THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Mt 28,8-15
“Khi ấy, các bà vội vã rời khỏi mộ, vừa sợ hãi vừa hân hoan chạy về báo tin cho các môn đệ Đức Giêsu. Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: ‘Chào chị em!’ Các bà tiến lại gần, ôm lấy chân Người và bái lạy. Đức Giêsu nói với các bà: ‘Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em Thầy phải đến Galilê. Họ sẽ thấy Thầy ở đó.’
Các bà đang đi thì có mấy người trong đội lính canh mộ vào thành báo tin cho các thượng tế mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục và sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, các môn đệ của ông ấy đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với ông để các anh khỏi phiền hà.’ Lính đã nhận tiền và làm như họ được dạy. Câu chuyện này được phao truyền giữa người Do Thái cho đến ngày nay.”
SUY NIỆM
Phụng vụ hôm nay mở ra bằng hình ảnh đối lập giữa sự bối rối sợ hãi và một niềm vui ngập tràn: các phụ nữ vội vã rời mồ, vừa sợ vừa mừng. Trong thời khắc u ám sau cái chết của Thầy Chí Thánh, những người phụ nữ lại là những chứng nhân đầu tiên được trao phó Tin Mừng Phục Sinh. Họ không tìm kiếm một chiến thắng, một bằng chứng xác thực; họ chỉ đến để hoàn tất một nghĩa cử, để tiếp tục yêu thương, trong âm thầm.
Và rồi, chính trong tâm tình đơn sơ ấy, họ được diện kiến Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài không đến trong uy quyền, không xuất hiện giữa đám đông rầm rộ, nhưng hiện ra trước những người đơn sơ và khiêm tốn. Một lời chào ngắn gọn: “Chào chị em!”, nhưng mang sức mạnh biến đổi vận mệnh trần gian.
Sự kiện ngôi mộ trống đã gây chấn động: các bà thì tin, còn lính canh thì hoang mang. Khi các thượng tế được tin báo, thay vì sám hối hay tìm hiểu sự thật, họ lại tìm cách che giấu và bóp méo sự việc bằng hối lộ. Họ phao tin xác Chúa bị đánh cắp. Đây không chỉ là một âm mưu che đậy, mà còn là lời cảnh báo cho mọi thời đại: chân lý không phải lúc nào cũng được những kẻ có quyền chấp nhận, và sự thật đôi khi phải đi qua con đường khổ giá.
Trong khi các phụ nữ lên đường loan báo Tin Mừng, các Tông Đồ vẫn còn đóng kín cửa vì sợ hãi. Nhưng trong bài đọc Công vụ (Cv 2,22-32), chúng ta thấy một hình ảnh hoàn toàn khác. Phêrô, người từng chối Chúa ba lần, nay mạnh mẽ tuyên xưng:
“Đức Giêsu Nazareth, mà anh em đã đóng đinh, Thiên Chúa đã làm cho sống lại.”
Điều gì đã làm nên bước ngoặt này? Không phải là mồ trống, mà là cuộc gặp gỡ cá vị với Đấng đã sống lại. Chúa Giêsu đã không bỏ rơi các ông. Ngài hiện ra với họ, trao ban Thánh Thần, và biến đổi nỗi sợ thành sự can đảm, biến những con người nhút nhát thành những chứng nhân không mỏi mệt.
Sự phục sinh không chỉ là một biến cố lịch sử, nhưng là khởi điểm của một tạo dựng mới. Qua việc đánh động tâm hồn và lương tri các Tông Đồ, Chúa Phục Sinh đã phá tan những xiềng xích của sự chết và mở ra một con đường hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Từ đây, sự sống không còn bị giới hạn trong cái chết. Sống là hướng về Thiên Chúa, là dám dấn thân cho Tin Mừng. Như các Tông Đồ, như các phụ nữ đầu tiên bên mồ trống, chúng ta cũng được mời gọi trở thành chứng nhân Phục Sinh: không phải bằng những lời to tát, nhưng bằng cuộc sống đổi mới, bằng lòng tin sống động và đức ái chân thành.
Tin Mừng Phục Sinh hôm nay không chỉ là chuyện quá khứ, mà là một lời mời gọi hiện tại: hãy ra khỏi mồ tối của sợ hãi, nghi ngờ, ích kỷ, để gặp gỡ Đấng Sống lại.
Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện giữa chúng ta – trong Thánh Thể, trong Lời Ngài, trong người nghèo và trong chính lòng ta. Ngài nói: “Đừng sợ!”. Nếu dám đến gần, ta sẽ nhận ra Chúa đang trao ban một niềm vui sâu xa không gì lấy mất được – niềm vui của những người được biến đổi bởi quyền năng tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa đã chiến thắng tử thần và khai mở con đường sống muôn đời. Xin cho chúng con biết vượt qua mọi nỗi sợ hãi và nghi ngờ để dám ra khỏi “ngôi mộ” của bản thân – nơi chôn vùi đức tin và tình yêu – hầu được gặp gỡ Chúa cách sống động.
Xin cho Tin Mừng Phục Sinh thấm nhập vào đời sống chúng con, để chúng con trở nên chứng nhân can đảm giữa thế gian hôm nay.
Nguyện xin ánh sáng Chúa soi đường cho chúng con bước đi trong sự thật, và dấn thân phục vụ anh chị em mình với trái tim được biến đổi.
Amen.
THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Ga 20,11-18
Khi ấy, bà Maria đứng gần bên mộ, bên ngoài mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi nhìn vào trong mộ thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu.” Nói xong, bà quay lại, và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu. Đức Giêsu hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?” Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giêsu gọi: “Maria!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri: “Ráp-bu-ni!” nghĩa là “Lạy Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em.’” Bà Maria Magđala đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa!” và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
SUY NIỆM
Maria Magđala là nhân vật trung tâm trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Bà đến mộ vào sáng sớm với trái tim còn nặng trĩu tang chế. Tình yêu chân thành của bà dành cho Thầy Giêsu khiến bà không thể tách rời khỏi nỗi buồn sâu thẳm của cái chết. Tuy nhiên, trong cơn đau, bà không nhận ra Đấng đang sống lại, Đấng mà bà từng yêu mến.
Chúa Giêsu hiện diện ngay trước mặt bà, gọi tên bà – “Maria” – và chỉ khi ấy, đôi mắt bà mới được mở ra. Biến cố nhận ra Thầy không diễn ra nhờ lý trí hay thị giác, mà bởi trái tim được đánh động bởi tiếng gọi đầy thân tình. Điều ấy cho thấy: để nhận ra Chúa Phục sinh, cần có một sự vượt thoát khỏi thế giới cũ – thế giới của đau thương, thành kiến và cái nhìn xác thịt.
Maria đã không nhận ra Chúa, không phải vì Ngài ẩn mình, nhưng vì chính bà vẫn ở lại trong “thế giới cũ”: một thế giới còn vương vấn cái chết, còn mang hình ảnh Thiên Chúa theo cái nhìn phàm trần. Khi ta nhìn Chúa Giêsu như một ký ức, một biểu tượng tôn giáo, hay một đối tượng đạo đức, thì cái nhìn ấy sẽ không đủ để gặp gỡ Ngài, Đấng đang sống, đang yêu, đang hiện diện.
Như Maria, nhiều khi chúng ta cũng đi tìm Chúa trong ký ức buồn, trong tượng đá, hay trong một thứ niềm tin đã “định hình”, nhưng thiếu sinh khí. Khi trái tim ta chỉ còn là mộ trống thì đời sống thiêng liêng cũng là một hành trình tìm kiếm không lối thoát, tràn ngập nước mắt và thất vọng.
Trong Bài đọc I hôm nay, thánh Phêrô công bố một con đường rất rõ ràng: “Anh em hãy sám hối và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội và lãnh nhận ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38). Điều này cho thấy: muốn nhận ra Chúa Phục sinh, chúng ta phải thực sự thay đổi – không chỉ bên ngoài, mà tận trong lòng.
Phép rửa không phải là nghi lễ hình thức. Đó là một cái chết – chết đi với con người cũ: với ganh tỵ, đố kỵ, hận thù, mê đắm sắc dục, kiêu căng, chia rẽ… Và cũng là một sự sống mới – sống nhờ Chúa Thánh Thần: sống trong yêu thương, hiền lành, tiết độ, quảng đại, vui tươi và tha thứ.
