Lời Chúa Năm B Suy niệm ngày 18-23/12 trước lễ Giáng sinh

Suy niệm ngày 18-23/12 trước lễ Giáng sinh

Suy niệm ngày 18-23/12 trước lễ Giáng sinh

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI (18/12)

BƯỚC ĐI TRONG SỰ CÔNG CHÍNH TRƯỚC MẶT CHÚA

(Gr 23:5-8; Mt 1:18-24)

Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 nói về sự xuất hiện của một vị vua xuất thân từ nhà Đavít: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23:5). Trong thời của Ngài, nhà Giuđa và nhà Israel sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ, sẽ được đưa về cư ngụ trong đất mà Đức Chúa đã hứa ban cho họ và họ sẽ được sống yên hàn: “Thời bấy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta” (Gr 23:6). Những lời trên cho thấy sự xuất hiện của chồi non từ nhà Đavít sẽ mang lại sự giải thoát cho con cái Israel. Dưới thời của Ngài mọi người sẽ sống trong công bình và yêu thương. Chi tiết này làm chúng ta tự hỏi: Sự xuất hiện của tôi trong thế giới này đã mang lại được điều gì tốt đẹp? Nói cách cụ thể hơn, sự hiện diện của tôi trong gia đình [cộng đoàn] và nơi làm việc có mang lại sự thay đổi gì không? Chúng ta cần lưu ý ở đây là sống công chính trước mặt Chúa là sống theo thánh ý Ngài. Thánh ý Thiên Chúa chỉ được tìm thấy bởi những người chìm sâu trong cầu nguyện.

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu sinh ra như thế nào. Tuy nhiên, khi đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta chỉ nghe nói về việc báo mộng cho Thánh Giuse về những gì xảy ra và ngài cần phải làm gì. Chúng ta sẽ hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng hôm qua về gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1:1-17).

Bài Tin Mừng hôm nay gồm có 8 câu, và Thánh sử Matthêu nhắc lại hai lần việc Chúa Giêsu được “cưu mang bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18, 20). Hơn nữa, chính Ngài là Đấng “sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21), và là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1: 23). Những chi tiết này nhằm mục đích chứng minh và khẳng định cho chúng ta rằng: dù Chúa Giêsu xuất thân từ một “lịch sử đầy tội lỗi” như chúng ta đã suy gẫm ngày hôm qua về gia phả của Ngài, và dù cho Thánh sử Matthêu muốn chứng minh Chúa Giêsu là “con người thật,” nhưng Ngài sinh ra “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:13). Như thế, điểm đầu tiên chúng ta có thể rút ra từ Tin Mừng hôm nay đó là: Thật khó cho Chúa Giêsu sinh ra trong những tâm hồn “chỉ sống theo khía cạnh con người,” hay chỉ sống “duy bởi cơm bánh.” Nói một cách cụ thể, Chúa Giêsu khó sinh ra trong những tâm hồn chứa đựng nhiều của cải vật chất và luôn chạy theo những nhu cầu xác thịt hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa.

Bây giờ, chúng ta ngước nhìn lên Thánh Giuse, “nhân vật chính” được đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta học được gì nơi ngài? Theo niềm tin của chúng ta, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu được cưu mang và sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nói một cách khác, nhân tính của Chúa Giêsu được nhận lấy từ Mẹ Maria. Còn Thánh Giuse thì chỉ được gọi là “Cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu.” Điều này không khỏi làm chúng ta thắc mắc: Vậy Chúa Giêsu có thừa hưởng gì từ Thánh Giuse không? Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta một điều rất quan trọng mà Chúa Giêsu “thừa hưởng” hay “nhận lấy” từ Thánh Giuse đó chính là danh xưng “Con vua David.” Trong bài Tin Mừng, chúng ta nghe sứ thần gọi Thánh Giuse là “con vua David” (Mt 1:20). Điều này đưa chúng ta về với đoạn Tin Mừng hôm qua khi chúng ta nghe về gia phả của Chúa Giêsu. Thánh sử Matthêu bắt đầu Tin Mừng của mình với trình thuật về “gia phả của Đức Giêsu Ki tô, con vua David, con của Abraham” (Mt 1:1). Điều này để hoàn thành lời Ngôn Sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe trong bài đọc 1: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa– Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà David một chồi non chính trực” (Ger 23:5). Thêm vào đó, trong tin mừng của Thánh sử Matthêu, Chúa Giêsu cũng được gọi là “con vua David” bởi hai người mù (Mt 9:27; 20:30), hoặc bởi đám đông khi Ngài vào thành Giêrusalem (Mt 21:9). Như thế, Thánh Giuse trao tặng cho Chúa Giêsu “vương quyền” mà mình sở hữu. Ngài trao cho Chúa Giêsu “mọi vinh quang và danh dự.” Không giữ lại gì cho chính mình.

Điểm thứ hai mà chúng ta có thể học được từ Thánh Giuse là việc ngài được xem là “người công chính.” Điều này có nghĩa là gì? Trong tư tưởng của người Do Thái, người công chính là người được Chúa chúc lành vì họ là người “luôn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành,” hay nói đúng hơn người công chính là người sống trọn vẹn “Shema Israel” (“Hãy nghe đây hỡi Israel”) (Dnl 4:6). Chính vì thái độ luôn lắng nghe này mà chúng ta hiểu tại sao Thánh Giuse dường như không nói một lời nào. Chúng ta có tìm thấy những lời của Đức Mẹ hoặc của các tông đồ trong Tin Mừng, chứ chúng ta không tìm thấy một lời nào của Thánh Giuse. Ngài luôn là người lắng nghe, ngài “không nói” hoặc “chỉ nói khi cần” phải đối thoại với Chúa. Ngài lắng nghe ngay cả trong giấc ngủ. Quả thật là như vậy, mọi sự Thiên Chúa truyền cho Giuse đều qua giấc mộng. Nói như Thánh Vịnh Gia: “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” (Tv 16:7-8). Điều này làm cho chúng ta liên tưởng đến Giuse trong Cựu Ước, người được mệnh danh là kẻ “mơ mộng.” Trong cuộc sống, để biết và hiểu được ý Chúa và ý nhau, chúng ta phải biết lắng nghe. Chúng ta lắng nghe “chăm chú” không chỉ bằng đôi tai thể lý, nhưng bằng chính con tim đầy yêu thương và hiểu biết. Đừng nói nhiều (hoặc chỉ nói khi cần và chỉ nói điều tốt, điều bổ ích), nhưng lắng nghe nhiều và “suy niệm trong lòng” là chìa khoá để đi vào thế giới của Thiên Chúa và của anh chị em mình.

