Lời Chúa Năm A Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần Thánh

Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày- Tuần Thánh

SUY NIỆM TUẦN THÁNH

Lm. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI

TRONG TÌNH YÊU: HÃY QUẢNG ĐẠI

(Is 42:1-7; Ga 12:1-11)

Ngôn sứ Isaia, trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về người tôi tớ của Thiên Chúa. Đầy là bài ca đầu tiên về người tôi tớ của Thiên Chúa. Bài ca đầu tiên này được chia ra làm hai phần: phần đầu (Is 42:1-4) nói về những đặc tính của người tôi tớ; phần hai (Is 42:5-9) nói về Thiên Chúa, Đấng chọn và sai người tôi tớ của Ngài. Chúng ta cùng nhau suy niệm trên hai phần này để xem Chúa muốn nói gì với chúng ta ngày hôm nay.

Phần 1 trình bày cho chúng ta hình ảnh của người tôi tớ của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa gọi, với những đặc tính sau: (1) là người được Thiên Chúa tuyển chọn, hết lòng quý mến và được thần khi của Ngài hướng dẫn (Is 42:1); (2) là người với sứ mệnh làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (Is 42:1); (3) là người hiền lành và khiêm nhường vì “người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:2-3); (4) là người can đảm bảo vệ và “trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu” (Is 42:3-4); (5) là người khôn ngoan mà ai cũng mong được “người chỉ bảo” (Is 42:4). Là những người tôi tớ của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi để sở hữu năm đức tính trên.

Trong phần 2, người tôi tớ của Thiên Chúa tìm thấy sứ mệnh của mình, và những công việc mà mình được sai đi để thực hiện: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Đọc những lời này, chúng ta nhận ra người tôi tớ của Thiên Chúa có một sứ mệnh chính yếu, đó là trở thành ánh sáng chiếu soi cho muôn người. Một cách cụ thể hơn, ở đâu có bóng tối mây mù, người tôi tớ của Thiên Chúa sẽ mang lại ánh sáng; ở đâu có người tôi tớ của Thiên Chúa hiện diện, ở đó những người ngồi trong bóng tối tử thần sẽ được chiếu sáng để tìm thấy đường dẫn đến sự sống muôn đời. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi nhớ lại ngọn nến [đức tin] được trao cho chúng ta trong ngày rửa tội. Hãy làm cho ngọn nến đó chiếu sáng và mang hơi ấm cho những tâm hồn nguội lạnh và xa rời Thiên Chúa.

Sự kiện Chúa Giêsu được xức dầu thơm cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (14:3-9) và Thánh Luca (7:36-50), trong sứ vụ ở Galilê của Chúa Giêsu. Sự kiện này đi trước việc âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu xảy ra ở nhà Caipha (x. Mc 14:1-2), Mt 26:3-4). Truyền thống về sự kiện này trong Tin Mừng Thánh Gioan có tương quan chặt chẽ với Tin Mừng Thánh Máccô với những chi tiết được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca: Bối cảnh là bữa tiệc và sự kiện là một người phụ nữ xức dầu chân Chúa Giêsu và lau khô bằng tóc của mình (mặc dù trong Tin Mừng của Thánh Luca, người phụ nữ đã lau sạch nước mắt của mình trước khi xức dầu). Trong trình thuật này, thuật ngữ đáng lưu ý là entaphiasmos, chuẩn bị cho ngày mai táng trong câu 7. Thuật ngữ này ám chỉ rằng việc xức dầu của Chúa Giêsu là báo trước cái chết của Ngài. Thánh Gioan đã sử dụng nguồn riêng của mình để nói về nơi chốn là Bêthany, và thời gian là “trước lễ vượt qua.” Có một sự khác nhau trong số ngày: Thánh Máccô thì hai ngày trong khi đó Thánh Gioan thì sáu ngày.

Bối cảnh là một bữa ăn tối trong gia đình: “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người” (Ga 12:1-2). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, bữa tiệc hoặc bữa ăn luôn là giây phút của chia sẻ, niềm vui và tình yêu. Đây có thể nói là một bữa cơm gia đình cám ơn Chúa Giêsu đã cho Ladarô sống lại. Chúng ta thấy Mácta vẫn làm công việc nội trợ của mình. Chi tiết này dường như lặp lại điều Thánh Luca trình bày trong Tin Mừng của mình (x. Lc 10:40). Những chi tiết trên đưa chúng ta vào bối cảnh của vở kịch mà Thánh Gioan đã tài tình viết lên. Những gì được trình bày chỉ là lời kể. Mọi sự thay đổi với sự xuất hiện của Maria: “Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12:3). Chi tiết đáng lưu ý nhất trong sự kiện này là hình ảnh dầu thơm. Loại dầu này được tinh chiết từ rễ của một loại cây mọc ở miền núi ở phía bắc Ấn Độ. Thông thường, người ta không dùng nó để xức chân. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, người phụ nữ xức dầu trên đầu Chúa Giêsu, trong khi đó trong Tin Mừng Thánh Luca, người phụ nữ lại lau chân Chúa Giêsu. Việc làm này là để chủ nhà tỏ lòng hiếu khách đối với khách mời, chứ không mang thêm ý nghĩa gì khác. Thánh Gioan đã thêm ý nghĩa của việc chuẩn bị cho ngày mai táng của Ngài: “Đức Giêsu nói: ‘Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu’ (Ga 12:7-8). Như vậy, việc Maria xức dầu chân Chúa Giêsu với dầu thơm mang hai ý nghĩa: diễn tả sự hiếu khách và báo trước cái chết của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, bản văn trong Tin Mừng Thánh Gioan có thể là kết quả của hai câu chuyện độc lập về việc xức dầu cho Chúa Giêsu. Thánh Gioan không chỉ nói đến giá trị của dầu thơm mà còn cung cấp cho chúng ta trọng lượng của số dầu được dùng giống như thánh sử đã nêu ra trong sự kiện mai táng Chúa Giêsu (x. Ga 19:39). Chúng ta rút ra được điều gì trong việc xức dầu của Maria? Chúng ta được mời gọi học ở sự quảng đại và hiếu khách của Maria dành cho Chúa Giêsu. Bình dầu thơm là kho tàng quý giá nhất của người phụ nữ. Maria đã không tính toán với Chúa Giêsu, cô đã quảng đại dốc hết bình dầu thơm để xức chân Chúa Giêsu. Chính sự quảng đại, chính sự đổ hết bình dầu, hay đúng hơn, chính sự trao ban trọn vẹn đã làm cho “cả nhà sực mùi thơm.” Như vậy, ở đâu có sự trao ban trọn vẹn cho Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, ở đó có mùi thơm của tình yêu, cảm thông và tha thứ [đối nghịch với mùi thối của xác chết trong sự kiện của Ladarô].

Hình ảnh quảng đại của Maria được đặt đối ngược với hình ảnh của Giuđa Ítcariốt: “Một trong các môn đệ của Đức Giêsu là Giuđa Ítcariốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: ‘Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?’ nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12:4-6). Giuđa chống lại sự quảng đại của Maria dành cho Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói là hiểu sai và cắt nghĩa sai hành động của Maria. Đây là điều chúng ta được khuyến cáo trong sự kiện này. Nhiều lần chúng ta cũng hiểu sai và cắt nghĩa sai những hành động tốt của anh chị em chúng ta. Hãy luôn luôn bình tâm trong mọi sự để nghĩ tốt và nói tốt cho anh chị em mình. Nếu chúng ta không làm được điều đó, chúng ta cần phải giữ thinh lặng để cảm nghiệm và hiểu mọi sự với sự cảm thông của con tim. Bên cạnh việc chỉ ra Giuđa là người không đồng ý về hành động của Maria, Thánh Gioan còn cho chúng ta thấy nguyên nhân dẫn đến sự chống đối, đó là Giuđa là ‘kẻ sẽ nộp Chúa Giêsu,’ ‘là người không lo cho người nghèo và là một tên ăn cắp.’ Thật vậy, Giuđa và Maria là hai hình ảnh trái ngược nhau: Maria là ‘bạn’ của Chúa Giêsu [người môn đệ đích thật], là người đã cung cấp những thứ quý giá nhất chuẩn bị cho việc mai táng của Ngài, trong khi đó, Giuđa, là người nộp Chúa Giêsu [người môn đệ giả dối], là một tên trộm mà việc ra đi để nộp Chúa Giêsu của Giuđa bị hiểu lầm là mua những gì cần thiết cho Lễ Vượt Qua hoặc bố thí cho người nghèo (x. Ga 13:29). Trong hai hình ảnh đối ngược này, chúng ta đang đóng vai nào?

