Suy tôn Thánh giá Chúa Giêsu

224

Trong cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta thấy có những chuyện nghịch thường. Đặc biệt trong tuần thương khó, khi  cùng bước đi với Chúa Kitô trên đường Vượt Qua và khi chiêm ngưỡng thánh giá của Ngài, chúng ta thấy thấm thía lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô 1,23-24: “ Trong khi người Do Thái đòi có dấu lạ, người Hy Lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một vị Kitô đã bị đóng đinh, cớ vấp phạm cho người Do Thái, sự điên rồ với dân Hy Lạp. Nhưng đối với những ai được kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Hôm nay, ngước nhìn lên thánh giá, chúng ta cùng nhau suy niệm về điều nghịch thường này, hay nói đúng hơn, suy niệm về công việc của ân sủng, của tình yêu đã vác thập giá vì con người phản bội.

1. Sức mạnh của tội lỗi.

Để hiểu rõ , chúng ta cần đọc lại kỹ hai chương ba và bốn của sách sáng thế ký. Trong hai chương này, chúng ta thấy rằng :

a. Câu chuyện hai nguyên tổ Adam và Evà ăn trái cấm cùng với cuộc xử án (chương 3) .

Qua trình thuật này, chuyện phản bội của nguyên tổ trình bày cho ta thấy chiều thẳng đứng của tội lỗi :

– Con người coi Thiên Chúa là kẻ kình địch với mình.

– Con người coi những giới hạn Thiên Chúa đặt ra cho mình là một xảo kế do lòng ghen tị chứ không phải do tình yêu muốn cho con người được sống.

Vì thế con người đi đến chỗ phủ nhận Thiên Chúa. Kết quả của sự phủ nhận này là:

– Con người thấy mình bị trói buộc bởi những giới hạn của mình, thấy mình không có lối thoát, trần truồng, không có gì hết.

– Con người tự giam mình trong hàng rào của chính mình để tự vệ. Người đàn bà mà “bởi xương thịt tôi” giờ đây lại trở thành cạm bẫy của Thiên Chúa “ mụ đàn bà mà Chúa đã mang cho tôi xúi tôi ăn”.

b.Câu chuyện Cain giết Abel trong chương bốn trình bày cho chúng ta chiều ngang của tội lỗi :

– Người con đầu lòng sung sướng khi người mẹ sinh cho mình một đứa em. Nhưng khi đứa em biết ăn, thì giờ đây người anh cả coi em mình là kẻ chia bớt phần của mình là kẻ giới hạn cho mình. Cain không còn nhìn người em Abel là người đến chia sẻ với mình để làm cho cuộc sống thêm phong phú hơn. Thay vào đó, Cain coi Abel là kẻ thù chia bớt phần của mình. Từ đó sinh ra lòng ghen tương và ích kỷ.

– Hành động cuối cùng : giết em để độc chiếm Thiên Chúa và mặt đất. Nhưng giết em rồi, Cain mất  cả Thiên Chúa lẫn người đồng hành với mình, tự gặm nhấm nổi cô đơn trong chán chường, lo sợ.

Như thế, những chương đầu của sách Sáng thế ký mặc khải cho chúng ta thấy tội là gì, tội tàn phá con người tới đâu ? Tội lỗi làm cho con người khép kín lại, không chấp nhận một mối tương quan nào nữa, chỉ còn biết cái tôi, chối từ Thiên Chúa và tha  nhân  trở thành kẻ thù không đội trời chung.

2. Chúa Kitô trên thập giá, thiết lập lại các mối tương quan.

“ Cái chết của Giêsu qui tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một”. (Ga 11,51 )

 “ Vì chúng ta, Giêsu đã hiến mạng sống mình, đã vâng phục cho đến chết và chết trên thậpgiá”. (1 Ga 3,16 ; Philip 2,8 )

a.Tương quan chiều dọc :

Suốt cuộc đời Giêsu đã vâng phục Cha, Và trên thập giá, Chúa Giêsu đã đi đến cùng sự vâng phục này. Trong giây phút cuối cùng, Giêsu đã nói lên lòng tin yêu, phó thác đang lúc Ngài ở trong đáy vực sâu của thân phận con người : cái chết. Chúa Giêsu  ngước mắt nhìn lên Cha, tuyên xưng tình yêu thành tín của Cha, để ngay lúc đó kết hợp với Cha: “ Con phó linh hồn con trong tay Cha”, đồng thời ở trong giây phút lịch sử  này, Chúa Giêsu ngước lên cùng Cha để con người được gặp lại Thiên Chúa và nhận ra Thiên Chúa là Cha.

b.Tương quan chiều ngang :

Chúa Giêsu đã đi ngược với Cain. Ngài đã chia sẽ cho ta tất cả những gì Ngài nhận  từ tay Cha, cả sự sống và vinh quan (đọc lại Gioan 17, 19 -26), chúng ta thấy, trong lời nguyện hiến tế , Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa cái chết của Ngài: Vì mọi người, để mọi người gặp Thiên Chúa và được chia sẽ vinh quang làm con Thiên Chúa với Ngài.

