Suy niệm mỗi ngày Tuần III Thường Niên
Lm. Ngọc Dũng, SDB
THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN
CHIA RẼ DẪN ĐẾN DIỆT VONG
(2 Sm 5:1-7.10; Mc 3:22-30)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta câu chuyện về các chi tộc Israel đến xin Đavít làm vua của họ. Như chúng ta biết, Đavít làm vua nhà Giuđa trong 7 năm. Sau đó thì các chi tộc của nhà Israel đến gặp vua Đavít tại Khéprôn và xin vua cai trị họ (x. 2 Sam 5:1-2) và vua đã cai trị cả nhà Giuđa và nhà Israel 33 năm. Tổng cộng Đavít làm vua 40 năm. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta lưu ý là lời của Đức Chúa cho Đavít: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Israel” (2 Sam 5:2). Chúng thấy toàn thể kỳ mục Israel đến gặp Đavít và tấn phong Đavít làm vua Israel. Nhưng chính Thiên Chúa là người “chỉ định” và trao quyền lãnh đạo cho vua Đavít. Chi tiết này cho thấy, quyền cai trị của vua Đavít không phải là do công trạng của mình, mà đến từ Thiên Chúa. Chi tiết này nhắc nhở về quyền lực hoặc đặc ân chúng ta có không phải là do công trạng của mình, nhưng do lòng thương của Thiên Chúa. Chỉ những người nhận ra điều này mới hiểu được ý nghĩa của những gì mình có thể làm trong từng ngày sống.
Chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm là việc vua Đavít bị chống lại khi tiến đánh Giêrusalem. Dưới cái nhìn của con người, người Giơvút cho rằng: “Ông sẽ không vào đây được, vì người mù người què sẽ đẩy lui ông.” Nghĩa là: “Ông Đavít sẽ không vào đây được” (2 Sm 5:6). Nhưng cuối cùng, “Vua Đavít đã chiếm được đồn luỹ Xion, đó là Thành vua Đavít. Vua Đavít ngày càng mạnh thế, và Đức Chúa, Thiên Chúa các đạo binh, ở với vua” (2 Sm 5:7.10). Những lời này lại một lần nữa khẳng định rằng vua Đavít đã chiếm được đồn luỹ Xion và trở nên vững mạnh không phải do công trạng của mình mà do “Thiên Chúa các đạo binh ở với vua.” Điều này có nghĩa là, chúng ta chỉ có sức mạnh đích thực khi chúng ta có Thiên Chúa ở cùng. Chi tiết này giúp chúng ta trở nên khiêm nhường hơn trong đời sống hằng ngày. Chúng ta không nên dựa vào sức mình để đối diện với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, nhưng chỉ dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy rằng: Một sự việc xảy ra, nhưng có nhiều phản ứng khác nhau từ người chứng kiến. Điều này giúp chúng ta đi vào bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay và cũng chuẩn bị cho lời dạy của Chúa Giêsu trong chương 4 (1-34), dụ ngôn người gieo giống: Hạt giống được gieo giống nhau, nhưng được đón nhận khác nhau.
Tuần trước chúng ta đã thấy phản ứng rất tích cực của dân chúng về việc Chúa Giêsu chữa lành người tay bị bại liệt (Mc 3:7-12). Tiếp theo sau đó là thái độ vui mừng của nhóm Mười Hai khi được Ngài gọi và chọn (Mc 3:13-19). Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một phản ứng hoàn toàn trái ngược của các thầy kinh sư từ Giêrusalem xuống. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng nằm trước đoạn được trích hôm nay, chính người thân của Ngài cũng phản ứng tiêu cực về Ngài vì họ cho là Ngài bị mất trí (x. Mc 3:20-21). Phản ứng tiêu cực của các kinh sư làm cho họ không công nhận việc tốt của Chúa Giêsu làm, và hơn nữa là “cắt nghĩa sai” việc làm của Ngài: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mc 3:22). Trong câu này, họ kết án Chúa Giêsu với hai tội danh: (1) Ngài bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám; (2) và Ngài dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ, tức là Ngài trừ quỷ bằng sức mạnh của Xa-tan. Thật vậy, khi có thái độ tiêu cực về một người (hay khi có thành kiến về một người), chúng ta thường cắt nghĩa sai về những việc làm của người đó. Hãy loại bỏ thái độ tiêu cực và hãy tránh lối nhìn thành kiến vì chúng sẽ giết chết tình yêu trong con tim của chúng ta dành cho Chúa và cho người khác!
