Con người là sinh vật cao cấp nhất, nhưng cũng phức tạp nhất. Vì thế mà cũng có nhiều cảm xúc phức tạp, tâm sự ngổn ngang – dù vui hay buồn.
Tết đến, Xuân về, niềm vui rộn rã, thế mà NS Hoài An (*) lại có “Tâm Sự Ngày Xuân”. Đó làm tâm sự của một binh sĩ trong thời chiến và đang làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước nơi rừng sâu núi thẳm.
Ca khúc này nói về mùa Xuân nhưng lại được viết ở âm thể Thứ, nhịp 4/4, không trĩu nặng u buồn nhưng mặc vẻ trầm tư sâu lắng. Ca từ cũng đơn giản, hoàn toàn chân chất và mộc mạc như văn nói, nhưng vẫn không gây nhàm chán.
Ông đặt mình vào vị trí của một chiến sĩ, rồi nhìn đời khi Xuân về: “Trông thế gian đang vui mừng đón xuân, chắc nàng Xuân năm nay đẹp bội phần”. Đoán chừng vậy thôi, nhưng cũng có thể chắc chắn là vậy. Tết mà. Nơi biên khu, ông chỉ biết mùa Xuân về khi rừng Mai vàng nở rộ: “Ngắm rừng hoa mai đua nở tuyệt trần, đổi hương thay phấn giữa đêm chờ tin báo Xuân”. Ông biết đêm đó là giao thừa, lúc mà những đóa hoa “thay hương đổi phấn”.
Biết Xuân về nên lòng người trai chợt buồn vì còn phải bảo vệ quê hương, lo gìn giữ biên cương, bảo vệ hòa bình cho đất nước: “Tôi đón xuân giữa lúc còn chiến chinh, chúc mừng Xuân bên ly rượu hành trình, chúc người trai đi xây dựng hoà bình, để cho đất nước vui trọn mùa xuân thắm xinh”. Nhắp ly rượu Xuân mà không được ngồi yên, vừa uống vừa bồn chồn, vừa uống vừa hành quân, đó là “ly rượu hành trình”, uống để chúc nhau bình an và mong cho quê hương hưởng trọn mùa Xuân vui mừng.
Năm cũ qua, năm mới tới. Năm tháng cứ luân phiên hoán chuyển vị trí mà Quê Mẹ vẫn chưa hưởng nền hòa bình đích thực. Xuân lại về, biết bao ước nguyện chất đầy ngày Tết: “Xuân đến ban cho muôn niềm tin, Ðất Mẹ mau bình yên, ruộng cày thêm nhiều luống, hạnh phúc dâng triền miên, xe những mối lương duyên, mái tranh chung bóng nguyệt, gia đình lại đoàn viên”. Tưởng tượng ra cảnh “bóng trăng chiếu sáng lên mái tranh” (mái tranh chung bóng nguyệt) và gia đình đoàn tụ, chợt thấy lòng cũng dâng cao niềm vui, tràn trề hy vọng.
Ông chúc mọi người hạnh phúc thực sự trong năm mới: “Xuân tới đây với muôn ngàn thiết tha, chúc trần gian năm nay được thuận hoà, với một năm Xuân vui vẻ đậm đà”, đặc biệt là mọi người đều có thể “cùng Xuân quên hết những chuyện buồn năm đã qua”. Hòa bình tâm hồn là hòa bình đích thực và cần nhất, điều mà ai cũng cầu mong. Nhưng muốn được hòa bình trong tâm hồn thì phải biết cảm thông và tha thứ cho nhau.
Tâm sự mùa Xuân như vậy chắc hẳn chẳng của riêng ai!
Kinh thánh cũng nhiều lần nhắc tới nỗi niềm tâm sự: “Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi” (Ac 3:20). Nói đến tâm sự thì ít khi vui, thường là buồn: “Chạm vào mắt làm tuôn rơi nước mắt, chạm vào lòng khiến lộ ra nỗi lòng” (Hc 22:19).
Nhưng cũng tùy người, tùy nơi, tùy lúc, tùy vấn đề, thậm chí là tùy bản tính. Kinh thánh dạy: “Đừng tâm sự với bất cứ người nào, đừng tưởng làm như vậy là người ta thích” (Hc 8:19). Thật vậy, không khéo còn bị cho là “thế này, thế nọ”. Chỉ tự chuốc thêm phiền toái!
