Suy niệm mỗi ngày – Tuần VIII Thường niên

218

SUY NIỆM TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

TÌNH YÊU LÀ CHÌA KHOÁ CỦA ƠN GỌI LÀM MÔN ĐỆ CHÚA GIÊSU

(Hc 17:24-29; Mc 10:17-27)

Nội dung chính của bài đọc 1 hôm nay xoay quanh đề tài metanoia (“sám hối”). Nhiều người trong chúng ta thường hiểu sám hối đơn giản là “ăn năn tội.” Sám hối không chỉ có nghĩa là “ăn năn tội,” nhưng còn có nghĩa là thay đổi hoàn toàn lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động và lối yêu thương làm cho mình xa Chúa và xa người khác. Hai đặc tính của sám hối mà tác giả sách Huấn Ca trình bày cho chúng ta là: từ bỏ tội lỗi [đoạn tuyệt với gian ác] và giảm bớt dịp tội [tránh xa dịp tội hay cực lực gớm ghét mọi điều ghê tởm] (x. Hc 17:25-26). Theo tác giả sách Huấn Ca, việc sám hối chỉ được thực hiện khi chúng ta còn sống: “Người đã chết thì hết xưng tụng, vì nó không còn nữa; chỉ người đang sống và khoẻ mạnh mới ca ngợi Đức Chúa” (Hv 17:28). Đừng chờ đến lúc quá muộn để sám hối, để yêu thương và tha thứ. Tình thương của Chúa lớn hơn tất cả những lỗi phạm của chúng ta: “Lòng lân tuất của Đức Chúa, cao cả dường bao, ơn tha thứ dành cho kẻ trở lại với Người, lớn lao biết mấy! (Hc 17:29).

Chỉ khi có cái nhìn của những người “sám hối,” chúng ta mới hiểu được điều Chúa Giêsu dạy các môn đệ về sự giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Nói cách cụ thể, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ về thái độ họ cần phải có đối với của cải tiền bạc. Sau hai lần tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài và các môn đệ vẫn không hiểu và vẫn còn tranh dành với nhau về chỗ hơn chỗ kém. Chúa Giêsu bắt đầu dạy họ cách cụ thể hơn về những từ bỏ mà họ phải thực hiện để đi theo Ngài. Điều đầu tiên Chúa Giêsu muốn các môn đệ từ bỏ chính là của cải vật chất. Lời dạy của Chúa Giêsu về của cải gồm ba phần: (1) câu chuyện về anh thanh niên giàu có (Mc 10-17-22); (2) Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ của Ngài (Mc 10:23-27); (3) Chúa Giêsu giáo huấn về phần thưởng dành cho những ai bỏ của cải vật chất (Mc 10:28-31). Bài Tin Mừng hôm nay gồm câu chuyện về anh thanh niên giàu có và trình thuật về việc Chúa Giêsu mượn câu chuyện để giáo huấn các môn đệ về nguy hiểm của sự giàu có. Chúng ta phân tích hai phần này để rút ra những điều Chúa muốn chúng ta thực hiện trong ngày hôm nay.

Cuộc đối thoại của người thanh niên giàu có với Chúa Giêsu bắt đầu với một câu hỏi nói lên ước muốn nền tảng của con người, đó là, được sự sống đời đời làm gia nghiệp: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 10:17). Anh ta hỏi về những việc anh ta cần phải làm. Và Chúa Giêsu đưa anh ta về với các giới răn và muốn anh làm tất cả những điều mà các giới răn đòi hỏi. Nghe điều này, anh thanh niên liền nhanh tiếng nói rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ” (Mc 10:20). Nhưng “làm” như thế thì chưa đủ, “anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10:21). Anh thanh niên đã làm nhiều việc, nhưng không thể làm một việc chính yếu và cần thiết, đó là, “làm môn đệ Chúa Giêsu.” Anh không làm được vì lòng anh không để ở kho tàng trên trời [nơi Đức Giêsu Đấng đang mời gọi anh], nhưng ở của cải vật chất. Chính điều này đã cản trở anh trong việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Còn chúng ta, lòng trí chúng ta để ở đâu khi chúng ta đến “đối thoại” với Chúa? Điều gì ngăn cản chúng ta khỏi việc trở thành môn đệ của Chúa Giêsu?

Trong câu chuyện của anh thanh niên giàu có, chúng ta thấy rằng người có của cải vật chất vẫn có khả năng làm được nhiều điều tốt mà các giới răn đòi hỏi. Nhưng người đó phải đối diện với nguy hiểm là cậy dựa vào của cải của mình [sức của mình] hơn là vào Thiên Chúa để làm điều tốt. Tuy nhiên, chi tiết quyết định chính yếu cho việc đáp trả để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu nằm ở câu: “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (Mc 10:21). Tình yêu của Chúa Giêsu [ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu] là khởi đầu của ơn gọi của người môn đệ. Anh thanh niên đã không nhìn thấy và không cảm nghiệm được tình yêu này nên không đáp lại vì anh ta quá chú tâm đến của cải và tình yêu của anh cũng hoàn toàn dành cho chúng. Chỉ những người cảm nghiệm được mình được Chúa Giêsu yêu thương cách tuyệt đối mới có thể đáp trả. Để trở nên môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta không thể dựa vào của cải vật chất, nhưng là dựa vào tình yêu Ngài. Nói cách khác, của cải vật chất và vinh hoa phú quý trên đời không làm chúng ta trở nên những người môn đệ đích thật của Chúa Giêsu, chỉ có tình yêu của Ngài mới làm cho chúng ta trở nên những môn đệ như lòng Ngài mong muốn. Đừng chạy theo và mất nhiều thời gian tìm kiếm vinh hoa của đời. Nhưng hãy dành thời gian để cảm nghiệm và đáp lại tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa trong từng giây phút.