Sự kiện Chúa Giêsu đến dùng bữa và được xức dầu trong nhà Ladarô đã trở thành nguyên nhân để Chúa Giêsu [và Ladarô] bị các thượng tế âm mưu giết: “Một đám đông người Do Thái biết Đức Giêsu đang ở đó. Họ tuôn đến, không phải chỉ vì Đức Giêsu, nhưng còn để nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do Thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu” (Ga 12:9-10). Trong những lời này, chúng ta nhận ra đám đông đến với Chúa Giêsu chỉ vì tò mò và không hoàn toàn vì Chúa Giêsu, nhưng vì Ladarô. Chính qua Ladarô mà nhiều người tin vào Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên tầm quan trọng của đời sống chứng tá của người môn đệ sau khi được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết [qua phép rửa]. Có nhiều người đến với Chúa Giêsu, nhưng đức tin của họ còn yếu kém. Họ cần được nâng đỡ bởi những người đã được Chúa Giêsu đụng chạm đến và cuộc sống đã được biến đổi. Chúng ta được mời gọi trở nên những chứng tá về đời sống mới trong Đức Kitô cho anh chị em mình, dù phải chấp nhận những đau thương và nhiều khi phải chấp nhận cái chết vì Chúa Giêsu.

THỨ BA

GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU: GIỜ TÔN VINH VÀ CỨU ĐỘ

(Is 49:1-6; Ga 13:21-33.36-38)

Hôm nay chúng ta tiếp tục nghe bài ca thứ hai về người tôi tớ của Thiên Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia. Như chúng ta đã trình bày hôm qua, bài ca thứ nhất nói về những đặc tính và sứ mệnh của người tôi tớ của Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai hôm nay chúng ta nghe về ơn gọi của người tôi tớ của Thiên Chúa. Trong bài ca thứ hai này, Ngôn sứ Isaia cũng cho chúng ta biết người tôi trung của Thiên Chúa chính là Israel (x. Is 49:3). Người tôi trung Israel là người sẽ được Thiên Chúa sử dụng để biểu lộ vinh quang của Ngài. Đọc những lời này, chúng ta không khỏi không tự vấn lòng mình bởi vì chúng ta cũng xưng mình là những người tôi trung của Thiên Chúa, nhưng liệu đời sống của chúng ta biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa cho mọi người không?

Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra từ bài đọc 1 là thái độ hoàn toàn tín thác vào Chúa và trân trọng chính nhân phẩm của mình [và của người khác], là người tôi tớ của Thiên Chúa. Isaia cho chúng ta hay rằng, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cố gắng và vất vả làm nhiều việc, nhưng kết quả lại không được như lòng mong muốn và hệ quả là chúng ta nản lòng và thất vọng. Nhưng khi chúng ta biết có Thiên Chúa là Đấng minh xét và dành sẵn cho chúng ta phần thưởng, chúng ta sẽ không thất vọng, nhưng hy vọng và tín thác hơn (x. Is 49: 4). Từ đây, chúng ta có thể nói rằng, người không tin tưởng vào Chúa luôn dễ nản lòng trước khó khăn và thất vọng khi thất bại. Điều này đưa chúng ta đến thái độ cần phải có, đó là trân trọng chính nhân phẩm và ơn gọi của mình, vì chúng ta được chính Thiên Chúa “nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi” (Is 49:5). Thật tuyệt vời khi chính Thiên Chúa trân trọng chúng ta. Tại sao chúng ta lại không trân trọng chính mình và người khác? Vì chúng ta được tạo dựng quá tuyệt vời, nên chúng ta không chỉ là tôi trung của Thiên Chúa để “tái lập” lại những gì đã rạn nứt, nhưng còn được đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ của [Thiên Chúa] đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).

Không có cảm giác nào đau buồn cho bằng cảm giác bị người thân phản bội và từ chối. Đau đớn hơn là biết trước người đó sẽ phản bội và từ chối mình. Chúng ta có thể nói đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Càng đến gần Tam Nhật Thánh, lời Chúa càng đưa chúng ta đi sâu vào trong bối cảnh gần cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm này trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu tiên báo về người sẽ nộp Ngài. Điều đáng lưu ý là Chúa Giêsu tiên báo về người nộp mình trong Bữa Tiệc Ly: “Khi ấy, đang dùng bữa với các môn đệ, Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: ‘Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.’ Các môn đệ nhìn nhau, phân vân không biết Người nói về ai” (Ga 13:21-22). Lời tiên báo về người phản bội rất giống với những gì được trình thuật trong Tin Mừng Nhất Lãm (x. Mc 14:18; Mt 26:21). Đây là lần thứ ba chúng ta thấy Chúa Giêsu xao xuyến khi mà những sự kiện về cuộc thương khó của Ngài dần dần vén mở (x. Ga 11:33; 12:27). Nếu chúng ta lưu ý, sự hiện diện của Giuđa trong hai bữa tiệc, trong nhà Ladarô và trong Bữa Tiệc Ly, mang lại sự ‘u buồn’ cho bữa tiệc, trái với ý nghĩa của bữa tiệc là niềm vui, sự chia sẻ và hiệp nhất. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại sự hiện diện của mình trong gia đình, cộng đoàn, hội đoàn hay bất kỳ nơi đâu. Chúng ta mang đến anh sáng và niềm vui hay chúng ta mang đến bóng tối và nỗi u buồn cho những nơi chúng ta hiện diện?

Hình ảnh của Giuđa Ítcariốt nhanh chóng được thay thế bằng hình ảnh của người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, người là nguồn của truyền thống của cộng đoàn: “Trong số các môn đệ, có một người được Đức Giêsu thương mến. Ông đang dùng bữa, đầu tựa vào lòng Đức Giêsu. Ông Simôn Phêrô làm hiệu cho ông ấy và bảo: ‘Hỏi xem Thầy muốn nói về ai?’ Ông này liền nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu và hỏi: ‘Thưa Thầy, ai vậy?’” (Ga 13:23-25). Người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương là người gần Chúa Giêsu nhất và câu hỏi của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương mang lại sự mặc khải về người nộp Chúa Giêsu: “‘Thầy chấm bánh đưa cho ai, thì chính là kẻ ấy.’ Rồi Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa, con ông Simôn Ítcariốt. Y vừa ăn xong miếng bánh, Xatan liền nhập vào y. Đức Giêsu bảo y: ‘Anh làm gì thì làm mau đi!’” (Ga 13:26-27). Hai hình ảnh này đặt trước chúng ta một sự chọn lựa về loại môn đệ chúng ta muốn trở thành. Chúng ta cần phải ý thức rằng chỉ có những người môn đệ được Chúa yêu hoặc ở gần cung lòng của Ngài mới nghe được nhịp đập của con tim tràn đầy tình yêu của Ngài và biết được lối sống đẹp lòng Ngài. Còn những người sống xa Ngài, sẽ luôn lầm lũi bước đi trong bóng tối. Điều này chúng ta thấy trong việc Giuđa ra đi để nộp Chúa Giêsu xảy ra trong đêm tối: “Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền đi ra. Lúc đó, trời đã tối” (Ga 13:30).

Sau khi Giuđa ra đi, Chúa Giêsu nói về “giờ” của Ngài: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13:31-32). Trong những lời này, chúng ta tìm thấy nội dung của ‘giờ’ của Chúa Giêsu, đó là thời khắc Ngài được tôn vinh và Thiên Chúa được tôn vinh nơi Ngài. Giờ mà Ngài được nâng lên khỏi đất để về với Chúa Cha. Chính sự ra đi này sẽ mang lại cho các môn đệ sự đau buồn. Nhưng Chúa Giêsu dùng những lời thật nhẹ nhàng để an ủi các môn đệ: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái: ‘Nơi tôi đi, các người không thể đến được,’ bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy” (Ga 13:33). Những lời này mang lại cho chúng ta sự ấm áp trong những giây phút chúng ta không cảm thấy Chúa ở gần bên. Chính trong những giây phút đó, Chúa Giêsu gọi nói với chúng ta với những lời thật ngọt ngào và an ủi. Liệu chúng ta có đủ lắng đọng để nghe Ngài hay không hay chúng ta để cho tiếng ồn của những đau buồn lấn át đi tiếng thì thầm đầy yêu thương của Ngài.

Bài Tin Mừng bắt đầu với việc tiên báo về Giuđa là kẻ sẽ nộp Chúa Giêsu và kết với việc tiên báo Phêrô là người chối Chúa Giêsu: “Ông Simôn Phêrô nói với Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.’ Ông Phêrô thưa: ‘Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!’ Đức Giêsu đáp: ‘Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần’” (Ga 13:36-38). Trong cấu trúc này, chúng ta nhận ra cấu trúc ‘bánh mì kẹp’ quen thuộc. Hình ảnh của hai môn đệ nộp và chối Chúa Giêsu phản ánh cách trung thực thân phận mỗi người chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi chúng ta cách ngọt ngào: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy…” Chính tình yêu này là ‘chiếc phao’ cứu chúng ta khỏi chìm xuống biển sâu của tội lỗi và thất vọng. Hãy bắt đầu lại với Chúa Giêsu!

