Tại sao người trẻ nên tin vào Thiên Chúa?

495

Khi ngồi trên ghế nhà trường, tôi thường xuyên bị chất vấn từ những người bạn về niềm tin Công giáo của mình. Các bạn ấy có lý khi chất vấn tôi về sự hiện diện của thần linh, của Thiên Chúa. Đó không chỉ là câu hỏi để thảo luận, giải thích với những người đồng trang lứa với tôi. Trên hết, đó còn là nỗi hoài nghi của chính tôi. Với một đức tin được hấp thụ từ truyền thống gia đình, đôi khi tôi cũng hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa, nghi ngờ về sự hiện hữu của một Đấng mà miệng tôi thường tuyên xưng: có một Thiên Chúa toàn năng.

Mới đây tôi có dịp đọc một quấn sách khá hay của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Đức Tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay. Trong đó ngài trình bày những thách đố, tính hợp lý và sự cần thiết để chúng ta tin vào Thiên Chúa. Dĩ nhiên là người trẻ, tôi thường thấy tin là một lựa chọn khó khăn trong thế giới hôm nay. Khó khăn không phải vì sự vắng bóng Thiên Chúa. Thách đố không hẳn vì thông điệp “Thiên Chúa đã chết” của Nietzsche. Một trong những khó khăn người trẻ phải đối diện đó là chúng ta đang sống trong một thời đại của khoa học. Với những thành quả huy hoàng của nó, nhiều người chỉ tin vào những gì chứng minh được, những gì đụng chạm được. Một đức tin được kiểm chứng bằng tai nghe, mắt thấy có trọng lượng hơn những thứ vô hình. Trong khi đó, đức tin lại nằm ngoài bình diện các quan năng.

Đức tin thực sự là một nhịp cầu để con người có thể đụng chạm với Đấng Vô Hình. Điều ấy không dễ chút nào đối với người trẻ trong thời đại kỹ thuật khoa học hôm nay. Tôi biết không ít bạn trẻ công giáo khẳng định rằng chúng ta không cần đến tôn giáo hay Thiên Chúa nữa, vì khoa học ngày này có thể làm được mọi thứ. Sau đó họ trích dẫn những câu phủ nhận Thiên Chúa từ môi miệng những nhà khoa học vô thần. Vậy người trẻ nên tin vào những nhà khoa học vô thần hay tin vào một Thiên Chúa mà họ đang theo đuổi?

Trong văn chương Do Thái kể rằng có một nhà tri thức trò chuyện với vị tôn sư. Sau khi vị tôn sự trình bày những gì liên quan đến Thiên Chúa và sự hiện diện của Người mà Kinh Thánh nói đến, vị tôn sư kết luận: “Biết đâu đó là thật”. Người trẻ chúng ta cũng có thể nói rằng: “Biết đâu đó không phải là thật”. Thực ra đây là hai khía cạnh lưỡng nan của thân phận con người. Một mặt người tin cũng thường bị chất vấn về sự vắng bóng của Thiên Chúa, mặt khác người không tin cũng đặt vào hoàn cảnh biết đâu Thiên Chúa hiện hữu. Hóa ra đức tin là điều thách thức cho cả người tin lẫn người không tin.

Dầu sao tôi thấy người trẻ thắc mắc, hoài nghi về chính đức tin của mình là một dấu hiệu đáng mừng. Mừng vì từ đó người trẻ lên đường tìm cho một câu trả lời. Câu trả lời có thể đến từ những lời hướng dẫn của Giáo Hội. Từ đó, hy vọng người trẻ có thể đi vào được mối tương quan với Đấng họ đang kiếm tìm. Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng trước những thắc mắc về đức tin, họ tìm đọc những tài liệu của Giáo Hội Công giáo, họ đọc Kinh Thánh để hy vọng nơi đó cho họ câu trả lời thỏa đáng. Trong thế giới thông tin ngày nay, người trẻ dễ dàng tìm cho mình những tài liệu như thế. Tuy nhiên, một điểm lưu ý là Giáo Hội Công giáo nhắn nhủ với con cái mình rằng: “Để được một đức tin mạnh mẽ đòi hỏi họ phải “trở về”, “hoán cải” tâm hồn. Nghĩa là để cho Thiên Chúa ngỏ lời và mình đón nhận với một tâm hồn không cố chấp.

