Lời Chúa Năm A Suy niệm Tuần Thánh

Suy niệm Tuần Thánh

Thứ Hai Tuần Thánh

Ga 12, 1-11: Xức dầu thơm
Xức dầu thơm
1. Lời Chúa:
1 Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. 2 Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. 3 Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. 4 Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: 5 “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo? ” 6 Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. 7 Đức Giê-su nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. 8 Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” ( c 1-8 )

2. Suy niệm:
Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su là dấu nói đến việc táng xác, như Chúa Giê-su nói: “Hãy để yên cho cô ấy làm. Cô làm vậy có ý dành cho ngày táng xác Thầy.” (c 7)
Có 2 điều chúng ta cần tìm hiểu.

  • Thứ nhất, cô Ma-ri-a xức dầu thơm cho Chúa Giê-su là ai?
Cô nầy là chị của La-da-rô, người được Chúa Giê-su cho sống lại.
Cô Ma-ri-a nầy quê ở Bê-ta-ni-a, tức khác với cô Ma-ri-a Ma-đa-lê-na quê ở Ga-li-lê.
  • Thứ hai, ý nghĩa của việc xức dầu thơm:
“Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất và quí giá xức chân Chúa Giê-su, rồi lấy tóc mình mà lau.” (c 3)
Việc đổ dầu thơm lên chân Chúa Giê-su cho thấy lòng mến cao độ của Ma-ri-a. Cô ta đã dùng thứ nước hoa hảo hạng rút từ cây tùng hương: Đáng lý cô ta chỉ nhỏ vài giọt là đủ. Nhưng ở đây, cô ta đổ cả bình lên chân Chúa Giê-su.

3. Bài học: Hãy làm mọi việc vì lòng yêu mến
4. Sống đạo: Ôm hôn người phong cùi

Trong năm 1997, nhân dịp kỷ niệm lễ giỗ 20 năm nhà văn công giáo Ra-un Phôn-lờ-rô (Raoul Follereau 1903-1977) tại Đại học Xoóc-bon, nước Pháp (Sorbonne, Paris) tôi được mời nói chuyện về ông. Được thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo, Raoul Follereau xác tín rằng “không ai có quyền hưởng hạnh phúc một mình”; và vì thế, cùng với bà Raoul Follereau, ông đã lên đường chăm sóc phục vụ những người bạn phong cùi trên thế giới, khắp các lục địa. Một hôm, tại một trại cùi, Raoul Follereau đến trước một cô gái đang bị bệnh và đưa tay bắt; nhưng cô gái đứng khựng lại, không phản ứng. Giám đốc trại nhắc Raoul Follereau rằng nội qui không cho phép người bệnh bắt tay khách. Raoul Follereau trả lời: “Cấm bắt tay, nhưng có cấm hôn không?”. Vừa nói, ông vừa đến ôm hôn cô gái. Mọi người sững sờ. Tất cả những người bệnh trong trại lúc bấy giờ nhào đến gần ông, một người trong họ nghẹn ngào lên tiếng: “Hôm nay, tôi cảm thấy chúng tôi là người.”
(NVT, Người lữ hành)

5. Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con thêm lòng mến Chúa mỗi ngày một hơn. Chúng con biết, với lòng mến Chúa, chúng con sẽ hiểu Chúa hơn và tích cực hơn trong việc yêu thương phục vụ tha nhân. Amen.


Lm. Phêrô Mi Trầm

Thứ Hai Tuần Thánh

Ngày mai táng Thầy
Lời Chúa: Ga 12, 1-11
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Ðức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Ðức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Ðức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng bạc mà cho người nghèo?” Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên hầu cô ấy giữ lại dầu thơm này cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có mãi đâu.”
Một đám đông người Do thái biết Ðức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Ðức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ và tin vào Ðức Giêsu.