Khi người thanh niên bỏ đi, Chúa Giêsu bắt đầu khuyến dụ các môn đệ của Ngài về nguy hiểm của tiền bạc trong tương quan với Nước Thiên Chúa: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” (Mc 10:23). Câu này là một lời “bình luận” mang tính tổng quát như là điều rút ra từ câu chuyện của anh thanh niên giàu có. Nghe lời “bình luận” của Chúa Giêsu, các môn đệ kinh ngạc. Các ông kinh ngạc vì điều Chúa Giêsu nói hoàn toàn trái ngược với điều mà họ được dạy và quá quen thuộc là của cải vật chất chính là ân ban của Thiên Chúa. Các ông còn kinh ngạc hơn khi Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh “lạc đà chui qua lỗ kim” để so sánh với “người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Đây là điều không thể! Nhưng Chúa Giêsu khẳng định: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27). Câu trả lời này đưa chúng ta về lại với chi tiết trong câu chuyện của người thanh niên giàu có: Không phải của cải vật chất hay sức lực của con người làm nên người môn đệ đích thật, nhưng chính là tình yêu của Thiên Chúa. Như vậy, chỉ bỏ hết của cải vật chất vẫn chưa làm chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu và chưa được cứu độ. Bỏ hết của cải vật chất và đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mới làm chúng ta trở nên môn đệ đích thật của Ngài.

************

THỨ BA TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

SỐNG NIỀM VUI THEO CHÚA GIÊSU

(Hc 35:1-12; Mc 10:28-31)

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Huấn Ca dạy về tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta đến diện kiến thánh nhan Ngài. Lời dạy này có thể được chia làm ba phần: thứ nhất là lời dạy về các loại lễ vật dâng lên Thiên Chúa; thứ hai là thái độ chúng ta cần có khi đến với Thiên Chúa; và thứ ba là sự công minh của Thiên Chúa trong khi xét xử chúng ta.

Theo tác giả sách Huấn Ca, các lễ vật chúng ta dâng lên Thiên Chúa không phải chỉ là những gì nằm ngoài chúng ta, nhưng chính là những hành động và thái độ sống của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Mỗi loại lễ vật tương xứng với mỗi hành động và thái độ sống: Chúng ta dâng lễ vật kỳ an [bình an] khi chúng ta sống gắn bó với lệnh truyền [yêu thương] của Thiên Chúa; chúng ta dâng lễ vật tinh hảo khi chúng ta tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa về muôn vàn ơn lành Ngài đã ban; chúng ta dâng lễ vật ngợi khen khi chúng ta làm việc bố thí; chúng ta dâng lễ vật đền tội khi chúng ta từ bỏ gian tà và chấm dứt bất công. Mỗi việc làm tốt là một lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Vì vậy, tác giả sách Huấn Ca khuyến cáo chúng ta “đừng đến trước nhan Đức Chúa tay không, vì tất cả những gì phải dâng đều do lệnh truyền” (Hc 35: 4). Nói cách khác, chúng ta phải làm việc tốt vì đây chính là lệnh truyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nhiều lần trong ngày sống hoặc tuần sống, chúng ta đã bỏ qua thật nhiều cơ hội để làm việc tốt. Chúng ta mất nhiều thời gian cho những chuyện vô bổ, không mang lại yêu thương và xây dựng. Để rồi chúng ta đến với Chúa trong thánh lễ mỗi ngày hay Chúa Nhật với bàn tay trắng. Thay vì hoang phí thời gian cho những việc làm mất lòng Chúa và làm buồn lòng nhau, hãy dành khoảng thời gian đó để làm việc tốt và cầu nguyện.

Khi đến với Đức Chúa, chúng ta cần có “tấm lòng quảng đại” và “nét mặt tươi cười” (Hc 35:8). Ở điểm này, tác giả sách Huấn ca khuyến cáo chúng ta “đừng bớt xén của đầu mùa tay con làm ra” (x. Hc 35:7). Thật vậy, chúng ta thường bớt xén những lễ vật dâng lên Đức Chúa, nhất là chúng ta thường bớt xén thời gian dành cho Ngài. Chúng ta dành nhiều thời gian để nói chuyện với những người bạn, người thân của chúng ta và đôi khi nói những chuyện không hay không tốt và chúng ta không thấy tiếc thời gian và thấy vui vẻ. Còn khi đến với Chúa, chúng ta lại thấy tiếc thời gian hoặc với thái độ mệt mỏi và buồn chán. Hãy quảng đại với Đức Chúa như Ngài luôn quảng đại với chúng ta. Và hãy đến với Ngài với thái độ vui vẻ và hãnh diện.

Điều cuối cùng tác giả sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta trong bài đọc 1 là Thiên Chúa của chúng ta là Đấng công minh và quảng đại: Vì Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần. Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu. Đừng ỷ vào hy lễ bất chính. Vì Đức Chúa là Đấng xét xử, Người chẳng thiên vị ai” (Hc 35:10-12). Chúng ta phải bỏ thái độ “ỷ lại” vào lòng thương xót của Thiên Chúa mà làm những điều bất chính. Thiên Chúa là Đấng thương xót, nhưng cũng là Đấng công minh và không thiên vị ai khi xét xử.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, chúng ta đã nghe hai phần đầu về giáo huấn của Chúa Giêsu về sự giàu có. Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu về phần thưởng dành cho những ai bỏ hết mọi sự để làm môn đệ của Ngài. Như thường lệ, Phêrô là người đại diện cho các môn đệ trình bày với Chúa Giêsu về “chiến công” mà người thanh niên giàu có không làm được: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” (Mc 10:28). Đằng sau câu nói này hàm chứa câu hỏi về phần thưởng dành cho họ, những người bỏ mọi sự để làm môn đệ của Ngài. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rõ điều này: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con, hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10:29-30). Chúa Giêsu hứa phần thưởng cho những người môn đệ không chỉ ở đời sau [sự sống vĩnh cửu], nhưng ngay cả ở đời này khi họ vui hưởng các mối tương quan mang tính vật chất [nhà cửa, ruộng đất], xã hội [anh em, chị em, mẹ, con], và tôn giáo [sự ngược đãi]. Thực tế cho chúng ta thấy, những người theo Chúa Giêsu [nhất là trong đời sống thánh hiến linh mục, tu sĩ] vui hưởng những phần thưởng trên: Họ không lo lắng về cơm áo gạo tiền; họ không lo lắng về nơi ăn chốn ở; họ được mọi người kính trọng và chào đón. Tuy nhiên, nếu sống trọn vẹn với ơn gọi của mình, họ cũng sẽ đối diện với nhiều ngược đãi và đau khổ từ chính những người thân và cộng tác với mình.