Đứng trước lời buộc tội của các kinh sư, Chúa Giêsu dùng một đạo lý rất bình thường để trả lời cho họ. Đạo lý bình thường trong cuộc sống mà Chúa Giêsu dùng cũng chính là lời nhắc nhở cho mỗi người chúng ta [nhất là những người sống đời thánh hiến]: “Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững” (Mc 3:24-25). Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu sử dụng ba hình ảnh để nói về một điểm: Nước nào – nhà nào – Xatan tự chia rẽ thì không thể đứng vững. Cũng vậy, chúng ta không thể đứng vững nếu chúng ta sống chia rẽ. Trong lời này, Chúa Giêsu nói lên một thực tại hiển nhiên là: Ngay cả mãnh lực của sự dữ còn cộng tác và không chống lại nhau, vì khi chi rẽ nhau thì chúng “không thể tồn tại, nhưng đã tận số (Mc 3:26), thì đối với chúng ta nếu muốn chống lại mãnh lực của sự dữ, chúng ta không được chia rẽ. Đạo lý này được hiểu rõ hơn khi chúng ta phân tích những lời tiếp theo của Chúa Giêsu.
(1) Trong câu: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được?” Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng: Làm sao Xa-tan trừ chính mình vì không ai chống lại chính mình cả. Ai cũng muốn bảo vệ chính mình. Đây là một đạo lý rất bình thường trong cuộc sống mà vì thành kiến và thái độ tiêu cực về Ngài mà các kinh sư không nhận ra. Còn nếu Xa-tan dùng một trong những thủ hạ của mình để trừ một thủ hạ khác, thì sẽ tạo nên sự chia rẽ ở giữa các thuộc hạ. Như thế sẽ tự làm cho vương quốc của nó suy tàn. Ở đây, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng trở nên nguyên nhân của sự chia rẽ bằng chính lối sống của mình hay bằng cách lôi kéo người khác về phía mình để chống đối lại anh chị em của mình.
(2) “Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27). Câu này hàm chứa việc Chúa Giêsu nói về quyền năng của mình vượt trên Xa-tan, vì Ngài có thể vào nhà nó và đuổi nó ra ngoài. Nói cách khác, Chúa Giêsu chính là “Kẻ mạnh,” Ngài trói Xa-tan lại và cướp đi tất cả những gì thuộc về nó. Nếu không thì Ngài không thể thực hiện việc trừ quỷ. Như vậy, Chúa Giêsu chính là người đến để tiêu diệt Xa-tan chứ không đứng về phía của Xa-tan. Còn chúng ta, chúng ta đang đứng về phía nào: Chúa Giêsu hay Xa-tan?
(3) “Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám” (Mc 3:28-30). Câu này được bắt đầu với từ “Amen” (“Ta bảo thật các ông”), nên là câu quan trọng nhất mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta thường hỏi tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? Tội phạm đến Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh của Tin Mừng của Máccô mà chúng ta đọc hôm nay, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không thể được tha: Đây là tội gán việc chữa bệnh và trừ quỷ của Chúa Giêsu là công việc của Chúa Thánh Thần cho quyền lực của Xa-tan. Nói cách khác, đây là tội của những ai không tin nhận Chúa Giêsu có quyền trên sự dữ và sự chết. Nói cách cụ thể hơn là chối bỏ việc tin nhận Chúa Giêsu là Chúa, Đấng, mà bài đọc 1 hôm nay khẳng định, là “đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người.” Còn tội “phạm thượng” ở đây được hiểu như là hành vi sai lầm trong việc nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc biết Đấng chúng ta đi theo và quyền lực của Ngài. Hãy để Chúa là Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đừng gán cho Ngài một danh hiệu nào khác mà không phản chiếu được Ngài là một Thiên Chúa của tình yêu và tha thứ.
****************
THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN
CHÚNG TA CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI NHÀ CỦA CHÚA GIÊSU KHÔNG?
(2 Sm 6:12b-15.17-19; Mc 3:31-35)
Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta niềm vui của vua Đavít và dân Israel khi rước Hòm Bia Thiên Chúa về nơi đã dựng sẵn: “Hôm đó, vua Đavít ra đi và rước Hòm Bia Thiên Chúa từ nhà ông Ôvết Êđôm lên Thành vua Đavít, trong niềm hân hoan. Khi những người khiêng Hòm Bia của Đức Chúa đi được sáu bước, thì vua sát tế một con bò và một con bê béo” (2 Sm 6:12b-13). Trong những lời này, chúng ta nhận ra hai yếu tố quan trọng trong việc thờ phượng, đó là thái độ vui mừng khi cung nghinh Thiên Chúa ngự vào cuộc đời chúng ta và sự quảng đại tiến dâng lên Ngài những của lễ đẹp lòng Ngài. Nhiều lần, chúng ta thấy việc cung nghinh hay đón Chúa vào trong cuộc đời mình là một gánh nặng hay chỉ được làm như một thói quen. Chúng ta không cảm thấy việc đón Chúa như là một đặc ân, một niềm vui khôn tả. Để rồi chúng ta tiếc khoảng thời gian bỏ ra để đến với Ngài. Hình ảnh vui mừng và quảng đại của vua Đavít mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ của mình khi cung nghinh Chúa vào trong lòng chúng ta khi rước lễ. Chỉ khi chúng ta có thái độ tôn thờ tương xứng, chúng ta mới có thể trở nên người mang niềm vui và bình an của Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ.
