Tác phẩm « Truyền Tin » của Fra Angelico
Truyền tin cho Đức Ma-ri-a
26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! ”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
Suy niệm từ tác phẩm « Truyền Tin » của Fra Angelico
Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét
Ngày truyền tin là kinh nghiệm gặp gỡ của Vĩnh Cữu và Lịch sử,
Bởi trong lịch sử mà Thiên Chúa thực thi lời hứa cứu độ,
lời ấy đã không ngừng đươc gợi lại
Từ thế hệ này đến thế hệ khác,
qua âm vang của các tổ phụ và các vì ngôn sứ
« Mừng vui lên đi, hỡi thiếu nữ Sion
Này Đấng cứu độ oai hùng sẽ đến viếng thăm nàng »
Nơi gặp gỡ của Vĩnh cửu và lịch sử chính là hiện tại.
Nói như thánh Âu-Tinh trong Tự Thuật của ngài :
chỉ có hiện tại là nơi để ta sống với Thiên Chúa,
với mầu nhiệm Vĩnh Cữu.
Cũng vậy, Fra Angelico, một tu sĩ và họa sĩ Dòng Đa Minh
đã vẽ ngày truyền tin trong hiện tại của ông
Của kinh nghiệm thiêng liêng và mỹ cảm của thời đại ông,
Câu chuyện đầy tính nhân bản và thiêng liêng mà Thánh ký Luca kể lại nơi Nazareth
vẫn tiếp tục là nguồn hứng cho những ai tìm sống kinh nghiệm nội tâm
của cuộc thăm viếng mà Thiên Chúa không ngừng thực hiện trên con người.
Nơi xảy ra biến cố truyền tin ở đây khác với những hình ảnh người ta thường thấy :
Nhà của Maria là một căn phòng đóng kín với một luồng sáng siêu nhiên
dọi qua cửa sổ.
Không, ở đây là một không gian mở : Một ngôi nhà và một góc vườn
Giữa một bên là thiên nhiên và một bên là văn hóa con người
Đó là một ngôi nhà Châu Âu theo kiểu đầu thời Phục hưng
Ngôi nhà ấy được nhìn từ phía sau, khiến ta thấy được cả một góc nhà.
Góc nhà là một ngã rẽ, một khúc quanh
Phải chăng chi tiết ấy muốn diễn tả Truyền Tin như là một bước chuyển mới trong dòng lịch sử nhân loại.
Bức tranh được chia làm ba phần bằng nhau và mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Đó là sự hội tụ của ba không gian :
Của không gian con người mà đại diện là Đức Trinh Nữ
Của mầu nhiệm Thiên Chúa đang tự bày tỏ chính mình qua chân dung vị sứ thần
Và của không gian lịch sử nối kết câu chuyện Giao Ước muôn đời giữa Thiên Chúa và con người.
Bạn hãy ngắm nhìn Maria,
Mẹ mang vẻ đẹp thuần khiết của một thiếu nữ tuổi tròn trăng,
Với đôi mắt mở và đôi tay vòng trước ngực, Mẹ đang sống kinh nghiệm và thái độ nền tảng của đời Mẹ : lắng nghe với tất cả sự thành kính và suy niệm trong lòng.
Cuốn Kinh Thánh nhỏ mở ra truớc mặt Mẹ như muốn nói lên điều ấy.
Đôi tay Mẹ, đôi tay mềm mại, mở tung các ngón như muốn đón nhận từng biến cố sẽ xảy ra trong cuộc đời mình : Giáng Sinh, Trốn sang Ai cập, lạc con ở Giêrusalem, cho đến lúc đứng dưới chân Thập Giá.
Tác giả đã đặt trong tay Mẹ chiếc nhẫn đính hôn nho nhỏ,
Mẹ đã thành hôn với Giuse, nhưng Mẹ cũng là Đấng được Thánh Thần ngự xuống
Chiếc áo choàng ngoài phủ lấy Mẹ như chính tâm hồn Mẹ được bao phủ bởi quyền năng của Đấng Tối Cao
Mẹ là người nữ tỳ, nhưng chính khi nói tiếng Xin vâng, Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, và Mẹ nhân loại.
Trong vóc dáng thiếu nữ thôn quê, Mẹ vẫn có nét uy nghi của Mẹ Đấng Cứu Thế.
Mẹ ngồi trên một chiếc ghế, hay đúng hơn đó là một chiếc ngai
Với biến cố Truyền Tin, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời nơi cung lòng Mẹ
Mẹ trở thành Toà Đấng Khôn Ngoan.
Là Ngai của Đấng sẽ cứu độ và phán xét nhân loại.
Nếu như Mẹ được trình bày trong tư thế tĩnh lặng
Thì Sứ Thần Gabriel được diễn tả trong sức năng động của niềm vui cứu rỗi.