Trong các phần thưởng ở đời này, sự ngược đãi là điều Maccô đưa ra như là điều kiện cần thiết của ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Đây chính là điều nhiều chúng ta, những người môn đệ của Chúa Giêsu, không mấy hoan nghênh. Chúng ta thường xem khó khăn và ngược đãi trong cuộc sống như là thử thách và đôi khi là “thánh giá” Chúa gởi đến cho mình. Chẳng mấy người trong chúng ta không xem chúng là “phần thưởng” mà Chúa Giêsu hứa ban cho người môn đệ. Thánh Giêrônimô dạy chúng ta rằng: Trong hành trình theo Chúa Giêsu, nhiều khi chúng ta quá chú tâm đến những điều chúng ta từ bỏ, và như thế hành trình chúng ta đi càng ngày càng trở nên nặng nề và buồn chán vì “Chúa bắt chúng ta từ bỏ quá nhiều.” Chính cái “đau đớn của từ bỏ” làm chúng ta quên mất niềm vui “theo Thầy” – Niềm vui chúng ta có được khi nhìn thấy ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu nhìn chúng cách say đắm và đem lòng yêu thương.

Bài Tin Mừng kết với câu: “Quả thật, nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, còn những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mc 10:31). Nhiều người thường giải thích câu này để nói về việc những người khiêm nhường sẽ được tôn vinh và những người kiêu ngạo sẽ bị tủi hổ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng, câu nói này là lời khuyến khích của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài, là những người đã bỏ mọi sự để theo Ngài, về thực tế của một sự “thay đổi hoàn toàn.” Cụ thể là, những phần thưởng [niềm vui] họ nhận được khi theo Ngài vượt quá nhiều lần so với những điều mà họ từ bỏ trong đời này. Điều này hàm chứa chân lý sau cho các môn đệ: Hãy luôn nhìn về phía trước, nhìn vào Chúa Giêsu, nhìn vào niềm vui được làm môn đệ Ngài, hơn là mất thời gian để khóc than và luyến tiếc những mối tương quan và những thứ chúng ta đã từ bỏ.

**********************

THỨ TƯ TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN – Đức Maria Thăm Viếng Bà Êlisabét

MANG CHÚA ĐẾN CHO NGƯỜI KHÁC

(Xp 3:14-18a; Lc 1:39-56)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Mẹ Maria Thăm Viếng Bà Êlisabét. Đây là một trong những lễ quan trọng có nền tảng trong Kinh Thánh để mừng kính Mẹ Maria. Đây cũng là lễ mà qua đó chúng ta rút ra được nhiều bài học bổ ích cho tương quan của chúng ta với những người khác, nhất là với những người thân đang cần chúng ta giúp đỡ.

Không ai trong chúng ta muốn sống cô độc. Chúng ta sinh ra là sống với và sống cho nhau. Sự “lệ thuộc” vào nhau này được diễn tả cách cụ thể qua những lần chúng ta đi thăm nhau. Có những cuộc thăm viếng vì bắt buộc, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng được thực hiện cách tự do; có những cuộc thăm viếng với ý hướng tốt, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng với ý hướng xấu; có những cuộc thăm viếng xảy ra vì yêu thương, nhưng cũng có những cuộc thăm viếng mang lại hận thù. Thật vậy, có nhiều lý do và nhiều hoàn cảnh để thăm viếng nhau. Từ trong thâm sâu của cõi lòng, chúng ta muốn được người khác thăm viếng, nhất là trong những lúc cô đơn, khó khăn và thử thách. Nhưng cũng có một số người trong chúng ta không muốn người khác đến thăm vì chúng ta sợ phải cởi mở, sợ bị làm phiền và sợ phải yêu thương và tha thứ. Cuộc thăm viếng giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét mà chúng ta kính nhớ hôm nay khác với tất cả những cuộc thăm viếng khác. Đây là cuộc thăm viếng không chỉ của một người mẹ cho một người mẹ, nhưng là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa cho dân của Ngài. Đây là một cuộc thăm viếng tràn ngập niềm vui ơn cứu độ. Niềm vui này được ngôn sứ Xôphônia diễn tả cách tuyệt diệu như sau: Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3:14).

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta thấy một trong những hệ quả khi chúng ta có được niềm vui ơn cứu độ, đó là chúng ta không còn sợ hãi, vì chúng ta có Đức Chúa đang hiện diện với chúng ta: “‘Này Xion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.’ Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3:16-18a). Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều nỗi sợ hãi khác nhau. Nhiều khi chúng ta để cho những nỗi sợ hãi cướp đi niềm tin và hy vọng của chúng ta vào Chúa. Hệ quả là chúng ta luôn sống trong lo âu, buồn phiền và bất an. Nhưng nếu chúng ta để cho Chúa “viếng thăm” và ở lại với mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng, Ngài là Đấng anh hùng, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi những phiền muộn và cái chết muôn đời. Không những thế, Ngài còn là Đấng lấy tình thương của Ngài để đổi mới chúng ta, để rồi chúng ta trở thành niềm vui cho người khác. Những người có Chúa là những người luôn sống với niềm vui sâu kín trong tâm hồn và làm cho những người họ gặp gỡ cũng cảm nghiệm được niềm vui được Chúa yêu.