THỨ TƯ

ĐỪNG “TRAO NỘP” CHÚA GIÊSU VÌ NHỮNG GIÁ TRỊ VẬT CHẤT

(Is 50:4-9a; Mt 26:14-25)

Các bài đọc lời Chúa trong thứ tư Tuần Thánh hôm nay trình bày cho chúng ta bối cảnh gần của cuộc thương khó Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ bắt đầu cử hành vào ngày mai. Trong bài đọc 1, chúng ta nghe bài ca thứ ba về ngưới tôi tớ của Thiên Chúa và trong bài Tin Mừng, Thánh Mátthêu tường thuật cho chúng ta nghe về việc Giuđa trao nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế. Hai bài đọc hôm nay liên quan chặt chẽ với nhau. Cách cụ thể, tâm tình của Chúa Giêsu khi bị Giuđa trao nộp được Isaia trình bày cách tuyệt hảo trong bài đọc 1 hôm nay.

Khác với bài ca thứ nhất và thứ hai, trong bài ca thứ ba, chúng ta nghe tâm tình của người tôi tớ Thiên Chúa. Trong bài tâm tình này, người tôi tớ của Thiên Chúa đã nhận ra những điều Đức Chúa đã làm trên cuộc đời của mình như một người môn đệ của Ngài. Những việc đó là: (1) làm cho người tôi tớ nói năng như một người môn đệ, đó là dùng lời của mình để nâng đỡ ai rã rời kiệt sức (x. Is 50:4); (2) đánh thức và mở tai người tôi tớ để lắng nghe Ngài như một người môn đệ và người môn đệ đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Không những thế, lời Đức Chúa làm cho người môn đệ trở nên hiền lành và khiêm nhường để có thể đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu [và] đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:4-6); (3) phù trợ và ở kề bên người tôi tớ trong mọi cơn nguy khốn, để người tôi tớ không hổ thẹn và can đảm “trơ mặt ra như đá” (Is 50:7) trước những chống đối và cáo buộc của người khác. Thiên Chúa cũng thực hiện những điều này trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng nhiều khi chúng ta vô tình không để ý đến và như thế không biết nói lên lời cảm mến ân tình. Hãy biến tâm tình của người tôi tớ của Thiên Chúa trong bài đọc 1 hôm nay thành của mình, để chúng ta biết cất lời tạ ơn Thiên Chúa trong mọi nơi mọi lúc, nhất là khi cuộc sống có nhiều gian nan và thử thách, vì chúng ta không đối diện với những đau khổ và thách đố một mình, nhưng Thiên Chúa luôn ở kề bên nâng đỡ và đồng hành với chúng ta. Chúng ta không bao giờ cô đơn một mình trong những đêm đen của cuộc đời!

Trong bài Tin Mừng hôm nay có thể được phân chia ra hai phần: (1) Giuđa Ítcariốt đồng ý trao nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế, (2) Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ và Ngài tiên báo Giuđa sẽ nộp Ngài. Phần 1 cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (14:10-11) và Thánh Luca (Lc 22:3-6). Điểm đáng lưu ý trong phần này là Thánh Luca đặt Giuđa trong sự tương phản với người phụ nữ xức dầu được trình thuật trong đoạn đi trước: “Khi ấy, một người trong Nhóm Mười Hai tên là Giuđa Ítcariốt, đi gặp các thượng tế mà nói: ‘Tôi nộp ông Giêsu cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.’ Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc. Từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu” (Mt 26:14-16). Sự tương phản ở đây hệ tại việc Giuđa được gọi là ‘một người trong nhóm Mười Hai,’ trong khi đó, người phụ nữ không có thân phận gì. Cụ thể hơn, sự tương phản nằm ở hình ảnh tình yêu trung thành của người phụ nữ không có danh tánh và sự phản bội của người có thân phận là ‘một người trong nhóm Mười Hai.’ Sự phản bội của Giuđa được trình bày trong một cuộc đối thoại mang tính ‘buôn bán.’ Giuđa đã trả giá và các thượng tế ngay lập tức đồng ý cái giá mà đã được ẩn chứa trong lời của Ngôn sứ Dêcaria (11:12). Chính cuộc đối thoại này đã đánh dấu điểm xoay quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Một giai đoạn mới mở ra. Những nhân vật chính trong cuộc thương khó của Ngài được giới thiệu và vở kịch được bắt đầu. Những chi tiết trên giúp chúng ta xét lại mối tương quan của mình với Chúa. Cũng nhiều lần chúng ta tự hào mình thánh thiện vì mình có thân phận cao trọng. Nhưng cũng không ít lần chúng ta đã phản bội Ngài. Chúng ta đã không trung thành trong tình yêu của mình dành cho Chúa như những người không có thân phận, ít học và đơn sơ. Hãy luôn là người môn đệ trung thành trong tình yêu của mình dành cho Chúa Giêsu. Đừng phản bội Ngài với việc chạy theo lối sống của thế gian.

Chúng ta cũng tìm thấy phần 2 trong Tin Mừng Thánh Máccô (14:12-21) và Thánh Luca (22:7-14,21-23) và Gioan (13:21-30). Phần này gồm việc chuẩn bị cho bữa tiệc và bữa tiệc mà trong đó Chúa Giêsu tiên báo về việc phản bội của Giuđa. Công việc chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua xảy ra dường như rất đơn giản theo lời Chúa Giêsu: “Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu: ‘Thầy muốn chúng con dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?’ Người bảo: ‘Các anh đi vào thành, đến nhà một người kia và nói với ông ấy: ‘Thầy nhắn: thời của Thầy đã gần tới, Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy.’ Các môn đệ làm y như Đức Giêsu đã truyền, và dọn tiệc Vượt Qua” (Mt 26:17-19). Lễ Vượt Qua là lễ quan trọng của người Do Thái. Lễ này kéo dài 1 tuần và 1 ngày [8 ngày]. Thành Thánh Giêrusalem đông nghẹt những người hành hương đến thuê phòng. Dân số thông thường của Giêrusalem khoảng 30 ngàn, còn khách hành hương có thể lên đến 130 ngàn. Vì vậy, việc đặt chỗ trước là cần thiết. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Chúa Giêsu nói các môn đệ đi đến nơi Ngài muốn để chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua. Điều đáng suy gẫm ở đây là thái độ của các môn đệ: họ chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua nơi Chúa Giêsu muốn chứ không phải nơi họ muốn và họ làm cách chính xác những điều Chúa Giêsu hướng dẫn. Đây chính là điều Thánh Mátthêu nhấn mạnh: sự vâng phục hoàn toàn để thực hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu. Ngài luôn là Người điều khiển. Điều này nhắc nhở chúng ta đến thái độ bất tuân và làm theo điều mình muốn hơn là điều Chúa muốn.

Trong bối cảnh vui tươi của bữa tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu tiên đoán việc phản bội của Giuđa: “Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang bữa ăn, Người nói: ‘Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy’” (Mt 26:20-21). Trong những lời này, chúng ta được cho biết là không có ai hiện diện trong bữa tiệc ngoài Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai. Điều này trái ngược với đặc tính thông thường mang tính gia đình của bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái với phụ nữ và trẻ con hiện diện. Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu thiết lập một gia đình mới, gia đình của những kẻ lắng nghe lời Người và đem ra thực hành. Trước lời tiên báo của Chúa Giêsu, những “thành viên trong gia đình mới” của Chúa Giêsu ‘tự vấn trong buồn sầu’ và hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?’ Người đáp: ‘Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy’” (Mt 26:22-23). Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ biết người nộp Ngài là người chia sẻ chung một đĩa ăn với Ngài. Nói cách khác, kẻ nộp Ngài là người được Ngài chia sẻ sự sống cho. Đây chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Được Chúa Giêsu chia sẻ chính sự sống của Ngài cho trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng chúng ta lại luôn phản bội Ngài qua đời sống tội lỗi của chúng ta. Chúng ta cũng như Giuđa, biết mình được Chúa chia sẻ sự sống cho, biết mình phản bội Chúa Giêsu mà không sám hối nhưng vẫn ‘mạnh mẽ’ hỏi Ngài: “‘Rápbi, chẳng lẽ con sao?’ Người trả lời: ‘Chính anh nói đó!’” Những lời này cho biết Chúa Giêsu biết rõ và đối diện với kẻ nộp Ngài cách trực tiếp. Chúa Giêsu cũng biết rõ và đối diện trực tiếp với chúng ta, những người nộp Ngài. Nhưng Ngài vẫn yêu thương chúng ta với tình yêu tuyệt đối. Chúng ta sẽ đáp lại tình yêu của Ngài như thế nào?