Suy niệm:
Việc Đức Giêsu làm cho anh Ladarô hoàn sinh đưa đến hai thái độ. Thượng Hội Đồng họp nhau lại và quyết định về cái chết của Đức Giêsu. Còn chị Maria, trong bài Tin Mừng này, lại như muốn chuẩn bị cho cái chết ấy. Trong bữa tiệc tại nhà của chị em Mácta, Maria, Ladarô, tại Bêtania, Đức Giêsu được mời như một vị khách, có cả môn đệ của Ngài nữa.
Bữa ăn tối này là một cử chỉ diễn tả lòng kính trọng, yêu mến, và biết ơn của cả gia đình đang vui sướng trước sự trở lại từ nấm mồ của người thân yêu. Ladarô hẳn sẽ được ngồi gần Thầy Giêsu, Đấng thương mến anh (Ga 11,3), Đấng trả lại cho anh sự sống.
Chính trong bữa ăn do chị Mácta phục vụ này, cô Maria đã làm một điều đặc biệt và rất bất ngờ. Cô đã xức lên chân Thầy Giêsu một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng, khiến cả nhà sực nức mùi hương.
Chúng ta không hiểu tại sao cô xức chân Thầy thay vì đổ dầu thơm trên đầu. Người ta không xức dầu thơm lên chân một người còn sống, nhưng người ta có thể xức lên chân một người đã qua đời để chuẩn bị cho việc mai táng người ấy.
Cô Maria không ngờ mình đã làm một hành vi có tính tiên tri về cái chết của Thầy, như trước đây thượng tế Caipha đã vô tình nói tiên tri về cái chết ấy (Ga 11, 51). Cô không ngờ việc xức dầu tối nay của mình là cử chỉ tượng trưng cho việc liệm xác Thầy Giêsu sau này của ông Nicôđêmô với một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương (Ga 19, 39).
Nhìn cô Maria xức dầu, ta thấy cử chỉ trân trọng của cô đối với vị Thầy khả kính. Cô chấp nhận sự phí phạm này, vì tình yêu của cô đối với Thầy, hay đúng hơn, vì tình yêu quá lớn của Thầy đối với gia đình cô. Cô xức dầu mà không so đo tính toán. Lượng dầu quý giá được đổ ra chẳng là gì so với ân nghĩa của Thầy. Nhưng có người thấy khó chịu, đó là Giuđa Ítcariốt, một môn đệ của Thầy. Anh thấy tiếc vì lượng dầu thơm ấy thật đắt tiền, có giá bằng lương gần một năm của một công nhân. “Tại sao lại không bán dầu thơm ấy mà cho người nghèo ?”
Thầy Giêsu bênh vực cho cô Maria khi nói lên ý nghĩa việc làm của cô. Hành vi chuẩn bị mai táng phải được đặt trên hành vi bố thí giúp người nghèo. Hơn nữa, “người nghèo thì lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.” Đức Giêsu ám chỉ cái chết sắp đến của mình.
Giuđa có vẻ không hiểu được thế nào là tình yêu. Anh là người giữ tiền của cả nhóm, nhưng lại thường ăn cắp để dùng riêng. (c. 6). Có thể đồng tiền đối với anh là quá lớn, lớn hơn cả tình yêu. Anh phản bội Thầy mình cũng vì đồng tiền (Mt 26, 15). Mong chúng ta biết dùng tiền bạc để diễn tả tình yêu như cô Maria.

Cầu nguyện:

  • Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi.
  • Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
  • Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
  • Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. (R. Tagore)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Thứ Ba Tuần Thánh

Ga 13, 21-33.36-38: Chúa Giê-su loan báo về cái chết của Ngài.
Giu-đa bán Chúa

1. Lời Chúa:
21 Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”22 Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai.
23 Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giê-su thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giê-su.24 Ông Si-môn Phê-rô làm hiệu cho ông ấy và bảo: “Hỏi xem Thầy muốn nói về ai? ”
25 Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy? “26 Đức Giê-su trả lời: “Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.” Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt. (c 21-26)