Bài Tin Mừng hôm nay vẽ ra trước mặt chúng ta hình ảnh thật tuyệt vời của một cuộc gặp gỡ đầy yêu thương và chan chứa niềm vui giữa hai người mẹ và hai người con. Thật cảm động khi vừa được tin người chị họ của mình là bà Êlisabét mang thai được sáu tháng, Mẹ Maria liền vội vã “đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa” để thăm bà. Chúng ta không biết động lực thúc đẩy Mẹ Maria đi thăm viếng bà Êlisabét là gì vì không được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh. Các học giả về Kinh Thánh có những ý kiến khác nhau về điểm này: (1) một số cho rằng động lực chính thúc đẩy Mẹ Maria thăm viếng bà Êlisabét là muốn giúp bà trong những ngày tháng cuối của thời kỳ mang thai, trước khi sinh con; (2) một số khác cho rằng Mẹ Maria đến viếng thăm bà Êlisabét vì Mẹ muốn chia sẻ niềm vui có Chúa cho người chị họ của mình. Mẹ muốn chia sẻ niềm vui được Chúa làm cho mình điều trọng đại như đã làm cho người chị họ; (3) nhưng cũng có một vài người cho rằng Mẹ đi viếng thăm vì Mẹ muốn kiểm chứng lời của Thiên Thần về người chị họ của mình. Dù không được trình bày cách rõ ràng, nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng Mẹ không cần phải kiểm chứng vì Mẹ đã và đang cảm nghiệm những sự cao trọng hơn điều đã xảy ra cho bà Êlisabét trong cuộc đời của Mẹ. Điều chúng ta có thể khẳng định ở đây là động lực thúc đẩy Mẹ đi viếng bà Êlisabét có thể là cả hai, đó là đi để giúp người chị họ của mình đồng thời mang Chúa đến cho người chị họ và người con. Trong những cuộc viếng thăm của chúng ta dành cho nhau, đâu là động lực thúc đẩy chúng ta? Có phải các cuộc viếng thăm của chúng ta đều chan hoà niềm vui của Chúa không?

Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: phần 1 (Lc 1:39-45) trình bày cho chúng ta về cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Êlisabét. Phần này tập trung vào lời chúc mừng và ngợi khen mà bà Êlisabét dành cho Mẹ Maria; phần 2 là “lời đáp từ” của Mẹ Maria trước lời chúc mừng và ngợi khen của bà Êlisabét. Lời đáp từ này được gọi là lời kinh Magnificat [chúng ta đọc mỗi buổi chiều trong Kinh Nhật Tụng]. Chúng ta hãy để Lời Chúa trong lời khen ngợi của bà Êlisabét và đáp từ của Mẹ Maria hướng dẫn chúng ta hôm nay, hầu chúng ta cũng học được nơi Mẹ thái độ yêu thương và biết quan tâm đến nhu cầu của người khác.

Đối với một người đang mang thai trong lúc hiếm muộn, sự thăm viếng của người thân là cơ hội để nói về những điều đang xảy ra cho mình. Tuy nhiên, bà Êlisabét đã không tập trung vào chính mình và những gì Chúa đã làm cho mình, mà tập trung vào Mẹ Maria và những gì Chúa đã làm cho Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45). Thái độ “quên mình” của bà Êlisabét trước mầu nhiệm của Thiên Chúa đáng để chúng ta học hỏi và bắt chước. Sống trong thế giới bị ảnh hưởng sâu xa bởi chủ nghĩa cá nhân, chúng ta thường quy chiếu mọi sự về mình hơn là về Thiên Chúa và người khác. Thái độ không nói về mình, nhưng thay vào đó là “ngợi khen” Thiên Chúa và người khác là một giá trị cần thiết cho chúng ta hôm nay. Hãy học để biết khen người khác, biết nhìn thấy những kỳ công Chúa làm trên cuộc đời của họ hơn là tìm những lỗi của họ.

Về phần mình, khi được người chị họ chúc mừng và tôn vinh, Mẹ Maria không lấy làm hãnh diện về tất cả những gì mình đang có và đang là. Mẹ quy chiếu mọi sự về Chúa. Hơn nữa, khi phân tích bài Magnificat, chúng ta nhận ra rằng, đây chính là bản tóm tắt của toàn bộ lịch sử của dân Israel. Lịch sử này đạt đến đỉnh cao trong lời “xin vâng” của Mẹ. Mẹ không tập trung vào đặc ân mà Chúa ban cho mình. Mẹ tập trung vào quyền năng và sự trung thành với lời hứa mà Thiên Chúa đã thực hiện với Abraham và giờ đây được thực hiện nơi Mẹ. Trong lời kinh của Mẹ, chúng ta nhận ra những yếu tố cần thiết sau đây cho cuộc sống:

(1) Tâm trí hớn hở vui mừng vì được Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ [“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (Lc 1:46-47)]: Điều này mời gọi chúng ta xem xét lại nguyên nhân của niềm vui trong chúng ta. Tâm hồn chúng ta có tìm thấy niềm vui trong Chúa không? Niềm vui đích thật chỉ tìm được nơi Chúa mà thôi.

(2) Chúa đã để mắt thương đến người mọn hèn [“Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1:48)]: Những người khiêm nhường, nhỏ bé là những người được Chúa đoái thương nhìn đến. Những người hèn mọn là ai? Là những người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa; là những người chỉ tìm thấy niềm vui trong Chúa.

(3) Thiên Chúa là Đấng thực hiện những điều cao cả cho những ai kính sợ người [“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1:49-50): Danh Thiên Chúa đáng được tôn vinh vì Ngài là Đấng thực hiện những điều cao cả trên cuộc đời của chúng ta. Nhưng điều kiện cần để Ngài thực hiện những điều cao cả là “kính sợ Người.” Sự kính sợ này đến từ tình yêu và sự tôn thờ của chúng ta dành cho Ngài. Nói cách dễ hiểu, khi chúng ta yêu và tôn kính một người nào đó, chúng ta “sợ” những gì làm người chúng ta yêu mến buồn lòng. Việc “sợ” của chúng ta không đến từ sự “tàn bạo” của người mình yêu, nhưng đến từ tình yêu của chúng ta. Đây chính là thái độ mà chúng ta cần có đối với Chúa. Chúng ta kính sợ Chúa vì chúng ta yêu và tôn thờ Ngài, chúng ta không muốn làm cho Ngài buồn vì những lỗi phạm của chúng ta.

