Suy tôn Thánh giá

243

1Lễ Suy tôn Thánh giá (14-9) phong phú về lịch sử và biểu tượng. Về biểu tượng, trước hết chúng ta biết rằng các Kitô hữu đầu tiên rất xấu hổ về thập giá đến nỗi không bao giờ dùng làm biểu tượng đức tin. Vì thập giá, như giá treo cổ, bị khinh thường, là hình phạt dành cho những người xấu xa và nô lệ. Ngược lại, Chúa Giêsu chứng tỏ đó là thiêng liêng và lộng lẫy, không phàm tục và tuyệt vọng.

Thiên Chúa muốn rằng dụng cụ rất nhục nhã này trở nên phương tiện vinh quang và ơn cứu độ của chúng ta. Việc ám chỉ con rắn đồng của lịch sử trong sách Dân Số làm bài học. Trong thời gian họ đi đày trong sa mạc, Thiên Chúa đã phạt dân Israel về tội ngoan cố bằng đại dịch rắn. Lúc đó, khi dân chúng quằn quại trong đau khổ và kêu xin Môsê cứu vớt, vị tiên tri này đã đúc một con rắn đồng và đặt trên cột cao ở giữa đồng trống: “Những ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu. Những ai chỉ nhìn vết thương và chống lại rắn đều bị bất hạnh”.

Đây là bí ẩn về Con Rắn Đồng: Những gì hủy diệt chúng ta cũng có sức mạnh chữa lành và biến đổi chúng ta. Nhưng về điều này, chúng ta phải thôi nhìn vào chính mình, và ngước nhìn Con Người trên Thánh giá: “Khi Tôi bị treo trên Thập giá, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12:32).

Một chút lịch sử: Chính hoàng hậu Helena, mẫu hậu của hoàng đế Constantine, đã phát hiện Thánh giá của Chúa Giêsu ở giữa đống xà bần của thành Giêrusalem năm 326. Đại giáo đường Thánh Mộ Cổ (Holy Sepulchre) đã được xây dựng ngay tại đó, và thánh tích Thánh giá thật được đặt tại đó cho mọi người kính viếng. Khi vua Ba Tư Khushru xâm lăng Giêrusalem năm 614, Thánh giá thật bị lấy mất; nhưng khoảng 50 năm sau, hoàng đế Heraclius (là Kitô hữu) đã chiến thắng vua Khushru và lấy lại Thánh giá thật. Lễ Suy tôn Thánh giá bắt đầu có từ thời đó.

Thánh Phaolô nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). Một mong ước rất “ngược đời”, và chỉ những ai cảm nghiệm được “sự ngọt ngào kỳ diệu của đau khổ” mới dám ước mong như vậy. Tuy nhiên, “ước mong ngược đời” đó lại hợp với ý của Đức Kitô: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:38), và Ngài xác định: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24).

Như vậy, chắc chắn thập giá (khổ giá, đau khổ) không là điều bất hạnh, không là điều nhục nhã, không là sự thua thiệt, mà là niềm vinh dự, là tiêu chí hàng đầu, là điều-kiện-ắt-có-và-đủ, và là “giấy thông hành” (visa) để bước vào cõi vĩnh hằng, được làm công dân Nước Trời.

Lễ Suy tôn Thánh giá là lễ bổn mạng của Hội Dòng Mến Thánh Giá (MTG). Ngày nay, tại Việt Nam có rất nhiều Hội Dòng MTG. ĐGM Phêrô Maria Lambert de la Motte (*) là người sáng lập Dòng MTG và đã chọn Thánh Giá làm “kim chỉ nam” cho các chị em muốn sống đời tận hiến theo tu luật Dòng MTG.

TRẦM THIÊN THU

 

(*) Sinh ngày 16-01-1624, qua đời ngày 15-1-1679, nhà truyền giáo người Pháp, thành viên sáng lập Hội Thừa Sai Paris (Société des Missions Étrangères de Paris, viết tắt: M.E.P.) ở Việt Nam. Ngài đã một mình điều hành công việc truyền giáo cho cả vùng Đông Á; và đã thực hiện được những chương trình sau đây:

– Kinh lý các miền Đàng Trong và Đàng Ngoài.

– Truyền chức cho các linh mục bản xứ.

– Triệu tập công đồng Juthia năm 1664; soạn thảo huấn thị gửi các vị Thừa Sai.

– Thành lập Hội Tông Đồ năm 1665 (1669: Tòa Thánh không phê chuẩn vì kỷ luật quá nghiêm khắc).

– Thành lập chủng viện Thánh Giuse cho vùng Đông Nam Á năm 1667

– Lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá tại thế.

– Triệu tập công đồng Phố Hiến (14-2-1670).

– Thành lập dòng nữ Mến Thánh Giá Đàng Ngoài và Đàng Trong (năm 1670 – 1671).

– Triệu tập công đồng Hội An (1672).

– Thành lập Dòng Mến Thánh Giá tại Thái Lan (1672).

– Tấn phong Giám mục và bổ nhiệm LM Laneau làm Giám mục Tông tòa thay cho ĐGM Cololendi (1674).