Tản mạn ngày Lễ Phục Sinh
Câu nói đó giản dị mà thâm thúy, liên quan nhiều thứ, thậm chí liên quan cả đức tin Kitô giáo. Tại sao? Có nói ngoa không? Thưa là “không”. Tại sao là “không”? Thánh Phaolô xác định: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không trỗi dậy” (1 Cr 15:13). Đức Kitô phục sinh là “ấn tín” chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ sống lại như Ngài. Bài “Công bố Tin Mừng Phục Sinh” (Exultet), trong đêm Vọng Phục Sinh, nói rõ: “Nếu không được ơn cứu chuộc khỏi tội khiên, chúng ta sinh ra nào có ích chi!”.
Nếu Đức Kitô không phục sinh vinh thắng, tất nhiên chúng ta cũng không bao giờ sống lại, thế thì niềm tin của chúng ta là hão huyền, cuộc sống của chúng ta vô ích, chúng ta chẳng khác gì “chó chết”, sống rồi chết, người ta ăn tiết canh và “sống trên đời ăn miếng dồi chó”, thế là xong, và thế là “hết chuyện”. Thế thì chúng ta chẳng hơn gì loài động vật hoặc sinh vật. Động vật có giác hồn (sống và biết buồn, biết vui,…), sinh vật có sinh hồn (sống mà không biết vui, buồn,…), nhưng ct có linh hồn (sống và biết buồn, biết vui,… đặc biệt là có đời sống tâm linh).
Sống cũng có những cách sống khác nhau, sống cũng có “điều kiện”. Thánh Phaolô xác quyết: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Đó mới thực sự là niềm tin của chúng ta.
Tiếng A-lê-lu-ia quá quen thuộc với Kitô hữu, nhất là trong Mùa Phục Sinh. Tôi không rành khoa ngôn ngữ (ngữ học), chỉ mày mò Việt ngữ cũng chưa “nên thân”, dĩ nhiên là không dám “múa rìu qua mắt thợ”, nhưng thấy người ta nói rằng âm Việt ngữ đọc là A-lê-lu-ia, theo tiếng Hy Lạp là Αλληλούϊα (Ha-lê-lu-ia), thấy các nhà ngữ học trích dẫn Kh 19:3 ghi: “Ha-lê-lui-a! Khói lửa thiêu nó cứ bốc lên đời đời kiếp kiếp!” (Καὶ δεύτερον εἴρηκεν, Ἁλληλούϊα: καὶ ὁ καπνὸς αὐτῆς ἀναβαίνει εἰς τοὺς αἰῶνας τῶν αἰώνων).
Hallelujah, Halleluia, Allelluja, Alleluia, thậm chí có người còn viết là Alleluya. Viết thế nào? Thực ra đó chỉ là quy ước của nhân loại. Chẳng biết Tây hay Ta, mà chỉ là “ba rọi”, theo thiển ý của tôi, âm “ia” phát âm gần giống Việt âm là “da”, thế thì sao không Việt hóa luôn? Cứ đọc “toạc móng heo” ra là Ha-lê-lu-da hay A-lê-lu-da cho… “khỏe”. Nửa nạc nửa mỡ, chả ai biết thế nào, mà dân Việt mình đâu có vốn ngoại ngữ nhiều, không khéo lại hóa “ngại ngữ” đấy! (Vì cách phiên âm của Việt Nam không thống nhất. Vì dụ: Giê-su hay Giê-xu?).
Viết này viết nọ rồi “minh chứng” là “h aspiré” hoặc “haleine” để làm gì? Có thực sự cần không? Có chăng chỉ cần đối với các nhà nghiên cứu hoặc người biết loại ngôn ngữ đó. Giới bình dân có mấy ai hiểu? Còn hơn là “vịt nghe sấm”. Sao không nói dùng Việt ngữ là “câm” cho mọi người cùng hiểu? Tục ngữ Việt Nam có câu hay lắm: “Thà chết đống hơn sống một mình”. Chí lý thật!
Sự thật mất lòng, nói thẳng như ruột ngựa chứ “vòng vo tam quốc” chi cho rắc rối. Mà bản chất ngôn ngữ là giản dị, nói sao người ta hiểu đúng ý là được, “màu mè” và “rườm rà” chỉ là dạng “chảnh”, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Khi dịch từ tiếng nước này sang tiếng nước nọ cũng vậy, ai cũng “mắc dịch”, vừa khôi hài vừa thâm ý! Thế nên người ta thường phải sử dụng “ngôn ngữ cơ thể” – Hán Việt gọi là “thể ngữ”.
Chị Maria Mađalêna đã từng bị người ta lôi ra ném đá và được Chúa Giêsu tha bổng (x. Ga 8:2-11), Chị cũng lại bị người ta chê trách khi Chị lấy dầu thơm hảo hạng xức chân Chúa và lấy tóc mình mà lau (x. Ga 12:1-8), rồi Chị còn hoảng hốt khi thấy mộ trống, tưởng thi hài Thầy bị lấy mất (Ga 20:1-2). Thế nhưng Chị lại là người đầu tiên được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh (x. Ga 20:11-18). Sau khi được Chị báo tin, Giáo hoàng tiên khởi Phêrô còn ngớ người ra khi thấy mộ trống. Đặc biệt là trong Lễ Phục Sinh, Giáo Hội còn có phần Ca Tiếp Liên nói về việc này. Ai dám nói gì thêm không???
Chúa Giêsu phục sinh, đó là niềm hạnh phúc tột đỉnh của nhân loại, của mỗi tội nhân chúng ta. Phàm ngữ không thể đủ từ ngữ để diễn tả, điều duy nhất chúng ta có thể làm là chỉ còn biết cúi đầu cảm tạ không ngừng, đồng thời phải loan truyền về Đức Kitô Phục Sinh hằng ngày, qua từng động thái!
TRẦM THIÊN THU
Chúa Nhật Phục Sinh – 2013