Điểm cuối cùng chúng ta học nơi Thánh Giuse là thái độ “luôn nghĩ tốt và làm tốt cho người khác” ngay cả khi mình “dường như bị phản bội.” Nếu chúng ta đặt mình vào trong vị thế của Thánh Giuse, chúng ta thấy rất khó xử: “Người vợ đã đính hôn của mình có thai! Mà không phải con của mình.” Theo luật thì Thánh Giuse có quyền tố cáo Mẹ Maria và Mẹ Maria sẽ bị ném đá. Tuy nhiên, đứng trước một quyết định khó khăn như thế, thánh Giuse lắng nghe Chúa, tìm thánh ý Chúa, chứ không làm theo ý muốn của mình. Chính vì vậy, thánh Giuse “không muốn tố giác bà [Maria], nên mới định tâm bỏ bà [Maria] cách kín đáo” (Mt 1:19). Nói một cách cụ thể, dù cảm thấy bị “phản bội,” Thánh Giuse luôn muốn điều tốt nhất cho Mẹ Maria. Chính thái độ đó đã làm cho ngài sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1:24). Khi chúng ta bị tổn thương hay phản bội, chỉ có một cách để đón Chúa và người làm mình tổn thương vào lại trong con tim của mình, đó là: không làm theo ý muốn của mình, nhưng nghĩ tốt và làm tốt cho người khác, nhất là người làm tổn thương mình. Có câu nói trong đời rằng: Cách trả thù khủng khiếp nhất mà một người có thể làm cho kẻ thù của mình là biến kẻ thù thành bạn. Đúng như thế: Sự dữ không thể bị huỷ diệt bởi một sự dữ khác. Sự dữ chỉ bị huỷ diệt bởi tình yêu và điều tốt.

THỨ BA (19/12)

SỐNG THUỘC TRỌN VỀ THIÊN CHÚA

(Tl 13:2-7.24-25a; Lc 1:5-25)

Sách Thủ Lãnh thuật lại cho chúng ta câu chuyện về Samsôn. Đây là một câu chuyện nói về sự can thiệp của Thiên Chúa điều mà con người không thể. Câu chuyện bắt đầu với sự kiện là “có một người đàn ông ở Xorơa, thuộc chi tộc Đan, tên là Manôác. Vợ ông son sẻ và không sinh con” (Tl 13:2). Sự son sẻ của bà đã được Thiên Chúa can thiệp, để bà “sẽ có thai và sinh một con trai” (Tl 13:3). Chi tiết đầu tiên này nhắc nhở chúng ta về một thực tế trong cuộc sống, đó là nhiều lần chúng ta đối diện với những điều mà với sự hiểu biết và khả năng của con người thì không thể xảy ra. Nhưng với ơn Chúa chúng ta có thể vượt qua những điều đó cách dễ dàng và bình an. Ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa, ở đó mọi sự đều có thể cho những người đặt trọn niềm tin vào Người.

Chi tiết thứ hai làm chúng ta suy gẫm là ơn gọi của đứa trẻ được hứa là thuộc trọn về Thiên Chúa. Điều này được diễn tả qua những điều sau: “Đừng uống rượu và thức có men, cũng đừng ăn mọi thứ không thanh sạch. Vì này bà sẽ có thai và sinh một con trai. Dao cạo sẽ không được lướt trên đầu nó, vì con trẻ sẽ là một nadia của Thiên Chúa từ lòng mẹ. Chính nó sẽ bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitinh” (Tl 13:4-5). Điều đó đã xảy ra như lời đã tiên báo cho bà: “Bà sinh được một con trai và đặt tên là Samsôn. Đứa bé lớn lên, và Đức Chúa chúc lành cho nó. Thần khí Đức Chúa bắt đầu tác động trên Samsôn” (Tl 13:24-25a). Cuộc sống và ơn gọi của Samsôn gợi cho chúng ta nhớ đến cuộc sống và ơn gọi của mỗi người. Sự sống của chúng ta đến từ Thiên Chúa và mỗi người chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa qua đời sống thanh sạnh, không bị vướng bẩn bởi những danh vọng và níu kéo của thế gian. Chúng ta chỉ sống được như thế khi có Thiên Chúa chúc lành và bàn tay Thiên Chúa đặt trên chúng ta.

Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta vào mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa. Nói một cách cụ thể, hai bài đọc hôm nay có cùng một cốt chuyện và nói lên cùng một sứ điệp: Ở đâu quyền lực của con người trở nên vô hiệu và bất lực thì quyền năng của Thiên Chúa được tỏ lộ. Thật vậy, khi mọi nỗ lực của con người trở nên vô hiệu, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới biến sự “tuyệt vọng” của con người thành “hy vọng.” Cả hai bài đọc hôm nay kể về hai cặp vợ chồng đã “tuyệt vọng” vì không thể sinh con vì họ đã cao niên. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa đã biến sự “tuyệt vọng và nỗi buồn” của họ thành “niềm vui.” Khi cuộc sống của chúng ta dường như vô vọng, hãy chạy đến với Chúa và chỉ có mình Ngài mới có thể mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng trong những giây phút thất vọng.