THỨ NĂM

HÃY SỐNG PHỤC VỤ VÀ YÊU THƯƠNG ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN CHÚA GIÊSU

Thánh lễ Tiệc Ly

(Xh 12:1-8.11-14; 1 Cr 11:23-26; Ga 13:1-15)

Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta vào Tam Nhật Thánh. Trong ba ngày này, chúng ta sẽ tưởng niệm những biến cố quan trọng nhất trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô. Phụng vụ hôm nay tưởng nhớ hai biến cố quan trọng sau đây: Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Đây là hai hành động không thể tách rời của một tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô: đây là một tình yêu phục vụ và trung thành, một tình yêu tự hạ và luôn hiện diện với người mình yêu. Với ước nguyện đạt được tình yêu như thế, chúng ta cùng nhau để Lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong ngày đầu tiên của Tam Nhật Thánh.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta những chỉ thị của Thiên Chúa mà dân Do Thái phải thực hiện để chuẩn bị cho bữa ăn Vượt Qua. Những chỉ thị này liên quan đến những điều sau:

Thứ nhất, ngày giờ cử hành bữa ăn: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên” (Xh 12:1-4). Hành động chọn thời gian để cử hành bữa ăn Vượt Qua ám chỉ đến việc Thiên Chúa là chủ thời gian và Ngài là Đấng điều khiển mọi sự xảy ra trong thời gian, nhất là những gì liên quan đến việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Nói cụ thể hơn, qua việc chỉ thị cho dân Israel về thời gian cử hành bữa ăn Vượt Qua, Thiên Chúa muốn nói với chúng ta rằng: Ngài chắc chắn sẽ giải thoát chúng ta khỏi đau khổ, nhưng điều đó xảy ra khi nào là ý của Ngài chứ không phải ý của chúng ta.

Thứ hai, điều kiện của lễ vật: “Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Israel đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12:5-8). Hình ảnh con chiên không tì ố được chọn làm lễ vật cho bữa ăn Vượt Qua, tượng trưng cho hình ảnh Chúa Giêsu, Con Chiên bị sát tế để máu của Ngài giải thoát chúng ta khỏi quyền lực thần chết.

Thứ ba, cách thức ăn: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa” (Xh 12:11). Hành động ăn vội vàng này nhắc nhở chúng ta về việc phải nhanh chóng quay trở về với Chúa để xin người giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi.

Thứ tư, hiệu quả của máu chiên và việc thiết lập lễ Vượt Qua: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời” (Xh 12:12-14). Chúng ta thấy rõ ở đây, chính máu chiên bôi trên cửa cứu dân Israel khỏi “tai ương tiêu diệt.” Máu chiên trong bữa ăn Vượt Qua là hình ảnh của Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra để tẩy rửa chúng ta sạch hết tội lỗi. Đây là Máu Thánh của Giao Ước mới mà Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 2 hôm nay.S

Bài đọc 2 được các học giả Kinh Thánh xem là bản văn “cổ nhất” trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Những lời được ghi lại bởi Thánh Phaolô trở thành lời truyền phép mà chúng ta thường nghe trong mỗi thánh lễ. Điểm quan trọng nhất trong bài đọc 2 mà chúng ta thường không để ý đến là câu mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “‘mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.’ Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cor 11: 25-26). Khi đọc những lời này, chúng ta thường nghĩ rằng Chúa Giêsu muốn chúng ta lập lại nghi thức bẻ bánh, tức là nghi thức trong phụng vụ Thánh Thể. Điều này không sai. Nhưng khi Chúa Giêsu nói những lời này, Ngài muốn chúng ta “làm việc này,” tức là phải đổ máu mình ra cho anh chị em mình: chồng hy sinh cho vợ, vợ hy sinh cho chồng, cha mẹ hy sinh cho con cái, con cái hy sinh cho cha mẹ và cho nhau, v.v. Chính qua những hy sinh nhỏ bé hằng ngày mà chúng ta “loan truyền Chúa đã chịu chết” cho chúng ta để rồi đến phiên mình, chúng ta cũng chết cho anh chị em của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay tập trung vào hành động rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài. Chúng ta nhận ra lối viết quen thuộc của Thánh Gioan, đó là lối viết theo nghệ thuật “sân khấu Hy Lạp.” Trong vở kịch “Rửa Chân,” Chúa Giêsu là trung tâm và nhân vật chính. Vở kịch này gồm 4 “màn chính” sau:

Màn 1: Người dẫn nói về “giờ” của Chúa Giêsu: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). Thánh Gioan cho chúng ta hay “giờ” của Chúa Giêsu là gì. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong “giờ” của Chúa Giêsu là Ngài tỏ cho chúng ta biết rằng Ngài yêu chúng ta với một tình yêu không thay đổi, Ngài yêu chúng ta “đến cùng.” Tình yêu trung thành được Chúa Giêsu diễn tả trong “giờ” của Ngài là tình yêu mà ai trong chúng ta cũng khao khát và tìm kiếm trong một thế giới đang khuyến khích một lối “yêu thương mang tính ăn liền và thực dụng.” Trong “màn” thứ nhất này, chúng ta được mời gọi nhìn lại đời sống yêu thương của chúng ta: chúng ta đã thực sự “yêu thương những ai thuộc về chúng ta, và yêu thương họ đến cùng” như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta không?

Màn 2: Người dẫn kể về hành động rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu: Chúng ta thấy trong màn này, Giuđa được giới thiệu là người bị ma quỷ gieo vào lòng ý định nộp Chúa Giêsu. Điều này nói lên ý nghĩa rửa chân của Chúa Giêsu, đó là rửa chúng ta khỏi những điều mà ma quỷ đã gieo vào trong cuộc sống của chúng ta để chống lại Thiên Chúa qua việc nộp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu bắt đầu việc rửa chân trong thinh lặng. Hành vi rửa chân là hành vi của một người tôi tớ. Tuy nhiên, điểm chúng ta cần lưu ý trong hành động rửa chân của Chúa Giêsu là: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng” (Ga 13:4). Hành vi “cởi áo ngoài ra” nói lên sự tự hạ của Chúa Giêsu: Ngài cởi bỏ vinh quang và danh dự của Ngài; Ngài cởi bỏ những danh hiệu của Ngài để trở nên người tôi tớ của Thiên Chúa. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về lời dạy của Ngài về quyền bính: Ai muốn làm lớn thì phải trở thành người phục vụ mọi người. Nói cách khác, qua hành vi “cởi áo ngoài ra,” Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cởi bỏ con người cũ của mình, cởi bỏ con người chạy theo “danh dự và vinh quang” của con người, cởi bỏ con người luôn muốn người khác phục vụ mình, để mặc lấy con người mới trong Chúa Giêsu, hầu trở nên tôi tớ phục vụ mọi người.

Màn 3: Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với Phêrô: Đây là một điều khác thường, vì trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu là Người luôn đi bước trước để bắt đầu câu chuyện với người khác, nhưng trong trường hợp này, Phêrô lại là người bắt đầu câu chuyện bằng một câu hỏi. Thực ra, câu hỏi của Phêrô không phải là câu hỏi, nhưng là một diễn tả của thái độ kinh ngạc và “không hiểu” về hành động rửa chân các môn đệ của Chúa Giêsu. Điều này nói cho chúng ta rằng: Nhiều lần trong cuộc sống, cũng như Phêrô, chúng ta cũng ngạc nhiên về những điều Thiên Chúa đã làm cho chúng ta vì chúng vượt quá trí hiểu của chúng ta. Trong cuộc đối thoại với Phêrô, chúng ta thấy Phêrô rơi vào hai thái cực: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8) và “vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13:9). Đứng trước thái độ “quá khích” của Phêrô, Chúa Giêsu đưa ông về “vị trí trung dung”: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch” (Ga 13:10). Chỉ trong thái độ trung dung này mà Phêrô mới “được chung phần” với Chúa Giêsu (Ga 13:8). Chúng ta tự hỏi: “phần” mà Chúa Giêsu nói đến ở đây là gì? Chúa Giêsu cho chúng ta biết điều này trong những lời sau: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3); và “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17:24). Như vậy, “phần” mà Chúa Giêsu nói đến chính là vinh quang Nước Trời.

