VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN Xã hội Tâm sự của Thu Phương

Tâm sự của Thu Phương

   DSC03504

Vừa qua chúng tôi tổ chức trung thu cho các em nhỏ, rất tiếc có một số em không thể đến chung vui với bạn bè được, vì bệnh tật nên đi lại khó khăn. Chúng tôi đến nhà thăm hỏi và trao cho các em món quà nhỏ của ngày trung thu. Đến nhà của Thu Phương, em rất vui như có điều gì đó muốn chia sẻ với chúng tôi. Thì ra trung thu năm nay em được trung tâm khuyết tật nơi em đang điều trị mời các em có khả năng biết chữ thì viết một bài báo tường với tâm sự gì em thích, và Thu Phương  đã làm được. Dưới đây là bài viết của em.

 

.

ƯỚC MƠ CỦA EM

Năm 1992 lọt lòng mẹ, ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cứ ngỡ tuổi thơ tôi cũng như bao trẻ khác, lật bò tập tễnh từng bước đi, tuổi cắp sách đến trường học chữ, vui chơi cùng các bạn. Nhưng 21 năm qua tôi ngồi đó, những điều tưởng chừng như nhỏ nhoi ấy lại quá xa vời với tôi, tôi không thể tự chăm lo được chính mình. Từ nhỏ đến lớn một tay mẹ tôi lo liệu, mỗi năm qua đi tôi lớn hơn và thêm tuổi mới thì me cũng già đi, tóc thêm phần bạc trắng, tủi thân tôi nhưng thương mẹ vô vàn, thân gầy mòn lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ, mẹ ơi con cám ơn mẹ…. hằng đêm trong giấc ngủ của con, con luôn thầm cảm ơn mẹ.

21 năm qua cứ mỗi lần Trung thu về thì tôi lại nhớ tới tuổi thơ của mình, tôi được mẹ cõng đi xem các bạn múa hát, nhìn thấy các bạn nô đùa thì  lòng tôi thêm khao khát, tôi ước gì tôi có thể bước được trên đôi chân của mình mà không cần phải mẹ cõng tôi ở trên lưng nữa, cứ mỗi lần như vậy thì tôi lại thương mẹ nhiều thêm, mẹ không màng tới những vất vả mà mẹ cứ cõng tôi đi xem, tôi chỉ muốn nói với mẹ rằng, mẹ ơi con cám ơn mẹ nhiều lắm, con hạnh phúc vì có mẹ bên đời.

Rồi một ngày mẹ nhìn tôi với đôi mắt tràn đầy hạnh phúc mẹ nói, con ơi con hãy cố gắng thực hiện ước mơ của mình con nhé, dù có khó khăn vất vả thế nào đi chăng nữa, đôi mắt tôi mở to nhìn mẹ, mẹ hiểu nên mẹ nói con ơi con – cơ hội để thực hiện ước mơ đến rồi đó, lòng khấp khởi mong chờ mẹ nói tiếp, như lại hiểu ra mẹ nhìn tôi lần nữa, mẹ nói con sẽ không buồn nữa, con sẽ không cô đơn nữa, con sẽ được làm quen với các bạn cùng trang lứa, cùng nhau luyện tâp phục hội chức năng để rồi con sớm thực hiện được những gì con muốn. Tôi vẫn hồ nghi về những điều mẹ nói, cho đến ngày hôm đấy tôi tin là sự thật –  là tôi có nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh chia sẻ những khó  khăn trong cuộc sống, những ước mơ trong cuộc đời, có cơ hội dần phục hội những khuyết tật của bản thân.