Nhìn từ khía cạnh khác, hai bài đọc hôm nay kể cho chúng ta nghe hai câu chuyện về tiên báo việc sinh ra của hai nhân vật “được thánh hiến” từ trong lòng mẹ: Samson trong bài đọc 1 và Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng. Cả hai đều có những chi tiết nổi bật giống nhau như sau: (1) sinh ra bởi “người mẹ son sẻ và không sinh con” (Tl 13:3; Lc 1:7); (2) cả hai được thánh hiến từ trong lòng mẹ (Tl 13:5; Lc 1:15); (3) cả hai không đụng đến rượu (Tl 13:4; Lc 1:15). Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm hơn ở đây chính là việc cả hai đều sinh ra bởi “quyền năng của Thiên Chúa” hơn là từ “ước muốn của con người.” Điều này làm cho cả hai trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa: Samson sẽ “bắt đầu cứu Israel khỏi tay người Philitinh và được Thiên Chúa chúc lành và Thánh Thần tác động,” còn Thánh Gioan Tẩy Giả làm cho “nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời và nên cao cả trước mặt Chúa. Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ.” Những chi tiết này giúp chúng ta nhận ra rằng: Những ai được sinh ra bởi quyền năng của Thiên Chúa sẽ không chỉ trở nên cao trọng mà còn sinh nhiều hoa trái thánh thiện. Những hoa trái sinh ra bởi ơn nghĩa với Thiên Chúa là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gal 5:22-23). Chúng ta đã được sinh ra bởi Thiên Chúa trong Bí Tích Rửa Tội. Nhưng chúng ta có sinh nhiều hoa trái và trở nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và người khác không?

Hôm qua chúng ta nghe sứ thần “truyền tin” cho một người đàn ông [Thánh Giuse], và hôm nay chúng ta nghe một câu chuyện “truyền tin” khác cũng cho một người đàn ông [Zechariah]. Tin Mừng hôm qua kể về việc truyền tin của Đấng Cứu Thế, còn hôm nay Tin Mừng tường thuật về truyền tin của “Vị Tiền Hô” của Đấng Cứu Thế. Hai người đàn ông đáp lại mầu nhiệm của Thiên Chúa với hai thái độ khác nhau: Một người “không hỏi lời nào,” hoàn toàn đặt niềm tin vào Thiên Chúa và đem ra thực hành cách nhanh chóng điều Thiên Chúa phán; còn một người thì “chất vấn” và “nghi ngờ” quyền năng của Thiên Chúa. Trong cuộc sống, có những lúc chúng ta không hiểu những điều Thiên Chúa muốn trên cuộc đời của chúng ta, chúng ta cũng chất vấn Chúa thật nhiều và đôi khi đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Khi không hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đời của chúng ta, hãy thinh lặng và lắng nghe như Thánh Giuse. Chỉ trong mầu nhiệm của sự thinh lặng mà chúng ta nghe được tiếng Chúa và sẵn sàng mở cửa cho Ngài khi Ngài gõ vào cửa con tim chúng ta.

Cả hai [Thánh Giuse và Zechariah] đều được trấn an rằng: “Đừng sợ!” (Mt 1:20; Lc 1:13). Trong kinh thánh, chúng ta thấy có một điểm đáng chú ý, đó là: Mỗi khi Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu hiện ra với ai để trao cho họ một sứ mệnh, thì điều đầu tiên Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu nói là lời trấn an: “Đừng sợ!” (hoặc “Thầy đây, đừng sợ!”). Điều này giúp chúng ta khẳng định rằng: ở đâu có sự hiện diện của Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu, ở đó chỉ có bình an và không có sợ hãi. Hay nói một cách khác, ở đâu tình yêu đạt đến mức hoàn hảo, ở đó không có sợ hãi như Thánh Gioan nói: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4:18). Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng có nhiều sợ hãi: sợ cho tương lai không biết thế nào, sợ người khác nghĩ tiêu cực về mình, sợ không thành công trong học hành, sợ môi trường mới, sợ công việc mới, sợ thất bại trong công việc, sợ bị phản bội, sợ bị bỏ rơi, và rất nhiều sợ hãi khác. Trong những lúc sợ hãi như thế, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta một cách thật nhẹ nhàng và đầy yêu thương: “Thầy đây, Đừng sợ! Thầy sẽ ở với anh chị em cho đến ngày tận thế” (Mt 28:20).

Điều cuối cùng chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay để trở thành ý lực sống của chúng ta là lời của Elizabeth: “Đức Chúa đã làm cho tôi như thế đó [vào thời điểm mà Ngài thấy thuận tiện hoặc vào ngày Ngài nhìn đến tôi với ơn phúc] để cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1:25). Bản dịch tiếng Việt mà chúng ta nghe không có phần in nghiêng trên, nhưng đây là một chi tiết quan trọng để cho chúng ta biết rằng: “Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mọi sự và Ngài luôn làm cho điều đó xảy ra vào thời điểm mà Ngài thấy thích hợp.” Nói một cách khác, Thiên Chúa luôn thực hiện kế hoạch của Ngài trong lịch sử nhân loại và trên cuộc đời của mỗi người chúng ta theo cách thức và thời điểm mà Ngài thấy thuận lợi chứ không theo cách thức và thời gian mà chúng ta muốn. Khi đối diện với trái ý và đau khổ, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình tin tưởng và hy vọng: “Đức Chúa sẽ nhìn đến tôi vào thời điểm mà Ngài thấy thuận tiện để cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu, theo cách thức Ngài muốn.”