2. Suy niệm:
Đoạn lời Chúa hôm nay nhắc đến 3 điểm nơi con người của Giu-đa.

  • Thứ nhất, Giu-đa thiện chí:
Chúa Giê-su chọn Giu-đa làm môn đệ, vì nơi anh ta cũng còn chút thiện chí là muốn theo Ngài. Chúa Giê-su không muốn dập tắt chút thiện chí của Giu-đa và việc đó nói lên lòng Chúa yêu thương và tôn trọng tự do. Tuy nhiên, Giu-đa đã không vượt qua được bản tính yếu đuối của mình nên đã phạm tội ô nhục là bán Chúa.
  • Thứ hai, Giu-đa ham tiền: Từ ham tiền rồi mê tiền và cuối cùng bán Chúa vì tiền.
  • Thứ ba, Giu-đa phản bội: Sự phản bội của Giu-đa làm cho cái chết của Chúa Giê-su thêm bi đát vì tội trò bán Thầy là tội không thể chấp nhận.

3. Bài học: Đừng phản bội, hãy sống trung thành

4. Sống đạo: Thánh An-rê Phú Yên trung thành đến chết
Giu-đa bán Chúa, còn An-rê Phú Yên chết vì Chúa.
Tối hôm ấy, cha vào tù thăm cụ già An-rê cũng mới bị bắt giam trong nhà tù tối tăm khó chịu. Ngài thuật lại: “Cổ ông cụ đeo gông nặng như các tù nhân trọng tội ở nước này, nhưng ông lại coi đó là một cái kiềng danh dự. Ông không cho đó là cực nhọc mà lại lấy làm vinh hạnh. Ông tỏ ra vui mừng trong xiềng xích, khác nào một Thánh Phaolô thứ hai trong ngục tù vậy.”
Cũng tối hôm ấy, lính giải Thầy An-rê đến trước mặt ông nghè. Thấy người thanh niên trẻ tuổi, ông sừng sộ với toán lính sao lại bắt người hiền lành như thế mà không bắt I-nha-xi-ô. Bọn lính thưa lại: “Inhaxiô đi vắng, nhưng người trẻ này cũng thuộc hạng như Inhaxiô, dọc đường vẫn còn cố chấp giảng đạo cho chúng tôi.”
Ông nghè lấy lời ngon ngọt dụ dỗ và hứa hẹn giúp An-rê xây dựng một tương lai sáng lạn. Nhưng gặp thái độ cương quyết và say mê đạo của thầy giảng trẻ tuổi, quan nghè phải khựng lại và tức tốc ra lệnh đóng gông thật nặng và giam chung với cụ già An-rê.
Sáng ngày 26-7, ông nghè triệu tập phiên họp các quan để ra án tử. Ngay sau khi các quan đồng lòng lên án, họ mới đưa hai tù nhân ra để nghe án. Cha Đắc Lộ thuật lại thái độ của hai người: “Họ bước đi vững mạnh, không hề sợ hãi, lại hân hoan như đi dự tiệc cưới vậy. Vai mang gông nặng, nhưng họ vẫn tỏ ra khoan khoái dễ chịu, vì đó là xe chở họ về nước thiên đàng.”

5. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, theo quan niệm của người đời, tội phản bội là tội đáng nguyền rủa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống trung thành với Chúa, và với mọi người. Amen.