Ai trong chúng ta cũng có một gia đình và những người thân trong gia đình. Tiêu chuẩn để xác định chính là tính huyết thống. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn mới để xác định ai thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta thử xem mình có thuộc gia đình của Ngài không? Những người Thánh Máccô đề cập trong bài Tin Mừng là những người thuộc ‘máu huyết’ của Chúa Giêsu: “Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra” (Mc 3:31). Nhóm này cũng chính là nhóm được đề cập đến trong 3:21 – “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.” Còn trong bối cảnh của trình thuật hôm nay, chúng ta không biết lý do họ đến tìm Chúa Giêsu. Dù có lý do gì, chúng ta thấy tình máu mủ lúc nào cũng quan tâm chăm sóc cho nhau. Đây chính là tiêu chuẩn mà không chỉ những người Do Thái, nhưng tất cả mọi dân tộc xem là tiêu chuẩn cần thiết để cho biết một người thuộc về gia đình mình hay không.
Trong bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy đám đông không tỏ thái độ chống đối Chúa Giêsu, nhưng chuyển lời đến Ngài là “có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” (Mc 3:22). Đứng trước sự kiện này, Chúa Giêsu đi xa hơn tiêu chuẩn máu mủ để khẳng định những ai sẽ thuộc về gia đình mới của Ngài: Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mc 3:33). Trong những lời này, chúng ta thấy dường như Chúa Giêsu có những lời không mấy thân thiện với những thành viên thuộc gia đình tự nhiên của Ngài, ngược với những người thuộc gia đình thiêng liêng mà Ngài sẽ thiết lập. Theo Chúa Giêsu, những người thuộc gia đình của Ngài không chỉ là những người thuộc máu mủ, nhưng là những “ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:35). Trong một xã hội mà các mối tương quan gia đình là điều tuyệt đối rất quan trọng, thì ý tưởng một gia đình thiêng liêng có một hiệu quả là tương đối hoá các mối tương quan khác và làm cho những người theo Chúa Giêsu trở thành những người đánh giá các tương quan này trong ánh sáng của tiêu chuẩn là thánh ý Thiên Chúa. Nói cách khác, tiêu chuẩn để đánh giá một thành viên có thuộc gia đình thiêng liêng của Chúa Giêsu không là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta cần lưu ý rằng, để trở thành thành viên của gia đình Chúa Giêsu, việc nhận ra ý muốn của Ngài thì chưa đủ, nhưng còn phải đem ra thực hành. Cuộc sống thường ngày dạy chúng ta rằng nhiều lần chúng ta nhận ra ý muốn của Thiên Chúa, nhưng chúng ta không muốn đem ra thực hành vì nó đỏi hỏi chúng ta phải bỏ đi nhiều khuynh hướng và phản ứng tự nhiên trong chúng ta. Thật vậy, tìm ra thánh ý Thiên Chúa đã khó, thực hành ý muốn của Ngài lại khó hơn. Chỉ có những người “theo sát” Chúa Giêsu mới có khả năng trở thành thành viên gia đình mới của Ngài.
****************
THỨ TƯ TUẦN III THƯỜNG NIÊN
CHÚNG TA LÀ LOẠI HẠT NÀO?
(2 Sm 7:4-17; Mc 4:1-20)
Hôm qua chúng ta nghe về việc vua Đavít rước Hòm Bia Thiên Chúa về nơi cư ngụ. Nhưng điều đó vẫn chưa làm cho vua hài lòng vì vua thấy Đức Chúa vẫn ở trong nhà tạm còn vua thì ở trong cung điện sang trọng. Đây là một ý hướng tốt mà theo con người ai cũng phải tán đồng. Nhưng điều đó không phải là điều Đức Chúa muốn, nên “đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái Israel lên từ Aicập cho tới ngày hôm nay, Ta không hề ở trong một ngôi nhà, nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm. Trong suốt thời gian nay đây mai đó với toàn thể con cái Israel, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Israel mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Israel: ‘Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?’” (2 Sm 7:4-7). Trong những lời này, Đức Chúa đã cho chúng ta biết Ngài luôn luôn đồng hành với chúng ta chứ Ngài không chỉ ở trong ‘Nhà Tạm’ hay trong ‘nhà thờ’ [nhà nguyện]. Nói cách khác, chúng ta không thể ‘giam’ Đức Chúa trong những ngôi thánh đường chúng ta xây lên cho Ngài mà không để Ngài đến cư ngụ trong ngôi thánh đường bằng xương bằng thịt, đó là con tim và cuộc sống của chúng ta.