THỨ TƯ (20/12)

KHÔNG CÓ GÌ MÀ THIÊN CHÚA KHÔNG LÀM ĐƯỢC

(Is 7:10-14; Lc 1:26-38)

Bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta nghe về sấm ngôn của Ngôn Sứ Isaia cho Akhát, tiên báo về sự ra đời của một hài nhi như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa luôn ở với dân Ngài. Chúng ta biết lời sấm này được thốt lên trong bối cảnh hoảng sợ của vua Akhát và toàn dân vì thành đang bị vây đánh. Chính trong bối cảnh hoảng sợ đó, Thiên Chúa đã ban cho Akhát một dấu hiệu: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít, các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7:13-14). Những lời này vừa là một lời khuyến cáo cũng là một lời an ủi: Khuyến cáo vì chúng nhắc nhở chúng ta về việc kém lòng tin của mình. Khi gặp khó khăn, chúng ta thường làm ‘phiền lòng’ người khác và ‘phiền lòng’ Thiên Chúa bằng thái độ kêu than, càm ràm, khó chịu hoặc giận dữ. Nhưng dù chúng ta có làm ‘phiền lòng’ Người, Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta dấu chỉ, là Ngài vẫn mãi luôn ở bên chúng ta. Đây chính là điều an ủi khi chúng ta gặp gian truân và khó khăn trong cuộc sống. Thật vậy, mỗi khi gặp thử thách trong cuộc sống chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng Thiên Chúa gần chúng ta hơn bao giờ hết. Tại sao chúng ta lại hoảng sợ?

Sau khi đã chuẩn bị những người “liên quan gián tiếp” với việc đến của Đấng Cứu Thế [như Dacaria, Êlisabét, Gioan Tẩy Giả, và nhất là Giuse], trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng thấy Thiên Chúa mời gọi và chuẩn bị người “liên quan trực tiếp” đến việc sinh ra của ‘Con Đấng Tối Cao.” Chúng ta cùng nhau suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay theo hướng hành trình đức tin như chúng ta đã làm trong những ngày vừa qua về hành trình đức tin của Giuse và Dacaria [hai người nam]. Hành trình hôm nay là hành trình của một người nữ. Trong hành trình này, Mẹ Maria phải đối diện với những ‘điều vô lý’ nhìn từ khía cạnh con người. Mẹ đã đối diện với những ‘điều vô lý’ đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau suy gẫm:

Như chúng ta đã trình bày trong bài chia sẻ hôm qua, hành trình đức tin là hành trình đi tìm sự hợp lý trong cái vô lý theo lối suy luận của con người. Bối cảnh của hành trình đức tin của Mẹ Maria là biến cố Êlisabét thụ thai: “Khi ấy, bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1:26-27). Những lời này chỉ ra cho chúng ta những chi tiết cần thiết bao quanh sự kiện truyền tin, đó là sự thụ thai của bà Êlisabét, nơi chốn xảy ra sự kiện, tình trạng của Mẹ và người Mẹ đã thành hôn lúc đó. Điều này ám chỉ rằng Thiên Chúa bước vào trong thế gian, hoặc bưới vào cuộc đời của mỗi người chúng ta trong một bối cảnh rất cụ thể và trong tình trạng hiện thời của chúng ta. Nói cách cụ thể hơn, chi khi chúng ta lưu ý đến hoàn cảnh mình đang sống và tình trạng hiện thời của mình, chúng ta mới có thể khám phá ra sự hiện diện kín ẩn đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Cái không hợp lý thứ nhất chính là lời chào của Thiên Thần: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Vì lời chào này không hợp lý nên vừa “nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1:29). Sự vô lý nằm ở chỗ là lời mời gọi ‘hãy mừng vui lên!’ Làm sao Mẹ có thể vui được khi dân của Mẹ vẫn đang sống dưới sự đô hộ của người Rôma; làm sao Mẹ có thể vui được khi toàn dân đang mong đợi Đấng Cứu Thế đến mà Ngài dường như quá xa vời; làm sao Mẹ có thể vui được khi lời cầu nguyện của Mẹ mỗi ngày cho Đấng Cứu Thế dường như bị rơi vào quên lãng. Nhưng sự ‘vô lý’ của lời chào đã trở nên ‘hợp lý’ khi Thiên Thần khẳng định cho Mẹ rằng niềm vui đó không đến từ bất kỳ điều gì, nhưng đến từ sự kiện là “Đức Chúa ở cùng bà,” Đấng ban cho Mẹ đầy ân sủng. Khi có Thiên Chúa ở cùng và ân sủng của Ngài đổ đầy tâm hồn mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng không có điều gì trong cuộc sống này là vô nghĩa. Mọi sự xảy ra đều có một nguyên nhân và chúng ta có thể học được một điều gì đó từ nó. Thật vậy, chỉ có những tâm hồn được Thiên Chúa chiếm lấy mới có thể nhìn mọi sự với ánh mắt đầy yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa.

Sự không hợp lý thứ hai là chính nội dung của bản tin Thiên Thần mang đến: “Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Ngai ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:30-33). Vì không hợp lý nên Mẹ Maria “thưa với sứ thần: ‘Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?’” (Lc 1:24). Sự ‘vô lý’ ở đây quá rõ ràng nhìn về phía con người, làm sao một cô gái ‘không biết đến việc vợ chồng’ mà có thể mang thai. Hay nói đúng hơn là làm sao một cô gái có thể mang thai khi không có sự ‘hợp tác’ của người nam! Để đối diện với sự ‘vô lý’ đó, Thiên Thần đã trấn an Mẹ với lời mời gọi ‘đừng sợ, vì bà đã được đẹp lòng Thiên Chúa.’ Những người sống đẹp lòng Thiên Chúa sẽ không sợ hãi trước những điều phi lý của cuộc sống. Dù có phải đối diện với bóng đen của cuộc sống, họ vẫn luôn kiên trung trong việc tìm kiếm và thực hành ý Chúa.