Lm. Phêrô Mi Trầm

Thứ Tư Tuần Thánh

Mt 26,14-25
NHÌN VÀO ĐÔI MẮT YÊU THƯƠNG
Đức Giêsu đáp: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy.” (Mt 26,23)
Suy niệm: “Mọi nỗi gian nan ở đời, chỉ mang tiếng là sự dữ, còn tội ta phạm mới là sự dữ thật” (th. Anphongsô). Chỉ trong vài câu vắn gọn, bài Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy Đức Giêsu yêu thương, kiên trì như thế nào trong nỗ lực cảnh tỉnh, đưa Giuđa ra khỏi sự dữ thật sự này. Chắc chắn nếu các tông đồ biết được âm mưu của Giuđa, họ sẽ không để ông yên. Vì thế, Đức Giêsu đã phải ba lần kín đáo nhắc nhở ông về tội ác ông sắp làm: hai lần ám chỉ chung chung, một lần nói trực tiếp riêng với Giuđa. Thế nhưng, ngay cả thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất trong việc chinh phục con người là tình yêu cũng tỏ ra vô dụng với Giuđa. Dù phải đối diện trực tiếp với tình yêu này trong đôi mắt của Thầy mình, ông vẫn lạnh lùng, cố tình làm theo ý riêng, dự tính của mình.
Mời Bạn: Lắm lúc đối diện với tình yêu trong đôi mắt của Chúa Giêsu, bạn không nhận ra tình yêu của Ngài, vì mắt bạn đang “dính chặt” vào những dự tính, sở thích, đam mê, hay những tình cảm lệch lạc. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để bạn gỡ cái nhìn ấy ra khỏi tình trạng “qui-bản-thân,” để hướng về Chúa trọn vẹn hơn.
Chia sẻ: Có bao giờ nhận ra tình yêu Chúa, nhưng bạn vẫn cố tình phạm tội hay tiếp tục sống trong tội không?
Sống Lời Chúa: Nhìn, chiêm ngắm đôi mắt tình yêu của Chúa Giêsu, xin Ngài giúp mình không quay lưng lại với Ngài hay đứng dậy, ra khỏi vũng tội.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, đôi mắt Chúa cũng đã bao lần nhìn theo chúng con, cảnh tỉnh khi chúng con cố tình lỗi phạm. Xin giúp chúng con nhận ra tình yêu Chúa và hoán cải. Amen.


Thứ Năm Tuần Thánh

Ga 13,11-15
RỬA CHÂN CHO NHAU
“…thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)
Suy niệm: Sau ba năm theo Thầy, môn đệ Phê-rô vẫn cứ là người đi bên lề, không hiểu được đường lối của Thầy. Điều hệ trọng nhất Thầy sắp nói, lời cuối của Thầy trước lúc đi xa, thật quá sức tưởng tượng của ông. Lần thứ nhất, ông không muốn Thầy rửa chân, vì lý do rất đơn giản: không đời nào môn đệ lại được Thầy hầu hạ! Ông phải là người phục vụ, bảo vệ Thầy. Lần thứ hai, vì muốn dự phần cùng Thầy từ đầu đến cuối, Phê-rô năn nỉ xin Thầy rửa cả tay và đầu nữa. Lần này cũng vậy, ông lại càng không biết phần mà Thầy muốn mình chia sẻ là gì. Ông chưa hình dung ra rằng Thầy sẽ chịu đau khổ, xét xử, đóng đinh và chết tức tưởi trên thập giá. Trước mắt Phê-rô, chỉ có một viễn cảnh mà thôi: vinh quang mà ông sắp được Thầy mình chia sẻ.
Mời Bạn: Rất nhiều khi chúng ta đi sai đường, mà tưởng rằng mình đang làm theo ý Chúa. Thành công, vinh dự, thuận lợi là những dấu cảnh báo…
Chia sẻ: Người mải mê cho đi, mỗi lần phải nhận là một lần đau khổ; người chỉ biết nhận thì mỗi lần phải cho đi là một lần ray rứt. Hoặc chúng ta chỉ muốn làm “người trên”: thi ân cho người, hoặc chúng ta chỉ biết nhận. Theo bạn, làm thế nào để sống lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” trong cộng đoàn con cái Chúa?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ “rửa chân” cho một người quen trong tuần này, không như một nghi thức phải làm, nhưng là chăm sóc phục vụ tận tình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con noi gương Chúa mà yêu thương phục vụ nhau. Xin Chúa ban ơn nâng đỡ để chúng con tận tình thi hành lệnh truyền này. Amen.


