Tại sao chúng ta đi lễ ngày Chúa nhật ?
Huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung tại quãng trường thánh Phêrô ngày 13/12/2017 về đề tài thánh lễ.
Anh chị em thân mến
Việc cử hành Thánh thể ngày Chúa nhật là trung tâm của đời sống Giáo hội (GLCG 2177). Chúng ta, những người tín hữu đi lễ ngày Chúa nhật để gặp gỡ Chúa phục sinh, hay đúng hơn là để cho mình được gặp Chúa, lắng nghe lời Chúa, Người dưỡng nuôi chúng ta bằng bữa ăn của Người, và như thế trở thành Giáo hội, tức là trở thành Thân thể mầu nhiệm của Người sống động trong thế giới.
Ngay từ giây phút đầu tiên, các môn đệ của Chúa Giêsu đã hiểu điều này; Họ đã cử hành cuộc gặp gỡ thánh thể với Chúa vào ngày trong tuần, ngày mà những người Do thái gọi là “ngày thứ nhất trong tuần” và người Roma gọi là “ngày mặt trời”, bởi vì đó là ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết và đã hiện ra cho các môn đệ, nói chuyện với họ, cùng ăn với họ, trao ban cho họ Thánh Thần cho họ, (x Mt 28,1; Mc 16,9.14; Lc 24,1.13; Ga 20,1.19), như chúng ta đã nghe trong các bài đọc kinh thánh. Việc đổ tràn đầy Thánh Thần trong ngày Hiện xuống cũng xảy ra vào ngày Chúa nhật, ngày thứ 50 sau Chúa Giêsu phục sinh. Vì những lý do đó, Chúa nhật là ngày thánh đối với chúng ta, được thánh hiến do việc cử hành thánh thể, là sự hiện diện sống động của Chúa giữa chúng ta và cho chúng ta. Cho nên, đó là thánh lễ, làm nên ngày Chúa nhật Kitô giáo! Ngày Chúa nhật người tín hữu xoay quanh thánh lễ. Đối với một người tín hữu, ngày Chúa nhật là gì nếu thiếu sự gặp gỡ Thiên Chúa?
Thật đáng tiếc, vì có nhiều cộng đoàn kitô hữu không thể vui hưởng Thánh lễ mỗi Chúa nhật. Tuy nhiên, trong ngày thánh này, họ được mời quy tụ để cầu nguyện nhân danh Chúa, để lắng nghe Lời Chúa và giữ cho cuộc sống luôn khao khát Thánh Thể.
Một số xã hội tục hóa đã làm mất đi ý nghĩa kitô giáo về ngày Chúa nhật được Bí tích Thánh thể soi chiếu. Trong những hoàn cảnh ấy cần phải hồi sinh nhận thức này, để tái phục hồi ý nghĩa của ngày lễ, ý nghĩa của niềm vui, của các cộng đoàn giáo xứ, của tình liên đới, nghỉ ngơi, bồi dưỡng linh hồn và thể xác (GLCG 2177-2188). Trong tất cả các giá trị này thì Thánh thể là thầy dạy chúng ta, từ Chúa nhật này sang Chúa nhật khác. Cho nên, Công đồng Vatican II đã muốn nhấn mạnh rằng “ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc” (SC 106).
Nghỉ việc ngày Chúa nhật không tồn tại trong các thế kỷ đầu: nó là một đóng góp cụ thể của người Kitô giáo. Theo truyền thống kinh thánh người do thái nghỉ việc vào ngày thứ bảy, trong khi xã hội Roma đã không dự kiến trước được một ngày trong tuần để nghỉ ngơi. Ý thức kitô hữu là sống như những người con chứ không phải như những nô lệ, được linh hoạt bởi bí tích Thánh thể, khiến cho ngày Chúa nhật, gần như phổ biến – là ngày nghỉ.
Nếu không có Chúa Kitô chúng ta bị kết án do sự mỏi mệt hằng ngày thống trị, với những quan tâm lo lắng của nó và bởi sự sợ hãi của ngày mai. Các cuộc gặp gỡ ngày Chúa nhật với Chúa đem lại cho chúng ta sức mạnh sống hôm nay với lòng tin tưởng và can đảm để tiến về phía trước với niềm hy vọng. Vì thế, chúng ta những người kitô hữu tiến bước để gặp gỡ Thiên Chúa ngày Chúa nhật, trong cử hành thánh lễ.
Sự hiệp thông Thánh thể với Chúa Giêsu, Đấng Phục sinh và hằng sống, báo trước ngày Chúa nhật không bao giờ tàn, sẽ không còn những mệt nhọc, khổ đau, tang thương và nước mắt, mà chỉ có niềm vui sống viên mãn và mãi mãi với Chúa. Thánh lễ chúa nhật cũng nói cho chúng ta về sự nghỉ ngơi hạnh phúc này, bằng cách dạy cho chúng ta, trong suốt tuần, biết phó thác trong tay Thiên Chúa Chúa, Đấng ngự trên trời.
Chúng ta có thể trả lời thể nào cho người nói rằng đi lễ ngày Chúa nhật chả được ích gì, vì quan trọng là sống tốt, yêu thương tha nhân là được?
Thật vậy, phẩm chất của đời sống kitô hữu được đo lường bởi khả năng yêu thương, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13,35); Nhưng làm sao chúng ta có thể thực thi Phúc âm được nếu không kín múc năng lượng cần thiết để thực hiện điều đó, từ Chúa nhật này tiếp đến Chúa nhật khác, nơi suối nguồn vô tận của bí tích Thánh Thể? Chúng ta không đến với Thánh lễ để đem đến cho Chúa cái gì đó, nhưng để nhận lãnh từ nơi Người điều mà chúng ta thực sự cần. Lời cầu nguyện của Giáo hội dâng lên Chúa nhắc lại điều đó: “Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ” (Kinh tiền tụng IV)
Cuối cùng, tại sao chúng ta đi lễ ngày Chúa nhật? Nếu trả lời rằng đó là luật lệ của Giáo hội thì vẫn chưa đủ; điều ngày giúp gìn giữ giá trị của thánh lễ, nhưng một mình nó vẫn chưa đủ. Chúng ta là những người tín hữu chúng ta cần phải tham dự thánh lễ Chúa nhật bởi vì chỉ nhờ ân sủng của Chúa Giêsu, với sự hiện diện sống động của Người trong chúng ta và giữa chúng ta, chúng ta mới có thể thực hành giới răn của Người, và như thế mới là những chứng nhân đáng tin cậy của Người.
G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