Lời Chúa (Lc 2,41-52)
(41) Hằng năm, cha mẹ Ðức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua. (42) Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. (43) Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (44) Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. (45) Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.
(46) Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Ðền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. (47) Ai nghe cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. (48) Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (49) Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (50) Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
(51) Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. (52) Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
Suy niệm
Sau ba ngày vất vả tìm Con, Mẹ Maria dường như mệt mỏi và buồn lòng nhiều. Do đó, khi tìm thấy Con, Mẹ đã dường như trách mắng Giêsu con mình, và muốn hỏi Ngài để biết tại sao: “Sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy?” (Lc 2, 48) Đáp lại câu hỏi của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Nghe những lời ấy, Mẹ Maria đã không hiểu dù rất muốn hiểu.
Mang lấy phận người, dù là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và đầy ân sủng, nhưng Mẹ Maria vẫn là một con người hữu hạn. Nghĩa là, Mẹ không phải là Đấng Toàn Năng, để có thể biết được mọi sự, làm được mọi thứ, hay siêu vượt hẳn không gian và thời gian. Nhận mình hèn kém và giới hạn thực không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, khác với Evà trong vườn địa đàng, Mẹ Maria, Evà mới đã khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn của mình. Đồng thời, thay vì tự ti, mặc cảm, và đóng kín Mẹ sống tâm tình tạ ơn và mở lòng cho quyền năng của Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Mẹ cộng tác với ơn thánh (thời gian, sức lực, khả năng riêng, đức hạnh . . .) để công trình của Thiên Chúa được thành tựu. Mẹ thưa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Nhờ đó, Thiên Chúa trở nên tất cả sức mạnh, sự khôn ngoan và lẽ sống của Mẹ. Ngài đã thực hiện nơi Mẹ, và qua Mẹ cho con người biết bao điều kỳ diệu: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời sẽ khen rằng tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều kỳ diệu. Danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 48 – 49).
Để có thể lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa trong mọi sự, ở mọi nơi, vào mọi lúc, Mẹ nuôi dưỡng và sống sự thinh lặng nội tâm, nền tảng của đời sống chiêm niệm. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Mẹ Người hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 1, 51). Mẹ dành giờ để gặp gỡ Chúa trong thinh lặng, hồi tâm và cầu nguyện, để nghe Chúa nói và để có thể hiểu và thi hành điều Chúa muốn Mẹ hiểu và thi hành, “Mẹ tôi là người biết lắng nghe và thi hành lời Chúa”. Thực vậy, thinh lặng, không có nghĩa là không nói. Đó càng không phải là tình trạng dồn nén. Đúng hơn, thinh lặng nội tâm là sự thinh lặng của một tâm hồn khao khát nhận biết và thực thi thánh ý Thiên Chúa, một tâm hồn tạ ơn, sám hối trở về với Chúa, một tâm hồn trong sạch.
Cầu nguyện
Lạy Cha chúng con ở trên trời . . .
Kính mừng Maria đầy ơn phúc . . .
Sán danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần . . .
(Hoàng Sơn,SJ)