Cuối cùng, chúng ta thấy tất cả những gì không hợp lý được giải thích và trở nên ‘hợp lý’: “Sứ thần đáp: ‘Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được’” (Lc 1:35-37). Trong những lời này, chúng ta thấy điều làm cho Mẹ Maria nhận ra được ý nghĩa trong mọi sự chính là lời khẳng định của Thiên Thần: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Quả thật, đứng trước sự hợp lý [đứng về phía Thiên Chúa], Mẹ Maria liền “nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Tiếng “xin vâng” của Mẹ là hoa trái của một hành trình đức tin đi tìm sự ‘hợp lý’ trong những gì là ‘vô lý.’ Hành trình này chỉ được hoàn thành khi Mẹ và chúng ta xác tín rằng: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

THỨ NĂM (21/12)

NIỀM VUI MANG CHÚA ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC

(Dc 2:8-14; Lc 1:39-45)

Kinh ngiệm đời thường dạy chúng ta rằng: khi hai người yêu nhau, điều làm cho họ vui nhất chính là được nghe tiếng của nhau, và nhất là có thời gian ở bên nhau để lắng nghe được nhịp đập con tim của nhau. Hai bài đọc hôm nay nói cho chúng ta biết về kinh nghiệm đầy yêu thương này, đó là ‘được nghe tiếng’ của người yêu. Chúa cũng nói với chúng ta mỗi ngày, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc khi được nghe tiếng Ngài không?

Trong bài đọc 1, tác giả sách Diễm Ca trình bày cho chúng ta giây phút cảm động của hai người yêu tìm kiếm nhau và nghe được tiếng nhau. Đây chính là cảm xúc thật con người của một cô gái đang chờ đợi người yêu của mình đến: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2:8). Chính tiếng văng vẳng của người yêu đã làm cho tim cô gái rộn lên niềm vui sướng. Tình yêu say đắm nàng dành cho chàng đã làm cho nàng nghĩ về chàng với những gì là tuyệt đẹp nhất: “Người yêu của tôi chẳng khác gì linh dương, tựa hồ chú nai nhỏ. Kìa chàng đang đứng sau bức tường nhà, nhìn qua cửa sổ, rình qua chấn song” (Dc 2:9). Những chi tiết này cho chúng thấy ở đâu có tình yêu, ở đó chỉ có niềm vui và vẻ đẹp. Nói cách cụ thể hơn, khi yêu chúng ta chỉ nhìn thấy nét đẹp nơi người yêu của mình. Nhưng khi không có tình yêu, chúng ta thường nhìn người khác với con mắt ‘xói mói’ và ‘tìm lỗi.’ Hãy sống với trọn con tim để cảm nghiệm cuộc sống này đẹp như thế nào, vì khi sống với con tim ‘nửa vời,’ chúng ta sẽ thấy cuộc sống rất nặng nề và không đáng sống!

Bên cạnh đó, tình yêu say đắm này làm cho nàng cảm nghiệm được tình yêu và sự mong chờ của chàng dành cho nàng: “Người yêu của tôi lên tiếng bảo: Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Tiết đông giá lạnh đã qua, mùa mưa đã dứt, đã xa lắm rồi. Sơn hà nở rộ hoa tươi và mùa ca hát vang trời về đây. Tiếng chim gáy văng vẳng trên khắp đồng quê ta. Vả kia đã kết trái non, vườn nho hoa nở hương thơm ngạt ngào. Dậy đi em, bạn tình của anh, người đẹp của anh, hãy ra đây nào! Bồ câu của anh ơi, em ẩn trong hốc đá, trong vách núi cheo leo. Nào, cho anh thấy mặt, nào, cho anh nghe tiếng, vì tiếng em ngọt ngào và mặt em duyên dáng’” (Dc 2:10-14). Niềm vui của chàng là được nhìn thấy nàng, được nghe tiếng nói của nàng vì nàng là tất cả của chàng. Tình yêu làm cho chúng ta chỉ có một niềm khao khát, đó là nên một với người mình yêu. Những lời trên cho thấy tình yêu đã làm cho chàng trai dùng tất cả những lời mỹ miều nhất để diễn tả người mình yêu. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại tương quan của mình với Chúa và với nhau. Chúng ta đã dùng lời của chúng ta như thế nào: Nói về Chúa và nói hay nói tốt cho nhau, hay dùng lời nói của mình để làm tổn thương người khác?

Theo kinh nghiệm thường ngày, khi có một điều gì đó vui, chúng ta thường chia sẻ cho người khác để họ cũng được chia sẻ trong niềm vui của chúng ta.  Chúng ta có thể nói đây chính là điều Mẹ Maria làm khi đi thăm viếng bà Êlisabét. Nhiều người cho rằng Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlisabét là muốn để chứng thực điều thiên thần nói đúng hay sai. Nhưng điều này không đúng, vì Mẹ Maria không cần phải được chứng thực vì Mẹ đang cảm nghiệm sự kỳ diệu Thiên Chúa làm trong cuộc đời Mẹ. Mẹ đang cảm nghiệm được điều mà Thiên Thần nói: “không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (Lc 1:37). Vậy lý do Mẹ đi thăm viếng bà Êlisabét là gì? Theo các học giả Kinh Thánh, có thể có hai lý do: (1) Mẹ đi vì tình thương dành cho người chị họ đang cần sự giúp đỡ và (2) Mẹ đi vì Mẹ muốn mang niềm vui có Chúa cho người chị họ và người con của chị mình. Chúng ta có thể rút ra được điều gi để suy gẫm trong Tin Mừng hôm nay?