Sự Phục sinh không phải là một sự kiện bên ngoài, nhưng là một thực tại bên trong – là sự sống của Thiên Chúa trong linh hồn ta. Đó là khi ta không còn sống cho mình nữa, mà cho Đấng đã yêu thương và hiến mình vì ta.
Khi Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi Ta được giương cao lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”, Ngài khẳng định sự Phục sinh không chỉ là khải hoàn của một cá nhân, mà là cuộc vượt qua của cả nhân loại. Ta không chỉ là những người tôn thờ Đức Kitô từ xa, nhưng là những chi thể sống động trong thân thể Phục sinh của Ngài.
Ngài không chỉ đồng hành với ta trong kiếp nhân sinh mỏng dòn, mà còn kéo ta vào trong sự sống thần linh, trong vinh quang phục sinh của chính Ngài. Nhờ phép rửa, ta được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô – “làm Chúa với Ngài”, như cách nói đầy thiêng liêng của các Giáo phụ.
Cuộc hoán cải của Maria bắt đầu từ khoảnh khắc bà nghe tiếng Chúa gọi tên mình. Chúa vẫn đang gọi mỗi người trong chúng ta hôm nay. Ngài gọi ta qua một đoạn Lời Chúa, một thánh lễ, một người anh em, một biến cố đời sống… Nhưng nếu lòng ta đầy ắp những lo toan, định kiến, hay mê mải tìm kiếm nơi những ngôi mộ trống – ta sẽ không nghe thấy tiếng Ngài.
“Maria!” – “Ráp-bu-ni!” – cuộc đối thoại ấy diễn ra mỗi ngày trong tâm hồn những ai biết mở lòng, biết khóc vì khát khao, biết trống rỗng để đón nhận sự sống mới.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã sống lại để trao ban cho chúng con niềm hy vọng vĩnh cửu. Như Maria Magđala, nhiều lần chúng con không nhận ra Chúa giữa những tất bật và khô khan của cuộc sống. Xin Chúa gọi tên từng người chúng con, đánh thức trong tâm hồn chúng con khát vọng tìm gặp Chúa.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối đích thực, để từ bỏ con người cũ, đón nhận sự sống mới do Thánh Thần Chúa hướng dẫn. Xin cho cuộc đời chúng con trở thành chứng tá sống động của niềm vui Phục sinh, để mọi người khi nhìn vào chúng con, cũng có thể thốt lên: “Tôi đã thấy Chúa!”
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ TƯ TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Lc 24,13-35
Cùng ngày hôm ấy, có hai môn đệ đi đến một làng tên là Emmau, cách Giêrusalem độ sáu mươi dặm. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Và đang khi họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Chúa Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị che phủ, nên không nhận ra Người.
Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy hôm nay!” Người hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nazareth, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân; thế mà các thượng tế và thủ lãnh đã nộp Người để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Nhưng nay các việc ấy đã xảy ra được ba ngày rồi. Hơn nữa, mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi sửng sốt. Họ đã ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người đang sống. Vài người trong nhóm chúng tôi cũng đã ra mộ và thấy mọi sự như mấy bà đã nói, còn chính Người thì họ không thấy”.
Bấy giờ Người nói với hai ông rằng: “Ôi những kẻ khờ dại và chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới được vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi khởi từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong toàn bộ Kinh Thánh.
Khi gần tới làng họ định đến, Người làm như còn phải đi xa hơn nữa. Nhưng họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn”. Người vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra và trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ bảo nhau: “Dọc đường khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, trở lại Giêrusalem. Gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp, họ nói: “Chúa đã sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường, và việc họ đã nhận ra Người khi bẻ bánh.
SUY NIỆM
Bài đọc thứ nhất hôm nay (Cv 3,1-10) ghi lại một biến cố quan trọng: Thánh Phêrô và Gioan chữa lành người què ở Cửa Đẹp của Đền Thờ. Họ không cậy dựa vào vàng bạc hay thế lực trần thế, mà đơn giản tuyên xưng: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô Nazareth, anh hãy đứng dậy mà đi!” – và phép lạ xảy ra.
Từ hai con người từng hoảng sợ, từng chối Thầy, nay các Tông đồ đã trở nên mạnh mẽ đến kỳ diệu. Bởi họ đã gặp Đấng Phục sinh, và không còn nghi ngờ rằng chính Đức Giêsu vẫn đang sống, đang ở trong họ, đang hành động qua họ.