Màn 4: Chúa Giêsu giải thích hành động rửa chân của Ngài: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy,’ là ‘Chúa,’ điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:13-15). Thật rõ ràng, hành động rửa chân các môn đệ của Chúa Giêsu là để nêu gương cho họ [và cho chúng ta], để họ cũng rửa chân cho nhau. Chúng ta lặp lại điều này trong mỗi thánh lễ Rửa Chân vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh và chúng ta vui thích trong việc chứng kiến nghi thức này. Chúng ta quên mất điều Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: Hãy rửa chân cho người khác như Thầy rửa chân cho anh em. Rửa chân cho người khác thôi sao? Quá dễ! Thật vậy, nếu chúng ta không hiểu hết bối cảnh của việc rửa chân thì chúng ta thấy lời mời gọi của Chúa Giêsu quá dễ để thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng việc rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ không phải là chuyện dễ. Chúng ta thấy có hai tên được nêu lên trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là Giuđa Iscariốt và Phêrô. Đây không phải là điều ngẫu nhiên, nhưng là có chủ đích vì đây là tên của một người sẽ nộp Chúa Giêsu và người kia sẽ chối Chúa Giêsu [10 người còn lại sẽ bỏ Chúa Giêsu]. Trong bối cảnh này, chúng ta mới hiểu được chiều sâu của lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh chị em thấy, Thầy đã cúi xuống rửa chân cho ‘kẻ nộp thầy,’ cho kẻ ‘chối thầy,’ và cho những kẻ ‘bỏ thầy mà chạy,’ vậy anh chị em cũng học nơi Thầy mà rửa chân cho những người đã “nộp,” đã “chối,” và đã “bỏ” anh chị em.” Đây chính là ý nghĩa của phụng vụ hôm nay. Chúng ta được mời gọi để phục vụ, yêu thương, tha thứ và hiện diện với những người đã làm cho chúng ta đau khổ.

THỨ SÁU

ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH: HIỆN THÂN CỦA TÌNH YÊU VĨNH CỬU

(Is 52:13 – 53:12; Hr 4:14-16; 5:7-9; Ga 18:1 – 19:42)

Hình ảnh của Đức Kitô bị đóng đinh nằm ở trung tâm của phụng vụ ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Hình ảnh này đưa ra ánh sáng tính chất nghiêm trọng của những đau khổ, sự cô độc và tội lỗi của con người qua muôn ngàn thế hệ. Nói cách khác, hình ảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là ‘hiện thân’ của những con người chịu đau khổ của mọi thời. Những ai chịu đau khổ, khi nhìn lên Đấng chịu treo trên thập giá có thể ‘đồng hoá’ chính mình với Ngài. Ở nơi Ngài, họ tìm được Đấng chịu đau khổ cho họ và với họ. Như thế, trải qua các thế kỷ của lịch sử Giáo Hội, thánh giá vẫn luôn luôn được xem như một hình ảnh mang lại sự an ủi và hy vọng cho những con người sầu khổ. Sự an ủi mà phát xuất từ Đức Kitô bị đóng đinh, là Đấng mang lấy những vết roi dành cho chúng ta, là điều chúng ta vẫn cần ngày hôm nay, và thật sự là chúng ta cần điều này hơn bao giờ hết. Thật sự, Ngài chính là sự an ủi duy nhất mà không bao giờ biến thành một lời hứa trống rỗng vô nghĩa. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta để chúng ta có thể có mắt để nhìn thấy và một con tim mở rộng cho sự an ủi này; để chúng ta có thể sống trong sự an ủi này và mang nó đến cho những người khác; để trong suốt ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của lịch sử, chúng ta có thể đón nhận mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm hiện diện trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của Đức Kitô, và như thế chúng ta thật sự được cứu độ.

Chính vì mầu nhiệm phục sinh đã hiện diện trong mầu nhiệm thập giá, khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, con người nhìn thấy một tương lai thật hạnh phúc đang chờ đợi sau những đau khổ và khó khăn của đời sống thường ngày. Nhìn vào thực tế của thế giới hôm nay, con người đang cố gắng tiếp tục biến đổi thế giới một cách nghiêm túc, tỉnh táo, thực tế, kiên trì, trong sự khôn ngoan của con người hầu làm cho thế giới này thành thiên đường tại thế. Bên cạnh đó, con người đưa ra một đòi hỏi và một câu hỏi mà vượt qua bất kỳ những gì là chính trị và kinh tế có thể cung cấp. Đòi hỏi của con người phải được thoả mãn và vấn nạn đặt ra được trả lời chỉ bằng Đức Kitô bị đóng đinh, Đấng mà qua Ngài, những đau khổ của chúng ta chạm đến trái tim của Thiên Chúa và tình yêu vĩnh cửu của Ngài. Đây là tình yêu mà con người khao khát; không có thứ tình yêu này, con người sẽ bị giữ lại trong một cuộc nghiên cứu vô lý dù cho tất cả những thăng tiến mà con người có thể tạo ra. Trong bối cảnh này, nhìn lên Đấng chịu treo trên thập giá, con người nhìn thấy một tình yêu mà họ luôn tìm kiếm, tình yêu mà có thể thoả mãn hết mọi khát vọng của họ. Giờ đây, chúng ta tiếp tục để lời Chúa của ngày hôm nay hướng dẫn chúng ta trong việc chiêm ngưỡng Đấng chịu treo trên thập giá.

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta hình ảnh của người tôi trung của Đức Chúa. Đây chính là hiện thân của Chúa Giêsu. Ngài là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa. Ngài “sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” (Is 52:13). Nhưng để đạt được điều đó, mọi người sẽ phải “sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ” (Is 52:14-15). Những chi tiết trái ngược này ám chỉ đến mối tương quan không thể tách rời giữa mầu nhiệm thập giá và mầu nhiệm phục sinh: qua thập giá đến vinh quang. Chi tiết này làm cho chúng ta được an ủi và vững lòng khi gặp đau khổ và khó khăn trong cuộc sống. Mỗi lần như thế, chúng ta nhìn lên Đấng chịu đóng đinh và nhận ra rằng: để đạt tới vinh quang phục sinh, Ngài cũng phải trải qua những khổ nhục. Ngôn Sứ Isaia chỉ ra những khổ nhục của Ngài như sau: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới” (Is 53:1-3). Nhưng chính trong những khổ nhục đó, Người Tôi Tớ Đau Khổ của Đức Chúa mang trên mình những án phát của chúng ta và mang lại cho chúng ta sự chữa lành do nọc độc của tội lỗi và sự chết gây ra: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53:4-5).

Một điểm khác mà chúng ta có thể suy gẫm khi nhìn lên Đấng chịu treo trên thập giá là sự hiền lành và khiêm nhường của Ngài, điều mà Ngài muốn các môn đệ của Ngài học ở Ngài. Ngài là Đấng không có tội mà phải mang lấy tội chúng ta trên mình: “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu… Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa” (Is 53:6-9). Đọc những lời này, chúng ta không thể không cảm động khi nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Ngài chấp nhận ‘bị phạt’ vì tội lỗi của chúng ta. Điều này đáng làm chúng ta suy gẫm vì có mấy người trong chúng ta sẵn sàng chịu phạt vì lầm lỗi của người khác. Ngược lại, chúng ta còn nói tiếng ra tiếng vào, gièm pha và chỉ trích. Nếu có lỗi, chúng ta cũng không sẵn sàng nhận trách nhiệm mà thường đỗ lỗi cho người khác để biện minh cho chính mình. Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta được mời gọi sẵn sàng tha thứ và đón nhận những thiệt thòi về phần mình hầu mang ơn cứu độ cho anh chị em mình. Cùng với thái độ tha thứ, chúng ta được mời gọi ‘phản ứng một cách hiền lành’ trước những bất công, ngược đãi nhắm đến mình. Đấng chịu đóng đinh đã chấp nhận bị trao nộp, chối bỏ, ngược đãi, vu khống, sỉ nhục, ức hiếp, buộc tội và thủ tiêu với thái độ khiêm nhường và hiền lành. Ngài đáp trả lại với một tình yêu sâu đậm nhất. Chỉ có tình yêu mới có thể phá tan đi chuỗi hận thù và ghen ghét.

Về phần mình, tác giả thư gởi tin hữu Do Thái trình bày Chúa Giêsu như Vị Thượng Tế siêu phàm. Ngài hiến dâng chính mình làm hy tế để giao hoà Thiên Chúa với con người. Ngài là Vị Thượng Tế duy nhất “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” Vì Ngài biết cảm thông với những yếu đuối của thân phận con người, nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:15-16). Những lời này mang lại cho chúng ta sự tự tin khi đến chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Không có những đau khổ và thử thách nào mà Ngài đã không trải qua. Điều khác biệt là Ngài không phạm tội. Vì vậy, mỗi khi bị thử thách hoặc gặp gian truân, không có phương thế nào để nhận ơn trợ giúp và sự thương xót hữu hiệu cho bằng đến ngồi dưới thập giá và chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá. Cũng chính giây phút ngồi dưới chân thập giá, chúng ta sẽ học được thế nào là vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Dưới chân thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được tiếng kêu van khóc lóc của Chúa Giêsu cầu cho con người khỏi chết đời đời. Dưới chân thập giá, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:8-9). Chỉ nơi thập giá và Đấng chịu treo trên thập giá, chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của những đau khổ và yếu đuối của kiếp sống con người.

