Thánh Gioan Phaolô II nói: “Đối với mỗi tín hữu, nhất là các gia đình Kitô giáo, nơi ở đơn sơ ở Nadarét là trường học Phúc Âm đích thực. Chúng ta khâm phục và thi hành kế hoạch của Thiên Chúa làm cho gia đình thành một cộng đoàn thân mật về sự sống và tình yêu thương; chúng ta biết rằng mỗi gia đình Kitô giáo đều được gọi là ‘Giáo Hội nhỏ tại gia’ phải tỏa sáng các nhân đức Phúc Âm. Sự hồi tưởng và lời cầu nguyện, sự hiểu nhau và tôn trọng nhau, quy luật cá nhân và sự khắc khổ cộng đoàn, tinh thần hy sinh, công việc và tình đoàn kết là những nét đặc trưng làm nên gia đình Nadarét, đó là mẫu gương cho mọi gia đình.”
Mừng lễ Thánh Gia là lúc thuận tiện để suy tư về kiểu mẫu thánh thiện về tình yêu thương và sự kết hợp. Đây là năm trong nhiều đặc tính của Thánh Gia.
- GIA ĐÌNH CÓ NỀN TẢNG NƠI ĐỨC KITÔ
Trong dịp lễ Thánh Gia năm 2014, ĐGH Phanxicô đã nói về những gì Thánh Gia dạy chúng ta: “Trong cuộc sống của Đức Maria và Đức Giuse, Thiên Chúa thực sự là trung tâm, và Ngài cũng ở trong Ngôi Vị Giêsu. Đây là lý do mà gia đình Nadarét thánh thiện. Tại sao? Bởi vì gia đình đó tập trung vào Chúa Giêsu. Khi cha mẹ và con cái cùng hít thở không khí đức tin, gia đình có năng lực làm cho họ có thể đối mặt với mọi khó khăn, như kinh nghiệm của Thánh Gia đã chứng tỏ, chẳng hạn trong sự kiện trốn sang Ai Cập: một thử thách cam go. Con Trẻ Giêsu với Đức Maria và Đức Giuse là biểu tượng sáng chói về gia đình. Ánh sáng đó là ánh sáng của lòng thương xót và ơn cứu độ đối với thế giới, ánh sáng của sự thật đối với mọi người, đối với mọi gia đình và từng gia đình riêng. Ánh sáng này đến từ Thánh Gia, động viên chúng ta chia sẻ trong mọi tình huống gia đình, với nhiều lý do – vì thiếu bình an, thiếu hài hòa, và thiếu tha thứ.”
- CUỘC CHIẾN THÁNH THIÊNG VÀ CUỘC CHIẾN TRẦN THẾ
Thánh nữ Bông Hoa Nhỏ Teresa Lisieux đã từng nói với các nữ tu Dòng Cát-minh: “Điều làm cho em thoải mái là khi em nghĩ về Thánh Gia để tưởng tượng một cuộc sống rất bình thường. Đó không là mọi thứ chúng ta biết hoặc tưởng tượng. Chẳng hạn, sau khi nặn đất sét thành những con chim, Chúa Giêsu Hài Đồng thổi hơi vào để cho chúng sự sống. Không! Chúa Giêsu Hài Đồng không làm phép lạ vô ích như vậy, ngay cả việc làm vui lòng Đức Mẹ. Tại sao các ngài chạy tới Ai Cập bằng một phép lạ cần thiết và dễ dàng đối với Thiên Chúa? Chỉ trong chớp mắt, các ngài được đưa đến đó. Không, mọi thứ trong cuộc sống của các ngài cũng như trong cuộc sống của chúng ta. Thật là rắc rối và thất vọng! Biết bao lần có nhiều điều khiến Đức Thánh Giuse phải than phiền! Biết bao lần người ta không trả tiền công cho Đức Thánh Giuse! Hẳn là chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao nếu chúng ta biết có nhiều điều khiến các ngài phải đau khổ!”
- KHIÊM NHƯỜNG VÀ BIẾT ƠN
Khi Đấng Cứu Thế đến thế gian này, Ngài không muốn làm một vị vua dũng mãnh, giàu sang, quyền lực. Ngài chọn sinh ra nơi hang lừa lạnh lẽo, và sống với cha mẹ khiêm nhường, nghèo khó. Thay vì vinh danh chính mình, Đức Mẹ đã tôn vinh Thiên Chúa và tạ ơn về mọi ơn lành. Đức Mẹ tiếp tục phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Chẳng hạn, khi Đức Mẹ đến giúp người chị họ Êlidabét trong thời gian chuẩn bị sinh Gioan Tẩy Giả, Đức Mẹ đã tuyên xưng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:46-49)
- KHÓ KHĂN NHƯNG VẪN KIÊN QUYẾT VÀ XỨNG ĐÁNG
Dịp Lễ Thánh Gia năm 2013, ĐGH Phanxicô nói rằng Đức Maria và Đức Giuse là những người tỵ nạn: “Chúa Giêsu muốn thuộc về một gia đình trải qua những khó khăn, để không ai cảm thấy bị loại ra ngoài tình yêu thương của Thiên Chúa. Việc trốn sang Ai Cập để tránh Hêrôđê cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa vẫn hiện diện khi con người gặp nguy hiểm, chịu đau khổ, phải trốn tránh, bị loại trừ; nhưng Thiên Chúa cũng vẫn hiện diện khi con người mong ước, hy vọng được tự do trở về quê hương, chăm lo cho gia đình và những người thân yêu.”
- NUÔI DƯỠNG NGƯỜI KHÁC BẰNG ĐỨC TIN VÀ ĐỨC MẾN
Năm 2006, ĐGH Benedict XVI nói về cách mà Thánh Gia nhận ra ý Chúa dành cho cuộc đời mình: “Lúc 12 tuổi, Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ, cha mẹ Ngài mất ba ngày đi tìm mới gặp lại Ngài. Với hành động này, Ngài đã cho cha mẹ hiểu rằng Ngài phải làm công việc của Chúa Cha, nghĩa là sứ vụ Thiên Chúa đã ủy thác cho Ngài. Đoạn Phúc Âm này mặc khải ơn gọi sâu sắc và đích thực của Thánh Gia: nghĩa là đồng hành với mỗi thành viên trên con đường khám phá Thiên Chúa và kế hoạch mà Ngài đã chuẩn bị cho Đức Maria và Đức Giuse. Chính Đức Maria và Đức Giuse dạy Hài Nhi Giêsu bằng cách làm gương: Chúa Giêsu nhận biết vẻ đẹp của đức tin và đức mến dành cho Thiên Chúa, cho Thánh Luật, cũng như các đòi hỏi của công lý, các đòi hỏi này được hoàn tất trong tình yêu mến. Nhờ cha mẹ, Hài Nhi Giêsu biết rằng điều cần thiết nhất là thi hành ý Chúa…”
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ beliefnet.com)