(4) Chúa yêu thích người khiêm nhường và kẻ đói nghèo [“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:51-53)]: Người khiêm nhường là những người như thế nào? Họ là những người biết mình là ai và không phải là ai, biết mình làm được gì và không làm được gì. Nói tóm lại, người khiêm nhường là người biết ưu điểm và khuyết điểm của mình; biết mình là ai trước mặt Thiên Chúa và anh chị em của mình. Còn những người nghèo là những người hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và chỉ có Chúa là gia nghiệp của đời mình. Chúng ta có thuộc hai loại người này không?

(5) Chúa trung thành với lời đã hứa [Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:54-55). Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của mình. Về phần chúng ta, chúng ta cũng đã hứa với Chúa nhiều điều, nhưng chúng ta luôn thất hứa với Ngài. Ai trong chúng ta cũng muốn người khác trung thành với lời họ hứa với mình. Chúa đã hứa và đã trung thành. Còn chúng ta có bắt đầu trung thành với lời hứa của chúng ta với Chúa từ giây phút này không?

“Bà Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56). Chi tiết cuối cùng này cho chúng ta thấy Mẹ Maria đã ở lại cho đến khi bà Êlisabét sinh hạ người con. Điều này càng làm sáng tỏ động lực thúc đẩy Mẹ đi thăm bà Êlisabét: không phải chỉ vì để kiểm chứng, nhưng là để trợ giúp và chia sẻ niềm vui. Nếu chỉ để kiểm chứng, Mẹ không cần phải ở lâu đến ba tháng. Mẹ ở trọn ba tháng vì Mẹ muốn đồng hành với người chị họ “cho đến cùng,” cho đến cuối hành trình cưu mang và sinh con để trao ban cho thế giới. Chúng ta cần học nơi Mẹ Maria thái độ này, đó là đồng hành với người khác cho đến cùng. Chúng ta không đồng hành chỉ một đoạn đường, hay chỉ những lúc vui, những lúc chúng ta thích. Nhưng cho đến tận cuối hành trình.

**************

THỨ NĂM TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

CAN ĐẢM ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG CHÚA GIÊSU ĐÃ ĐI

(Hc 42:15-25; Mc 10:46-52)

Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Huấn Ca ca ngợi sự khôn ngoan của Thiên Chúa được phản chiếu trong công trình sáng tạo của Ngài. Đây là những điều mắt có thể thấy và có thể kể lại. Qua quan sát, tác giả sách Huấn Ca nhận ra những điều sau:

Thứ nhất, vinh quang của Thiên Chúa bao phủ công trình Ngài sáng tạo: “Mặt trời toả sáng nhìn xuống muôn loài, vinh quang Đức Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo, các thánh của Đức Chúa không tài nào kể lại mọi kỳ công của Người. Đó là những kỳ công Đức Chúa toàn năng đã thực hiện cho vũ trụ được bền vững (trước tôn nhan) vinh hiển của Người” (Hc 42:16-17). Đứng trước kỳ công của Thiên Chúa, không ai có thể hiểu thấu. Con người luôn nhận ra mình thật bé nhỏ trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng lại được Ngài yêu thương cách đặc biệt. Chi tiết này mời gọi chúng ta sống tâm tình biết ơn và kinh ngạc về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta mỗi khi ngắm nhìn công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Thứ hai, Thiên Chúa thấu suốt mọi sự: “Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người, vì Đấng Tối Cao am tường tất cả và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian. Người công bố dĩ vãng và tương lai và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn. Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người” (Hc 42:18-20). Những lời này nhắc nhở chúng ta về việc sống thật trước nhan Thiên Chúa. Không có gì chúng ta có thể che dấu mà sẽ không bị tỏ hiện.

Thứ ba, mọi sự trong vũ trụ có sự hợp nhất hài hoà và được sắp đặt để đáp ứng nhu cầu của nhau theo sự quan phòng của Thiên Chúa: “Người khôn ngoan sắp xếp những công trình vĩ đại, vì Người hằng có từ đời đời đến muôn muôn thuở, không cần thêm hay bớt điều gì và cũng chẳng cần ai làm cố vấn. Mọi công trình của Người kỳ diệu biết bao! Những gì thấy được chỉ như một ánh lửa. Mọi vật ấy đều sống và tồn tại muôn đời để đáp ứng mọi nhu cầu cần thiết, và tất cả đều vâng phục Người” (Hc 42:21-23). Trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, mọi vật được mời gọi sống hiệp thông và liên kết phụ thuộc nhau. Không có một sự vật nào được tạo dựng mà “vô dụng.” Mọi sự được tạo dựng cho một mục đích. Vì vậy, để hiểu được mục đích của mọi loài và của từng người mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống, chúng ta cần chìm đắm trong Chúa qua đời sống cầu nguyện, để xin Ngài giúp chúng ta hiểu rõ về mục đích mà Ngài đã tạo dựng nên vật đó hoặc người đó.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù tên là Batimê. Trong Máccô 8:22-26, một người mù vô danh được đưa đến với Chúa Giêsu và việc chữa lành của anh ta được thực hiện cách tiệm tiến, và sau khi được chữa lành, Chúa Giêsu nói anh ta phải giữ bí mật về việc chữa lành. Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, người mù có tên là Batimê, anh ta chủ động đến với Chúa Giêsu và được Ngài chữa lành ngay lập tức và trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Theo các học giả Kinh Thánh, phản ứng của Batimê trước Chúa Giêsu và sự sẵn sàng theo Chúa Giêsu trên hành trình của người môn đệ đối nghịch với sự hiểu lầm của các môn đệ và sự mù loà của họ trong suốt hành trình theo Chúa Giêsu. Thánh Máccô bắt đầu câu chuyện hôm nay với việc giới thiệu về hoàn cảnh của người mù: “Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Batimê, con ông Timê “(Mc 10:46). Trong những lời này, Thánh Máccô giới thiệu các “nhân vật” trong “vở kịch” sẽ xảy ra: Chúa Giêsu, các môn đệ, anh mù và đám người khá đông. Chi tiết chúng ta cần lưu ý là hoàn cảnh sau của Batimê: bị mù, ăn xin bên vệ đường, có tên, có gia phả. Những chi tiết này cho thấy bệnh mù đã loại anh ra ngoài, ra khỏi vòng tay yêu thương của gia đình để rồi anh phải đi ăn xin. Tuy nhiên, những chi tiết này phản ánh hình ảnh của người môn đệ đi theo Chúa Giêsu. Họ cũng là những người bị mù vì không nhận ra chân tính của Chúa Giêsu [xem bài Tin Mừng hôm qua]. Họ cũng là những người ăn xin bên vệ đường, tức là đang tiếp tục tìm kiếm ánh sáng trong hành trình đức tin của mình. Bên cạnh đó, sự mù loà con mắt đức tin đôi khi loại trừ họ ra khỏi gia đình mà Chúa Giêsu thiết lập. Thật vậy, đây là hình ảnh mỗi người chúng ta trong hành trình theo Chúa Giêsu. Hãy xin Chúa giúp chúng ta biết bám víu vào Chúa để thoát ra khỏi cảnh mù loà của mình như anh Batimê dưới đây.