Thứ nhất, chúng ta học được thái độ “mau mắn” của Mẹ Maria trong việc phục vụ và mang Chúa đến cho anh chị em mình. Điều này được diễn tả trong những lời sau: “Hồi ấy, bà Maria lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét” (Lc 1:39-40). Hành động “vội vã đi đến miền núi” của mẹ ám chỉ thái độ nhanh nhẹn, không chần chừ khi biết người khác cần đến sự giúp đỡ của mình và khi có cơ hội mang Chúa đến cho người khác. Các Giáo Phụ cho rằng sau khi cưu mang Chúa Giêsu, Mẹ đã ‘vội vã đi đến miền núi.’ Tại sao là ‘đi lên’ miền núi? Chúng ta biết trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa mặc khải [tỏ hiện] chính mình. Những người gặp Chúa và có Chúa trong cuộc đời của mình luôn hướng lòng lên cao và nhanh nhẹn ‘đi lên cao’ chứ không để cho lòng của mình hướng về những gì thuộc trần gian này. Hơn nữa, Mẹ đã đi lên cao để cũng ở trên ‘miền núi,’ lần đầu tiên Chúa Giêsu ‘tỏ mình ra’ cho người tiền hô của mình. Khi chứng kiến việc Chúa Giêsu ‘tỏ mình ra lần đầu tiên,’ “bà Êlisabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần” (Lc 1:41). Đây là cuộc gặp gỡ không chỉ của hai người mẹ, nhưng của hai người con. Những chi tiết trên mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta cũng cưu mang Chúa mỗi ngay, nhưng chúng ta có ‘vội vã đi lên miền núi’ không? Chúng ta có hướng lòng mình lên những gì thuộc về thượng giới không hay chúng ta để cho những gì thuộc hạ giới giam hãm chúng ta trong sự lo lắng của cơm áo gạo tiền? Chúng ta được mời gọi sống như Mẹ Maria, mau mắn đáp lại tiếng Chúa và hướng lòng về Ngài. Chỉ những người có Chúa trong cuộc sống mới có thể hiểu được lý do ‘phải đi lên cao’; chỉ những người có Chúa trong cuộc sống mới có thể cảm nhận được niềm vui khi phục vụ và mang Chúa đến cho người khác. Hãy để Thiên Chúa chiếm lấy cõi lòng và cuộc sống của chúng ta, để qua cuộc sống của mình, Thiên Chúa được tỏ lộ cho người khác, những người đang đi tìm niềm vui trong cuộc sống.

Thứ hai, chúng ta học được thái độ vui mừng của bà Êlisabét khi được đón Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài: “Bà Êlisabét kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa  con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’” (Lc 1:42-45). Những lời này diễn tả niềm vui sâu thẳm của Êlisabét khi gặp gỡ Mẹ Maria và “Người Con” Mẹ đang cưu mang. Bà cảm thấy cuộc sống của mình thật diễm phúc vì được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta không chỉ được Mẹ Thiên Chúa viếng thăm, mà chính Thiên Chúa viếng thăm chúng ta mỗi giây phút nhưng chúng ta không cảm thấy mình được diễm phúc! Hơn thế nữa, Bà Êlisabét chân nhận những gì Thiên Chúa đã làm nơi cuộc sống của người em họ mình. Thái độ này mời gọi chúng ta biết nhìn anh chị em mình với một cặp mắt tràn đầy yêu thương và hy vọng vì chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện trên anh chị em mình những sự kỳ diệu của Ngài.

 

THỨ SÁU (22/12)

HÃY DÂNG CHO CHÚA CHÍNH CON NGƯỜI CỦA MÌNH

(1 Sam 1:24-28; Lc 1:46-56)

Khi chúng ta đến với Chúa chúng ta dâng gì cho Ngài? Đừng đến với Chúa với hai bàn tay trắng như được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật: “Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh (em) phải đến trình diện Đức Chúa, ở nơi Người chọn: vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Người ta sẽ không đến trình diện Đức Chúa tay không” (Đnl 16:16). Chúng ta thấy trong bài đọc 1 hôm nay, bà Hannah không đến với Đức Chúa với hai bàn tay trắng, nhưng bà đem của lễ đến dâng cho Chúa: “một con bò mộng ba tuổi, hai thùng bột và một bầu da đầy rượu” (1 Sam 1:24). Tuy nhiên, của lễ đẹp nhất và quý giá nhất mà bà dâng cho Chúa chính là đứa con của bà. Bà dâng cho Chúa đứa con, là tất cả những gì bà nhận được từ Ngài: “Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa” (1 Sam 1:27-28). Chi tiết này mời gọi chúng ta dâng lên Chúa những gì là đẹp nhất, thiện hảo nhất và giá trị nhất trong cuộc đời chúng ta. Một cách cụ thể, chúng ta cần biến cuộc đời của mình thành hiến lễ tinh tuyền đẹp nhất dâng lên Thiên Chúa.

