Suy niệm Tin Mừng CN II Mùa Chay: Mc 9, 2-10
Sau khi loan báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất (Mc 8,31), Thầy Giêsu nêu những điều kiện phải có để trở thành môn đệ như: phải vác thập giá, liều mất mạng sống mình… (Mc 8, 34-35). Ắt hẳn trong những ngày ấy các môn đệ đã sống trong tâm trạng hoang mang, buồn bã, và có lẽ – đôi chút thất vọng. Hành trình theo Thầy thật không sáng sủa tí nào. Chính Thầy Giêsu đã công bố con đường Ngài đi phải trải qua đau khổ, rồi bị giết chết… Nếu kết cục như vậy thì thật là một thất bại thảm họa cho Thầy và cho cả những môn đệ đã từ bỏ mọi sự để theo Thầy.
Sáu ngày sau, một quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ làm cho những tâm trạng âu lo cảm thấy thời gian kéo lê nặng nề… Chúa Giêsu đưa ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi. Có lẽ ba môn đệ này gần gũi với Chúa hơn và cũng cảm thấy lo lắng hơn cả về con đường mà Thầy sẽ đi. Ngài đã tỏ cho các ông một chút vinh quang của Ngôi Lời được giấu ẩn nơi thân xác của Ngài. Hai nhân vật của Cựu Ước là Môsê – đại diện cho Lề Luật, và Êlia – đại diện cho các ngôn sứ xuất hiện và cùng đàm đạo với Thầy. Các ngài là đại diện cho tất cả những lời Kinh Thánh được tiên báo về Đấng Mesia giờ đây được ứng nghiệm nơi Thầy Giêsu. Con đường thập giá mà Thầy Giêsu sắp bước vào không phải là dị biệt nhưng chính là con đường mà Đấng Mesia của Thiên Chúa phải đi qua. Cùng với các chứng nhân của Cựu Ước, chính Thiên Chúa Cha đã lên tiếng: “Đây là Con ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (9,7). Cuộc hiển dung trên núi hôm nay ắt hẳn nhắc các môn đệ nhớ tới cuộc thần hiện trên núi Sinai năm xưa. Hôm nay, các môn đệ, đại diện cho một Dân mới Của Thiên Chúa được chính Thầy Giêsu dẫn dắt phải vượt qua gian nan của thập giá mới đi đến vinh quang của phục sinh. Tiếng Chúa Cha mạc khải căn tính của Thầy Giêsu, hơn cả nhân vật có thế giá nhất của Cựu Ước là Môse, Giêsu là chính Con yêu dấu của Thiên Chúa. Vì thế, lời của Người là chân thật và đáng tin, các môn đệ hãy vâng nghe lời Người dù đó là những lời chói tai, gây hoang mang và sợ hãi.
Các môn đệ, những người đã rất gần gũi Thầy Giêsu, đã chứng kiến biết bao phép lạ, đã nếm đủ mùi vinh nhục với Thầy, nhưng dường như các ông đã vấp ngã khi Thầy mạc khải con đường thập giá. Phêrô cản Thầy (8, 32-33) còn các môn đệ khác thì bàn tán. Đau khổ và cái chết qủa thật là một ngõ cụt không thể chấp nhận được. Trong nhãn quan tôn giáo thời ấy, sự thất bại này còn là dấu chỉ cho thấy bị chính Thiên Chúa bỏ rơi (x. Mt 27,42-43). Thánh Maccô nhắc đến sáu ngày như muốn ám chỉ quãng thời gian các môn đệ tự loay hoay tự tìm lời giải đáp cho con đường thập giá mà Thầy Giêsu đã công bố. Sau đó, ngày thứ bảy, ngày của Thiên Chúa, ngày Đức Giêsu mặc khải vinh quang Thiên Chúa để thắp lên cho các ông niềm hy vọng và củng cố niềm tin vào Ngài.
“Hãy vâng nghe lời Người” Con đường của người môn đệ xưa và nay đều là con đường thập giá. Cũng như các môn đệ xưa đã có lúc phải vấp ngã, dường như mất hết hy vọng, sống trong hoang mang, sợ hãi… và bước đi trong tăm tối của đức. Những lúc ấy, lời mời gọi “hãy vâng nghe lời Người” và kinh nghiệm về Đức Giêsu phục sinh là động lực và sức mạnh giúp các ngài vững bước và trung thành với Chúa đến cùng. Ngày nay, người môn đệ theo Chúa cũng không thể chọn con đường khác ngoài con đường thập giá. Để đi hết con đường này, chúng ta cần có trải nghiệm về sự thân tình với Thiên Chúa qua cầu nguyện, được nghe Chúa nói ít là trong Kinh Thánh, được hưởng nếm trước vinh quang phục sinh của Chúa trong chiêm niệm, được cảm nghiệm những điều kỳ diệu Chúa làm trên cuộc đời chúng ta… Chính những kinh nghiệm này mới giúp chúng ta đi trọn con đường thập giá với niềm vui và hy vọng được tham dự vào sự phục sinh vinh hiển của Chúa.
Sr. Anna Nguyen Hiep
MTG. TĐ