Trong trình thuật Tin Mừng Luca, hai môn đệ đi về Emmau mang theo tâm trạng ê chề, tan nát niềm hy vọng. Dù đã nghe tin từ các phụ nữ loan báo Chúa sống lại, nhưng họ vẫn coi đó là “chuyện đàn bà con nít”. Chỉ khi Đấng Phục sinh đồng hành, cắt nghĩa Kinh Thánh và bẻ bánh, họ mới nhận ra Người.
Điều kỳ diệu là: ngay sau cuộc gặp gỡ ấy, từ hai kẻ chán nản, họ trở nên đầy sức sống và lập tức quay lại Giêrusalem để loan báo Tin Mừng.
Kinh Thánh là kho tàng không ngơi nhắc đến tình yêu trung tín của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không khuất phục trước tội lỗi và cái chết. Chúa Giêsu phục sinh là bằng chứng sống động của tình yêu đó. Như hai môn đệ Emmau, chúng ta chỉ có thể hiểu và tin khi để cho Lời Chúa “đốt cháy” lòng mình.
Trong nghi thức “bẻ bánh”, hai môn đệ Emmau đã nhận ra Chúa. Cũng thế, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Phục sinh hiện diện cách sống động, nuôi dưỡng và biến đổi chúng ta. Nếu ta đến với Thánh Thể cách thành tâm, niềm tin sẽ được khơi dậy và củng cố mỗi ngày.
Chúa Phục sinh không hiện ra với từng cá nhân biệt lập, nhưng luôn quy tụ các môn đệ trong cộng đoàn. Chính nơi sự chia sẻ, yêu thương, cùng nhau cầu nguyện, Chúa đang sống và hoạt động giữa chúng ta. Cộng đoàn là thân thể của Đức Kitô, và chính nơi đây đức tin của mỗi người được nuôi dưỡng và tăng trưởng.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,
Chúng con cảm tạ Chúa đã đồng hành với chúng con trong hành trình cuộc sống, dù nhiều khi mắt chúng con bị che khuất bởi thất vọng, nghi nan và định kiến. Xin Chúa ban Thánh Thần để chúng con biết lắng nghe Lời Chúa với con tim mở rộng, biết yêu mến Thánh Thể với lòng tin sống động, và biết xây dựng cộng đoàn trong tinh thần hiệp nhất và yêu thương.
Xin cho chúng con, như hai môn đệ Emmau, nhận ra Chúa đang hiện diện và để lòng mình bừng cháy lên vì được gặp Ngài.
Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Lc 24,35-48
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường, và việc họ đã nhận ra Chúa lúc bẻ bánh. Mọi người còn đang bàn chuyện ấy, thì chính Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem.
Thấy các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông dâng Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói rằng: tất cả những gì sách Luật Môsê, các ngôn sứ và Thánh vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ, Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
SUY NIỆM
Ngay cả sau khi đã thấy mồ trống, được nghe lời chứng của các phụ nữ, và cả sau cuộc gặp gỡ ở Emmaus, các Tông đồ vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng. Khi Chúa Giêsu hiện ra, các ông kinh hãi và ngỡ ngàng, tưởng là thấy ma. Điều đó cho thấy, đức tin phục sinh là một hành trình, đòi hỏi thời gian, kiên nhẫn, và ân sủng Thiên Chúa can thiệp trực tiếp để mở mắt, mở lòng con người.
Ngày nay cũng thế, không phải ai nghe nói về Chúa Phục sinh là lập tức tin tưởng. Phải có sự huấn luyện nội tâm, qua Lời Chúa, qua cầu nguyện, qua trải nghiệm đời sống cộng đoàn và các Bí tích. Chính Chúa là Đấng chủ động giúp ta “hiểu Kinh Thánh” và “nhận ra Người” trong đời sống thường nhật.
Chúa Giêsu đã cho các Tông đồ nhìn thấy, sờ chạm, và Người còn ăn cá nướng để khẳng định: Người không phải là một bóng ma, mà là Chính Đấng đã sống, đã chết, và nay sống lại với thân xác vinh hiển.