Sau khi giới thiệu về bối cảnh và các nhân vật của câu chuyện, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta vở kịch thật hay được chia ra những màn như sau:

Màn 1: Thái độ của Batimê: Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Mc 10:47-48). Trong màn này, Batimê cho thấy dù mù loà thể lý, anh vẫn nhận ra chân tính của Chúa Giêsu. Điều này được chứng minh qua chi tiết người ta nói cho anh là “Đức Giêsu Nadarét” đi qua, nhưng anh lại kêu Chúa Giêsu là “Con vua Đavít.” Đây là lần đầu tiên danh hiệu này được gán cho Chúa Giêsu trước đám đông. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về nguy hiểm của mù loà thiêng liêng [mù loà con tim]. Đây là loại mù loà mà làm cho chúng ta không nhận ra chân tính của Đấng chúng ta đi theo. Xin Chúa giúp chúng ta mở rộng con tim mình để nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh sống.

Màn 2: Chúa Giêsu và các môn đệ cùng với đám đông: Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” (Mc 10:49). Trong màn này, chúng ta thấy Chúa Giêsu không gọi trực tiếp Batimê, mà Ngài dùng những người đang cùng đi với Ngài để gọi anh. Sau khi nhận mệnh lệnh từ Chúa Giêsu, những người theo Ngài thay đổi thái độ, từ thái độ “quát nạt” đến thái độ “thân thiện.” Chi tiết này ám chỉ rằng Chúa Giêsu không chỉ chữa lành anh mù, những còn chữa lành những người đi theo Ngài để họ có thể nhận ra người khác không phải là những “phiền toái” mà là những người anh chị em, những người cần đến tình yêu của Thiên Chúa như mình. Thật vậy, khi cộng tác với Chúa trong việc đem anh chị em đến với Ngài, chính chúng ta cũng được chữa lành và trở nên gần gũi với anh chị em mình hơn.

Màn 3: Chúa Giêsu và anh mù: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi” (Mc 10:50-52). Cuộc đối thoại này là trọng tâm của toàn bộ vỡ kịch. Khi đến gặp Chúa Giêsu, Batimê thực hiện những hành động sau: (1) vất áo choàng và đứng phắt dậy – đây là hành vi hoàn toàn cắt đứt với đời sống quá khứ để đón nhận đời sống mới trong Chúa Giêsu; (2) biết mình cần điều gì – được nhìn thấy Chúa Giêsu và trở nên môn đệ của Ngài. Còn chúng ta thế nào? Chúng ta tự hào là đã theo Chúa nhiều năm, chúng ta đã hoàn toàn cắt đứt với đời sống tội lỗi chưa để chỉ khao khát được nhìn thấy Chúa và trở nên môn đệ của Ngài không? Về phần mình, Chúa Giêsu luôn đi bước trước, Ngài biết chúng ta cần gì. Điều Ngài muốn thấy nơi chúng ta là “lòng tin” – là hoàn toàn phó thác đường đời của mình để đi theo Ngài trên con đường Ngài đi. Liệu chúng ta có đủ can đảm để đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi không?

************************

THỨ SÁU TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

SINH HOA TRÁI TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

(Hc 44:1.9-13; Mc 11:11-26)

Sau khi ca tụng vinh quang Thiên Chúa nơi công trình tạo dựng, tác giả sách Huấn Ca lại ca ngợi những vị danh nhân, “là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Những vị danh nhân được chia ra làm hai loại: (1) những người không còn ai nhớ nữa, là “những người qua đi như chẳng bao giờ có, họ sinh ra mà như chẳng chào đời, con cháu của họ cũng thế thôi!” (Hc 44:9); và (2) “những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ” (Hc 44:10-13). Trong hai loại danh nhân này, chúng ta thấy chỉ có loại thứ hai, những người đạo hạnh công đức là sống mãi cho đến muôn đời trong con cháu. Chúng ta cũng chứng kiến điều này trong đời sống thường ngày: có những người sinh ra và chết đi mà không để lại gì. Ngay cả con cháu của họ cũng không muốn nhắc đến. Nhưng có những người qua đời và để lại nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng những người gặp gỡ họ. Mỗi ngày một bước chúng ta đi đến cái chết của mình. Chúng ta muốn được nhớ đến là người như thế nào khi chúng ta đi qua cuộc đời này?