Để hiểu thêm về ý nghĩa của phụng vụ hôm nay, chúng ta cùng nhau để Lời Chúa trong bài Tin Mừng hướng dẫn chúng ta. Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết ý nghĩa của phụng vụ hôm nay: “Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu” (Ga 19:37). Thật rõ ràng là chúng ta không suy tôn thập giá hay thánh giá, nhưng chúng ta suy tôn “Đấng bị treo trên thập giá.” Như chúng ta đã trình bày, chính thập giá là một nỗi kinh hoàng cho mọi người, nên không có gì để suy tôn. Tuy nhiên, Đấng bị đóng đinh trên đó thì đáng được suy tôn vì Ngài là Vua các vua và Chúa các chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta câu chuyện “đáng buồn,” nhưng “đáng yêu” nhất trong lịch sử nhân loại. “Đáng buồn” vì con người đã kết án và đóng đinh cách tàn ác Đức Chúa của họ vào thập giá; nhưng “đáng yêu” vì Đấng bị kết án và đóng đinh đã biến thập giá trở nên phương tiện cứu độ con người qua mọi nơi và mọi thời. Tất cả chúng ta thường tập trung vào những điểm “đáng buồn” mà quên đi những điểm “đáng yêu” của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì vậy, chúng ta tập trung vào một vài điểm “đáng yêu” trong Tin Mừng hôm nay để sống cho “đáng yêu” khi suy tôn thập giá Chúa Giêsu hôm nay.

Điểm “đáng yêu” đầu tiên là sự “đi bước trước” của Chúa Giêsu trong các cuộc đối thoại của Ngài với mọi người, cả với những người bạn cũng như kẻ chống đối. Khi những kẻ chống đối đến bắt Ngài, Chúa Giêsu bình thản tiến ra và hỏi họ chính câu hỏi mà Ngài đã hỏi các môn đệ đầu tiên. Tuy nhiên, sự khác biệt là khi hỏi các môn đệ đầu tiên Chúa Giêsu hỏi họ, “các anh tìm gì?” còn khi hỏi những người đến bắt Ngài, Chúa Giêsu hỏi, “các anh đi tìm ai?” Qua hai câu hỏi này, một câu bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai của Ngài và một câu kết thúc cuộc đời rao giảng công khai, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta cái gì quan trọng nhất trong cuộc sống: không phải “cái gì” mình đang tìm kiếm là quan trọng nhưng là “người” chúng ta đang tìm kiếm mới quan trọng. Đây chính là điểm “đáng yêu” thứ nhất mà chúng ta cần tập trung vào trong phụng vụ hôm nay. Chúa Giêsu chết vì “những gì chúng ta là” chứ không phải vì “những gì chúng ta có.” Vì vậy, chúng ta được mời gọi đặt giá trị và nhân phẩm của chúng ta và của người khác lên trên những giá trị vật chất mà chúng ta có. Điều này sẽ làm cho chúng ta trở nên đáng yêu hơn khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này.

Điểm “đáng yêu” thứ hai là thái độ bình thản của Chúa Giêsu khi đối diện với “chén Chúa Cha trao cho Ngài.” Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đối diện với chén đắng cuộc đời với thái độ khó chịu, giận dữ, hận thù và thất vọng. Khi suy gẫm cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm này, chúng ta được mời gọi đối diện với những chén đắng với sự bình thản và tràn đầy tin yêu.

Điểm “đáng yêu” thứ ba là “cái nhìn” không kết án của Chúa Giêsu dành cho Phêrô. Chính cái nhìn đầy yêu thương và tha thứ này đã cải hoá Phêrô và biến ông trở nên người sẵn sàng chết để làm chứng cho tình yêu tuyệt đối vô điều kiện đó. Học ở điểm “đáng yêu” này, chúng ta được mời gọi để nhìn người khác với ánh mắt cảm thông và tha thứ khi họ lầm lỗi trong cuộc  sống. Ánh mắt hận thù và ánh mắt yêu thương, bạn thích ánh mắt nào?

Điểm “đáng yêu” thứ tư là thái độ “can đảm” của Chúa Giêsu để bảo vệ sự thật: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18:23). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho sự sợ hãi hay tính cả nể chiến thắng chúng ta để rồi chúng ta không can đảm làm chứng cho sự thật. Điểm “đáng yêu” thứ tư mời gọi chúng ta bỏ đi lối sống giả tạo của mình để đứng về phía sự thật. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi tránh thái độ “bóp méo sự thật” đã làm cho người khác đau khổ.

Điểm “đáng yêu” thứ năm là việc Chúa Giêsu khẳng định với Philatô về vương quốc của mình: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18:36). Qua lời khẳng định này, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở cho chúng ta về quê hương thật của mình. Quê hương thật của chúng ta không thuộc về thế gian này, nhưng là quê trời, nơi không còn tiếng than khóc và đau khổ. Qua cái chết, Chúa Giêsu đã mở rộng cánh cửa Nước Trời cho chúng ta.

Điểm “đáng yêu” thứ sáu là thái độ quan tâm và yêu thương cho đến cùng của Chúa Giêsu: “‘Thưa Bà, đây là con của Bà.’ Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh.’ Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19:26-27). Chúa Giêsu biết từ nay Mẹ Maria sẽ không còn người thân để nương tựa, nên Ngài đã lo liệu cho Mẹ. Ngài đã trao phó Mẹ cho người môn đệ yêu quý chăm sóc. Đây là điểm đáng yêu xảy ra dưới chân thập giá, nơi mọi người sẽ được đưa vào trong “gia đình mới” của Chúa Giêsu. Hình ảnh này mời gọi chúng ta quan tâm và yêu thương người khác, lo lắng cho những nhu cầu của họ hơn của chúng ta. Nói cách khác, điểm “đáng yêu” thứ sáu mời gọi chúng ta mở rộng cõi lòng để “rước anh chị em” của mình vào trong “nhà mình” để yêu thương, chăm sóc và chia sẻ cuộc sống với họ.

Điểm “đáng yêu” thứ bảy và cũng là cuối cùng chính là sự “khát” của Chúa Giêsu, sự khát cho linh hồn chúng ta, những tội nhân. Trước khi phó thác thần khí vào tay Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thốt lên, “Ta khát.” Câu này gợi cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu đang nói chuyện với người phụ nữ Samaria: “Này chị, xin cho tôi ít nước. Tôi khát.” Trong câu chuyện đó, chúng ta nhận ra rằng, Chúa Giêsu không khát nước cho bằng khát tình yêu của chị. Đây chính là cái khát của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài khát tình yêu của chúng ta, hay nói đúng hơn, Ngài khát sự “đáp trả” của chúng ta trước tình yêu tha thứ và dịu hiền của Ngài. Hãy làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu bằng một quyết định thay đổi, bằng một quyết định từ bỏ tật xấu như một lời đáp trả lại tình yêu tuyệt đối của Ngài!

THỨ BẢY

HÃY VƯỢT QUA CON NGƯỜI TỘI LI CỦA CHÚNG TA VỚI CHÚA GIÊSU

Lễ Vọng Phục Sinh

(St 1:1 – 2:2; Xh 14:15 – 15:1a; Ed 36:16-17a.18-28; Rm 6:3-11; Mt 28:1-10)

Trong đêm hôm nay, phụng vụ Lời Chúa có tất cả 7 bài đọc, 5 bài từ Cựu Ước và 2 bài từ Tân Ước. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ nghe 5 trong 7 bài đọc, 3 bài từ Cựu Ước và 2 bài từ Tân Ước. Chúng ta để Lời Chúa trong phụng vụ đêm nay hướng dẫn chúng ta sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu cách xứng đáng.

Trong bài đọc trích từ Sách Sáng Thế, chúng ta được nghe về công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Một trong những điệp khúc chúng ta nghe trong suốt công trình tạo dựng đó là, “Thiên Chúa thấy [mọi sự Ngài đã sáng tạo] là tốt đẹp (x. St 1:3,10,12,18,21,25,31). Khi nghe hết bản văn, chúng ta nhận ra một khác biệt nhỏ nhưng rất quan trọng trong những lần khẳng định này. Khẳng định trong các câu 3, 10, 12, 18, 21, và 25 giống nhau và đơn giản là: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Tuy nhiên, câu khẳng định trong câu 31, sau khi Thiên Chúa sáng tạo con người, hoàn toàn khác biệt và sự khác biệt nằm ở “cấp độ tốt lành”: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” Với sự hiện diện của con người mọi sự được mang một cấp độ tốt lành cao hơn vì con người có nhân phẩm cao quý, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1: 26-27). Chính nhân phẩm cao quý này mà khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đến để phục hồi lại nhân phẩm cho họ. Đây chính là ý nghĩa của đêm nay. Nói cách khác, mầu nhiệm phục sinh là “một sáng tạo mới.” Và qua sáng tạo này Thiên Chúa sẽ phục hồi mọi sự trở nên “rất tốt đẹp”.S

Bài đọc trích từ sách Xuất Hành là bài đọc Cựu Ước bắt buộc trong phụng vụ lời Chúa đêm nay. Nó trình thuật cho chúng ta về biến cố Vượt Qua của người Do Thái. Qua biến cố này, dân Do Thái được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai Cập để đi vào đất Thiên Chúa đã hứa cho tổ phụ của họ và con cháu đến muôn đời. Đêm nay, chúng ta cử hành mầu nhiệm Vược Qua của chúng ta: cuộc Vượt Qua thoát khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi để được tự do làm con cái Thiên Chúa. Như Ngài đã chiến đấu chống lại người Ai Cập trong Cựu Ước, Thiên Chúa cũng chiến đấu chống lại quyền lực ma quỷ qua Đức Giêsu Kitô. Đêm nay, chúng ta được mời gọi để Vượt Qua con người cũ của mình, con người đã bị giam cầm bởi những thói hư tật xấu, con người bị giam giữ trong nhà tù của tội lỗi. Chúng ta được mời gọi để cho Thiên Chúa chiếm lấy chúng ta hầu biến chúng ta thành những con người tự do để yêu thương, để tha thứ và để chiếm lấy phần đất gia nghiệp mà Chúa đã hứa cho chúng ta.

