Tại sao Chúa Giêsu Giáng Sinh?

129

Trong Mùa Chay phản ánh các lý do Chúa Giêsu chịu chết là cách thực hành sinh ích lợi về lòng sùng kính. Tương tự, trong Mùa Vọng, nhất là khi Lễ Giáng Sinh đến gần, chúng ta nên suy nghĩ về lý do Đức Giêsu Kitô sinh ra.

Câu trả lời không rõ ràng như bạn nghĩ. Hai lý do có thể nảy ra tro ý nghĩ của chúng ta: Thập Giá và và mong muốn của Đức Kitô là chia sẻ trọn vẹn về nhân tính của chúng ta.

Chắc chắn như vậy, cuộc giáng sinh của Ngài dẫn tới cái chết của Ngài, và Ngài tham dự vào nhân tính của chúng ta bằng sự sinh ra.

Nhưng hãy cân nhắc điều này: Ông Tổ Adam là phàm nhân mà không sinh ra theo kiểu sinh của con người nhưng vẫn chết như một phàm nhân thực sự. Ông không được “sinh ra” mà do Thiên Chúa tạo nên.

Chúa Giêsu, Adam thứ hai, cũng như Adam thứ nhất và vẫn là con người trọn vẹn. Ngài cũng khát, đói, và khóc như chúng ta. Ngài chịu chết trên Thập Giá như một con người bình thường. Vấn đề là Chúa Giêsu được gì qua việc sinh ra trong khi điều đó không xảy ra với Adam thứ nhất? Đây là 12 lý do Đức Kitô muốn sinh ra.

  1. XÁC ĐỊNH NHÂN TÍNH

Chúa Giêsu có thể trở thành con người mà không cần sinh ra, nhưng việc Ngài sinh ra xác định nhân tính của Ngài là thật. Việc Ngài giáng sinh là dấu chỉ không thể tranh luận về nhân tính đích thực của Ngài.

  1. CHIA SẺ TRỌN VẸN NHÂN TÍNH

Bằng việc sinh ra, Chúa Giêsu chia sẻ nhân tính, Ngài không có nhân tính bằng cách khác. Ngài biết thế nào là giống như trẻ nhỏ. Vả lại, vì có thần tính, Ngài biết rõ thế nào là một thai nhi. Ngài biết sâu sắc về sự bơ vơ và hoàn toàn phải lệ thuộc vào người khác. Hơn nữa, điều đó còn có nghĩa là Đức Kitô có thể liên quan các thai nhi không được sinh ra vì nạn phá thai. Chúa Giêsu đến cũng vì chúng và những người dám hủy hoại sự sống của chúng.

  1. NHẮC NHỞ VỀ HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Đức tin là một hành trình có vẻ minh nhiên đối với tất cả chúng ta. Là người Công giáo, chúng ta tin rằng Ơn Cứu Độ có nguồn gốc trong đức tin, phát triển và lớn lên trong tình yêu thương. Đó là một quá trình, không là một thời điểm trong thời gian. Điều này tương phản với Tin Lành, cho rằng họ đã được cứu độ, như thể điều đó đã là một sự kiện trong quá khứ. Sứ vụ cứu độ của Đức Kitô thực sự là một hành trình từ thuở nhỏ tới Thập Giá bởi vì điều đó phản chiếu con đường dài mà tất cả chúng ta đều phải đi qua.

  1. NHÂN TÍNH LÀ CON ĐƯỜNG

Trong tác phẩm “The City of God” (Thành phố của Thiên Chúa), Thánh Augustino nói rằng đức khiêm nhường là con đường về trời. Đức Kitô cho chúng ta thấy con đường đó bằng cách “tự hạ mình, thậm chí là chết trên Thập Giá” (để giải thích Pl 2:8). Mầu Nhiệm Nhập Thể cho biết trước Cuộc Khổ Nạn. Thật vậy, như một tác giả đã viết: “Việc Ngài sinh ra phủ bóng trên cuộc đời Ngài, và dẫn tới việc Ngài chịu chết; hơn nữa Thập Giá có đó từ lúc bắt đầu, và nó phủ bóng trên sự giáng sinh của Ngài.”

  1. ĐI VÀO LỊCH SỬ ISRAEL

Chúa Giêsu sinh ra và trở nên thành viên của một quốc gia vào một thời điểm và vị trí. Ngài là người Do Thái, nghĩa là Thiên Chúa đi vào lịch sử của dân Israel, Ngài cứu độ và nâng dậy, đồng thời mời gọi chúng ta cùng chia sẻ điều đó. Đức Kitô sinh ra tại quốc gia Do Thái để bảo đảm rằng Cựu Ước là một phần trong Kinh Thánh Kitô giáo.

Đúng vậy, nếu chúng ta chấp nhận điều đã nói trên đây – rằng Chúa Giêsu có thể lớn lên như Adam – thế thì chúng ta có thể tranh luận rằng Ngài cũng có thể đến như một người Do Thái. Nhưng việc Ngài sinh ra làm cho Ngài là một phần trong lịch sử Do Thái theo cách khác. Nghĩa là Ngài thuộc về một phần trong gia phả. Điều đó làm cho Cựu Ước là phần Kitô hữu thiếu trong cấu trúc đức tin Kitô giáo.