Chi tiết thứ hai chúng ta có thể suy gẫm trong lời Chúa hôm nay là việc chúng ta thường đến với Chúa với rất nhiều điều để “xin.” Chúng ta xin Chúa ban cho mình hết cái này đến cái khác, từ vật chất đến nhân đức. Bên cạnh đó, chúng ta [nhất là những người sống đời thánh hiến] nói là chúng ta đã dâng cho Chúa nhiều thứ: những hy sinh, mệt nhọc, những trái ý trở trời, những đau khổ mà cuộc sống hoặc người khác mang đến cho mình. Nhưng nhìn lại, có thật là chúng ta đã dâng cho Chúa tất cả không? Nếu chúng ta dâng cho Chúa tất cả, tại sao chúng ta vẫn còn những nóng giận và hờn ghen, vẫn còn những hận thù và chia rẽ, vẫn còn những sa ngã và tội lỗi. Chúng ta có thể biện minh rằng: Nhưng tôi vẫn còn là con người. Đúng là như thế! Nhưng làm người chính là trở nên giống “Người” – đó là Đức Kitô, Con Người Thật. Khi chúng ta dâng cho Chúa tất cả, chúng ta cũng sẽ thốt lên như Thánh Phaolô rằng: “Từ nay không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Bài Tin Mừng hôm nay chứa đựng lời kinh mà nhiều người rất yêu mến, đó là, lời ca Magnificat. Lời ca Magnificat là một bản tóm tắt thật tuyệt vời cả lịch sử của dân Israel. Nói một cách khác, qua lời ca Magnificat, Mẹ Maria không chỉ nói về những công trình kỳ diệu Chúa đã làm cho Mẹ, nhưng cho cả dân tộc Israel qua việc Ngài trung thành giữ lời hứa với Abraham và con cháu ông cho đến muôn đời. Thật vậy, trong lời ca Magnificat, chúng ta nghe ẩn chứa bài ca chiến thắng của con cái Israel sau khi vượt qua biển đỏ thoát ách nô lệ Ai Cập. Đây cũng chính là bài ca của từng cá nhân con cháu Israel, nhất là bài ca của bà Hannah, Mẹ của Samuel (1 Sam 2:1-10). Và hôm nay, bài ca Magnificat đã trở thành lời kinh mỗi ngày của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta để ca khen tình yêu, lòng trung thành và những kỳ công Chúa đã thực hiện.

Có nhiều cách để tiếp cận bài ca Magnificat. Để rút ra những ý lực sống cho ngày hôm nay, chúng ta sẽ tiếp cận bài Tin Mừng theo lối phân tích những lý do mà làm cho lời ca này trở thành lời ca mà Mẹ Maria yêu thích nhất. Chúng ta có thể rút ra sáu lý do sau:

  1. Lý do để vui mừng và ngợi khen: Thiên Chúa là Đấng cứu độ chúng tôi (Is 61:10; 1 Sam 2:1; Hab 3:18). Đối với Mẹ, không có lý do nào để vui mừng và ngợi khen cho bằng niềm vui có Chúa là Đấng cứu độ. Chúng ta có vui mừng khi có Chúa là Đấng cứu độ không?
  2. Lý do để được diễm phúc muôn đời: Thiên Chúa đoái đến phận hèn của chúng tôi (1 Sam 1:11). Hãy luôn ý thức rằng chúng ta được diễm phúc muôn đời không phải vì chúng ta thông minh, tốt lành, hay thánh thiện, nhưng là vì Thiên Chúa đã nhìn đến phận hèn của chúng ta và đem lòng yêu thương và chọn chúng ta cho riêng Ngài.
  3. Lý do để Danh Thiên Chúa được tôn vinh: Thiên Chúa đã làm những việc cao cả cho chúng tôi (1 Sam 11:27; St 30:13; Tv 126:3). Điều này nhắc nhở cho chúng ta về những lời Chúa Giêsu đã nói với các Môn đệ: “Nếu không có Thầy, anh (chị) em sẽ không làm được gì!” (Ga 15:5). Chúng ta tôn vinh Thiên Chúa khi chúng ta để cho Ngài thực hiện những việc cao cả của Ngài trên cuộc đời của chúng ta, và công việc cao cả nhất đó là “tái hiện” lại mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có “cho phép” Chúa làm điều Ngài muốn trên cuộc đời của chúng ta không?
  4. Lý do để kính sợ Chúa: Thiên Chúa là Đấng thương xót chúng tôi từ đời nọ tới đời kia (Tv 111:9; Tv 103:17). Thiên Chúa luôn tỏ lòng thương xót chúng ta mỗi khi chúng ta lỗi phạm đến Ngài; chiêm ngắm lòng thương xót vô biên của Ngài có làm cho lòng chúng ta kính sợ và không muốn làm buồn lòng Ngài bằng cách không phạm tội không?
  5. Lý do để biểu dương sức mạnh của Chúa: Thiên Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, cho kẻ đói nghèo được đầy dư, đuổi người giàu có về tay trắng (Tv 89:10; 138:6; Sir 33:12; Ez 17:24; Job 5:11; 12:19; Tv 107:9). Chỉ những người “bé mọn” mới hiểu được những mạc khải của mầu nhiệm Thiên Chúa. Chúng ta có để Chúa biểu dương sức mạnh của Ngài trong cuộc đời của chúng ta bằng một đời sống khiêm nhường và hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa không?
  6. Lý do để biết Chúa luôn trung thành: Thiên Chúa luôn độ trì Israel theo lời đã hứa và giữ lòng thương xót cho tổ phụ Abraham (Tv 98:3; Is 41:8-9; Gen 12:3; 13:15; 22:18). Nhìn lại lịch sử cuộc đời của mình, chúng ta nhận ra rằng: Chỉ có chúng ta luôn bất trung với Chúa, còn Chúa thì luôn trung thành. Như vậy, chúng ta được mời gọi sống trung thành với lời cam kết khi chúng ta chịu phép Rửa Tội [hoặc khi tuyên khấn ba lời khuyên Phúc Âm] để thuộc trọn về Chúa.

Tóm lại, lời ca Magnificat là bản tóm tắt những việc cao trọng mà Chúa đã thực hiện trong lịch sử của dân Israel. Điều này chứng tỏ cho chúng ta thấy Mẹ Maria luôn giữ những “điều Chúa làm cho dân của Mẹ” và suy đi nghĩ lại trong lòng. Cuộc đời của chúng ta chỉ trở thành lời kinh tạ ơn khi chúng ta “giữ trong lòng những điều kỳ diệu” Chúa đã thực hiện, chứ không giữ những tổn thương mà người khác đã làm cho chúng ta.