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục xảy ra trong bối cảnh hành trình lên Giêrusalem: “Đang khi đám đông reo hò vang dậy, Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bêtania cùng với Nhóm Mười Hai” (Mc 11:11). Những lời này trình bày cho chúng ta bối cảnh câu chuyện Chúa Giêsu nguyền rủa cây vả, điều xảy ra trong hành trình giữa Bêtania và Giêsusalem. Những lời trên cũng cho thấy Chúa Giêsu đã “tiến vào Giêrusalem và đi vào Đền Thờ.” Tuy nhiên, Ngài chưa thực hiện một hành động nào trong ngày hôm đó “vì giờ đã muộn.” Ngài và Nhóm Mười Hai về Bêtania nghỉ qua đêm. Chúng ta có thể nói đây là “ngày thứ nhất” – Chúa Giêsu được tôn vinh khi vào Giêrusalem và sau đó Ngài dành thời gian riêng với các môn đệ của Ngài. Mọi sự được vén mở trong ngày thứ hai mà chúng ta sẽ cùng nhau phân tích.

Trong ngày thứ hai và thứ ba, chúng ta thấy có hai câu chuyện xảy ra: Chúa Giêsu “nguyền rủa” cây vả và Chúa Giêsu thanh tẩy đền Thánh Giêrusalem. Câu chuyện đầu xảy ra ở Bêtania và câu chuyện thứ hai xảy ra ở Giêrusalem. Điều quan trọng ở đây là câu chuyện thứ hai được lồng vào giữa câu chuyện thứ nhất, tạo nên trọng tâm để giải thích cho ý nghĩa của câu chuyện thứ nhất. Chúng ta có thể nhận ra cấu trúc của hai câu chuyện như sau:

A – Câu chuyện cây vả (Mc 11:12-14)

B – Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thánh Giêrusalem (Mc 11:15-19)

A’ – Câu chuyện cây vả (Mc 11:20-21)

Cấu trúc này cho thấy lối viết “bánh mì kẹp” quen thuộc. Phần ở giữa mới là trọng tâm của trình thuật Tin Mừng – đó là nói về sứ vụ của Chúa Giêsu, thanh tẩy Đền Thờ [tâm hồn của người tin] để họ sinh hoa kết trái. Ngày thứ hai bắt đầu với sự kiện Chúa Giêsu “cảm thấy đói” và Ngài thấy một “cây vả tốt lá.” Khi nhìn thấy cây vả, “Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. Người lên tiếng bảo cây vả: Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa! Các môn đệ đã nghe Người nói thế” (câu 13-14). Điểm chúng ta cần lưu ý là những lời giải thích tại sao cây vả không có trái là vì “không phải là mùa vả.” Lời giải thích này được Thánh Máccô thêm vào. Như chúng ta biết, ở Palestine, vả không chín trước tháng 6. Vì vậy, cách thức mà câu chuyện được kể lại đề nghị rằng Chúa Giêsu thật sự muốn tìm thấy trái trên cây vả khi chưa đến mùa và “nguyền rủa” nó vì thất vọng. Lời giải thích của Thánh Máccô làm cho hành động này của Chúa Giêsu càng trở nên không hợp lý vì Ngài biết rõ là không thể tìm thấy trái vả trong thời điểm Lễ Vượt Qua. Chúng ta chỉ hiểu rõ điều Chúa Giêsu ám chỉ trong việc “nguyền rủa” cây vả khi không tìm thấy trái khi chưa đến mùa khi chúng ta đi đến cái kết của câu chuyện và hiểu rõ hành động Chúa Giêsu làm giữa khoảng thời gian cây vả bị “nguyền rủa” và chết.

Sau khi “nguyền rủa” cây vả, Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai đến Giêrusalem. Chúa Giêsu vào Đền Thờ và Ngài bắt đầu “sứ vụ thanh tẩy” của Ngài: “Thầy trò đến Giêrusalem. Đức Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc, và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ. Người giảng dạy và nói với họ: ‘Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!’” (câu 15-17). Những lời này trình bày hành động thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giêsu để biến đền thờ từ “sào huyệt bọn cướp” thành “nhà cầu nguyện.” Hành động này của Chúa Giêsu mang đặc tính tái thiết lại ý nghĩa thật của Đền Thờ theo ý định của Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, mọi vật và mọi người phải sống theo ý định ban đầu của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng. Để sống được như thế, chúng ta cần đến Chúa Giêsu. Thật vậy, mỗi người chúng ta, theo dòng thời gian, đi xa ý định của Chúa cho cuộc sống, cho ơn gọi của mình vì sự níu kéo của những hào nhoáng thế gian làm chúng ta không sinh hoa trái theo ý định của Ngài. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống đúng với ơn gọi của mình, biến cuộc đời của mình thành lời cầu nguyện liên lỉ và hy tế đẹp lòng dâng lên Thiên Chúa.

Ngày thứ hai kết thúc với âm mưu giết Chúa Giêsu của các thượng tế và kinh sư và việc Chúa Giêsu ra khỏi thành cùng với các môn đệ (câu 18 và 19). Ngày thứ ba đưa chúng ta trở về với câu chuyện bắt đầu trong ngày thứ hai: “Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. Ông Phêrô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giêsu: ‘Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!’” (câu 20-21). Theo các học giả Kinh Thánh, hệ quả của lời “nguyền rủa” cây vả của Chúa Giêsu xảy ra ngày thứ ba. Vì Thánh Máccô hiểu việc cây vả bị chết như là một hành động chứng tỏ quyền năng của Chúa Giêsu, thánh sử đã thêm vào lời giải thích với ba lời dạy về đức tin và cầu nguyện trong phần kết của bài Tin Mừng: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển !’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. [Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em]” (câu 22-26). Những lời dạy của Chúa Giêsu ở đây nói về tầm quan trọng của đức tin trong tương quan với đời sống cầu nguyện. Nói cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu mong muốn các môn đệ của Ngài đứng vững trong đức tin được nuôi dưỡng bởi đời sống cầu nguyện. Chỉ với đời sống như thế, người môn đệ mới có thể sinh hoa trái trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mà không cần phải chờ đợi đến mùa hoặc có đủ điều kiện mới có thể sinh hoa trái yêu thương và tha thứ.