Với mình đã vậy, với người càng phải cẩn trọng hơn: “Ai không giữ kín lời tâm sự của người khác, đó là kẻ tàn nhẫn, có ai bị hành hạ hay xiềng xích, nó cũng chẳng quan tâm” (Hc 13:12). Đúng như tiền nhân nói: “Cẩn tắc, vô ưu”. Thật chí lý!
Có thể không cần tâm sự với ai, nhưng lại rất cần tâm sự với Thiên Chúa liên lỉ, vì chỉ có Ngài là Đấng xót thương và sẵn sàng cứu vớt: “Trước nhan Chúa, hãy trút niềm tâm sự, giơ tay hướng về Người mà cầu cho sinh mạng của đoàn con đang lịm dần vì đói đầu đường, góc phố, khắp nơi nơi” (Ac 2:19).
Chúa Giêsu cũng là người mang nhiều tâm sự, đến nỗi có lần Ngài phải thốt lên trong Vườn Dầu, trước giờ bị nộp: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38; Mc 14:34). Tin Mừng theo Thánh sử Gioan, cả chương 17 (câu 1-26) là một khoảng-nỗi-niềm-riêng của Đức Giêsu mà Ngài tâm sự với Thiên Chúa Cha. Da diết quá!
Cũng trong Vườn Dầu, sau khi cầu nguyện, Chúa Giêsu trở lại và thấy các môn đệ đang ngủ khò, Ngài liền nói với ông Phêrô: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?” (Mc 14:37). Cao điểm là trên Thập Giá, với bản tính nhân loại, Ngài cũng có tâm sự riêng và cảm thấy cô đơn tột: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mt 27:46; Mc 15:34).
Chúng ta chỉ là những phàm phu tục tử, tất nhiên cũng có nhiều tâm sự lắm. Nhưng chúng ta hoàn toàn bất túc và bất trác, chỉ còn biết tín thác vào Thiên Chúa, và thành tâm tín nguyện: “Lạy Chúa, xin dạy bảo con về đường lối của Ngài” (Tv 25:4).
Lạy Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết cách đón Xuân và vui Tết cho hợp Tôn Ý Ngài. Amen.
TRẦM THIÊN THU
____________________________
(1) NS Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh, sinh năm 1929. Ông còn có nghệ danh khác là Trang Dũng Phương. Tuy sinh trưởng ở miền Bắc, cả cuộc đời sáng tác của ông gắn liền với mảnh đất phương Nam, với con người và quê hương Nam Bộ. Những sáng tác ông quen thuộc và gần gũi với khán giả yêu nhạc có thể kể đến các ca khúc: Ngày Xuân Thăm Nhau, Tâm Sự Ngày Xuân, Kỷ Niệm Nào Buồn, Trăng Về Thôn Dã (đồng tác giả với Huyền Linh), Tình Lúa Duyên Trăng, Thiên Duyên Tiền Định,… Trong đó, nổi bật nhất có thể là ca khúc Câu Chuyện Đầu Năm. Ca khúc này vẫn thường được vang lên trong những dịp Xuân về. Những ca khúc về nông thôn của ông cũng rất thành công.
Giai điệu và ca từ trong các nhạc phẩm của ông đầy chất trữ tình nhưng mộc mạc, giản dị, dễ thuộc. Một nửa số ca khúc của ông là tình ca, một nửa là ca ngợi quê hương, với tình cảm lãng mạn và trong sáng. Nhiều người hát những bài ca do ông sáng tác nhưng hoàn toàn không biết tên tác giả. Đó chính là lý do gia tài âm nhạc của ông có đến trăm tác phẩm nhưng cũng bị thất lạc không ít.
Ông qua đời vào chiều 15-3-2012, tại tư gia số 56 Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình, Saigon, hưởng thọ 83 tuổi. Ông được an táng tại nghĩa trang Đa Phước (Bình Chánh, Saigon).
(2) Nghe “Tâm Sự Ngày Xuân” – https://www.youtube.com/watch?v=vwM8Cc2vlFs