Tản mạn về… Thằng Cuội

97

1Mỗi dịp Trung Thu về, gọi là Tết Nhi Đồng, chắc hẳn rất ít người không biết ca khúc “Thằng Cuội” của cố NS Lê Thương (*): Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ. Cuội ơi! Ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi?

Bài này khá xưa (không biết “xưa” là bao nhiêu năm), tôi đã biết và hát khi tôi còn nhỏ, nhưng ngày nay vẫn phổ biến. Giai điệu nhẹ nhàng, ý tưởng ngộ nghĩnh, rất thích hợp với nhi đồng. Ngày xưa, dù còn nhỏ (dĩ nhiên chưa hiểu hết) nhưng tôi cũng đã rất “ấn tượng” (theo nghĩa bình thường của một thiếu nhi) với ca khúc này. Lý do là tôi cứ cố gắng hiểu mà không thể hiểu thấu. Phải nói rằng tôi cảm thấy đó là ý tưởng thật “độc đáo” – với thâm ý khâm phục thực sự, mà chỉ ráng hiểu mà không hiểu, vậy mới “độc đáo”!

Tôi không biết rõ NS Lê Thương – cả thân thế và sự nghiệp, mà chỉ biết danh tiếng của ông. Thời đó mà ông viết được một ca khúc như vậy thì quả là biệt tài và hiếm thấy. Không biết ông sáng tác ca khúc này lúc ông bao nhiêu tuổi, nhưng với ông chắc hẳn không có “ẩn ý” gì. Và cách nói thời đó tất nhiên còn “thô thiển”, vì quá chân thật (đúng ý nghĩa “chân thật” của sự chân thật). Ít nhiều ông cũng ảnh hưởng “chế độ quân chủ”, đó là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu công tâm so sánh với cách nói ngày nay thì thực sự có “khác” hơn nhiều – thậm chí là “không thể chấp nhận”.

“Khác” gì? Chúng ta thử nghĩ xem, cách gọi “thằng Cuội già” nghe có ổn không? Đã gọi là “thằng” mà lại “già”, rồi lại xưng mình là “ta”. Một em bé tuổi nhi đồng mà gọi “người lớn” là “thằng” và xưng “ta” thì đứa bé đó sẽ bị coi là thế nào? Việt ngữ có một số từ “không đẹp” dành cho một đứa trẻ như vậy: Hư hỏng, hỗn láo, đổ đốn, vô giáo dục, mất dạy,… Và tại sao gọi “thằng Cuội” mà lại gọi “chị Hằng”? Đại từ “thằng” và “chị” không tương xứng với nhau! Tất nhiên tôi không dám “phê bình” NS Lê Thương hoặc “lạm bàn” điều gì mà chỉ muốn nêu lên “thắc mắc” hoàn toàn mang tính văn hóa và theo ngu ý cá nhân mà thôi.

Nếu sống và sáng tác ca khúc “Thằng Cuội” ở thế kỷ này, thiết tưởng NS Lê Thương có thể sẽ “sửa” là: Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có chàng Cuội già, ôm một mối mơ. Cuội ơi! Em nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi?.

Quả thật, cũng nên “thay đổi” lắm, chí ít là theo phép lịch sự tối thiểu, vì chúng ta vẫn muốn trẻ em ngoan ngoãn và lễ phép kia mà! Chúng ta giáo dục trẻ em sống ngoan ngoãn, lễ phép với mọi người, thế mà lại “dạy” chúng gọi người lớn là “thằng” và xưng mình là “ta” thì thật là quá bất ổn! Các bạn nghĩ sao?

TRẦM THIÊN THU

.

(*) NS Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh ngày 8-1-1914, tại phố Hàm Long, Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc. Một bài viết khác cho rằng ông sinh tại Nam Định. Chi tiết về cuộc đời ông rất ít được nhắc tới. Theo hồi ký của NS Phạm Duy, NS Lê Thương sinh năm 1913 và là thầy tu xuất.

Năm 1935, NS Lê Thương hành nghề dạy học ở Hà Nội, sau đó ông chuyển về dạy ở Hải Phòng. Ông cùng các nhạc sĩ Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ tại Hải Phòng, hay theo ban kịch đi hát tại Hà Nội, Vĩnh Yên. Họ cũng là những hướng đạo sinh và hay tổ chức đi cắm trại hay đi hát tại các tỉnh lân cận bằng xe đạp.

Năm 1941, ông vào miền Nam. Ban đầu ông ở An Hóa, tỉnh Bến Tre, sau đó ông chuyển về sống tại Saigon. Tuy là một nhạc sĩ tài danh, nhưng nghề chính của ông là dạy học. Ông từng là giáo sư Sử Địa, có một thời gian giảng dạy tại một số trường trung học tư ở Sài Gòn. Ông cũng từng là giáo sư Pháp ngữ tại trường trung học Pétrus Ký vào thập niên 1960. Ông cũng từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc Gia Giáo Dục trước năm 1975. Ông mất năm 1996 tại Saigon.