************************

THỨ BẢY TUẦN VIII THƯỜNG NIÊN

KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC ĐẾN TỪ THIÊN CHÚA

(Hc 51:12-20; Mc 11:27-33)

Tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc 1 nói về nguồn gốc của sự khôn ngoan. Người khôn ngoan là người luôn sống trong tâm tình tạ ơn, ca ngợi và chúc tụng Đức Chúa (x. Hc 51:12) vì họ nhận ra rằng sự khôn ngoan đích thực chỉ đến từ Thiên Chúa. Tác giả sách Huấn Ca cho biết, chúng ta tìm thấy đức khôn ngoan “khi dâng lời cầu nguyện” (Hc 51:13). Hành trình tìm kiếm khôn ngoan là hành trình kéo dài suốt đời (câu 14). Người khôn ngoan sẽ được hưởng những điều gì? Họ được tận hưởng những điều sau: (1) luôn sống trong niềm vui và bước đi trên đường ngay nẻo chính (câu 15); (2) dễ dàng tiếp thu tất cả những giáo huấn của Thiên Chúa (câu 16); (3) luôn tôn vinh Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện, luôn làm điều thiện để không xấu hổ thẹn thùng (câu 17-18); (4) luôn cố gắng để giữ cho mình tronh sạch (câu 20). Những đặc tính này của đức khôn ngoan giúp chúng ta nhìn lại chính mình. Ai trong chúng ta cũng mong ước được khôn ngoan. Nhưng chúng ta thường đi tìm sự khôn ngoan của con người chứ không đi tìm sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa. Người khôn ngoan là những người tìm thánh ý Chúa và đem ra thực hành.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục trình bày cho chúng ta những gì  xảy ra khi Chúa Giêsu và các môn đệ ở Giêrusalem. Đề tài được trình bày trong trình thuật hôm nay là cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thuợng tế, kinh sư và kỳ mục về nguồn gốc quyền bính của Chúa Giêsu: “Đang khi Người đi đi lại lại trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (Mc 11:27-28). Điều đáng lưu ý ở đây là những đối thủ của Chúa Giêsu. Họ thuộc ba nhóm được đề cập đến trong lần tiên báo đầu tiên về cuộc khổ nạn của Ngài (x. Mc 8:31) và sẽ xuất hiện lại trong cuộc thương khó của Ngài (x. Mc 14:43,53; 15:1). Câu hỏi họ đưa ra là để gài bẫy Chúa Giêsu để Ngài công bố cách công khai rằng quyền của Ngài đến từ Thiên Chúa và như thế họ có lý do để tố cáo Ngài về tội phạm thượng (x. Mc 14:64). Tuy nhiên, Chúa Giêsu tránh lời công bố công khai bằng cách hỏi lại đối thủ của Ngài câu hỏi về nguồn gốc quyền bính của Gioan Tẩy Giả: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi!” (Mc 11:29-30). Trong câu hỏi này, Chúa Giêsu cho thấy kế hoạch của Ngài là làm cho đối thủ phải thinh lặng để chính họ tìm ra nguồn gốc quyền của Ngài. Nói cách cụ thể hơn, đằng sau câu hỏi của Chúa Giêsu là lời công bố mặc nhiên rằng quyền của Gioan Tẩy Giả đến từ Thiên Chúa. Qua đó, Chúa Giêsu cũng khẳng định về nguồn gốc của lời giảng dạy và việc chữa lành của Ngài cũng đến từ Thiên Chúa. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về những lần chúng ta cũng đặt nghi vấn về nguồn gốc quyền của những người được chọn để hướng dẫn chúng ta hoặc ý hướng của những người làm điều tốt [mà chúng ta không thích hoặc ghen tỵ]. Chúng ta cần tập trung vào chính mình. Những gì chúng ta có và những gì chúng ta là đều là ân ban của Thiên Chúa. Hãy sử dụng những gì được trao ban cho đẹp lòng Thiên Chúa.

Đứng trước câu hỏi của Chúa Giêsu, các đối thủ của Chúa Giêsu bàn với nhau: “Nếu mình nói: ‘Do Trời,’ thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói: ‘Do người ta’?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ” (Mc 11:31-32). Những lời này chỉ ra lý do tại sao họ không thể trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu. Nếu họ công nhận quyền của Gioan Tẩy Giả đến từ Thiên Chúa, thì họ phải giải thích tại sao họ không chấp nhận Chúa Giêsu; họ cũng phải công nhận quyền của Chúa Giêsu đến từ Thiên Chúa. Nếu họ từ chối quyền của Gioan Tẩy Giả đến từ Thiên Chúa, họ sợ bị dân chúng chống đối vì dân chúng xem Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến. Điều này làm cho họ rơi vào tình trạng tiến thoải lưỡng nan. Kết quả là họ công nhận sự vô tri của mình: “Chúng tôi không biết” (Mc 11:33). Trước sự “vô tri” của các đối thủ, Chúa Giêsu “liền bảo họ: ‘Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy’” (Mc 11:33). Chúng ta có thể nhận ra ở đây điều khác biệt giữa câu trả lời của các đối thủ và của Chúa Giêsu. Trong câu trả lời của mình, các đối thủ công nhận sự vô tri hay đúng hơn là tình trạng khó xử của mình. Còn câu trả lời của Chúa Giêsu chỉ ra rằng Ngài biết quyền của Ngài từ đâu đến, nhưng Ngài không nói cho họ biết. Nói cách khác, các đối thủ không biết nguồn gốc quyền của Chúa Giêsu, nên họ không nói được. Còn Chúa Giêsu thì biết nguồn gốc của quyền mình có, nhưng Ngài chỉ không nói cho các đối thủ. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng, có những người chúng ta gặp trong đời, họ không nói không có nghĩa là họ không biết. Họ chỉ nói khi cần phải nói. Nói cách khác, họ biết sử dụng kiến thức mình có đúng nơi, đúng lúc với thái độ không khoe khoang, không tìm tư lợi cho chính mình.