kêu để biến ông từ một kẻ tham lam trở thành người lương thiện (x. Lc 19, 8-10); Người vào ở trọ nhà hai môn đệ làng Em-mau để mở lòng hai ông tin vào Người đã từ cõi chết sống lại qua nghi thức “bẻ bánh” (Lc 24, 13-32)… Đôi tân hôn tổ chức tiệc cưới ở Ca-na (Ga 2, 1-11) đã mời Đức Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đến dự và nhờ lời Mẹ cầu bầu, Đức Ki-tô đã làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon tiếp đãi khách. Rồi câu chuyện hai ông Phao-lô và Ba-na-ba khi đi rao giảng Tin Mừng đã “kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.” (Cv 14, 27).
Việc mở cửa ra đón Chúa là cần thiết, nhưng trước khi mở cửa hãy dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa cho sạch sẽ, sáng sủa. Công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa gia đình năm 2014 chính là để thực hiện việc dọn dẹp và trang hoàng đó, hay nói cách cụ thể là mọi phần tử trong gia đình hãy canh tân và sám hối, dọn đường đón Chúa quang lâm. Nhiên hậu mới đón rước anh em cho “trọn niềm trung nghĩa” (Is 26, 2).
B- Mở cửa ra đến với cộng đồng: Khi đã được Đấng Em-ma-nu-en (“Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) đến nhà, thì điều đó cũng có nghĩa là những phần tử trong gia đình đã thực sự trở nên con Thiên Chúa. Được như vậy thì không lý gì lại quên mất những anh em cùng là con Thiên Chúa ở “những khu ngoại vi” của gia đình mình. Trong ý hướng đó, Sứ điệp Ngày Khánh Nhật Thế Giới Truyền Giáo 2013 (số 1) đã nhắc nhở: “Mỗi cộng đoàn là cộng đoàn “trưởng thành” khi tuyên xưng đức tin, cử hành đức tin ấy với niềm vui trong phụng vụ, sống đức ái và công bố Lời Chúa mà không biết mệt, khi ra khỏi “khu nội cấm” của mình để cũng đem Lời Chúa đến “những khu ngoại vi”, đặc biệt là những người chưa có cơ hội biết Đức Kitô.”
“Khu nội cấm” mà Sứ điệp nói tới chính là khuôn viên gia đình. Cần phải ra khỏi “khu nội cấm” gia đình để đến với “những khu ngoại vi” là cộng đồng, mà cộng đồng gắn liền với gia đình chính là giáo xứ. Vâng, chính “Sự vững chắc của đức tin của chúng ta, ở mức độ cá nhân và cộng đồng, cũng có thể được đo lường bằng khả năng truyền thông nó cho người khác, truyền bá nó và sống nó trong đức ái, làm chứng cho nó trước mặt những người mà chúng ta gặp gỡ và những người chung bước với chúng ta trên đường đời.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 1). “Những người chung bước với chúng ta trên đường đời” chẳng ai khác hơn là những Ki-tô hữu trong các gia đình cùng quây quần trong “gia đình rộng lớn hơn” là giáo xứ.
III- Tiêu chí Phúc-Âm-hóa gia đình giáo xứ:
Để Phúc-Âm-hóa gia đình giáo xứ, các gia đình Ki-tô hữu cần thực hiện theo yêu cầu của Thư Mục Vụ 2014 (-nt-) với 3 tiêu chí sau:
A- Giáo xứ phải là cộng đoàn “siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng”, nghĩa là tham dự thánh lễ và cử hành phụng vụ. (Thư Mục vụ, số 2): Truyền thống Việt Nam, các Ki-tô hữu vẫn chuyên cần tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật cùng với các nghi thức cử hành phụng vụ. Đó là điều tốt đẹp, tuy nhiên cần phát huy hơn nữa việc cử hành phụng vụ một cách sống động và có ý thức hơn (không thực hành theo thói quen lặp đi lặp lại một cách “vô thức, vô cảm”, mà phải là những cử hành phụng vụ được thực hiện trong ý thức, trong chân tình mộ mến, vâng phục). Chỉ có như vậy mới khiến cho “phụng vụ trở thành nguồn lực thánh hóa bản thân, đồng thời đem tinh thần Phúc Âm vào môi trường sống trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.”
B- Giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”. (Thư Mục vụ, số 3): Đọc sách Công vụ Tông đồ sẽ thấy các Tông đồ tiên khởi giảng dạy Lời Chúa cho cộng đoàn và hướng dẫn họ đem Lời Chúa vào thực tế đời sống. Cho đến ngày nay và mãi mãi về sau, trên hành trình rao giảng Tin Mừng, các linh mục trong các giáo xứ, những cộng sự viên của hàng giám mục, vẫn đang tiếp nối công việc của các Tông đồ. Các gia đình cần chuyên cần nghe các Tông đồ (linh mục) giảng dạy, đồng thời cộng tác mật thiết với các ngài trong việc dạy giáo lý cho mọi tín hữu, cách riêng cho thiếu nhi và giới trẻ. Mục tiêu cần đạt tới phải là: “Tất cả chúng ta thi hành sứ vụ cách mới mẻ, bằng nhiệt tình mới, năng lực mới và phương pháp mới.” (Thư Mục vụ, số 3).