Như lời của Luca, vị sứ thần ở đây như vừa bước vào nhà của Trinh Nữ
Đôi cánh của người còn chưa vào hết bên trong
Cũng như chiếc gấu áo của người vẫn còn lay động
Người vội vã loan tin trong đại cho Mẹ, cho toàn thể nhân loại đang mong chờ ngày Thiên Chúa thực hiện ơn Người cứu độ.
Đôi tay của người, đôi tay mạc khải.
Cánh tay trái người chỉ về trời cao, về hướng Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đang ngự xuống trên Mẹ
Tay phải người chỉ về Mẹ. Mẹ được tuyển chọn giữa con cái nhân loại để cưu mang Con Thiên Chúa.
Đôi cánh của người dài quá khổ vì tượng trưng cho sự siêu việt của chính Thiên Chúa đang đi vào giới hạn của con người.
Không gian giữa Mẹ và Thiên Sứ,
Không gian giữa Thiên Chúa và con người là không gian thân mật, chiều sâu và nội tâm
Ở nơi ấy có sự trao đổi diệu kỳ của ánh mắt, của tinh thần chiêm niệm.
Nói theo tinh thần của Linh Thao, mầu nhiệp nhập thể phát xuất từ cái nhìn của Thiên Chúa trên con người và cái nhìn khao khát của con người về Đấng Tạo Hóa.
Đó cũng là không gian của tâm sự, của lời cầu nguyện đơn sơ,
Những hàng chữ bằng tiếng Latinh ghi lại lời đối thoại giữa Mẹ và Thiên Thần
Đó là lời của Thiên Chúa chúc lành cho con người : Ave Maria,
Hỡi con người, ngươi được chúc phúc giữa mọi loài thọ tạo !
Và con người đáp trả bằng thái độ tôn kính : Này tôi là tôi tớ của Thiên Chúa !
Là lúc con người nhìn nhận ơn Chúa trên thân phận yếu đuối của mình.
Mẹ mặt chiếc áo trong màu đỏ, đỏ như chính màu của bức màn treo bên trong phòng Mẹ.
Bức màn ấy được vén lên, như chính lòng Mẹ đã mở ra để đón nhận Thánh Ý
Nếu hai mảng tranh bên phải là không gian kín
thì mảng tranh tận cùng bên trái vẽ lên một không gian mở.
Ở phía trên, ký ức về « Vườn Địa Đàng đã mất » được gợi lên
Vị sứ thần của biến cố vườn Địa Đàng vận áo đen, đối nghịch với chiếc áo hồng rực rỡ của Gabriel ngày truyền tin.
Adam và Eva buồn bã bước ra khỏi cổng Địa đàng đã khép,
Họ đi trên triền dốc, như ngày mà nhân loại sa ngã và tội lỗi đi vào sự chết, đi vào thất vọng.
Vì vậy, biến cố truyền tin phải được đọc và cảm nhận trong chính bối cảnh đó.
Truyền tin là cuộc thăng hoa và hy vọng, là lúc Thiên Chúa bày tỏ lòng xót thương vô biên của Người.
Phía dưới, người ta thấy có một khu vườn, trong vườn chỉ có một cây vươn lên.
Phải chăng đó là Eden năm xưa, là cây sự sống giờ đây đã trở nên quá tầm với đối với con người ? Có thể lắm.
Nhưng Vườn cây năm xưa đã được đặt cạnh một vườn cây khác,
tràn ngập hương hoa. Phải, cung lòng Mẹ sẽ là vườn Địa Đàng mới để Adam mới ngự vào.
Vườn nhà Mẹ có hàng dậu nhỏ, khép lại một không gian tỏa hương.
Chi tiết này làm vọng lại lời Nhã Ca tuyệt diệu của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người:
Này hỡi em, người yêu anh sắp cưới,
em là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật,
là giếng nước niêm phong,
là địa đàng xanh non mầm thạch lựu
đầy hoa thơm trái tốt : nào hoa móng, cam tùng,
cam tùng với huỳnh khương,
nào đinh hương, nhục quế với mọi thứ nhũ hương,
nào mộc dược, lô hội cùng mọi thứ kỳ hương, dị thảo.
Tất cả những gì xảy ra trong ngôi nhà nhỏ bé Nazareth được hiện tại hóa ấy nằm dưới ánh mắt nhân từ và cử chỉ chúc lành của Thiên Chúa Cha.
Sự hiện diện của Cha rất kín đáo, âm thầm như chính cách trình bày về Ngài.
Theo thói quen của người thời xưa, hình vị chủ nhân hoặc vị bổn mạng của ngôi nhà
thường được đắp thành phù điêu và treo trên cao.
Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được
Điều đó có nghĩa là Ngài là vị Chủ Nhân trung tín và là Đấng Emmanuel đang hoàn tất công trình của Ngôi Nhà Nhân Loại của Ngài.
Ave Maria và Fiat, Kính chào và Xin Vâng,
Đó là bản giao hưởng của Tình Yêu, một thời đã vang lên trong ngôi nhà Nazareth
Và vẫn còn vang lên cho đến khi nước Thiên Chúa tỏ rạng.
Quang Minh, SJ