Lời Chúa Năm B Suy niệm Tin mừng chúa nhật V Thường niên Năm B

Suy niệm Tin mừng chúa nhật V Thường niên Năm B

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V TN B

Mc 1, 29-39

 

Cùng nhập đoàn với các môn đệ đầu tiên, chúng ta theo chân Thầy Giêsu về nhà bà mẹ vợ thánh Phêrô và quan sát Chúa chữa bệnh, trừ quỷ: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa.” (1,32-33)

Bệnh tật theo quan điểm của sách Đệ Nhị Luật là kết qủa của tội lỗi  (x. Đnl 27-28). Chính các môn đệ đã có lần hỏi Chúa Giêsu vì tội của ai mà anh mù lại bị mù (x. Ga 9,2-3). Tuy nhiên, tư tưởng của sách Gióp cho thấy những vấn nạn không thể giải đáp theo quan niệm này. Gióp là người công chính không thể trê trách được điều gì (x. G 1,8; 2,3), vậy mà tai họa đã xảy đến với ông đến nỗi ông đã đau khổ thốt lên những tiếng kêu thất thanh đầy thất vọng và bế tắc. Cuộc đời con người dù có dài lâu cũng chỉ như một cơn gió thoảng và bị nhận chìm trong bể khổ (như quan điểm của Phật Giáo). Chẳng lẽ Chúa toàn năng và yêu thương lại dựng nên con người và phó mặc nó cho đau khổ vùi dập? Ai có thể trả lời được câu hỏi này ngoài một mình Thiên Chúa? Chính Gióp cuối cùng đã phải vui lòng đón nhận đau khổ như một mầu nhiệm không có câu trả lời (x.G 42,3). Hôm nay thánh Maccô đã gõ một tiếng chuông vào chính nỗi buồn vô vọng và khắc khoải của con người làm thức dậy niềm vui, niềm hy vọng khi giới thiệu Chúa Giêsu như lời giải đáp và sự giải thoát cho vấn nạn về đau khổ của nhân loại. Ngài đến  “cầm lấy tau bà mà đỡ dậy” (c.31). Chính Chúa Giêsu đã chạm vào bệnh nhân và nâng họ chỗi dậy khỏi tình trạng tê liệt của thất vọng và trả lại cho họ sự bình an và ý nghĩa của cuộc sống “cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (c.31). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu không chỉ là một vị lương y tài giỏi giải thoát con người khỏi ràng buộc của bệnh tật nhưng Ngài còn giải thoát họ khỏi vòng kềm tỏa của ma quỷ- một thế lực thần thiêng vẫn đang hiện diện và đặt ách thống trị trên con người. Thế lực này không xuất hiện như một kẻ thù bên ngoài để ta có thể chống lại nhưng lại hiện hữu nơi chính bản thân con người, ngay trong lòng mỗi người. Biểu hiện của nó chính là lòng tham, sân, si, hay nói khác hơn chính là bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ham mê ăn uống, hờn giận, mê dâm dục, ghen ghét, lười biếng. Chúa Giêsu đến và mang lại sự giải thoát. Ngài chữa đủ thứ bệnh tật và trừ quỷ (c. 32).

Tuy nhiên, sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu không phải là trừ quỷ hay chữa bệnh mà là rao giảng Tin Mừng. Chữa bệnh, trừ quỷ là kết qủa thể hiện sức mạnh của Tin Mừng. Chính Tin Mừng mang lại sự giải thoát vĩnh cửu cho con người.  Tin Mừng được rao giảng tới đâu, quyền lực của đau khổ và bóng tối bị đẩy lui tới đó. Tin Mừng là Ánh Sáng và Ơn Giải Thoát mang lại hạnh phúc và ý nghĩa tối hậu cho con người. Không cần phải có thật nhiều phép lạ để chữa hết những đau khổ của nhân loại, nhưng Tin Mừng chính là Ánh Sáng cho thấy đau khổ, qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, mang lại giá trị cứu độ. “Per Crucem ad Lucem.” Tin Mừng ấy chính là Tin Mừng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa Nhập Thể, Tin Mừng của Chúa Giêsu hay Tin Mừng là chính Chúa Giêsu. Sau Phục Sinh, Tin Mừng đã được trao cho các môn đệ để tiếp tục sứ mạng rao giảng đến tận cùng thế giới (Mc 16,15-18 ). Chính vì sức mạnh và sự thôi thúc của Tin Mừng mà thánh Phaolô đã phải thốt lên “khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Lạy Chúa,

là một Kitô hữu, xin cho con có Chúa và có được mối thân tình với Chúa,

để biết và cảm nghiệm Chúa chính là Tin Mừng cho cuộc đời con.

Xin cho Tin Mừng đốt lên trong lòng con ngọn lửa của lòng mến,

để con bị thiêu đốt đến nỗi phải thốt lên như  Thánh Phaolô,

“Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng”. Amen.

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD MTG Thủ Đức

Exit mobile version