Một khi tin vào Thiên Chúa, người trẻ có được ơn sủng của Chúa Thánh Thần và hiểu biết hơn để tiến sâu vào niềm tin ấy. Các bạn trẻ có thể hỏi tại sao tôi phải tin vào Thiên Chúa? Thực ra câu hỏi ấy đã có từ thời Cựu Ước, nghĩa là dân tộc Do Thái đã thắc mắc về niềm tin của họ trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người. Tiên tri Isaia loan báo rằng: “Nếu các ngươi không tin, các người không thể tồn tại được.” (Is7,9). Nếu dịch sát nghĩa, câu này có nghĩa là: “Nếu các người không bám chắc vào Đức Chúa, các người không đứng vững được.” Một dịch giả khác dịch câu trên sang tiếng Hy Lạp: “Nếu các ngươi không tin, các ngươi cũng không hiểu.” (bản Bảy Mươi). Do đó, nói như ĐGH Bênêđictô XVI: “Tin có thể mô tả như thái độ tựa nương, cậy dựa vào Lời Chúa như nền tảng của cuộc sống.

Ở đây có hai vấn đề. Trước hết cuộc sống của chúng ta luôn cần có niềm tin vào ai đó, hoặc điều gì đó. Nếu thiếu điều ấy, chúng ta không thể nào tương giao hoặc sinh sống được. Ví dụ tôi tin mình sẽ thành công trong cuộc sống, từ đó tôi mới có động lực học tập và vươn lên. Về phương diện tôn giáo, tôi tin vào Thiên Chúa, từ đó tôi có thể đứng vững trước mọi sóng gió cuộc đời. Tuy nhiên, có nhiều bạn trẻ khẳng định rằng, tôi không tin vào Thiên Chúa, tôi cũng có thể hạnh phúc thành công. Thực ra điều ấy cần được kiểm chứng, theo nghĩa thế nào là hạnh phúc đích thực. Dĩ nhiên chúng ta tôn trọng niềm tin của mỗi người. Là những người trẻ Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa nhờ đó chúng ta cũng có thể hiểu được một phần nào về Thiên Chúa. Nhờ đó cuộc đời chúng ta có “ý nghĩa”

Như thế, tin vào Thiên Chúa vừa là một ân huệ Chúa trao, vừa là một thách đố cho người trẻ. Đó là thực tế mà ngay cả thần học gia người Đức Karl Rahner phải thốt lên rằng: “Tin nghĩa là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời.” Thiên Chúa hằng mời gọi mỗi người, cả những bạn trẻ, để cho đức tin chất vấn mình và hãy lên đường khám phá về một con người mang tên Giêsu, Người “là Con Đường, là Sự Thật, là Sự Sống.” (Ga 14,6).

Tóm lại, trước câu hỏi “Tại sao người trẻ nên tin vào Thiên Chúa?” chắc hẳn mỗi bạn trẻ có câu trả lời cho riêng mình. May mắn vì chúng ta có Thầy Giêsu hằng hướng dẫn, mời gọi và ban ơn giúp chúng ta tin vào Thiên Chúa, bởi vì, Thiên Chúa muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi và nhận biết sự thật. (1Tm 2, 4). Cầu chúc các bạn trẻ mạnh dạn chất vấn đức Tin của mình, hỏi Thiên Chúa về sự hiện hữu của Người và hãy để Người mạc khải, tỏ lội chính Người cho chúng ta trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội và mọi biến cố cuộc đời.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net