C- Giáo xứ phải là cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau” giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. (Thư Mục vụ, số 4). Giáo Hội là một cộng đoàn hiệp thông chuyên nhất trong mầu nhiệm hiệp thông Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử, để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Riêng với các thành viên Hội đồng giáo xứ, vì là những cộng sự viên gần gũi của các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, nên càng cần phải hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ.
Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài (cộng đồng xã hội) qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung, như “thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng xây một cây cầu, cùng đào một giếng nước, dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng nhỏ bé này chính là những hạt giống âm thầm của Tin Mừng vĩ đại (x. Mc 4, 30).”
Ngoài ra, trong hoàn cảnh hiện nay, gia đình giáo xứ cần quan tâm đặc biệt đến anh chị em di dân. (Thư Mục vụ, số 5). Vấn đề di dân ngày nay thật bức thiết đối với xã hội và Giáo hội (có rất đông anh chị em, nhất là giới trẻ Công Giáo từ nông thôn tìm về thành phố để đi học hoặc kiếm công việc làm ăn). Thực tế này không những tác động trên đời sống kinh tế và xã hội, nhưng cả trên đời sống và sinh hoạt đức tin. Vì thế, cộng đoàn giáo xứ – cách riêng các linh mục – cần mở rộng vòng tay đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ, để họ cảm nhận được mình là thành viên của gia đình giáo xứ. Như thế, không những đời sống đức tin của họ được nâng đỡ, mà họ còn trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc-âm-hóa.
IV- Hàng linh mục với công cuộc Phúc-Âm-hóa gia đình giáo xứ:
Ngay khi nhấn mạnh việc “Giáo xứ phải là cộng đoàn “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy”, Thư Mục vụ (số 3) đã viết: Việc “lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ.” Đó chính là trách nhiệm các linh mục phải chu toàn.
Vì thế, HĐGM “xác tín rằng việc Phúc-Âm-hóa giáo xứ phải được bắt đầu từ chính hàng linh mục.” (Thư Mục vụ, số 6-7) và nhắc nhở các linh mục “phải không ngừng canh tân đời sống bản thân cũng như cung cách thi hành tác vụ linh mục”, bằng cách coi lời nhắn nhủ của ĐTC Phan-xi-cô như kim chỉ nam cho tác vụ linh mục (“phải luôn luôn nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Để thực hiện điều này, có khi ngài sẽ đứng trước dân, chỉ đường cho họ và giữ cho niềm hy vọng của họ luôn sống động. Khi khác, ngài chỉ cần ở giữa họ bằng một sự hiện diện khiêm tốn và nhân từ. Khi khác nữa, ngài sẽ phải đi theo họ, giúp đỡ những ai bị bỏ lại ở đằng sau, và trên hết, để cho đoàn chiên tự mình mở ra những lối đi mới” – (Niềm Vui Tin Mừng, số 31).
Cũng vì ĐTC Phan-xi-cô đã quyết định chọn năm 2015 là Năm của Đời sống thánh hiến, nên đây sẽ là cơ hội thuận lợi để các linh mục tại các gia đình giáo xứ đào sâu căn tính của mình, để sống “trải nghiệm không ngừng được đổi mới về sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô” (Niềm Vui Tin Mừng, số 264).
Kết luận:
Tóm lại, “Tất cả con cái Giáo Hội phải tích cực ý thức trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải hun đúc cho mình có tinh thần thực sự công giáo, và phải hy sinh góp sức vào công việc rao giảng Phúc Âm. Tuy nhiên, mọi người phải biết rằng bổn phận đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc truyền bá đức tin là sống sâu xa đời sống Ki-tô hữu. Vì chính khi nhiệt thành phụng sự Thiên Chúa và bác ái đối với tha nhân, họ mang lại cho toàn thể Giáo Hội một cảm hứng tinh thần mới và làm cho Giáo Hội xuất hiện như là một dấu chỉ nổi lên giữa các dân, là “ánh sáng thế gian” (Mt 5, 14) và là “muối đất” (Mt 5, 13). Chứng cứ đời sống này sẽ đem lại kết quả dễ dàng hơn, nếu cùng được thực hiện chung với các nhóm Ki-tô giáo khác, theo tiêu chuẩn của Sắc Lệnh về sự Hiệp Nhất.” (Sắc lệnh Truyền Giáo “Ad Gentes”, số 36).
Đó cũng chính là lời nhắc nhở các gia đình Ki-tô hữu hãy nhiệt tình tham gia vào sứ vụ Tân Phúc-Âm-hóa Gia đình mở rộng ra cộng đoàn Giáo xứ, xã hội và Giáo hội toàn cầu. Xin hãy nuôi dưỡng sự hiệp thông truyền giáo trong giáo xứ của mình, theo lý tưởng của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi (xc toàn bộ sách Công Vụ Tông Đồ). Xin hiệp lời cầu nguyện với ĐGH trong Tông huấn “Evangelii Gaudium”:
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa, xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông, của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại, của công lý và tình yêu dành cho người nghèo, để cho niềm vui của Tin Mừng có thể đi đến tận cùng của trái đất và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.
Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống, nguồn mạch của niềm vui cho những người bé nhỏ, xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia!
Lam Thy ĐVD.