  1. ĐI VÀO LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Tương tự, sự giáng sinh chắc chắn rằng Đức Kitô đi vào lịch sử nhân loại. Ngài thực sự là người trong cuộc. Nếu Đức Kitô từ trời xuống thế làm người hay được tạo nên từ bụi đất thì Ngài cũng vẫn là con người, nhưng Ngài không chia sẻ về lịch sử loài người theo cách tương tự.

  1. TÁI XÂY DỰNG NHÂN TÍNH TỪ NỀN TẢNG

Đức Kitô đến trao ban cho nhân loại một khởi đầu mới, phục hồi sự cao cả nguyên thủy cho chúng ta. Việc Ngài sinh ra cho thấy rằng sự phục hồi này sẽ là sự đổi mới hoàn toàn.

  1. NHẮC NHỞ CHÚNG TA CẦN PHẢI TÁI SINH

Giáo Hội dạy rằng Phép Rửa cần thiết để được cứu độ. Được rửa tội là “tái sinh”. Một lần nữa, Đức Kitô cho chúng ta thấy cách mà Ngài tự hữu.

  1. TRAO BAN CHÍNH NGÀI

Đức Kitô trao ban chính Ngài cho chúng ta khi Ngài chịu chết trên Thập Giá, nhưng Ngài cũng trao ban chính Ngài cho chúng ta bằng cách khác khi Ngài giáng sinh tại Belem. Điều đó cho chúng ta biết cách khác để gặp được Đức Kitô. Trong tác phẩm “On the Incarnation of the Word” (Ngôi Lời Nhập Thể), Thánh Athanasio nói về nhiều trải nghiệm của Đức Kitô, chắc chắn rằng Ngài có nhiều cách đến với loài người.

Vì thế Ngài vừa sinh ra vừa là Con Người, chịu chết và sống lại, Ngài có thể cho biết và dạy dỗ họ về Thánh Phụ đích thực của Ngài. Đức Kitô đã trở nên mọi sự cho mọi người, như Thánh Phaolô nói: “Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.” (1 Cr 9:22)

  1. TRAO BAN ĐỨC MẸ

Chúa giáng sinh có nghĩa là Đức Kitô cũng trao Đức Mẹ cho chúng ta. Chúng ta nợ Đức Mẹ chính cuộc đời của chúng ta, sự ngọt ngào của chúng ta, và niềm hy vọng của chúng ta vì Đức Kitô đã sinh ra. Không có giáng sinh, không có Đức Mẹ. Chúng ta đừng sập bẫy của Tin Lành khi cho rằng Đức Mẹ là một người mẹ chỉ sinh con mà thôi chứ không có gì khác nữa. Phúc Âm đã nói rõ, Đức Mẹ là Mẹ thật của Chúa Giêsu, tiếp tục chăm sóc Ngài hồi nhỏ và đi theo Ngài trong khi Ngài thi hành sứ vụ.

  1. TRAO BAN THÁNH LINH

Như Luca 1 cho biết, Chúa Giêsu được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Đó là điều kỳ diệu, nghĩa là loài người hợp tác với Thiên Chúa theo cách ngoại lệ. Đức Mẹ làm cho chúng ta hy vọng rằng tất cả chúng ta có thể hợp tác với Chúa Thánh Thần.

  1. HƯỚNG VỀ CHÚA CHA

Việc Chúa Giêsu giáng sinh phản ánh việc Ngài nhiệm sinh bởi Chúa Cha. Đó là lý do để chúng ta biết Ngài là Ngôi Hai trong Tam Vị Nhất Thể và là Đấng mang nhân tính. Thánh giáo phụ Gioan Damasco xác định chân lý này trong Đức Tin Chính Thống (The Orthodox Faith): “Vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Ngài cũng như chúng ta, sinh bởi một phụ nữ, và Ngài cao cả hơn chúng ta vì bởi Chúa Thánh Thần và Thánh Nữ Maria, vượt trội hơn luật sinh sản.”

Trong Tổng Luận Thần Học (Summa Theologica), Thánh tiến sĩ Thomas Aquino có điểm tương tự: Nơi Đức Kitô có hai bản tính – một bản tính Ngài nhận nơi Chúa Cha từ đời đời, một bản tính Ngài nhận nơi Đức Mẹ. Do đó, chúng ta phải công nhận hai cách sinh nơi Đức Kitô: một bởi Chúa Cha hằng có đời đời, một bởi Trinh Nữ Maria.

KẾT LUẬN

Rõ ràng là khi sinh ra, Đức Kitô trao ban cho chúng ta rất nhiều: một khởi đầu mới, một hy vọng mới, một người mẹ, chính Ngài, và lời mời gọi tham dự vào sự sống của Chúa Ba Ngôi. Luca 1 cho chúng ta biết rằng khi thụ thai Chúa Giêsu, Đức Maria được “quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng.” Mầu nhiệm Nhập Thể được mặc khải cho chúng ta; thời khắc quan trọng xảy ra trong bóng rợp. Thực sự công trình vĩ đại như vậy vượt ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta, nhưng ánh sáng đó vẫn tiếp tục chiếu tỏa trên cuộc sống của chúng ta ngày nay.

STEPHEN BEALE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)