Điều thứ hai chúng ta đáng suy gẫm là việc thay vì vua Đavít dựng một ngôi nhà cho Đức Chúa, thì chính Ngài sẽ thiết lập một nhà cho vua: “Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi, một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” 2 Sm 7:11-12). Đây là một sự chuyển đổi diệu kỳ: Thay vì một ngôi nhà bị phá huỷ theo thời gian là một nhà vững bền đến muôn đời. Nói cách cụ thể hơn, những gì chúng ta làm cho Thiên Chúa thì giới hạn và chóng tàn, còn những gì Thiên Chúa thiếp lập và ban cho chúng ta thì tồn tại muôn đời. Nhiều lúc, khi làm một điều gì chúng ta nghĩ mình đang làm cho Chúa và người khác, nhưng thật ra, chính Chúa đang làm cho mình những điều trọng đại hơn, đó là làm cho tên tuổi của mình được vinh quang và lưu truyền đến muôn đời. Hãy để Chúa thực hiện những kỳ công của Ngài trên cuộc đời chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại cho chúng ta dụ ngôn Những Hạt Giống [hay Người Gieo Giống]. Nếu chúng ta lưu ý kỹ, bài Tin Mừng gồm bốn phần: bối cảnh (4:1-2), dụ ngôn (4:3-9), mục đích của dụ ngôn (4:10-12), và giải thích dụ ngôn (4:13-20). Trong phần bối cảnh, chúng ta thấy Thánh Máccô đặt Chúa Giêsu ngồi trên thuyền giảng dạy dân chúng. Ngài sử dụng dụ ngôn như là phương tiện chính để giảng dạy. Trong tiếng Hy Lạp, từ dụ ngôn parabole, ám chỉ một sự so sánh hoặc loại suy. Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn có thể được giải thích theo ba cấp độ khác nhau: Chúa Giêsu, Giáo Hội sơ khai, và Tin Mừng. Theo Dodd, dụ ngôn là một hình ảnh hoặc một sự tương đồng được rút ra từ thiên nhiên hoặc cuộc sống thường ngày nhằm nắm lấy thính giả bởi những điểm rõ ràng và lạ thường, và để lại trong tâm trí người nghe một sự nghi ngờ đủ về những ứng dụng cần thiết mà người nghe phải thực hành trong đời sống thường ngày.
Về dụ ngôn, chúng ta thấy nó đi theo một quy luật kể chuyện rất hay: ngắn gọn, lặp lại để tạo thành một kiểu mẫu để dễ nhớ, và gây kinh ngạc hoặc đối chiếu vào cuối câu chuyện. Theo các học giả Kinh Thánh, vì điểm tập trung là các hạt giống và những gì xảy ra cho chúng, nên tựa đề tốt nhất là ‘dụ ngôn các hạt giống.’ Các loại đất khác nhau cũng quan trọng, và như thế cũng có thể gọi là ‘dụ ngôn bốn loại đất.’ Nội dung chính của dụ ngôn là nói về tình yêu bao la của Thiên Chúa. Ngài ban cho con người Nước trời qua việc giảng dạy của Chúa Giêsu và sự đáp tra khác nhau của người nghe. Nói cách khác, Chúa Giêsu sử dụng dụ ngôn này để nói về những cách đón nhận đáp trả khác nhau của người nghe về sứ điệp Nước Trời mà Ngài rao giảng. Dụ ngôn này cũng là nguồn khích lệ cho những ai đang gặp sự chống đối trên con đường làm chứng cho Ngài: Nước Thiên Chúa sẽ đến với sự giàu có phong phú của nó. Điều này được ám chỉ trong những hạt lúa rơi vào đất tốt.
Trong lời giải thích, Chúa Giêsu đưa ra những chướng ngại vật khác nhau cho đức tin – Xatan (4:15), bắt bớ (4:16-17) và những vinh hoa phú quý của đời (4:18-19); nó kết thúc bằng việc vẽ lên những đặc tính cần thiết của người môn đệ (4:20). Nhưng trên hết, chúng ta cần lưu ý đến định mệnh của những hạt giống trong những loại đất khác nhau: “Còn những kẻ được gieo trên nơi sỏi đá là những kẻ khi nghe Lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay. Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe Lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn có những người được gieo trên đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ được ba chục, kẻ được sáu chục, kẻ được một trăm” (Mc 4:16-20). Chính Chúa Giêsu đã giải thích cách rõ ràng dụ ngôn này. Nhìn lại bốn loại hạt giống, chúng ta thuộc loại nào. Hay nói đúng hơn, chúng ta đang bị chướng ngại vật nào ngăn cản sự sinh hoa kết trái của lời Chúa trong cuộc đời chúng ta: Xatan, gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác, hay những kẻ nghe Lời và đón nhận?