Bài trích từ sách Ngôn Sứ Êdêkien ghi lại cho chúng ta những tâm tình đầy yêu thương của Thiên Chúa trước sự phản bội của dân Israel và của mỗi người chúng ta. Những lời của Thiên Chúa mang lại cho chúng ta hơi ấm của tình thương và sự an ủi: “Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành. Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36:24-28). Đêm nay, qua hơi ấm của ánh nến, chúng ta cảm nghiệm được hơi ấm tình yêu Thiên Chúa để xua tan sự băng giá trong con tim vô cảm của chúng ta.

Về phần mình, Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của Bí Tích Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được dìm trong cái chết của Chúa Giêsu, và “vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:4). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập giá với Đức Kitô, để như thế, “con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6:6). Như vậy, qua đêm nay chúng ta hoàn toàn là con người mới trong Đức Kitô. Con người cũ của ghen ghét, hận thù, nóng giận, không tha thứ, nghĩ xấu và nói xấu người khác không còn thống trị chúng ta. Thay vào đó là một con người biết cảm thông, biết an ủi, biết yêu thương và biết tha thứ cho anh chị em của chúng ta. Người nào không biến đổi như thế thì vẫn không hiểu được mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu. Hãy làm cho sự phục sinh của Chúa Giêsu được hiện thực hoá trong cuộc đời chúng ta.

Như chúng ta biết, trong đêm cực thánh này, Giáo Hội cố gắng truyền đạt ý nghĩa của mầu nhiệm được cử hành trong đêm vọng Phục Sinh: mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Để đạt được điều này, Giáo Hội nói với con cái của mình bằng một ngôn ngữ xứng hợp, đó là thứ ngôn ngữ của biểu tượng. Ba biểu tượng chính chi phối phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh là ánh sáng, nước, và “bài ca mới”, đó là, bài ca Alleluia. Chúng ta cùng nhau suy gẫm về ba biểu tượng này để hiểu và sống mầu nhiệm phục sinh của đêm cực trọng này.[1]

Trước tiên, biểu tượng ánh sáng. Đây là một trong những biểu tượng đầu tiên của nhân loại. Dù ở Phương Bắc thiếu ánh sáng hoặc ở Phương Nam dư thừa và chan hoà ánh sáng, ánh sáng ở mọi nơi đã trở thành cho con người hình ảnh của sức mạnh thần linh nhiệm mầu, sức mạnh mà con người biết rằng đã duy trì họ trong sự hiện hữu. Thật thế, có một thời ánh sáng còn hơn là một hình ảnh đối với con người. Chính thánh Augustine đã từng rung động cách sâu xa bởi vẻ đẹp lộng lẫy của ánh sáng đến nỗi thánh nhân can đảm viết: “Đức Kitô không được gọi là ‘ánh sáng’ trong cùng cách thức mà Ngài được gọi là “đá tảng góc tường.’ Cái tên ‘đá tảng góc tường’ được áp dụng cho Ngài bằng phép ẩn dụ, trong khi đó ‘ánh sáng’ được áp dụng theo nghĩa đen” (De Genesi ad litteram IV, 28, 45). Ánh sáng trần thế là sự phản chiếu trực tiếp của thực tại của Thiên Chúa và mang lại cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua tuyệt vời nhất về Ngài, Đấng cư ngụ trong ánh sáng siêu việt (1 Tim 6:16).

Chúng ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa sâu xa của hình ảnh ánh sáng trong đêm cực thánh này khi chúng ta nhìn lại năm phụng vụ. Trong năm phụng vụ, chúng ta thấy có hai đêm cực thánh, đó là Giáng Sinh và Phục Sinh. Yếu tố chung của hai đêm này là biểu tượng của ánh sáng hoà quyện với biểu tượng của bóng tối. Trong cả hai đêm, Giáo Hội sử dụng sự tương phản lẫn nhau của bóng đêm và ánh sáng để chỉ cho thấy nội dung của ngày lễ là gì trong một hình thức mang tính biểu tượng: đó là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và thế giới, sự đi vào trong thế giới cách vinh quang của Thiên Chúa, một thế giới từ chối việc chuẩn bị cho Ngài một chỗ ở và thật thế, cuối cùng vẫn không thể ngăn cản Ngài khỏi việc chiếm cho mình một chỗ trong thế giới. Vở kịch về ánh sáng và bóng tối trong lịch sử nhân loại lại có trung tâm điểm là Đức Kitô, hay tìm thấy ý nghĩa nơi Đức Kitô. Đây là một vở kịch về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Vở kịch này được bắt đầu vào ngày Giáng Sinh khi Thiên Chúa đến gõ cửa một thế giới từ chối Ngài mặc dù nó thuộc về Ngài (Ga 1,5,11). Nhưng thế giới không thể ngăn cản việc đến của Ngài. Chính Ngài trở thành “thế giới” trong việc trở thành một con người. Việc đến của Ngài dường như là một thất bại của ánh sáng, ánh sáng trở thành bóng tối, nhưng đồng thời nó là sự chiến thắng đầu tiên và dấu ẩn của ánh sáng, bởi vì thế giới đã không thể ngăn cản sự đến này của Ngài, tuy nhiên dù nó có thể đã cài then những cánh cửa của các quán trọ của nó cách cẩn thận. Điều này cho chúng ta thấy, mầu nhiệm phục sinh đã ẩn dấu trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Bây giờ, vào ngày Phục Sinh, vở kịch đạt đến cao trào và màn chính của nó. Bóng tối đã sử dụng vũ khí cuối cùng của nó, đó là sự chết. Theo một kiểu cách pháp lý khéo léo, bóng tối đã tuyên bố Sự Thật và Tình Yêu là tội phạm chính của lịch sử thế giới và đã kết tội người mang ánh sáng đến. Nhưng Sự Phục Sinh mang lại một sự đảo lộn. Ánh sáng đã chiến thắng lừng lẫy và bây giờ đang sống cách không thể bị đánh bại. Quan trọng nhất là ánh sáng đã lấy một tí của thế giới làm của riêng mình và biến nó thành chính mình.

