Tâm Hồn Tông Đồ

Bài suy niệm Tháng 06/2019

TÂM HỒN TÔNG ĐỒ

***

Là tông đồ của Chúa, chúng ta không được nhìn lên Chúa với con mắt hạn hẹp, nhưng phải nhìn trong nhãn quan phổ quát. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nhìn lên Chúa với đôi mắt và con tim rộng mở theo chiều kích của Giáo Hội hoàn vũ và thế giới. Trong cái nhìn đó, chúng ta không thể nào làm ngơ trước thực tại này là: Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế, gần hai ngàn năm sau ngày Ngài xuống thế, vẫn còn là người xa lạ đối với hơn bốn tỉ người.

Hơn bốn tỉ người chưa biết đến Chúa Giêsu Kitô và sứ điệp của Ngài! Con số có thể làm cho chúng ta rùng mình, vì nó nói lên  công việc khổng lồ đang chờ đợi: đó là đem Tin Mừng đến cho hơn bốn tỉ anh chị em, là làm sao để họ hiểu biết Chúa, yêu mến Chúa, tin vào Chúa và theo Chúa. Công việc này đòi hỏi một sự dấn thân mới của toàn thể Giáo Hội, nhất là của những ai được gọi đặc biệt làm chứng cho tình yêu Chúa giữa anh chị em. Hơn nữa, tại nhiều quốc gia hiện nay, Giáo Hội Chúa chỉ là một thiểu số, và đang gặp những khó khăn đủ loại. Trên bình diện nhân loại, người đồ đệ của Chúa khó mà thắng vượt được những thử thách này. Lời nói sau đây của Đức cha Tchidimbo, Tổng Giám mục Conakry, Guinea, sau hơn tám năm bị cầm tù, diễn tả khá rõ ràng hoàn cảnh khó khăn của nhiều tín hữu Kitô. Đức cha đã nói như sau: “Ai đã hiến thân phục vụ Thiên Chúa trong chức vụ linh mục hay trong đời sống tu trì, cần biết là họ sẽ không được đối xử tốt hơn Thầy của họ là Chúa Kitô”.

Và chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh tỉnh các môn đệ Ngài như sau: “Nếu thế gian ghét chúng con, chúng con hãy nhận biết rằng thế gian đã ghét Thầy trước chúng con. Nếu các con thuộc về thế gian, thì thế gian sẽ yêu thương của thuộc về nó; nhưng vì chúng con không thuộc về thế gian, và vì Thầy đã chọn chúng con và tách chúng con ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét chúng con. Chúng con hãy nhớ lời Thầy đã bảo: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, chắc chắn họ sẽ bắt bớ chúng con. Nếu họ giữ lời Thầy, chắc chắc họ sẽ giữ lời chúng con. Họ đối xử với chúng con như thế, là tại danh Thầy, bởi vì họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Gn 15,18-21).

Con đường mà Chúa Giêsu đã đi qua để cứu chuộc nhân loại là con đường Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh. Để cứu chuộc nhân loại, dĩ nhiên Chúa có thể dùng nhiều cách và đi theo nhiều con đường. Nhưng với lòng nhân hậu và sự khôn ngoan vô bờ bến, Thiên Chúa đã chọn con đường Nhập Thể, mặc lấy bản tính con người, để canh tân con người. Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô trình bày con đường nhập thể như con đường chấp nhận xỉ nhục: “Chúa Giêsu, mặc dù là Thiên Chúa, nhưng không đòi ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ chính mình, mặc lấy thân phận tôi tớ, trở nên giống tất cả mọi người, dưới hình ảnh một người; Người đã tự hạ vâng lời cho đến chết, và chết trên Thánh Giá” (Pl 2,6-8).

Con đường Nhập Thể, đối với mọi tông đồ của Chúa, là con đường từ bỏ chính mình, để sống yêu thương. Tình yêu thương trong mầu nhiệm Nhập Thể mang tính cách đại đồng, vừa đồng thời cụ thể. Tình thương cụ thể đối với người bên cạnh, nếu không mở rộng đón người xa lạ, nếu không có tính cách đại đồng, thì sẽ dễ trở thành một thứ tình cảm đóng kín, và biến đối tượng được yêu thương, — một cá nhân, một cộng đồng, một nhóm người — thành một nhóm nhỏ đóng kín, loại trừ tất cả. Ngược lại, một tình yêu thương đại đồng đối với mọi người, mà không dấn thân yêu thương thực sự những con người cụ thể sống chung gần bên, thì sẽ bị nguy hiểm trở thành một cuộc chạy trốn, hay chỉ là một ý tưởng trừu tượng. Vì vậy, tâm hồn người tông đồ cần biết yêu thương nhiệm vụ của mình, cộng đoàn của mình, với tất cả tấm lòng, vừa đồng thời phải biết mở rộng con tim ấp ủ cả thế giới, đến độ các vấn đề của thế giới và của tất cả mọi người, đều thấy vang dội trong tâm hồn người tông đồ. Mầu nhiệm Nhập Thể dẫn đến mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Tình yêu thôi thúc Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, dẫn đưa Ngài đến Thánh Giá, và qua Thánh Giá đến Phục Sinh. Tình yêu chấp nhận, tham dự, và chia sẻ trong mầu nhiệm Nhập Thể, sẽ biến thành tình yêu dâng hiến và phó thác trong mầu nhiệm Tử Nạn, và đạt tới tình yêu không giới hạn của mầu nhiệm Phục Sinh. Và trong suốt quãng đường dài từ mầu nhiệm Nhập Thể cho đến mầu nhiệm Phục Sinh, người tông đồ theo Chúa cần những giây phút thinh lặng, cầu nguyện, suy niệm về cuộc đời của Chúa, Đấng Cứu Thế, để học biết con đường Chúa đã đi qua trong việc cứu chuộc nhân loại, vừa đồng thời để cho tâm hồn tông đồ được tràn đầy tình yêu của Chúa, tình yêu chấp nhận, tình yêu tham dự, tình yêu chia sẻ, tình yêu dâng hiến, tình yêu phó thác, tình yêu không giới hạn, đại đồng nhưng cụ thể.

Lạy Chúa, xin cùng đồng hành bên cạnh con luôn mãi, để nhắc con sống trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận.

Sr. Anna Hoàng Mai, MTG.Thủ Đức

Exit mobile version