Chi tiết “ăn cá nướng” thật đơn sơ nhưng sâu sắc: Chúa không chỉ sống lại “tinh thần”, mà toàn thể con người của Người – cả thân xác – đã được biến đổi. Và điều kỳ diệu là: Người sống lại không để mình vinh hiển, mà để chúng ta được chia sẻ sự sống mới ấy. Sự sống ấy được trao ban từng ngày qua Thánh Thể, là chính Mình và Máu phục sinh của Người.
Để củng cố đức tin của các môn đệ, Chúa Giêsu đã dùng đến Kinh Thánh, khi Người nói: “Tất cả những gì sách Luật Môsê, các ngôn sứ và Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Như thế, Mầu nhiệm Vượt Qua không phải là biến cố bất ngờ, nhưng là cao điểm của kế hoạch cứu độ Thiên Chúa đã hoạch định từ ngàn xưa.
Đức tin của người Kitô hữu không thể lớn mạnh nếu không sống nhờ Lời Chúa. Mỗi khi đọc Kinh Thánh cách cẩn trọng và cầu nguyện, chúng ta như được chính Chúa Giêsu mở lòng, mở trí để nhận ra chân lý: Người là Đấng phải chịu khổ hình, chịu chết, và sống lại để đem lại ơn tha tội cho toàn nhân loại.
Trong bài đọc thứ nhất (Cv 3,11-26), thánh Phêrô – người từng chối Chúa – giờ đây đứng lên mạnh mẽ rao giảng: “Không phải do quyền năng hay lòng đạo đức của chúng tôi, mà chính là nhân danh Đức Giêsu mà người này được chữa lành”. Đức tin đích thực luôn dẫn đến một cuộc hoán cải đời sống, từ sợ hãi thành can đảm, từ ích kỷ thành hiến dâng.
Phêrô không chỉ là người tin, mà đã trở thành chứng nhân. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi ông để Chúa thay đổi lòng trí, nhận biết tội lỗi, đón nhận lòng thương xót, và nhất là được sai đi để loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh,
Chúng con tạ ơn Chúa đã hiện ra với các Tông đồ không phải chỉ để chứng tỏ vinh quang, nhưng để củng cố đức tin và sai họ đi làm chứng cho Chúa.
Xin cũng hiện diện trong cộng đoàn chúng con hôm nay – trong từng Thánh lễ, trong Lời Chúa, và nơi mỗi người anh em – để chúng con có thể nhận ra Chúa, cảm nghiệm tình yêu phục sinh, và để chính cuộc đời chúng con được biến đổi.
Xin ban Thánh Thần của Chúa để chúng con biết ăn năn, sám hối, và trở thành những người mang Tin Mừng sự sống đến với mọi người.
Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
THỨ SÁU TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Ga 21,1-14
Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như sau: Ông Simon Phêrô, ông Tôma gọi là Didymô, ông Nathanael người Cana miền Galilê, các con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi các ông ra đi và lên thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.
Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói thế, ông Simon Phêrô vội khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ, kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách khoảng gần một trăm mét.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn than hồng, có cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá anh em mới bắt được tới đây.” Ông Simon Phêrô lên thuyền, kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn: tất cả được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy, mà lưới không rách.
Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn.” Không ai trong các môn đệ dám hỏi: “Ông là ai?”, vì các ông biết đó là Chúa. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
SUY NIỆM
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay mở ra trong một khung cảnh hết sức đời thường: những người ngư phủ trở lại với công việc cũ, sau cuộc biến cố đầy huyền nhiệm nơi mồ trống. Phêrô, cùng với các bạn, đã lên thuyền đi đánh cá, như thể muốn tìm lại chút ổn định giữa xáo trộn lòng mình. Họ kinh nghiệm, họ nỗ lực, nhưng suốt đêm chẳng bắt được gì. Một tiếng “không” khô khốc vang lên khi Chúa hỏi: “Các con không có gì ăn ư?”
Đó không chỉ là sự trống rỗng của chiếc lưới, mà còn là biểu tượng cho sự trống trải trong lòng người khi sống mà thiếu sự hiện diện của Chúa. Bao công sức, kinh nghiệm, toan tính… tất cả đều vô nghĩa nếu không đặt dưới ánh sáng Lời Chúa.
