Tâm tư con

TÂM TƯ CON

 

Cha gọi tôi bằng cái tên rất ngộ nghĩnh : “Đầu Tàu”, đơn giản vì tôi là chị cả của một đoàn gồm “sáu cái tàu há mồm”. Gia đình tôi không được khá giả lắm, nhưng tôi luôn mang trong mình niềm tự hào vì Cha Mẹ luôn thương yêu nhau và yêu thương chị em tôi. Ngày còn bé, cứ chiều chiều, Cha lại bế tôi đi khắp xóm chỉ để dỗ tôi ăn hết một bát cơm. Nhưng tình thương của Cha thì tôi không tài nào hiểu nổi, vì Cha tôi “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên tôi là người chịu đòn của Cha nhiều nhất và tôi cũng trưởng thành hơn nhờ những sự dạy bảo đó.

Ba giờ sáng, Cha đã dậy để cùng làm bánh cam với Mẹ cho kịp phiên chợ sớm, trong khi chúng tôi còn say giấc. Cha “suỵt” Mẹ nhẹ nhàng để chúng tôi có được giấc ngủ ngon. Có lúc tôi lén theo Cha xuống bếp, Cha ngồi cạnh chảo dầu, tay “lăm lăm” đôi đũa tre, mồ hôi nhễ nhại. Nhìn thấy tôi, Cha cười : “Cha Mẹ làm con thức rồi hả ? Ăn bánh rồi lên ngủ tiếp đi con, còn sớm mà !”. Tôi muốn lau những giọt mồ hôi đang vướng trên trán Cha, nhưng tôi cứ chần chừ. Những buổi đi học về, tôi nhăn mặt vì cái nóng oi bức, trong khi ngoài kia, cái lưng ướt đẫm mồ hôi của Cha đang đưa vai đỡ lấy từng khúc gỗ nặng. Những buổi tối, Cha cố nén từng cơn đau vì đôi chân bầm dập.

Cha dành nhiều tình thương và sự quan tâm cho tôi. Mặc dù ngày nào Cha cũng bận rộn không lúc nghỉ ngơi, nhưng tối đến Cha vẫn tranh thủ kiểm tra bài vở của chị em chúng tôi. Với Cha, tôi là quan trọng nhất, vì tôi phải làm gương cho các em. Cha tôi hay đùa “con hơn cha là nhà có phúc”, Cha không làm nổi bài của tôi, nhưng Cha luôn kiên nhẫn ngồi cạnh để chờ tôi giải xong từng bài toán. Năm tôi học lớp mười, người bạn thân của tôi đã phải nghỉ học, vì ba mẹ bạn ấy không quan trọng việc học : “Con gái hết lớp chín là được rồi”- mẹ bạn ấy nói thế. Tôi thấy mình thật hạnh phúc vì là con của Cha Mẹ, đôi lúc tôi nghĩ : “Nếu mình sinh ra trong một gia đình khác thì sao nhỉ ?”. Khi cả nhà quây quần bên bàn cơm, nghe những hoài bão lớn lao của con bé như tôi, rằng tôi thao thức phải đưa gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo, cho Cha Mẹ bớt khổ. Cha cười lớn và bảo : “Cha Mẹ chỉ cần con tự lo cho mình là được rồi, không cần phải lo cho Cha Mẹ đâu !”. Lúc đó tôi nghĩ thế, nhưng bây giờ đối với tôi, điều đó không quan trọng nữa.

Cha là người thầy dạy lớn nhất của tôi, từ việc nhỏ nhặt đến những việc lớn lao. Cha dạy tôi phải trọng danh dự, vì danh dự rất quan trọng và hãy cho đi nếu có thể. Cha không thích nói nhiều mà chỉ thích hành động.

Ngày tiễn tôi vào Sài Gòn, mắt Cha dõi theo bước chân của đứa con gái mới lớn. Sợ tôi nhớ nhà, tối nào Cha cũng gọi điện thoại nói chuyện và khuyên bảo tôi. Những tháng ngày xa nhà làm tôi thấy tiếc nuối về thời gian ở gần bên Cha.

Có lẽ niềm vui lớn nhất của Cha là nghe tôi nói sẽ vào Dòng. Cha không giấu nổi niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp của tôi. Cha đã gieo vào trí óc tôi lòng mến Chúa từ lúc tôi còn chưa biết đọc, biết viết mà đã “đọc vẹt” được mấy bài kinh Cha dạy vào những buổi kinh gia đình.

Cha ơi ! Cha có biết rằng giờ phút này đây con đang rất nhớ Cha, chưa bao giờ con nói một lời cảm ơn về tất cả những gì Cha đã làm cho con, vì con cho đó là khách sáo, là điều không cần thiết, nhưng con xin một lần được khách sáo với Cha, chỉ để cho Cha hiểu rằng con rất tự hào về Cha.

Cảm tạ Chúa đã cho con có cơ hội được thổ lộ tấm lòng của người con đối với Cha. Cảm ơn Cha đã là Cha của con, cảm ơn Cha đã luôn bên con những lúc con đau khổ, cảm ơn Cha vì tất cả. Cầu xin Chúa luôn chúc lành và bên cạnh Cha.

                                                                                           

  PN

Thanh tuyển viện MTG. Thủ Đức

Exit mobile version