Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

213

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm B

Mc 13,33-37

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong loạt bài giảng về thời cánh chung trong đó nổi bật lên lời mời gọi hãy tỉnh thức. Lời mời này có ý nghĩa đặc biệt khi được đọc trong ngày đầu của năm Phụng vụ mới. Vậy tỉnh thức nghĩa là gì? Tại sao phải tỉnh thức? Điều đó có ý nghĩa gì với người Kitô hữu ngày hôm nay?

Trong dụ ngôn, khi ông chủ chuẩn bị đi xa, ông giao cho mỗi người một nhiệm vụ và truyền cho người gác cổng phải tỉnh thức. Vậy, tỉnh thức ở đây là tỉnh thức của người canh gác, người có nhiệm vụ mở cổng cho chủ và cũng báo cho mọi người biết ông chủ trở về. Một người gác cổng nhiều kinh nghiệm ắt phải nhạy bén để nhận ra tín hiệu của ông chủ từ đàng xa: tiếng bước chân, tiếng xe, tiếng huýt sáo, tiếng nói chuyện… tất cả những tiếng động ấy với đôi tai nghề nghiệp của anh không thể lẫn với bất cứ tiếng động nào khác. Ngay khi bắt được tín hiệu, ắt hẳn anh sẽ nhanh chân đánh thức mọi người và mở cửa sẵn sàng cho ông chủ. Hình ảnh của người gác cổng luôn tỉnh thức là hình ảnh của các tín hữu nhiệt thành trong Giáo Hội tiên khởi. Họ họp thành cộng đoàn “Tứ Chuyên” luôn trong tư thế sẵn sàng đón chờ ngày Chúa Giêsu trở lại. Họ chuyên chú nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn (chuyên) hiệp thông với nhau, siêng năng (chuyên)  tham dự Lễ Bẻ Bánh và (chuyên) cầu nguyện không ngừng (Cv 2,42).

Mùa Vọng không chỉ nhắc nhớ chúng ta chuẩn bị để đón mừng mầu nhiệm Nhập Thể, nhưng điều quan trọng là nhắc chúng ta nhớ tới hành trình của người Kitô hữu. Chúng ta đang là những người lữ hành trên đường về nhà Cha. Hành trình ấy không lấy đời này làm đích đến. Thời gian của hành trình cũng không tùy thuộc vào chúng ta. Chúng ta đang bước trên đường và đang mong ngóng ngày đạt đến đích. Là một người lữ hành, chúng ta cần tỉnh thức để không bị sập bẫy bởi sự lo lắng thái quá vì những sự đời này, để nhận ra mình đang mê ngủ bởi những thành công, những núi tiền kiếm được, những danh dự hay quyền lực mình đang nắm giữ hay đang cố gắng đạt tới. Người lữ hành không thể dừng lại bởi những thứ hòa nhoáng bên đường, và cũng không thể tha lôi quá nhiều thứ trong hành trang của mình. Sự tỉnh thức đòi hỏi chúng ta luôn tiến bước và luôn từ bỏ.

Lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt quan trọng trong thế giới hôm nay, khi mà con người đang bị ru ngủ bởi những trào lưu tư tưởng ủng hộ cho chủ nghĩa vô thần hay trào lưu tục hóa. Một cách ý thức và có tổ chức, người ta cố gắng hết sức để loại dần những ảnh hưởng của tôn giáo trên con người. Con người với tham vọng lấy chính mình làm trung tâm đã đặt tiền bạc, danh vọng, quyền lực và những thú vui xác thịt trở nên cùng đích của cuộc đời. Chính trong bối cảnh này lời kêu gọi tỉnh thức trở nên gấp rút. Hơn ai hết, các Kitô hữu phải là những người canh gác tỉnh thức để đọc được các dấu chỉ của thời đại qua những biến cố đang xảy ra. Họ được chính Chúa trao nhiệm vụ làm người canh gác để đánh thức những con người đang ngủ mê. Lời cảnh tỉnh của Tin Mừng “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11); hay vì không tỉnh thức nên họ đã không nhận biết ngày giờ Thiên Chúa viếng thăm (x. Lc 19,44) vẫn là lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay.

Noi gương các tín hữu tiên khởi trong cộng đoàn “Tứ Chuyên” người Kitô hữu làm chứng cho nhân loại biết rằng chính Chúa mới là cùng đích của con người. Ngài đang đến và chúng ta luôn sẵn sàng để đón rước Người.

Nguyên Hiệp

HD. Mến Thánh Giá Thủ Đức