Một sáng Chúa Nhật nọ, tôi cùng người chị em chạy xe ngang qua một nhà hàng tổ chức đám cưới và các sự kiện. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta trang trí cho một đám cưới bằng một tông màu tím chủ đạo. Tôi nói với chị tôi: “Đám cưới là ngày vui mà sao người ta lại trang trí màu tím nhỉ?”. Chị tôi cười bảo: “Em biết trong tình yêu, màu tím tượng trưng cho điều gì không? Nó tượng trưng cho một tình yêu chung thủy đấy! Chắc cặp đôi tân hôn này mong ước có được một mối tình chung thủy suốt đời.
Màu tím, màu tượng trưng cho sự chung thủy. Vậy tại sao Mẹ Giáo Hội lại sử dụng màu tím trong phụng vụ Mùa Vọng nhỉ? Nó mang ý nghĩa gì? Trong tiết trời âm u se lạnh của Tháng Mười Hai, lặng lẽ bên Giê-su, tôi miên man suy nghĩ về những điều đó. Và tôi nghiệm ra rằng Mẹ Giáo Hội đã sử dụng màu tím để nhắc nhở con cái mình nhớ về một mối tình, mối tình chung thủy Thiên Chúa dành cho con người từ muôn ngàn đời. Về phần mình, khi nhìn thấy màu tím, tôi được mời gọi mặc lấy tâm tình trông đợi – sám hối – và hân hoan. Đó là cách tôi biểu lộ và đáp trả tình yêu của mình.
Thật vậy, khi một người chờ đợi người yêu đến nhà mình, hẳn trong lúc chờ đợi, người đó trước hết phải quét tước dọn dẹp nhà cửa trong ngoài thật sạch sẽ, rồi bài trí căn nhà của mình thật đẹp. Rồi người đó lại chỉnh tề đứng trước gương để săm soi, trang điểm và chọn cho mình một bộ đồ đẹp nhất. Chưa kể là đang khi chờ đợi, người đó cứ ngó trước, ngó sau xem điều gì chưa tốt, chưa đẹp thì cố gắng dọn dẹp, thay đổi cho tốt nhất có thể. Tại sao phải dọn dẹp, phải thay đổi? Ấy là bởi khi ta chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, thì đó là dấu ta yêu mến, kính trọng và thực sự mong đợi sự hiện diện của người kia. Về phần người được mời, họ sẽ cảm thấy mình được đón tiếp và yêu mến. Họ vui, và niềm vui của người này sẽ là hạnh phúc cho người kia.
Cũng bởi thế, trước thời Con Chúa giáng trần, Người đã sai Gioan đến trước để hô lên tiếng hô: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp. Khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,4-5). Tiếng hô ấy hối thúc mọi người thay đổi đời sống bằng sự sám hối và canh tân nhưng đồng thời cũng làm bừng lên niềm vui và hy vọng vì sắp đến thời Thiên Chúa thi ân. Thật vậy, chẳng có ai chờ đợi mà buồn sầu. Hãy ngắm xem một đứa trẻ chờ mong mẹ về hay một người xa quê mong về ăn Tết. Trong lúc chờ đợi, họ nóng lòng, bồn chồn nhưng xen lẫm trong đó là niềm vui, bởi họ biết họ chờ mong điều gì.
Thiên Chúa yêu tôi và Người muốn tôi được hưởng trọn niềm vui, niềm hạnh phúc và ơn cứu độ ngày Con Chúa giáng trần. Về phần mình, cùng với lời mời gọi sám hối và canh tân, tôi cố gắng tự tạo cho mình một “nội vi tâm hồn”, để nơi đó chính Chúa ngự trị và hướng dẫn tôi.
Lạy Chúa!
Tâm hồn con giờ đây
Như mảnh đất khô cằn mong nước.
Xin Chúa đến
tắm mát hồn con bằng ơn thánh của Ngài.
Để con có thể sửa đổi bản thân
Dù đã quá muộn màng
Nhưng con biết Chúa hằng yêu và chờ đợi con
Nên con sẽ tiếp tục cậy trông và hy vọng nơi Ngài. Amen.
Maria Thu Hiền, Tập sinh MTG.Thủ Đức