****************
THỨ NĂM TUẦN III THƯỜNG NIÊN
NIỀM VUI TRỞ LẠI CÙNG CHÚA
Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại
(Cv 22:3-16; Mc 16:15-18)
Hôm nay cùng với Giáo Hội, chúng ta mừng kính Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại. Trong bài đọc 1, thánh nhân kể lại câu chuyện cảm động về cuộc đời mình, cuộc đời của một người tìm thấy Chúa Giêsu trong chính nghịch lý của cuộc sống. Từ câu chuyện “trở lại” [“metanoia”] của Phaolô, chúng ta rút ra được những điểm sau cho ngày sống của mình:
(1) Cuộc gặp gỡ với Chúa làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Thánh Phaolô: Từ người “bắt bớ Đạo này [Chúa], không ngần ngại giết kẻ theo Đạo, đã đóng xiềng và tống ngục cả đàn ông lẫn đàn bà” (Cv 22:4) đến người làm chứng cho Chúa. Chi tiết này mang lại cho những tội nhân, cũng như những người xem mình “không xứng đáng” với ơn Chúa, một niềm hy vọng và lạc quan. Thật vậy, Thiên Chúa có thể sử dụng những con người “tội lỗi” để nên khí cụ mang tình yêu của Ngài cho người khác. Chúa đã sử dụng một Phaolô, là người bắt bớ Chúa để trở nên tông đồ cho dân ngoại. Ngài không thể sử dụng tôi, một người “thánh thiện hơn” Phaolô vì không bắt đạo [có thể không sống đạo thôi!], để trở nên khí cụ mang tình yêu của Ngài cho gia đình (cộng đoàn) của tôi sao? Hãy cho Chúa Giêsu cơ hội để biến đổi và sử dụng chúng ta như khí cụ yêu thương của Ngài!
(2) Ngã xuống đất: “Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: ‘Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?’ Tôi đáp : ‘Thưa Ngài, Ngài là ai ?’ Người nói với tôi: ‘Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ’,” (Cv 22:7-9). Chính “cú ngã” đã làm cho Phaolô “thức tỉnh.” Chúng ta cũng đã có nhiều “cú ngã” trong cuộc sống. Nhưng chúng ta đã không “thức tỉnh.” Chúng ta để cho những “cú ngã” đó làm chúng ta mất phương hướng, mất sự nhiệt thành, mất niềm vui và trở nên chua chát với đời. Thay vì tìm thấy Chúa và nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua từng “cú ngã,” chúng ta để chính mình ngã quỵ và không đứng lên nổi để tiếp tục hành trình của mình đến nơi mà Chúa [qua người khác] sẽ nói cho chúng ta nghe việc chúng ta phải làm cho Ngài. Hãy biết lắng nghe và thức tỉnh sau mỗi “cú ngã” trong cuộc đời của chúng ta!
(3) Từ việc dắt người khác đi bắt bớ Chúa, đến việc để người khác dắt vào Đamát để biết “tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh phải làm” (Cv 22:10). Điều này đưa chúng ta trở về với thực tại của những người môn đệ, đó là những người “đi theo” chứ không phải là những người “đi trước.” Có nhiều lúc trong cuộc sống, chúng ta quá quen với việc “dẫn” người khác đến độ chúng ta quên mất rằng chúng ta cũng cần người khác [nhất là Chúa] dắt chúng ta. Đôi khi vì kiêu ngạo và thiếu khiêm nhường, chúng ta không để người khác dắt chúng ta, dù chúng ta đang “lầm đường lạc lối.” Học ở Thánh Phaolô, hãy khiêm nhường để người khác [Chúa] dắt chúng ta. Vì chỉ trong những giây phút đó, chúng ta mới biết được “tất cả những gì Thiên Chúa đã chỉ định cho anh chị em phải làm.”
(4) “Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người về các điều anh đã thấy và đã nghe” (Cv 22:15). Thánh Phaolô phải làm chứng cho Chúa về những điều ngài thấy và nghe! Nhưng ngài đã thấy gì? Đã nghe gì? Theo suy đoán dựa trên Kinh Thánh và dữ liệu lịch sử, Thánh Phaolô chịu tử đạo với Thanh Phêrô ở Rôma. Như vậy, tuổi của ngài không kém Thánh Phêrô và các tông đồ khác bao nhiêu. Theo cách suy đoán này, thì chắc chắn Ngài có nghe nói hoặc có thể đã nhìn thấy Chúa Giêsu khi Ngài còn sống. Chính vì vậy, khi nghe Chúa Giêsu gọi tên và nói với mình về kế hoạch mà Thiên Chúa muốn ngài thực hiện. Ngài đón nhận “lập tức” mà không chất vấn gì. Còn trong bài đọc 1, thánh nhân kể cho chúng ta nghe rằng: Ngài bị ánh sáng làm cho mù mắt – Ngài thấy ánh sáng và bóng tối. Ngài nghe tiếng Chúa Giêsu gọi tên và “khiển trách” mình. Điều này gợi cho chúng ta câu chuyện về Chúa Giêsu gọi các tông đồ: Gọi tên và đáp trả. Thật vậy, Thánh Phaolô đã nghe tên mình được gọi và đã nhìn thấy ánh sáng từ trời và Ngài đã làm chứng về điều đó. Ngài làm chứng về một tình yêu đã đụng chạm đến ngài cách cá vị; ngài làm chứng về một ánh sáng đã phá tan đi bóng tối trong con tim của ngài để nhìn thấy trên khuôn mặt của những người mình bắt bớ hình ảnh của Đức Kitô. Những ai có ánh sáng của Chúa chiếu toả trong tâm hồn mới có khả năng nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người mình không thích và không yêu mến.
