Tam Giác Nghi Vấn

57
Tháng Mười Một, tháng cầu hồn
Nhớ người, rồi nhớ đến phần lượt ta…
TamGiac NghiVanCon người luôn thắc mắc về chính mình, về nguồn gốc và về đích đến – tức là thắc mắc về quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là một tam-giác-nghi-vấn khiến con người lao tâm khổ tứ và tốn công hao của. Các chuyên ngành – từ khoa học tới y học, từ vật lý học tới thiên văn học, từ nhân chủng học tới khảo cổ học,… – vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm từ xưa tới nay, thế nhưng con người vẫn không thể tìm ra đáp án nào thỏa mãn nhất. Không thấy đạo nào nhắc đến nguồn gốc của con người, chỉ nói đến giáo lý của đạo hoặc học thuyết, nhưng Kitô giáo mạch lạc “hai năm rõ mười”.
Con người là ai?
Ngày xưa, trong chương trình giáo dục tiểu học có ngụ ngôn “Con trâu, Con cọp và Con người” thế này:
Ngày xửa ngày xưa, khi dắt trâu ra ruộng, người ta thường lấy dây buộc vào sừng trâu mà kéo đi. Một hôm, có con chim đậu ở bụi cây, thấy người nông dân dẫn trâu đi như vậy, bèn hỏi: “Sao ông không thọc lỗ ở mũi trâu mà dắt đi?”. Người kia bèn buộc con trâu vào gốc cây, đâm thủng mũi trâu, xỏ dây và dắt đi. Sau đó có nhiều người bắt chước theo. Một hôm, sau buổi cày, khi người chủ nghỉ ngơi, còn trâu đang gặm cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu: “Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế sao?”. Trâu trả lời cọp: “Tuy bé nhỏ nhưng con người có trí khôn to lớn”.
Vừa lúc ấy, người đi cày trở lại, cọp bèn hỏi: “Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho tôi xem với”. Người đi cày đáp: “Trí khôn tôi để ở nhà”. Cọp bảo: “Hãy về nhà lấy trí khôn cho tôi xem”. Người nông dân trả lời: “Được chứ! Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt thì ông cọp ăn mất trâu của tôi. Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem được không?”. Cọp bằng lòng ngay.
Người đi cày lấy dây thừng cột cọp thật kỹ vào gốc cây, rồi ông lấy một chiếc gậy to vừa đánh vào đầu cọp vừa nói to: “Trí khôn của tao đây này”. Trâu thấy vậy, cười ngả nghiêng, híp mắt vào nên đập hàm vào đất, gãy cả hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đánh.
Giết một con vật thì không có tội, nhưng giết một con người thì tội tày trời. Giết một con vật mà có tội chỉ vì con vật đó thuộc loại quý hiếm, nhưng tội giết động vật quý hiếm cũng chỉ là khinh tội, không như tội giết một con người, dù chỉ là một phôi thai. Thậm chí chỉ đối xử tệ với con người cũng là trọng tội, vì con người là động vật cao cấp nhất, mỗi người đều có trọn vẹn một NHÂN VỊ, một NHÂN PHẨM và đầy đủ NHÂN QUYỀN, đặc biệt là con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1:27; St 9:6).
Dù chỉ là động vật, sống theo bản năng, không biết lý luận, nhưng con chó bị dồn vào góc tường thì nó cũng chống trả bằng cách cắn lại ngay cả chủ của nó, dù nó vẫn được coi là con vật trung thành. Những người làm xiếc có khi cũng “sinh nghề tử nghiệp” vì chính con vật mà mình đã thuần hóa. Nói chung, loài vật không biết phân biệt điều thiện hay điều ác. Ngược lại, chỉ có con người mới biết phân biệt thiện – ác và biết đắn đo suy nghĩ, có người phản ứng mạnh nhưng có người lại nhịn nhục – như tục ngữ nói: “Một sự nhịn, chín sự lành”. Thế mới là con người! Thậm chí một danh nhân đã xác định: “Ai không có lòng yêu thương thì không xứng đáng nhận danh hiệu con người”.
.
Con người đến từ đâu?
Người ta cho rằng con người tiến hóa từ loài khỉ. Nói như vậy nghĩa là con người xuất xứ từ loài khỉ, và như vậy khỉ là tổ tiên của con người. Nói vậy thì bạn sẽ tự ái và nói: “Khỉ làm sao có thể là tổ tiên của tôi?”. Đúng vậy, nhưng khi bạn công nhận con người tiến hóa từ loài khỉ – dù gián tiếp hay trực tiếp, nghĩa là bạn đã chấp nhận “khỉ là tổ tiên của mình”. Không thể biện hộ bằng cách nào khác!