Thứ Sáu Tuần Thánh

Ga 18,1-19,42
NGÀI CHẾT CHO BẠN
Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, lính tráng lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần… Họ nói: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” (Ga 19,23-24)
Suy niệm: Một cảnh tượng tương phản đến lạ kỳ: đang khi Con Thiên Chúa đau đớn chết trên thập giá, thì dưới chân thập giá ấy, đám lính Rôma thản nhiên chia nhau áo xống từ tội nhân. Họ phải phân định bằng cách bắt thăm, như một loại cờ bạc hên xui may rủi. Có vẻ như Ngài chết cho ai đó chứ không dính dáng gì đến họ! Bức tranh này là hình ảnh thu gọn, tiêu biểu cho một bức tranh rộng lớn hơn: cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu. Trong cuộc Khổ Nạn, ta nhìn thấy thái độ dửng dưng, lãnh đạm của những người có mặt: Philatô, binh lính, dân chúng. Bức tranh ấy cũng có thể phác họa toàn bộ tình cảnh nhân loại ngày nay: con người mải mê chạy theo việc hưởng thụ, mua sắm; tình yêu của Thiên Chúa, qua cái chết của Con Một Ngài, chẳng còn quan trọng với họ.
Mời Bạn: Đức Giêsu đã chết để bày tỏ tình yêu thương cho đến mút cùng của Thiên Chúa dành cho hết mọi người: người Do Thái và người Rôma, người tín hữu lẫn kẻ không tin, và dĩ nhiên cũng cho bạn nữa. Ước gì lòng bạn được đánh động bởi tình yêu quá lớn này và đáp lại bằng lòng tri ân cảm tạ.
Sống Lời Chúa: Trong những ngày này tôi đặc biệt ghi nhớ cái chết do lòng yêu thương của Chúa Giêsu, và cố gắng thực hiện những hy sinh trong lời ăn tiếng nói như một cách đền đáp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con không biết nói gì để bày tỏ lòng tri ân của mình trước tấm lòng của Chúa. Xin dâng lên Chúa các nghi thức chúng con tham dự, và thái độ ứng xử tốt đẹp với tha nhân trong những ngày này như một cách cảm tạ tri ân. Amen.

 

Thứ Bảy Tuần Thánh

ĐÊM THÁNH PHỤC SINH
Mt 28,1-10

TIN MỪNG PHỤC SINH CHO CÁC BÀ
“Các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói.” (Mt 28,5)
Suy niệm: Ai mong tìm Chúa sẽ được Người cho gặp. Biến cố quan trọng nhất trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa là mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu, được tỏ ra trước hết cho các bà, vì các bà biết đi tìm Chúa. Các bà đi đến ngôi mộ táng xác Chúa là do cảm tính của phụ nữ, nhưng cảm tính đó đâu phải là thừa. Nó khởi đầu cho một tình yêu và khai mở cho một sứ mạng: loan báo Chúa đã sống lại. Ai dám khẳng định truyền giáo chỉ là công việc của đức tin và lý trí? Truyền giáo còn được tác động bởi lòng mến, của tình cảm yêu thương Thiên Chúa và con người. Hơn ai hết, người phụ nữ được Thiên Chúa phú ban cho khả năng kỳ diệu ấy.
Mời Bạn: Là phụ nữ, bạn hãy tận dụng khả năng này để cụ thể hoá tình yêu, và giúp người khác yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Là đàn ông, bạn hãy bớt đi kiểu giữ đạo duy ý chí để thể hiện cảm tính qua hành động. Khi ấy bạn dễ làm cho người khác rung cảm trước những biến động của đời sống, nhất là đời sống đức tin, vì đức tin luôn cần những biểu hiện bên ngoài.
Chia sẻ: Hãy chia sẻ cho nhau một vài kinh nghiệm ngọt ngào khi bạn biết cụ thể hoá đời sống đức tin của mình.
Sống Lời Chúa: Mau mắn đón nhận, thực thi những điều đẹp lòng Chúa và sinh ích lợi cho tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Phục Sinh, xin cho đôi chân con biết lanh chai chạy đến với những người mà con tim và lý trí mách bảo cho biết là họ rất cần đến đôi bàn tay đỡ nâng, chia sẻ của con, ở đây và lúc này! Amen.

Exit mobile version