Giáo Hội chọn phần kết luận của Tin Mừng từ Thánh Máccô về mệnh lệnh rao giảng cho muôn dân để đọc trong ngày hôm nay để nói lên sức mạnh của Tin Mừng có thể biến đổi con người. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn Tin Mừng này là phần kết thúc được thêm vào sau này [có thể vào thế kỷ thứ 2] vì nó khác biệt trong kiểu viết và ngôn từ so với những phần khác của Tin Mừng. Họ cho rằng đoạn này được dựa cách chính yếu trên Tin Mừng của Luca và một phần của Tin Mừng Gioan. Dù được thêm vào sau này vì bản văn kết thúc ở Mc 16:1-8 là không đầy đủ. Trước đoạn này là các cuộc hiện ra (Mc 16:9-14) và sau đoạn này là việc lên trời của Chúa Giêsu (Mc 16:19-20). Ở giữa việc hiện ra của Chúa Giêsu và lên trời của Ngài là lệnh truyền đi rao giảng. Điều này đưa chúng ta về với điều Thánh Gioan viết trong thư của Ngài: Chúng tôi loan báo cho anh chị em những gì chúng tôi đã nghe, những gì chúng tôi đã thấy, những gì chúng tôi đã chạm đến.
Điểm gây chú ý cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay là lời hứa của Chúa Giêsu về những dấu lạ sẽ đi theo những người đi rao giảng: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ” (Mc 16:17-18). Đây chính là nét đặc trưng của Tin Mừng Thánh Máccô. Chúng ta thấy, tất cả những dấu lạ này là những điều Chúa Giêsu đã làm trong phần đầu của Tin Mừng của Ngài. Bây giờ, khi Ngài không còn ở lại với họ cách thể lý, Ngài trao những quyền đó cho các môn đệ. Điều này có nghĩa là: Người môn đệ của Chúa Giêsu khi được sai đi không làm gì ngoài việc làm những gì mà Chúa Giêsu đã làm. Thật vậy, chúng ta là những người mang sứ điệp tin mừng, chúng ta không phải là sứ điệp. Đừng để cho cái bóng của chúng ta che mất sứ điệp mà chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu để rơi vào mối nguy hiểm là loan truyền sứ điệp của mình hơn là của Chúa.
****************
THỨ SÁU TUẦN III THƯỜNG NIÊN
ĐƯỢC SAI ĐI RAO GIẢNG TIN MỪNG YÊU THƯƠNG
Thánh Timôthê và Thánh Titô, Giám Mục
(2 Tm 1:1-8; Lc 10:1-9)
Hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Timôthê và Titô. Hai ngài là những cộng sự viên đắc lực của Thánh Phaolô. Chúng ta thấy điều này được Thánh Phaolô nói đến trong bài đọc 1. Ngài gọi Timôthê là “người con yêu dấu” (2Tm 1:2). Timôthê đến từ Lystra, thuộc Thổ Nhỉ Kỳ bây giờ. Mẹ của ngài là người Do Thái, còn cha của ngài không phải người Do Thái. Ngài được mệnh danh là “học trò của Kinh Thánh” khi còn là thiếu niên. Khoảng năm 51, Timôthy theo Phaolô và trở nên bạn đồng hành của Phaolô. Giống Thánh Phaolô, Timôthê chịu rất nhiều đau khổ của ngục tù. Khoảng năm 64, Timôthê trở thành Giám mục đầu tiên của Êphêsô. Cùng năm đó, thánh nhân nhận được hai lá thư từ Thánh Phaolô. Theo nguồn sử, Thánh Timôthê theo bước Thánh Phaolô trên con đường tử đạo cho đức tin. Năm 93, ngài bị giết bởi đám đông khi ngài chống lại việc tôn thờ ngẫu tượng.
Ngược với Timôthê, Titô sinh ra trong một gia đình ngoại giáo. Ngài không học Kinh Thánh, nhưng học triết học và văn chương Hy Lạp. Nhưng ngài theo đuổi con đường nhân đức, và ngài đã có một giấc mơ mà qua nó ngài bắt đầu đọc Kinh Thánh. Theo truyền thống, thánh nhân đến Giêrusalem và chứng kiến Chúa Giêsu giảng dạy. Và sau khi Thánh Phaolô trở lại, Titô lãnh nhận phép rửa. Thánh Titô không chỉ là người con thiêng liêng của Thánh Phaolô, nhưng còn là người bạn đồng hành và là người chuyển ngữ. Ngài là Giám Mục của Crete. Ngài không tử đạo, nhưng qua đời trong bình an vào tuổi già.
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta đọc được những lời thật chân tình của một người cha viết cho con của mình, là những lời đến từ tận đáy lòng của một người “không ngừng nhắc nhớ đến anh, trong các lời cầu nguyện của tôi, đêm cũng như ngày. Nhớ đến những giọt nước mắt của anh, tôi ước ao gặp lại anh để được chan chứa niềm vui” (2Tm 1:3-4). Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy không có điều gì tuyệt hảo hơn là luôn nhớ người khác trong lời kinh nguyện hằng ngày của mình. Chính Chúa là người sẽ nối kết và làm cho tình thân của chúng ta trở nên sâu đậm. Những mối thân tình không có Thiên Chúa và không được nuôi dưỡng bởi kinh nguyện luôn là những mối thân tình không trong sáng, hời hợt, và dễ vỡ.
