Tâm Thiện – Tâm Ác

63

TÂM THIỆN – TÂM ÁC

            Con người, ngoài cái thể xác ra thì có một cái hết sức đặc biệt. Cái đặc biệt đó nó dệt nên con người, nói lên con người và nhân cách của người đó. Cái để định nghĩa nên con người nào đó không phải là bằng cấp, chức vị, vẻ đẹp bên ngoài đó phải chăng là cái tâm.

            Tâm của con người rất quan trọng. Tâm của ai nào đó không sờ, không thấy, không cân đo đong đếm được nhưng người khác có thể cảm nhận được. Khó mà cũng không khó để “thấy” được tâm của ai đó. Qua lời nói, qua cách hành xử của người nào đó thì ta cũng sẽ từ từ nhận ra người đó có tâm hay tâm của người đó bị … cắn.

            Thật thế, ngang qua suy nghĩ, ngang qua hành động của một người thì ta biết được người đó có tâm thiện hay tâm ác.

            Hơn một lần tôi đã nghe câu chuyện về bài thơ hài cú “Chuồn Chuồn – Ớt”. Thế nhưng lần nào câu chuyện ấy cũng để lại trong tôi nhiều suy nghĩ.

Hài cú (Haiku) là một thể thơ truyền thống độc đáo của người Nhật, niêm luật rất chặt, và đặc biệt rất ngắn, thường chỉ có mười bảy âm
tiết được chia vào ba câu. Ban đầu đây chỉ là loại thơ mang tính hài hước, bông lơn. Nhưng sau đó, nhờ công của nhà thơ thiên tài Basho (1644-1694), hài cú đã trở nên loại thơ sang trọng, mang tính triết lý, chiêm nghiệm suy tư về cuộc sống con người.

Một giai thoại, tôi đọc đâu đó, kể rằng, ngày nọ Basho đi cùng với người học trò của mình – sau này là nhà thơ nổi tiếng Kikaku – hai thầy trò băng qua một cánh đồng đầy những con Chuồn Chuồn Ớt đang lao vụt qua, chàng trai trẻ liền làm ngay một bài hài cú:

Hỡi chuồn chuồn đỏ

Đôi cánh rứt

Ồ những trái ớt!

Thế nhưng người thầy sửa ngay:  “Không ! Đó không phải là hài cú. Nếu muốn làm một bài hài cú về đề tài này, con phải nói:

Những trái ớt son

Đôi cánh chắp

Tung toé lũ chuồn chuồn”

Chúng ta suy nghĩ, chúng ta thấy sở dĩ Basho phản đối cậu học trò vì anh này mang trong mình cái tâm sát sinh, nỡ rứt đôi cánh để tước đi sự sống sinh động lung linh của con chuồn chuồn, biến nó thành quả ớt vô hồn. Âm điệu bài thơ như mang một giọng cười hả hê, ngạo nghễ. Người thầy đã tài tình đảo ngược bài thơ để dạy cho cậu học trò cái tâm hiếu sinh: chắp đôi cánh sự sống để quả ớt biến thành con chuồn chuồn.

Chỉ là một bài thơ của người, nhưng tôi thấy được nơi bài thơ ấy nhắc nhớ cho tôi để tôi sống cái tâm thiện trong cuộc đời.

Như tâm tình của Thánh Phaolô : Điều tôi biết là tốt tôi lại không làm. Điều tôi biết là xấu tôi lại cứ làm luôn nhắc nhớ tôi. Tối thừa biết điều đó xấu nhưng tôi cứ làm bởi lẽ cái tâm tôi xấu. Nếu như tâm tôi không xấu thì tôi sẽ không làm điều xấu. Mãi mãi vẫn là sự giằng co trong cuộc đời.

Trong cuộc sống, ta luôn luôn ngã về cái tâm xấu, cái tâm ganh tỵ, cái tâm hơn thua, cái tâm hờn ghen.

Cũng không khó để nhận ra cái tâm xấu của ai đó. Văn là người mà ! Vào trang cá nhân của ai đó, đọc dòng trạng thái của ai đó thì ta hiểu được phần nào lòng của họ.

Trong một ngày sống, nếu như mình lượm lặt những điều tốt cho vào cái giỏ của mình thì đến tối mình sẽ nhận được những điều tốt. Ngược lại, ban ngày, mình cứ đi lượm những điều xấu, những điều hơn thua ganh ghét sân hận thì tối về phòng mở ra ta thấy cái giỏ của ta toàn những điều như thế. Đơn giản vì đó là quy luật của hoa quả trong cuộc đời này.

Thi thoảng có ai đó gửi cho tôi những trang cá nhân chuyên đi phê phán người khác, chỉ trích người khác, hơn thua người khác thì tôi thường là không đọc và lướt qua để lòng mình không phải nặng nề với những cái tâm không thiện đó. Cũng ngộ, có những người không để tâm trí mình thụ hưởng những điều tốt để đi soi mói những điều xấu để rồi trong đầu của mình lúc nào cũng nặng nề với những điều đó.

Điều quan trọng để tâm mình không tối đó là hãy nhìn lại con người của mình. Mình có là người hoàn hảo đâu để mà chê bai người khác. Bỏ đi cái tánh hờn ghen, ganh tỵ thì tâm của mình nó sẽ sáng. Khi tâm mình sáng thì mình nhìn bất cứ điều gì cũng sẽ sáng.

Mỗi chúng ta nên chăng giữ cho tâm trong sáng và tránh làm những điều sai trái đạo đức, làm hại người khác. Những tai họa của tương lai do những điều ác gây ra, vì thế hãy loại bỏ hành động sai trái này. Ngoài ra hãy tích cực làm việc trượng nghĩa, điều thiện, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn. Điều đó giúp chúng ta sống thoải mái, sống có ý nghĩa hơn.

Lm. Anmai, CSsR