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã quên mình để nghĩ đến những kẻ hành hình Ngài, kẻ chịu đóng đinh với Ngài, đến Maria và Gioan (Hội Thánh và những ai tin Thiên Chúa). Chúa Giêsu đã dùng cái chết để thiết lập một tương quan huynh đệ mới ( đọc lại 1 Gioan 3, 16-17).

Như thế, chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã phá huỷ tội lỗi bằng cách tái lập hai tương quan mà tội lỗi đã phá đổ, trên thánh giá, Ngài đã trao ban cho nhân loại nguồn sống mới, trao ban Thần khí để nhân loại sống mối tương quan mới với Thiên chúa và với anh em (xin đọc thư Rôma chương 8 và Galata chương 5-6 ).

Trên thánh giá :

– Giêsu ngước mắt lên để gặp Cha.

– Giêsu giang tay ra để gặp tha nhân.

3. Bài học cho đời dâng hiến hôm nay.

– Thập giá trở thành mối giao hoà trời đất .

– Sự giao hoà với Thiên Chúa đảm bảo cho mối giao hoà chiều ngang với tha nhân.

Nhân loại phát sinh từ thập giá chỉ lớn lên qua thập giá. Cuộc đời mỗi người tham dự vào thập giá Giêsu bằng sự vươn ra khỏi cái tôi của mình để hướng về Thiên Chúa và anh em, quên mình để sống cho Thiên Chúa và anh em.

Đời dâng hiến là một cuộc “Đi Theo Giêsu”. Nhưng “ Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta”. Bỏ mình ( mặt chìm ), vác thập giá (mặt nổi ) là hai mặt của một quyết định.

Qua ba lời tuyên khấn, chúng ta tự nguyện từ bỏ những điểm tựa căn bản nhất của cuộc đời dương thế : ý riêng, quyền sở hữu vật chất và tình yêu hôn nhân.

Từ bỏ tất cả như thế là từ bỏ tương lai, sự từ bỏ, dưới mắt người trần là điên rồ. Nhưng trong niềm tin, người tu sĩ phó thác tất cả cho tình yêu trung tín và quyền năng của Thiên Chúa lo liệu, từ đó, sử dụng và sai đi tiếp tục chương trình kiến tạo một trời mới, đất mới, một nhân loại mới.

Để đạt được mục đích trên, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường Giêsu, Thầy Chí Thánh của ta đã đi.

Đi trên con đường thập giá, chúng ta sẽ học được cách biết sống đích thực : đó là cuộc đời dâng hiến luôn phải sống gắn bó với Thiên Chúa ( chiều dọc : đời nội tâm kết hiệp) và hy sinh, quên mình phục vụ tha nhân ( chiều ngang : đời hoạt động tông đồ).

Đi trên con đường thập giá, người môn đệ tìm được sức mạnh và sự vui mừng đích thực khi phải làm chứng cho Giêsu.

Mỗi người chúng ta phải xác tín rằng : Muốn cứu độ, chia sẽ vinh quang phục sinh và bước vào cuộc sống mới với Giêsu, phải can đảm bước đi theo Ngài trên con đường thập giá với tất cả những đòi hỏi căn bản.

Vấn đề của chúng ta là: sống đời dâng hiến, chúng ta thật sự trở thành người của Thiên Chúa và sống cho tha nhân hay không ?

Hãy xin cùng Mẹ Maria dìu dắt mỗi người đến đứng gần kề thập giá Giêsu với Mẹ, để dù phải bước đi trong tăm tối của Đức Tin như  Mẹ, để đang khi cùng Mẹ kết hiệp với Giêsu trong tâm hồn, để từ cuộc kết hợp này, chúng ta mới có thể mở rộng con tim mình cho một tình yêu phổ quát.

     Lm. Giuse Đoàn Công Thành. ICM