Ngoài việc diễn tả tình thương của mình, Thánh Phaolô nhắc nhở Timôthê về nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên. Theo Thánh Phaolô, Timôthê phải phục vụ đàn chiên của mình không phải bởi thần khí làm cho ngài trở nên nhút nhát, nhưng là thần khí làm cho ngài được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ (x. 2Tm 1:7). Thánh Phaolô còn nhắc nhở Timôthê về việc không được hổ thẹn khi làm chứng cho Chúa Giêsu và hổ thẹn với nhau. Hãy đồng lao cộng khổ với nhau, hãy làm việc với nhau trong hoàn cảnh của mình để loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều làm cho họ nên một: Nên một trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng; nên một trong mục đích sống.
Đoạn Tin Mừng này nói lên sự khác biệt giữa người môn đệ (tông đồ) của Chúa Giêsu với các môn đệ của các môn phái khác. Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp chú giải để hiểu những điểm chính trong Tin Mừng hầu giúp chúng ta suy gẫm và sống lời Chúa ngày hôm nay tốt hơn:
(1) “Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chúa Giêsu sai đi từng hai người một gợi lại cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Ngài gọi họ từng hai người một, bây giờ Ngài sai họ đi cũng từng hai người một. Điều này làm cho chúng ta ý thức được bản chất của con người là một “hữu thể xã hội.” Chúng ta sống là sống cùng, sống với và sống cho người khác. Không ai là một hòn đảo, tự đủ trong chính mình. Chúng ta cần người khác để đáp lại tiếng Chúa và cũng cần người khác để thực hiện sứ mệnh Chúa trao. Hãy tránh thái độ “tự đủ” và “cá nhân chủ nghĩa.” Hãy học sống cùng, sống với và sống cho người khác, bắt đầu với những người bên cạnh chúng ta.
(2) “Người bảo các ông: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Lc 10:2). Điều này nhắc nhở rằng: Cánh đồng và mùa gặt là của Chúa chứ không phải là của chúng ta. Chúng ta chỉ là những thợ gặt, những người làm công, những tôi tớ vô dụng trong cánh đồng của Ngài. Cho nên, chúng ta hãy luôn nhớ chúng ta không phải là chủ mùa gặt! Chúng ta phải gặt và làm theo điều mà chủ mùa gặt muốn, chứ không làm theo ý riêng của mình. Những người làm theo ý riêng của mình có thể thành công dưới con mắt người đời. Những thành công của họ là trong một cánh đồng khác, chứ không phải trong cánh đồng của Chúa, và hoa trái họ gặt hái được không phải của Chúa, mà là của thế gian.
(3) Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10:3-4). Theo các học giả Kinh Thánh, đây là điều làm cho các môn đệ của Chúa Giêsu khi được sai đi rao giảng khác biệt với các nhà giảng thuyết của các tôn giáo hoặc nhóm khác. Đối với những người môn đệ của Chúa Giêsu, việc được sai đi không phải là một công việc dễ dàng, nhưng là một công việc gặp nhiều nguy hiểm “như chiên giữa bầy sói.” Họ không để cho mình bị chi phối bởi tiền bạc, những tiện nghi cá nhân hoặc những mối tương quan quen thuộc. Điều quan trọng đối với họ chính là sứ điệp họ được sai đi loan báo, còn những điều khác sẽ được ban thêm!
(4) “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” (Lc 10:5-7). Những người môn đệ của Chúa là những khí cụ bình an của Chúa Giêsu cho người khác. Bình an chỉ có được khi có tình yêu ngự trị. Nói cách khác, những người môn đệ của Chúa Giêsu là những người đem lại sự hiệp nhất chứ không phải là nguyên nhân của sự chia rẽ và ghen ghét. Họ không được tìm kiếm tiện nghi khi được sai đi. Điều này được Chúa Giêsu nhắc nhở trong câu: “Không được đi hết nhà nọ đến nhà kia.” Họ không được làm như thế để tìm sự so sánh và tiện nghi nơi ăn chốn ở của mình. Họ phải biết bằng lòng với điều kiện sống của mình. Chúng ta có bằng lòng với điều kiện sống chúng ta đang có không? Hay chúng ta đang đi tìm kiếm tiện nghi cho cuộc sống của mình và quên đi sứ mệnh mình đang được sai đi thực hiện, đó là, trở thành khí cụ bình an, tình yêu và niềm vui của Chúa Giêsu?
(5) “Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:8-9). Sứ điệp mà các môn đệ được sai đi luôn loan báo luôn hướng người khác về Nước Thiên Chúa, tức là hướng về Thiên Đàng. Nói cách khác, khía cạnh “cánh chung” không thể thiếu trong sứ điệp của người môn đệ. Người môn đệ phải luôn nhắc nhở cho người khác biết rằng: Quê hương thật của con người không phải thế giới này, nhưng là trên Thiên Đàng, nơi con người được hưởng niềm vui bất tận với Thiên Chúa, Đấng họ yêu mến và tôn thờ. Hãy hướng mắt người khác về trời hơn là hướng về đất trong lời nói và việc làm của chúng ta.