Chúa phục sinh đã hiện ra, không như một Đấng quyền uy lẫm liệt, nhưng đứng lặng lẽ trên bờ, hỏi han dịu dàng, quan tâm chân thành: “Có gì ăn không?” Ngài không trách móc, không quở phạt, nhưng đồng hành, cảm thông, chỉ dẫn: “Hãy thả lưới bên phải thuyền.”
Chúa Giêsu không phá vỡ quy luật tự nhiên, nhưng Ngài cho thấy sự mầu nhiệm của ân sủng: khi ta làm theo Lời Ngài, phép lạ sẽ đến. Mẻ cá lạ lùng không chỉ là thành quả vật chất, mà là dấu chỉ thiêng liêng: chính sự vâng phục đơn sơ đã mở đường cho nhận biết Chúa.
Chính “người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến” đã thốt lên: “Chúa đó!” Chỉ tình yêu mới nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh — không bằng mắt xác thịt, nhưng bằng con tim đã từng tựa vào ngực Chúa trong bữa Tiệc Ly. Tình yêu là đôi mắt tinh tế nhất để nhận ra sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa giữa bao lao nhọc thường ngày.
Khi các môn đệ lên bờ, họ không chỉ thấy than hồng và cá nướng, mà còn thấy chính Chúa là người đã chuẩn bị sẵn bữa ăn cho họ. Một Đấng Phục Sinh lại cúi mình nướng cá, dọn bánh, phục vụ con người — thật là một mạc khải đầy nghịch lý nhưng chan chứa yêu thương. Chính đó là khuôn mặt thật của Thiên Chúa: “Thầy ở giữa anh em như người phục vụ” (Lc 22,27).
Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình, không phải chỉ để ban cho ta một đời sống mai sau, nhưng để ở lại giữa ta trong từng khoảnh khắc, trong từng thất bại, đói khát, lo âu, và cả trong những buổi sáng đầy ánh bình minh sau đêm dài mệt nhọc.
Nếu Chúa đã rửa chân cho ta, đã dọn bàn cho ta, đã cho ta ăn Mình và Máu Ngài… thì giờ đây đến lượt ta, cũng phải biết rửa chân cho nhau, trao ban chính mình, sống như bánh bẻ ra cho anh em. Chúng ta đã ăn lấy Chúa, thì cũng phải trở nên tấm bánh cho tha nhân. Như các tông đồ, ta được mời gọi không chỉ nhận biết Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, mà còn trở thành khí cụ của tình yêu Phục Sinh ấy cho thế giới này.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa vẫn hiện diện giữa cuộc đời chúng con, không phải như Đấng xa vời quyền thế, mà như người bạn âm thầm dõi bước bên cạnh, như người Thầy cúi mình rửa chân, như người Cha chuẩn bị bữa ăn yêu thương.
Xin cho chúng con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa những bận rộn hằng ngày, nơi thất bại, nơi lao nhọc, nơi những tiếng “không” khô cằn trong đời sống.
Xin cho chúng con biết vâng nghe Lời Chúa, biết sống hiền hòa, khiêm nhu và phục vụ lẫn nhau như chính Chúa đã nêu gương.
Và khi chúng con được ăn lấy chính Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể, xin cho chúng con cũng trở thành bánh bẻ ra cho anh chị em mình.
Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con, và xin cho khuôn mặt Phục Sinh của Ngài được rạng ngời trong từng ngày sống của chúng con. Amen.
THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Phúc âm Mc 16,9-15
Sau khi sống lại vào lúc sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mađalêna là người Người đã trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ từng ở với Người, lúc ấy đang buồn sầu khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, họ vẫn không tin.
Sau đó, Đức Giêsu lại hiện ra dưới một hình dạng khác với hai người trong nhóm họ đang trên đường đi về miền quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông này cũng không tin hai người ấy.
Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một, đang khi các ông dùng bữa; Người trách các ông không tin và cứng lòng, vì đã không tin những người đã thấy Người sau khi Người sống lại. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
SUY NIỆM
Sau cuộc Thương Khó và cái chết trên thập giá, Đức Giêsu không những sống lại, mà còn tiếp tục hiện ra với các môn đệ mình trong những hoàn cảnh rất đời thường: khi họ đang đi đường, đang buồn sầu khóc lóc, hoặc đang cùng nhau dùng bữa. