Giao thừa
TÂM AN HỒN MẠNH
Mt 5, 1-10
Trông mặt mà bắt hình dong,
con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Quan niệm đó, đúng sai tới đâu, chuẩn hay không, mà từ xưa đến nay vẫn còn chi phối tâm tư nhiều người. Nét đẹp của nước sơn, dáng dấp cao sang quý phái, dù biết chỉ là vẻ đẹp hình thức, nhưng vì sao trong mọi lãnh vực vẫn được mến chuộng, ưa thích ? Thời khắc chuyển giao giữa cũ đang qua đi và mới đang tiến tới ; dù tâm tình có khác nhau, người trẻ người già đều chung một cơ hội chào đón xuân. Với niềm tin kitô giáo, chúng ta đến nhà thờ hiệp thông cầu nguyện, tạ ơn, luôn được xem là nét đẹp hữu hiệu hơn cả. Cùng hiện diện và sống giây phút cuối năm “Đinh Dậu” này, mọi người, mọi nhà, vẫn đang mơ ước được hít thở bầu khí an lành, là kín múc dồi dào phúc lộc cho gia đình.
Để có phút giao thừa hôm nay, chúng ta đã vượt qua 365 ngày đầy hân hoan có, nhiều nặng nề sợ hãi có, hoặc muốn quên đi những vui buồn đã qua cũng có… Phút giao thừa sẽ là cột mốc phân biệt năm cũ năm mới, mang nhiều ý nghĩa thánh thiêng, Đấng là Mùa Xuân vĩnh cửu, Đấng là Mùa Xuân yêu thương, Đấng mà nhân loại gọi là Ông Trời, là Tạo Hoá, là Thiên Chúa. Để có phút giây hạnh phúc, tiền nhân chúng ví von nghe “vô cùng sốc”: ba năm sống gần người đần, không bằng một phút sống gần người khôn ; làm đầy tớ thằng khôn, hơn làm thầy thằng dại. Phút giao thừa đối với một số khác rất đáng nể: một miếng lộc thánh bằng gánh lộc trần. Phút linh thiêng của chúng ta lúc này, không phải là bổng lộc thế gian, mà là giây phút hiệp thông cảm tạ tri ân, hướng tới LỘC TRỜI “tâm an hồn mạnh”.
Tâm an hồn mạnh là thao thức mà khi người ta đã bắt gặp rồi, sẽ không khao khát điều gì nữa. Đức Giêsu dẫn đường chỉ lối ta đến hưởng phúc Nước Trời, là quê hương thật, là hạnh phúc đời đời, sau khi đã sống tinh thần của 8 mối phúc. Phụng vụ của phút giao thừa không thuần tuý hứa hẹn nguồn ơn linh thánh xa vời, cụ thể hơn là mở ra niềm vui có phúc, có lộc, có thọ. Phúc lộc thọ, chính là Mùa Xuân trường cửu, là hạnh phúc thật, là có mãi sự hiện diện của Thiên Chúa yêu thương. Nếu như ở đời không ai tìm kiếm thứ hạnh phúc “mờ mờ ảo ảo”, rõ ràng đám đông xưa kia họ thật khôn ngoan và diễm phúc vì được nghe Đức Giêsu chia sẻ về “bản hiến chương Nước Trời”.
Ở đời vẫn cho rằng, có thực mới vực được đạo, có đủ ăn đủ uống, việc sống đạo, sống niềm tin sẽ dễ hơn, điều này nghe có lý không ? Khi gợi ý về tinh thần của bài giảng trên núi, Đức Giêsu lưu ý chúng ta về thứ lương thực thiêng liêng, về sức mạnh của ơn Chúa, sức mạnh của tình yêu, chính là của ăn thức uống giúp người ta sống đạo làm người, sống đạo làm con Chúa. Người tin theo Chúa Giêsu là người được ơn soi sáng để hiểu, tâm có an bình, linh hồn mới đủ khoẻ mạnh. Chỉ những ai thật lòng tin tưởng, bài giảng các mối của Đức Giêsu mới đủ tác động làm cho họ giầu có, nhân từ, hay thương xót, có lòng thanh sạch, và nên công chính.
Kinh nghiệm của người xưa là giầu tặng của, khôn tặng lời, cha mẹ nuôi con cháu khôn lớn về thể xác tinh thần, các ngài còn muốn chúng được khoẻ mạnh xác hồn. Chính tình yêu, các đấng bậc sẽ tiếp tục theo sát con cháu, nhờ tình yêu người ta sẽ hiểu, đủ tình Chúa, đủ tình người là hạnh phúc, 365 ngày ở phía trước luôn là thách thức cho hành trình được biến đổi, được huấn luyện để nên giống Chúa. Ngày hôm nay cơm áo gạo tiền không phải là nguyên nhân dẫn đến việc họ quyết đinh sinh con, đại đa số là các bậc cha mẹ sợ không đủ khôn để giáo dục con cháu, không đủ gương sáng để thuyết phục con cháu ! Xưa hay nay gì cũng thế, hồn an, xác mạnh đều tuỳ thuộc bởi niềm tin, bởi ơn thánh Chúa tác động, biến đổi.
Ngày hôm nay, con tim và lý lẽ không thể khuất phục được 365 ngày theo ý riêng của mình, tất cả thời gian là cơ hội, thời gian là điều kiện để người kitô hữu bày tỏ niềm tin yêu. Thời gian có thể rất dài đối với ai đang sống trong chờ đợi, rất nhanh với người đang sợ, thật ngao ngán với người đang buồn, nhưng lại quá nhanh với người đang vui. Phút giao thừa lúc này đâu chỉ thuận lợi cho người trẻ, không phải sẽ hữu hiệu cho người cao niên. Đúng hơn, phút giây hiện tại này sẽ phù hợp cho mọi đối tượng biết tin Chúa, cậy trông Chúa, ngõ hầu tâm hồn chúng ta được an mạnh và sống trọn vẹn 365 ngày ở phía trước. Amen.
.
Mồng Một Tết
TÌNH XUÂN
Mt 5, 43-48
Trăng tròn rồi trăng khuyết, tình đến tình đi, hoa nở rồi hoa tàn, xuân đến xuân lại đi, điệp khúc đó rất nghiêm đối với vũ trụ vạn vật, dù thích hay không, người ta vẫn phải tuân theo quy luật. Tình nào đẹp nhất, ai cũng sẽ dễ dàng trả lời là tình yêu ; xuân nào lý tưởng, nhiều người đã mường tượng đó là xuân hạnh phúc. Tình xuân đâu phải là thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, tình xuân cũng không phải là hai chữ tài đức hợp lại, chúng ta sẽ không có câu định nghĩa hoàn hảo, mà nhất thiết tình xuân phải có nét đẹp của yêu thương và hạnh phúc. Cuộc sống thật phong phú khi vừa có tình vừa có xuân, niềm vui sẽ đủ sẽ đẹp biết bao nếu tài đức gặp nhau, và hành động thuỷ chung mãi bền vững trong thương yêu.
Ngày mùng một tết, ngày mà truyền thống con cháu quy tụ về bên gia đình, bên thánh đường, cầu chúc điều tốt đẹp, mừng xuân mới, rồi người lớn lì-xì tuổi mới cho người nhỏ, tất cả đều hưởng ứng như một trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Đức Giêsu rất muốn nhân loại nhận ra 365 ngày xuân, cả một đời người chúng ta là mùa xuân, mùa yêu thương. Đức Giêsu muốn chúng ta cùng Ngài điều chỉnh lại quan niệm yêu thương, nhận ra bổn phận và trách nhiệm của mình phải nên hoàn thiện giống Cha trên trời. Chỉ những ai có thao thức sống giới luật yêu thương của Cha, người ấy mới hiểu tại sao chúng ta có đủ khả năng để biết yêu thương kẻ thù.
Khi nói tới tình, nói tới xuân, người ta thao thức có được tình yêu xinh đẹp và mùa xuân vĩnh cửu, thì từ mơ ước đó, cha ông chúng ta còn hướng đến tình xuân bền vững: Hoa kia sớm nở tới tàn, mong rằng tình bạn chớ tàn như hoa. Nếu tình xuân là nét đẹp hạnh phúc người người chào chúc trao nhau, thì tình người, tình Chúa hằng hiện diện chúc phúc và mỗi người sẽ thực sự là hình ảnh yêu thương của Đấng là Chúa của mùa xuân. Nếu trong tâm hồn mỗi người thiếu vắng tình yêu, chưa đủ tình xuân trong cuộc đời, hạnh phúc chỉ là lý thuyết, hoảng sợ, mỗi độ xuân sang tết đến. Tình xuân sẽ còn diễn tiến theo kế hoạch và tình thương của “Đấng ngự trên trời, Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.
Câu ca dao mà nhiều người vẫn coi là nhạy cảm hết sức:
mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi,
cái già xồng xộc nó thì theo sau.
Đúng, xuân đến xuân đi, tình đến rồi tình cũng tan, tuổi đời tăng lên thì tuổi xuân ngắn lại, nếu mỗi người chưa mặc được tình xuân của Đấng yêu thương. Ngày hôm nay mùng một tết, ngày cầu bình an cho năm mới, ngày mà mỗi chúng ta có quyền hy vọng về nét đẹp của tâm hồn tươi mới, nét xuân trong tình nồng thắm, đang long lanh và ngát toả hương thơm của phúc lộc Chúa ban. Còn gì vui và tình hơn, còn gì đẹp xinh và hạnh phúc hơn khi có Chúa là Chúa của mùa xuân vĩnh cửu đang biến đổi nét đẹp xinh nơi tâm hồn chúng nhân.
Dù hôm nay mỗi chúng ta đủ tiền tài danh vọng, có sức khoẻ, có chí thú làm việc, có quyết tâm xây dựng gia đình, nhưng thiếu phúc lành của Chúa, hẳn chúng ta sẽ không đủ tự tin nhìn nhận ra đâu là dấu chỉ của xuân yêu thương. Câu thành ngữ: trời sinh voi, trời sinh cỏ, hoặc không ốm không đau, làm giầu mấy chốc, ít nhiều vẫn đang hứa hẹn nhiều hy vọng và ơn lo liệu của Đấng là Mùa Xuân vĩnh cửu hằng ưu ái đến từng tâm hồn chúng ta. Trong tình yêu không giới hạn tuổi tác, trong tình xuân không chỉ đẹp tươi với hình thức bên ngoài, xuân đến xuân đi. Trong niềm tin, xuân yêu thương không có tuổi già, tình xuân sẽ không tàn úa, vì có Thiên Chúa là Mùa Xuân bất tử trong tâm hồn chúng ta. Amen.