****************
THỨ BẢY TUẦN III THƯỜNG NIÊN
HÃY TIN TƯỞNG HOÀN TOÀN VÀO CHÚA
(2 Sm 12:1-7a.10-17; Mc 4:35-41)
Câu chuyện được thuật lại trong bài đọc 1 hôm nay nói về một thực tại xảy ra trong lịch sử con người, đó là thân phận tội lỗi của con người và tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa. Sau khi Đavít phạm tội, Thiên Chúa đã sai Nathan đến nói cho Đavít biết tội của mình và hậu quả của tội mà ông gây ra (x. 2 Sm 12:1-12). Chi tiết này cho thấy, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng cần người khác nói cho chúng ta những lỗi phạm của mình. Điều quan trọng là mình có sẵn sàng khiêm nhường nhận ra lỗi phạm của mình để xin Chúa tha thứ và thay đổi như Đavít không? Còn về phần người sửa lỗi, chúng ta cũng cần khôn ngoan khéo léo như Nathan để làm cho người khác nhận ra lỗi của mình mà không cảm thấy bị xúc phạm đến nhân phẩm. Đây là một nghệ thuật mà chúng ta phải học mỗi ngày để giúp anh chị em của mình trên con đường sám hối.
Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm là sự thành khẩn nhận lỗi của Đavít: “Tôi đắc tội với Đức Chúa” (2 Sam 12:13) và tình yêu bao la của Thiên Chúa: “Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết” (2 Sm 12:13). Đây chính là thực tế trong cuộc sống mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta lỗi phạm đến Chúa và chạy đến với Ngài thống hối ăn năn và Ngài tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Tuy nhiên, khi người khác lỗi phạm đến chúng ta và đến xin tha thứ, liệu chúng ta có mau chóng tha thứ cho họ cách vô điều kiện không?
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu ba hành động mang tính phép lạ của Chúa Giêsu. Thánh Máccô sắp xếp cấu trúc trong phần này thật tuyệt nhằm cho các môn đệ thấy Chúa Giêsu có uy quyền không chỉ trong việc giảng dạy bằng lời nói, nhưng còn bằng hành động của mình. Vì vậy, sau khi giảng dạy dân chúng và các môn đệ bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu thực hiện các hành động mang tính phép lạ để qua đó Ngài cho thấy Ngài có quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên (4:35-41), trong những người bị ám (5:1-20), trong những người bệnh tật (5:25-34), và trong sự chết (5:21-24; 35-43).
Câu chuyện Chúa Giêsu đi trên mặt biển ám chỉ đến việc Ngài có uy quyền trên Xatan hiện diện trong thiên nhiên. Đây là câu chuyện đầu tiên trong chuỗi những câu chuyện có cùng một cấu trúc hay kiểu mẫu: Một rào cản được vượt qua (biển động), hành động đầy uy quyền của Chúa Giêsu (ra lệnh cho biển im lặng), và một sự khẳng định (biển lặng và các môn đệ kính sợ). Bối cảnh phía sau của câu chuyện này có thể là tư tưởng của vùng Phía Cận Đông cổ (Ancient Near East) về biển như là biểu tượng quyền lực của sự hỗn mang và sự dữ đang cố gắng chống lại Thiên Chúa. Bằng việc làm chủ cơn bão trên biển, Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm và đánh bại các mãnh lực của sự dữ. Các người đọc của Máccô hiểu hình ảnh này được bao nhiêu thì chúng ta không biết. Vì vậy, câu hỏi của các môn đệ ở cuối trình thuật Chúa Giêsu là ai chỉ ra cho chúng ta rằng Thánh Máccô nhấn mạnh đến chân tính của Chúa Giêsu và thiết lập một lời công bố về Kitô học mang tính mặc nhiên về thần tính của Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu làm những gì Thiên Chúa làm.
Hình ảnh đáng để chúng ta suy gẫm là hình ảnh Chúa Giêsu vẫn an tâm ngủ trong khi các môn đệ vất vả chèo chống với trận cuồng phong. Khả năng ngủ của Chúa Giêsu ở đàng lái giữa sóng biển xô dập dồn chỉ cho chúng ta thấy thái độ hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa giữa biển đời nhiều khó khăn và thử thách. Giống như các môn đệ, chúng ta cũng hoảng sợ và kêu lên: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao?” (4:39) khi đối diện với những sóng gió trong cuộc sống. Chúng ta nghĩ Chúa không lo lắng gì cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết rằng nhiều khi Chúa ‘chưa’ làm gì, chứ không phải ‘không’ làm gì. Ngài muốn chúng ta hoàn toàn tín thác vào Ngài giữa sóng gió cuộc đời vì chính Ngài là Người đang nắm giữ vận mệnh của hành trình. Chúng ta có sẵn sàng tín thác để Ngài hướng dẫn hành trình của chúng ta không?