Niềm vui sự hồ hởi cũng như niềm tin vào chính bản thân mình được diễn tả qua từng ngày từng phút tôi ở tại trung tâm.Tôi luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ của các bác các cô các chú. Những ngày vui ngày hội cô chú tất bật sửa soạn lo toan để cho chúng tôi có được ngày vui trọn vẹn. Nhớ… nhớ lắm ngày hội Trung thu năm nay, mặc dù tôi không tự tay làm được những chiếc đèn lồng xinh xắn, mà chỉ ngồi nhìn các bạn, nhìn những giọt mồ hôi lắn dài trên má, nhưng đó là những giọt  mồ hôi của niềm vui và hạnh phúc. Tôi ước gì Trung thu năm sau tôi sẽ tự tay mình dán những mầu sắc ưa thích lên chiếc đèn lồng xinh xắn mà tôi yêu thích. Hạnh phúc là như thế đấy…. Cảm ơn cô chú những tấm lòng nhân hậu.

EM HOÀNG THỊ THU PHƯƠNG – SĐT: 0166 757 9331

.

 

Gia đình Phương có bốn chị em, ba gái một trai. Phương là lớn, đến Trang và Ngọc, với người em trai út lại không bình thường. Khi lọt lòng mẹ Phương là cô bé kháu khỉnh, trong một cơn sốt nặng Phương bị co giật nên mới có hậu quả như ngày hôm nay. Lớn lên Phương được gửi vào nhà Sơ chăm sóc các em khuyết tật để được chăm sóc kỹ hơn. Vì đi lại khó khăn và vì đôi tay không điều khiển được nên Phương không có cơ hội đến trường theo học, dù vậy Phương vẫn cố gắng tập đọc tập viết qua các Sơ và các bạn chỉ cho, để biết đọc biết viết tên của mình. Khi Phương lên 18 tuổi thì bố ngã bệnh rồi qua đời, vì thế Phương xin ở nhà coi nhà cho mẹ, còn Trang phải nghỉ học để đi làm giúp mẹ, em Ngọc hiện nay đang học lớp 10, vì trường xa nhà nên Ngọc phải ở trọ, đây cũng là nỗi lo của mẹ Phương là Chị Phạm Thị Vang. Khi bố Phương bị bệnh chị Vang phải bán vườn để chạy chữa cho chồng, nào ngờ tiền hết người cũng không còn. Từ đó đến nay chị phải làm mướn để lo cho các con, dù đi làm Chị Vang cũng không yên tâm vì cả hai con ở nhà không tự phục vụ cho mình được ngay cả đi vệ sinh cũng phải có người giúp. Tháng 7 năm 2012 cũng là cơ hội đến với Phương, có đoàn Bác sĩ mổ từ thiện, Chị Vang cố gắng vay chạy để cho Phương đi phẫu thuật đôi chân với hy vọng là Phương có thể đi lại được một chút để sau này đỡ khổ, ca mổ thành công nên đôi chân của Phương khá hơn nhiều. Để tiện chăm sóc cho hai chị em Phương, Chị Vang quay sang nhận trông coi trẻ tại nhà thay vì đi làm thuê. Có phụ huynh đến gửi con thấy Phương cầm điện thoại nhắn tin, chị hỏi Phương có thích đánh vi tính không, Phương nói thích, nên chị cho mượn và chỉ cho Phương biết sử dụng, rồi cho mượn cả 3G để lên mạng đọc tin tức, hay tâm sự cùng bạn bè. Đối với Phương làm việc gì cũng khó khăn, không đi được, nói cũng khó, bàn tay thì chỉ sử dụng được ngón cái, nhưng Phương không nản lòng, tự tay viết những lời tâm sự thật đáng khâm phục. Thấy cô bé là thấy niềm vui, lúc nào tôi cũng thấy nụ cười nở trên môi em. Mỗi khi gặp Phương, tôi chẳng cho em được gì mấy, nhưng tôi nhận được từ nơi em rất nhiều. Em đã cho tôi niềm vui, bài học về lòng tự tin và sự cố gắng dù cuộc sống có trở ngại đến đâu. Mong sao mơ ước của Thu Phương sẽ sớm thành hiện thực.

 

Nt. Anna Nguyễn Thị Thơm

Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức

Sau đây là một vài hình ảnh của em Thu Phương

   

  

  

 

Exit mobile version