Tản mạn về một kinh nghiệm sống – hai thế hệ

28

Tôi vẫn hay nói đùa với người khác rằng mình chỉ ước mong sống đến 33 tuổi, bây giờ đã nhảy lên con số 44!

Sau những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, nhân loại trông chờ những thay đổi lớn và tôi cũng trông chờ sự xuất hiện của những phát minh mới. Chỉ buồn một nỗi là mình còn chậm chân và “lạc hậu” quá! Năm nay, dù đã qua cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc” và đang đến cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”, mình vẫn vậy. Chắc là người ta sẽ bỏ xa mình hàng ngàn cây số!

Hai mươi năm “đi tu”, bao nhiêu sự để nhớ và để yêu. Gia đình mình được rộng mở ở chiều kích mới, theo kinh nghiệm của đời sống cộng đoàn.

Nhìn vào đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, tôi thấy ít nhất là có hai thế hệ cùng chung sống. Người ta hay nói đến “the generation gap”. Khoảng cách già-trẻ này cho tôi thấy mình đang ở giữa hai ranh giới. Tôi đang ở thời “quá niên trạc ngoại tứ tuần”. Từ góc nhìn này cách khách quan, tôi thấy rõ là có sự khác biệt.

Tôi thấy rằng người trẻ bước ra từ một nền văn hóa đề cao cá nhân, sự chủ quan và những cuộc tìm kiếm cách tân. Trong khi đó, người già lại nặng về một quá khứ, một truyền thống và kinh nghiệm sống nhiều khi không được cập nhật kịp thời. Ngoài ra còn phải nói đến cá tính, bối cảnh gia đình, quan điểm cá nhân và nhiều thứ khác biệt khác nữa. Tất cả tạo ra một sự ngăn cách khá rõ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đời sống cộng đoàn tu sỹ không phải là một liên kết “cộng sinh” giữa những cá nhân theo kiểu phù hợp các ý kiến chủ quan; cũng chẳng phải là sự lựa chọn hay thay đổi phù hợp với hoàn cảnh khách quan. Nét căn bản cho sự liên kết giữa hai thế hệ vẫn là “sứ mệnh” theo “đặc sủng” của một hội dòng. Đây mới chính là nguồn gốc tạo nên sự hiệp nhất và là nguồn phát sinh nhiều dạng thức biểu lộ khác nhau làm phong phú hóa và tiếp nối trong đời sống cộng đoàn.

Tôi đã học nơi những anh em hội viên lớn tuổi nhiều kinh nghiệm phong phú và “đắt giá” theo nhiều nghĩa. Chính họ đã truyền cho tôi sức sống cháy lên từ lửa nhiệt tình tông đồ, từ một kế hoạch “chu toàn bổn phận hằng ngày trong vui vẻ”, khỏi cần nhờ đến việc lập trình hay xử lý của bất kỳ máy vi tính nào nhanh nhất mà vẫn đâu vào đấy! Chính họ cho tôi học biết cách thức biểu lộ tình yêu thương và niềm say mê phục vụ hơn bất kỳ cuốn sách giáo khoa của các học giả nổi tiếng về nhân bản hay tu đức nào. Cũng chính họ cho tôi học biết kiểu lý luận và chứng minh như cách của Đức Kitô: “Hãy đến mà xem!” _ Không dài dòng văn tự, không phức tạp về câu chữ, nhưng hàm chứa một sức mạnh cuốn hút và được khẳng định qua thử thách của thời gian.

Tôi cũng nhận ra sức sống nơi người trẻ. Họ có cách biểu lộ của riêng mình. “Sống trẻ” là vươn lên, đổi mới không ngừng. “Trẻ” với niềm mê say yêu đời không ngại gian khổ. “Trẻ”: thực sự sôi động mà không quá náo nhiệt hay hỗn loạn. “Trẻ” phải xốc vác, dám quên mình và dấn thân. “Trẻ” phải quảng đại và mở rộng tâm hồn. “Trẻ” không có nghĩa là bất chấp và coi thường tất cả. “Trẻ” cũng không đồng nghĩa với sự kiêu căng, khẳng định mình, tự mãn vì thành công, ích kỷ và chiếm đoạt. “Trẻ” dễ dàng phạm một số sai lầm nhưng không đồng nghĩa với việc đầu hàng những đam mê xấu, thú vui tầm thường, sống không mục đích hoặc chỉ sống với mục đích theo các giá trị bậc thấp.

Có lẽ là tôi “may mắn” ở giữa hai làn ranh của tuổi đời để học biết thêm kinh nghiệm sống – sự may mắn của người có thể nhìn ra hai hướng để chọn đường đi trung dung. Tôi cầu cho các bậc cha anh đủ sức khỏe để tiếp tục trao ban và truyền đạt kinh nghiệm sống quý báu của họ cho lớp trẻ. Tôi cầu cho lớp trẻ biết trân trọng điều mà họ đang có và tiến bước không ngừng vào tương lai.

“Làm gì để giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa, phải tuân theo lời Chúa dạy” (Tv 118). Lời dạy để tôi biết “kính trên, nhường dưới” có lẽ phát xuất từ kinh nghiệm khám phá ra sự dị biệt và đường nét đặc trưng của các thế hệ, trong cùng một hành trình ơn gọi. Vậy cũng đáng để tôi tạ ơn Chúa và tiếp tục tiến bước. Cố lên!

(Lê An Phong, SDB. Torino, Lễ Thánh Barnaba Tông đồ /11-06-2014)