THỨ BẢY (23/12)

THIÊN CHÚA TỎ LÒNG THƯƠNG XÓT NHỮNG AI KÍNH SỢ NGÀI

(Ml 3:1-4.23-24; Lc 1:57-66)

Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Malakhi tuyên sấm về sứ giả được Chúa sai đi trước mặt Ngài. Chúng ta biết người được tuyên sấm ở đây chính là Gioan Tẩy Giả mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhiệm vụ của người sứ giả này là gì? Ngôn sứ Malakhi cho biết: “Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt” (Mlk 3:23-24). Trong những lời này, chúng ta được biết vai trò của sứ giả Thiên Chúa là mang lại sự sám hối và giao hoà. Đây cũng chính là vai trò của mỗi người Kitô hữu. Chúng ta cũng là những sứ giả của Thiên Chúa, được sai đi trước mặt Ngài để chuẩn bị một dân thánh thiện cho Ngài. Nhưng nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta tự hỏi: có phải tôi là sứ giả của sự sám hối và hoà giải không? Hay ở đâu có tôi hiện diện, ở đó chỉ có sự chia rẽ và phân tán?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự ra đời của vị tiền hô Chúa Giêsu, Gioan Tẩy Giả. Chi tiết đầu tiên gây chú ý cho chúng ta là sự ra đời của Gioan Tẩy Giả là dấu hiệu của lòng thương xót Thiên Chúa dành cho bà Êlisabét: “Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisabét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (Lc 1:57-58). Những lời này cho thấy rằng sự đáp trả của con người trước hành động đầy yêu thương của Thiên Chúa là niềm vui. Nói cách khác, đứng trước những khó khăn mà với sức con người không thể làm được gì, Thiên Chúa sẽ can thiệp và làm cho mọi sự có thể, con người không có thái độ nào khác ngoài sự kinh ngạc và tràn đầy niềm vui. Trong cuộc sống, chúng ta cũng từng gặp những hoàn cảnh mà trong đó chúng ta nghĩ với sức mình, chúng ta không làm được gì. Nhưng rồi với ơn Chúa, chúng ta vượt qua những khó khăn đó cách tốt đẹp. Nhưng đáng buồn là đôi khi chúng ta không chân nhận đó là kỳ công của Thiên Chúa để đáp lại với tâm tình tạ ơn và vui mừng. Chúng ta quy chiếu mọi sự về mình và xem đó là thành quả của công việc tay mình làm ra. Những người sống vui và hạnh phúc thật là những người nhận ra mọi sự đến từ Thiên Chúa, nhất là trong những hoàn cảnh mà với sức của mình, họ không thể làm được gì.

Điểm thứ hai chúng ta quan tâm là phép cắt bì và đặt tên: “Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Dacaria mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: ‘Không được! Phải đặt tên cháu là Gioan.’ Họ bảo bà: ‘Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.’ Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: ‘Tên cháu là Gioan.’ Ai nấy đều bỡ ngỡ” (Lc 1:59-63). Sự kiện cắt bì và đặt tên của Gioan Tẩy Giả đi song song với sự kiện cắt bì và đặt tên của Chúa Giêsu trong Lc 2:21. Qua phép cắt bì, cả Chúa Giêsu và Gioan tẩy Giả được ‘tháp nhập’ vào trong dân Israel. Theo các học giả Kinh Thánh, đối với Thánh Luca, Kitô giáo, một cách hợp lý, là phát xuất từ Do Thái giáo, cho nên những người khởi đầu và thành lập Kitô giáo phải cho thấy mình thuộc về Do Thái giáo. Trong bí tích rửa tội, chúng ta cũng được tháp nhập vào Hội Thánh và chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta đã sống thực tại này như thế nào? Còn đối với việc đặt tên, theo truyền thống người Do Thái, tên diễn tả con người. Tên Gioan có nghĩa là ‘Yahweh đã tỏ lòng thương.’ Chúng ta thấy trong sự kiện đặt tên cho Gioan một sự giằng co: làm theo truyền thống hay không theo truyền thống. Cuối cùng, điều chúng ta thấy ở đây là ‘làm theo thánh ý Thiên Chúa.’ Thật sự, nhiều khi chúng ta có thái độ chống lại truyền thống hoặc nhân danh truyền thống để không đón nhận sự thay đổi. Chi tiết đặt tên cho Gioan Tẩy Giả nhắc nhở chúng ta rằng làm theo truyền thống hay không theo truyền thống không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng ở đây là điều đó có theo thánh ý Thiên Chúa hay không. Nếu không theo thánh ý Thiên Chúa thì chúng ta không cần phải thực hiện. Nhưng nếu đó là thánh ý Thiên Chúa thì dù có bị ‘chống đối,’ chúng ta cũng phải thực hiện.

Cuối cùng, việc ra đời của ‘tiếng kêu trong hoang địa’ đã làm cho ông Dacaria mở miệng tôn vinh Thiên Chúa: “Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa” (Lc 1:64). Lời đầu tiên Dacaria nói sau khi nhìn thấy kỳ công Chúa thực hiện là lời chúc tụng. Điều này nhắc nhở chúng ta về thái độ sống của mình. Chúng ta cũng thấy nhiều kỳ công Chúa thực hiện trong ngày sống của mình, nhưng tâm tình của chúng ta có phải là tâm tình chúc tụng không? Bên cạnh đó, chúng ta cũng được nhắc nhở sử dụng lời ăn tiếng nói của mình để tôn vinh Thiên Chúa hơn là làm tổn thương anh chị em mình. Sự kiện sinh ra của Gioan Tẩy Giả đã là sứ điệp ‘sám hối’ vì “láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: ‘Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?’ Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em” (Lc 1:65-66). Qua việc sinh ra của mình, Gioan đã làm nhiều người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Thánh nhân làm được điều này vì ngài có bàn tay Thiên Chúa phù hộ. Bàn tay Thiên Chúa cũng luôn phù hộ chúng ta, vậy cuộc sống của chúng ta đã có đủ sức thuyết phục người khác đến với Chúa không?

Exit mobile version