Có 3 loài chính: Thực vật, Động vật và Con người. Thực vật có sinh hồn, tức là chỉ sống mà không có cảm giác; động vật có giác hồn, tức là sống và có cảm giác, nhưng chỉ sống theo bản năng sinh tồn; con người có linh hồn, tức là không chỉ sống và có cảm giác mà còn có trí khôn, biết sáng tạo, biết phân biệt thiện và ác.
Loài này không thể là loài kia – dù là động vật: Con vật không thể là con người, và tất nhiên con người không thể là con vật. Con nòng nọc biến hóa thành con nhái, con ếch, dù hai con khác nhau nhưng vẫn là “loài tương cận”. Cũng vậy, con ngài biến thành bướm, nhưng chúng vẫn chỉ là loài động vật có giác hồn. Con chó có hình dáng giống con bò, con trâu, nhưng mãi mãi là loài chó; con cọp có dáng giống con beo nhưng không bao giờ là con beo. Con tinh tinh nhìn giống con vượn nhưng khỉ không thể là vượn. Sáo có thể bắt chước âm gần giống tiếng người (thật ra không giống bao nhiêu), cà cưỡng cũng có khả năng đó, nhưng sáo là sáo và cà cưỡng là cà cưỡng. Những loài gần giống nhau nhưng không cùng “họ hàng thân thuộc” mà chỉ là “những con tương cận”.
Kitô giáo tin rằng Thiên Chúa dựng nên con người, có nam có nữ, theo hình ảnh của Ngài (St 1:27; St 9:6), Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người (đàn ông), rồi thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2:7). Rồi Ngài thấy con người ở một mình không tốt (St 2:18) nên Ngài lấy xương sườn của người đàn ông để tạo nên phụ nữ (St 2:21-22). Điều này còn nhắc chúng ta PHẢI nhớ rằng chúng ta chỉ là cát bụi (x. 1 S 2:8; G 7:21; G 10:9; G 20:11; G 21:26; G 34:15; Tv 10:18; Tv 22:30; Tv 44:26; Tv 90:3; Tv 103:14; Tv 104:29; Tv 146:4; Kn 7:9; Is 29:4).
Chắc chắn rằng loài khỉ KHÔNG THỂ và KHÔNG BAO GIỜ là tổ tiên của loài người. Và chắc chắn bất kỳ ai cũng không hề muốn chấp nhận loài khỉ là tổ tiên của mình! Con người phải xuất xứ từ một Đấng Tạo Hóa quyền năng và vô thủy vô chung, đó là Ông Trời, đó là Thiên Chúa.
.
Con người đi về đâu?
Khởi đầu cuộc đời bằng tiếng khóc, kết thúc cuộc đời bằng giọt nước mắt. Sinh ký, tử quy. Sinh ra trắng tay, chết cũng trắng tay. Được tạo nên từ bụi đất thì sẽ trở về với bụi đất, nơi mình xuất phát. Đó là điều chắc chắn!
Nhưng đó là theo nhãn quan trần thế. Chó chết thì hết chuyện. Con người chết không hết chuyện. Cọp chết còn để da huống chi con người. Chó chết không ai xây mộ, lập bàn thờ hoặc thắp nhang trước di ảnh… chó. Nhưng con người chết, dù là ai, cũng được tổ chức đám tang trang trọng, được lập mộ, được lập bàn thờ và được thắp nhang trước di ảnh, thậm chí còn được cầu khấn xin phù hộ. Ngay cả những người không có niềm tin tôn giáo cũng lâm râm khấn vái với người quá cố. Lạ thật!
Từ 1 tới 8-11, khi lãnh ân xá để cầu cho các linh hồn nơi luyện hình, chúng ta đọc Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại và sự sống đời sau”. Đó là đích đến của mỗi người, nghĩa là hưởng Tôn Nhan Thiên Chúa đời đời trên Thiên quốc. Nếu không được làm công dân Nước Trời là chúng ta phụ tình Chúa, là uổng phí Ơn Cứu Độ, là lãng phí Lòng Chúa Thương Xót, bởi chính Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân kia mà. Lòng Chúa Thương Xót ngoài sức tưởng tượng của con người. Thánh Phaolô nói: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15:13-14).
Mừng lễ chư thánh là mừng Giáo hội Khải hoàn, cầu cho các linh hồn là chia sẻ yêu thương và là nhiệm vụ của chúng ta đối với Giáo hội Đau khổ, đồng thời chúng ta cũng cầu cho chính mình là những thành phần của Giáo hội Chiến đấu. Đó là Giáo hội hiệp thông với 4 đặc tính: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.
Với con người bình thường thì “đau đầu” vì tam-giác-nghi-vấn kia, nhưng với người có niềm tin vào Thiên Chúa thì đó là một hành trình thú vị và đầy ý nghĩa vậy. Bởi vì Thiên Chúa đã khuyến khích: “Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).

TRẦM THIÊN THU