Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

218

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Ga 12, 24-26:  Hạt lúa gieo vào lòng đất có chết đi mới sinh nhiều bông hạt.

 

Tiến trình phát triển của tự nhiên luôn chứa đựng trong nó một quy luật mâu thuẫn. Cái cũ (già) cần chết đi để những cái mới được hình thành. Quan sát một củ gừng nhỏ, nơi nó mọc lên những chồi non rồi thành cây gừng tươi tốt. Tới mùa, cây gừng tàn lụi để trơ ra gốc một bụi gừng nhiều củ. Cứ như thế, chẳng mấy chốc từ một củ gừng nhỏ đã sản sinh ra cả một vườn gừng quý giá. Chẳng ai còn nhớ tới củ gừng nhỏ ban đầu nhưng không vì thế mà phủ nhận sự hiện diện và đóng góp của nó.

Hôm nay Chúa nói đến hạt lúa được gieo xuống đất cũng tuân theo quy luật này để rồi cuối mùa, người thợ gặt không mong chờ tìm lại hạt giống đã gieo, nhưng là những nhánh lúa sinh gấp trăm, sáu mươi hay ba mươi (x Mt 13,8). Định luật này cũng đúng cho sự phát triển của nhân loại: những người mẹ đông con hao mòn với thời gian vì cho con bú mớm, vì oằn lưng gồng gánh cho con ăn học đến nỗi thân xác lụi tàn. Nhưng cũng chính từ đó những sức sống mới vươn lên, những thế hệ con cháu tiếp nối bước chân mẹ vào đời dựng xây xã hội.

Cũng cùng một quy luật cho đời sống đức tin, hạt giống đức tin được gieo vãi chỉ có thể lớn lên nhờ những cái chết thầm lặng của lớp lớp các thế hệ những người đã gieo vãi, đã tiếp nhận và vun trồng cho hạt giống Tin Mừng ngày càng lớn lên. Giáo Hội Việt Nam hôm nay tự hào vì tinh thần đạo đức còn rất truyền thống nơi các xứ đạo; vì ơn gọi tu sĩ, linh mục đang ở trong mùa gặt bội thu. Mùa gặt hôm nay là kết quả của lao nhọc, là máu và nước mắt đã đổ ra của biết bao tiền nhân, những con người đã thực sự gieo trong nước mắt (x. Tv 126,6). Con số 118 thánh tử đạo Việt Nam và hàng trăm ngàn tín hữu tử đạo là những hạt lúa được gieo vào lòng đất và đã thực sự chết đi để hôm nay chúng ta reo vui vì “vai nặng gánh lúa vàng”(x. Tv 126,6).

Mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta tôn vinh những con người đã coi thường mạng sống đến dám liều mất nó để làm chứng cho thế giới biết rằng chỉ Thiên Chúa vượt lên trên tất cả và Ngài đáng được tôn vinh muôn đời. Chính Ngài mới là Đấng có quyền định đoạt sự sống vĩnh cửu của con người. Qua cái chết khổ nhục, các thánh tử đạo đã đi vào vinh quang với Chúa Giêsu, Đấng các Ngài đã hết lòng yêu mến. Các ngài đang được ở trong cung lòng của Chúa Cha để hưởng hạnh phúc bất diệt. Tôn phong các ngài là thánh, Giáo hội công bố rằng con đường mà các ngài đi là con đường dẫn đến sự sống đích thực, đó là con đường “ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39). Ngày hôm nay, những cuộc tử đạo tuy không còn dưới hình thức máu chảy đầu rơi nhưng vẫn không kém phần khốc liệt. Ngày ngày, người tín hữu vẫn cần chết đi cho ý riêng, cho chủ nghĩa tôn thờ tự do cá nhân, cho những đam mê những giá trị ảo của vật chất và danh vọng; cho những trào lưu tục hóa đang ngày càng lan rộng. Ngày ngày họ vẫn phải lên tiếng bằng chính cuộc sống để rao giảng Tin mừng về sự sống, về phẩm giá cao quý của con người, về công bằng và bác ái…Ngày hôm nay vẫn cần và vẫn có những con người dám sống và chết cho Tin Mừng để rồi từ đó những mầm sống mới vẫn đang nảy sinh và phát triển không ngừng nhờ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa, bằng các bí tích, bằng đời sống luân lý tốt lành và tinh thần bác ái huynh đệ. Tiền nhân đã chết đi để chúng ta được hưởng màu gặt bội thu; đến lượt chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho mùa gặt tương lai bằng những cuộc ‘tử đạo trắng’ mỗi ngày.

Sr. Anna Nguyễn Hiệp

HD. MTG Thủ Đức