Mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha chúng đều cầu xin cho “Nước Cha trị đến”, trông đợi vào cuộc quang lâm của Chúa Giêsu vào thời sau hết.
Nhiều tín hữu đọc Kinh Lạy Cha hằng ngày, nhưng chúng ta thường không tập trung vào tất cả những lời khẩn nguyện khác nhau hiện có trong lời kinh hoàn hảo này.
Một lời khẩn cầu đặc biệt khiến chúng ta phải giật mình, vì nó mong đợi cuộc quang lâm của Chúa Giêsu trong ngày tận thế.
Nước Cha trị đến
Giáo lý Hội thánh Công giáo trình bày chi tiết về cụm từ đơn giản này trong Kinh Lạy Cha và giải thích bối cảnh của nó như sau.
“Trong Tân ước, cùng một từ BASILEIA có thể dịch: “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “vương quốc” (danh từ cụ thể), “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta, đã đến gần trong Ngôi Lời Nhập Thể, được loan báo trong Tin Mừng, đã đến trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước Thiên Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta. Vào ngày quang lâm, Nước Thiên Chúa đến trong vinh quang và Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha” (GLCG 2816).
Đặc biệt, lời khẩn cầu gợi đến một cụm từ khác trong Tân Ước.
“Lời khẩn cầu này là “Maranatha”, là tiếng kêu của Thần Khí và vị Tân Nương: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến” (GLCG 2817).
Có vẻ kỳ lạ khi liên tục cầu nguyện cho cuộc quang lâm của Chúa Giêsu, nhưng đối với người tín hữu, điều này sẽ thúc đẩy chúng ta làm điều thiện trên thế gian khi chúng ta còn thời gian.
“Khi đọc “Nước Cha trị đến”, chúng ta mong đợi ngày Nước Chúa hoàn tất khi Chúa Kitô quang lâm. ước mong này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng nơi trần thế, trái lại càng thúc giục chúng ta dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày Hiện Xuống, việc làm cho Nước Chúa trị đến là công trình của Chúa Thánh Thần, “Đấng kiện toàn sự nghiệp của Chúa Kitô trên trần gian và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài” (GLCG 2818).
Khi biết rằng Chúa Giêsu sẽ tái lâm, người tín hữu tìm cách truyền bá Triều đại của Chúa vào nền văn hóa hiện đại, nhằm mở đường cho Chúa tái lâm.
“Được Thánh Thần hướng dẫn, các tín hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa và sự tiến bộ văn hóa và xã hội trong môi trường họ sinh sống. Phân biệt chứ không phải tách biệt, vì ơn gọi sống đời đời không miễn trừ nhưng đòi buộc con người phải sử dụng những năng lực và phương tiện được Đấng Tạo Hóa ban tặng, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian” (GLCG 2820).
Là người Kitô hữu, mỗi khi cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, chúng ta mong về tương lai và sử dụng thời gian của mình cách khôn ngoan để chuẩn bị cho ngày đó, ngày mà chúng ta không muốn nó làm mình ngạc nhiên.
G. Võ Tá Hoàng
Aleteia