Trong phụng vụ đêm nay, khi chúng ta chờ đợi ánh sáng Phục Sinh được thắp lên trong ngôi nhà thờ tối tăm, chúng ta phải cảm nghiệm được một sự khám phá mang tính an ủi, đó là Thiên Chúa hoàn toàn biết đêm đen mà chúng ta đang bị bao quanh. Nói tóm lại, Ngài đã thắp lên ánh sáng của Ngài tại trung tâm của đêm đen. “Ánh sáng của Đức Kitô! – Tạ ơn Chúa!” Đêm đen làm cho chúng ta có thể hiểu rõ giá trị của những gì mà ánh sáng thật sự là. Ánh sáng là sự rực rỡ, chói ngời hoặc là sự tỏa sáng giúp cho chúng ta có thể nhìn thấy; ánh sáng chỉ cho chúng ta con đường và cho chúng ta phương hướng; ánh sáng giúp chúng ta biết cả những người khác và chính mình. Ánh sáng là hơi ấm mà đã củng cố và mang lại sự biến đổi; ánh sáng an ủi và làm vui thỏa lòng người. Cuối cùng, ánh sáng là sự sống, và ngọn lửa đung đưa run rẩy nhỏ bé này là hình ảnh của một mầu nhiệm tuyệt diệu, chúng ta gọi mầu nhiệm đó là “sự sống” và mầu nhiệm đó thật sự hoàn toàn phụ thuộc vào ánh sáng. Chẳng bao lâu toàn bộ nhà thờ được sáng tỏ với ánh sáng chói lòa của những ngọn nến mà mọi người đang cầm. Vào lúc này chúng ta không chỉ cử hành Sự Phục Sinh; chúng ta còn được ban cho một cái nhìn trước về lần trở lại của Đức Chúa, Đấng mà chúng ta đi đến để gặp với những ngọn đèn thắp sáng. Đó là một cái nhìn thoáng của bữa tiệc cánh chung vĩ đại của ánh sáng, một sự nếm cảm trước tiệc cưới của Thiên Chúa, bữa tiệc mà được tô điểm bởi ánh sáng lập lòe của vô số những ngọn nến. Một cái gì đó của niềm vui: niềm vui mà đã đánh dấu bữa tiệc cưới phải là của chúng ta vào đêm hôm nay, đêm rực rỡ với những ngọn nến. Chúng ta cũng nên tự hỏi chính mình câu hỏi này: “Tôi sẽ là một trong những người ngồi tại bàn tiệc của Thiên Chúa không? Đèn của tôi sẽ có đủ dầu cho tiệc cưới vĩnh cửu không?”  Thật sự thế giới đen tối, nhưng ngay chỉ một ngọn nến cũng đủ mang ánh sáng vào trong vũng sâu của bóng tối. Không phải Thiên Chúa trao cho chúng ta một ngọn nến vào ngày chúng ta rửa tội và các phương tiện cần thiết để thắp nó lên sao? Chúng ta nên có đủ can đảm để thắp sáng ngọn nến của sự kiên nhẫn của chúng ta, sự tin tưởng của chúng ta, và tình yêu của chúng ta. Thay vì than phiền đêm tối, chúng ta nên can đảm thắp sáng ngọn nến nhỏ bé mà Thiên Chúa đã cho chúng ta vay mượn: “Ánh sáng của Đức Kitô! – Tạ ơn Chúa!”

Biểu tượng chính thứ hai của Đêm Phục Sinh là nước. Giống như ngọn nến phục sinh, chậu nước được đặt giữa cộng đoàn đang cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, được trang trí và tung hô với những lời tưng bừng ca ngợi, cho đến cao điểm khi ánh sáng và nước giao hòa trong lễ cưới bởi ba lần nhúng nến phục sinh vào trong nước thánh. Nghi thức này có thể nhắc cho chúng ta về những khoảng khắc quý giá khi mặt trời được phản chiếu trên mặt nước trong suốt và lấp lánh của một ngọn suối trên núi, đồng thời trời và đất dường như trở nên một trong sự hiệp nhất mầu nhiệm của nước và ánh sáng. Nước, giống như ánh sáng, là biểu tượng quan trọng của nhân loại. Các sử gia về tôn giáo nói cho chúng ta rằng ánh sáng là một biểu tượng của “nguồn năng lượng hạt nhân,” nước là một biểu tượng của “đất.” Đó là: các cơ thể ánh sáng mang lại sự tráng lệ, huy hoàng siêu việt của tất cả những gì là thiên giới: lộng lẫy nguy nga nhưng là một mãnh lực sự sống nguy hiểm; một mãnh lực mà vượt qua tầm với của chúng ta và không bao giờ nằm trong sự tùy nghi sử dụng của chúng ta nhưng chính nó tự do trao ban và tự do cự tuyệt. Mặt khác, nước là biểu tượng cho tất cả những gì là quý báu trên trái đất. Bất kỳ ai đã từng khát đều biết về sự thật này. Bất kỳ ai đã từng chịu sự thiêu đốt cách ác liệt của mặt trời trong nhiều giờ cho đến lúc không chịu nổi và thình lình một cách tình cờ bắt gặp một nguồn nước trong lành và lấp lánh, người đó biết rằng thật sự không có gì quý giá hơn là nước sạch và trong lành. Đó là lý do tại sao nước khơi dậy trong chúng ta ký ức về Vườn Địa Đàng và sự màu mỡ của nó. Cuối cùng, một lần nữa điều đối nghịch của tất cả những điều này để giúp chúng ta hiểu thấu hoàn toàn những gì là sự tuyệt diệu mà nước là: Bụi bẩn và nặng nhọc của ngày sống được rửa sạch khi chúng ta dìm mình trong dòng nước mà từ đó chúng ta nổi lên cách mới mẻ như là một đứa trẻ mới sinh. Điều này ám chỉ rằng, những người đã dìm mình trong nước rửa tội sẽ trở nên tinh tuyền, vì vậy phải sống xứng đáng với ơn gọi của mình.

Biểu tượng thứ ba của Phục Sinh là “bài ca mới,” Alleluia. Chúng ta phải công nhận rằng chúng ta hát bài ca mới này trong tất cả sự sung mãn của nó chỉ trong “thế giới mới,” khi Thiên Chúa gọi chúng ta bởi một “tên mới” (Kh 2:17) và mọi thứ được trở nên mới. Trong biểu tượng này, chúng ta được phép cảm nếm niềm vui lớn của đêm Vọng Phục Sinh. Bởi vì ca hát, và đặc biệt là việc hát lên bài ca mới, suy cho cùng là sự biểu hiện bên ngoài của niềm vui. Khi chúng ta nói đến các thánh trên thiên đàng ca hát, chúng ta không làm gì hơn là dùng một hình ảnh để nói cho chúng ta biết rằng toàn bộ con người của các ngài rung lên với niềm vui. Theo kinh nghiệm của chúng ta, ca hát chỉ ra rằng con người đang vượt qua các ranh giới của những gì thuần túy là lý trí và rơi vào trong một loại xuất thần; con người sống hoàn toàn với lý trí có thể diễn tả bằng ngôn ngữ hằng ngày (đó là lý do tại sao những người sống bằng lý trí ít khi bị cám dỗ để hát lên). Bây giờ, sự ca hát, mà qua đó con người đi vượt qua những giới hạn của lý trí và diễn tả toàn bộ hữu thể của mình như nó là, tìm thấy được hình thức tột đỉnh của nó trong câu hát Alleluia, bài ca mà trong đó bản chất sâu xa nhất của tất cả các bài ca đạt được sự hiện thân tinh tuyền nhất của nó.

Từ Alleluia là sự diễn tả cách nguyên thủy của từ Do Thái có nghĩa là “Chúc Tụng Yahweh!” Nhưng trong phụng vụ của đêm Vọng Phục Sinh nó chỉ mang một ẩn dụ xa của ý nghĩa nguyên thủy này, bởi vì nếu ý nghĩa nguyên thủy này là điểm chính, từ Do Thái sẽ phải được chuyển dịch. Nhưng thật sự mà nói, điều chúng ta đang bàn ở đây một cái gì đó là không thể được chuyển dịch. Alleluia đơn giản là sự diễn tả không lời trong một bài ca nói về niềm vui, một bài ca mà không đòi hỏi một lời nào bởi vì nó siêu việt trên tất cả các ngôn từ. Trong việc này, nó giống như một sự hân hoan và vui mừng mà phải được tìm thấy ở giữa mọi người, như là một phép lạ của niềm vui, của việc có thể và tự do để hân hoan, vui mừng, được bày tỏ chính mình trong mỗi dân nước. Nếu việc ca hát Alleilua là bộ phận thứ ba trong biểu tượng đầy ấn tượng sâu sắc của phụng vụ Phục Sinh, như thế nó cũng là bộ phận thứ ba trong cấu trúc căn bản của con người: một hữu thể có khả năng để ca hát và vui mừng. Alleluia giống như là sự mạc khải đầu tiên của những gì có thể và sẽ một ngày nào đó xảy ra trong chúng ta: toàn bộ con người của chúng ta sẽ trở nên một niềm vui to lớn duy nhất. Thật là một viễn cảnh tuyệt vời! Viễn cảnh này thúc đẩy chúng ta, ít là cho đêm hôm nay, quên đi tất cả những gì là thứ yếu, tầm thường, những thứ đè nặng và làm chúng ta lo lắng, và để cho chính mình bị cuốn theo bởi sự mong đợi này, sự mong đợi đó chính là thực tại tương lai đã hiện diện trong chúng ta rồi, dù kín ẩn, và như thế hát lên với toàn bộ tâm hồn và sự chân thành: Alleluia!

Tóm lại, ba biểu tượng của đêm Vọng Phục sinh hôm nay mời gọi chúng ta trở nên ánh sáng của Đức Kitô trong bóng đêm đen của thế giới, trở nên thửa ruộng màu mỡ sinh nhiều hoa trái vì được tưới mát bởi suối nguồn ân sủng, trở nên niềm vui cho thế giới bị nhấn chìm trong những đau khổ của hận thù, bệnh tật và chia rẽ. Hãy cử hành đêm nay với niềm vui và đời sống mới trong Đức Kitô.

[1] Bài chia sẻ hôm nay được trích phần lớn từ cuốn sách Dogma and Preaching của Joseph Ratzinger.

Exit mobile version