Monica Muñoz
Giữ thinh lặng là một trong những cách để tiếp xúc với nội tâm của mình và đặc biệt đó là khoảng thời gian cho phép một mình chúng ta lắng nghe tiếng Chúa.
Ngày nay, cuộc sống đầy vội vã không còn chỗ để nghỉ ngơi và thanh thản một mình, vì vậy, một trong những nơi ít ỏi bạn có thể nghỉ ngơi yên tĩnh chính là nhà thờ. Tuy nhiên, qua thời gian, thói quen tôn trọng nơi cầu nguyện cũng dần mất đi, có lẽ cũng không dám yêu cầu người đang nói và hạ giọng.
Thế nhưng, kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng việc giữ im lặng cho phép chúng ta nội tâm hóa những suy nghĩ của mình và chuẩn bị sẵn sàng để lắng nghe tiếng Chúa muốn nói với chúng ta. Ai đã từng tham gia khóa tĩnh tâm đều biết rằng điều quan trọng là phải quên đi những thứ bên ngoài để đi sâu vào bên trong. Tương tự, điều này cũng cần xảy ra khi chúng ta đến nhà thờ để gặp Chúa.
Im lặng chuẩn bị cho việc cầu nguyện
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đề cập trong một buổi tiếp kiến rằng: “Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng chúng ta cần phải dừng lại, sống những giây phút thân mật với Chúa, “rút” khỏi cái hối hả và nhộn nhịp từng ngày, để lắng nghe, đến với cái “gốc rễ” vốn duy trì và dưỡng nuôi sự sống”s (Tiếp kiến chung, ngày 7 tháng 3 năm 2012). Đức Bênêđictô nói về điều này liên quan đến các giai đoạn truyền giảng của Chúa Giêsu, trong nhiều trường hợp, Người đã tìm cách tránh xa đám đông để cầu nguyện.
Và để đạt được nó điều cần thiết là tránh xao lãng; vứt bỏ điện thoại di động đi, hoặc tốt hơn là đừng mang theo, vì chắc chắn sẽ nảy sinh cám dỗ muốn xem nó, hoặc bất thình lình đổ chuông làm gián đoạn cuộc đối thoại với Chúa. Ngoài ra, nó cũng tạo ra cái cớ để trở về với thực tại và đột nhiên kết thúc buổi cầu nguyện, mà nói cách nôm na đó là cơ hội tốt để chúng ta có thể thiết lập mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa.
Nếu bạn định nói chuyện thì hãy nói với Chúa
Cần nhớ rằng nhà tạm nằm trong nhà thờ là nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa, cho nên đó là nơi thánh thiêng, nơi mà mọi người đến đặt mình dưới chân Chúa để cầu nguyện, cảm tạ, chúc tụng và xin tha thứ. Vì vậy, thật không đúng tí nào khi nói chuyện với bất kỳ ai không phải là chính Chúa. Ngay cả khi chúng ta nói khe khẽ, tốt nhất là nên tôn trọng người khác và để dành cuộc nói chuyện đó bên ngoài nhà thờ.
Cần phải chú trọng nhiều hơn đến không gian thiêng liêng này. Mỗi khi chúng ta bước vào nhà thờ, Chúa sẽ được lắng nghe trong sự im lặng.
G. Võ Tá Hoàng