Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay: Ga 12,20-33.

554

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay: Ga 12,20-33.

“Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến”


Tin Mừng Gioan ngoài lời tựa (1, 1-18) và phần kết (21,1-25), phần còn lại được chia làm hai: Phần 1 (1,19-12, 1tt) được gọi là Sách về Các Dấu Chỉ, phần còn lại được gọi là Sách về Gi.

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chương 12 là chương kết của Sách về Các Dấu Chỉ, trong đó tường thuật bảy dấu chỉ Đức Giêsu làm để mạc khải căn tính thần linh của Ngài. Tuy nhiên, tác giả Tin Mừng thứ tư kết luận “Người đã làm ngần ấy phép lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người (12, 37).

Hôm nay Tin Mừng tường thuật việc mấy người Hy lạp đến xin gặp Đức Giêsu. Sự kiện này đã đánh dấu một bước chuyển trong sứ mạng của Chúa Giêsu như Ngài đã công bố: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh.” “Giờ” được tôn vinh của Con Thiên Chúa không phải là lúc Ngài được mọi người vỗ tay tán thưởng, tung hô, nhưng chính là “giờ” của hạt giống gieo vào lòng đất, phải chết đi để sinh bông hạt; “giờ” Con Người chấp nhận mất mạng sống mình; “giờ” Con Người được giương cao khỏi mặt đất, treo trên cây thập giá, để nhờ đó mọi người được cứu độ. Thánh sử Gioan đã gắn liền sự vinh quang và được tôn vinh của Chúa Giêsu với mầu nhiệm khổ nạn và cái chết thập giá. Nói cách khác, con đường được tôn vinh cũng chính là con đường đi qua cuộc khổ nạn “Per Crucem ad Lucem”.  Chỉ khi được treo trên cây thập giá, căn tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu mới được tỏ lộ và nhận biết hoàn toàn (x.Ga 8,28). Qua mầu nhiệm Vượt Qua, các việc làm và lời nói của Chúa Giêsu mới được nhận ra như những dấu chỉ mạc khải căn tính thần linh của Ngài. Chính ánh sáng chiếu tỏa từ mầu nhiệm Thập Giá đã đem lại lời giải thích tối hậu cho tất cả việc làm và lời nói của Người.

Là người môn đệ của Đức Giêsu, hành trình được tôn vinh của chúng ta cũng không thể không đi qua con đường thập giá. Thập giá là cớ vấp phạm, là sự điên rồ, là sự khờ khạo đối với người đời nhưng lại là lẽ khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,18-25). Nghịch lý của hạt lúa phải chết đi mới trổ sinh nhiều bông hạt vẫn là chân lý ngàn đời của sự tồn tại và phát triển trong tự nhiên. Cũng vậy, trong đời sống thiêng liêng, hành trình đạt đến vinh quang Phục Sinh của mỗi người Kitô hữu cũng không thể không đi qua cửa ngõ của đau khổ và tự hủy để chết đi mỗi ngày cho chính mình – hầu nơi ấy, sự sống mới vĩnh cửu nảy sinh. Như vậy, “giờ” của Chúa cũng chính là “giờ” mà mỗi người môn đệ phải trải qua. Chúng ta được mời gọi học nơi Đức Giêsu thái độ của Người Con đối diện với thánh ý Cha, mặc dù sợ hãi “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” nhưng cũng sẵn sàng đón nhận và chu toàn ý Cha: “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.”

Lạy Cha, qua thập giá mới đến vinh quang!

Xin thêm sức mạnh cho chúng con,

để cùng với Đức Giêsu,

chúng con dù sợ hãi cũng vẫn can đảm đón nhận

giờ Cha ấn định cho mỗi người chúng con.

giờ khiến chúng con trở nên đồng hình đồng dạng với Con Cha trong mầu nhiệm thương khó,

để cùng được tôn vinh với Ngài trong vinh quang. Amen.

 

Sr. Anna Nguyên Hiệp

HD MTG Thủ Đức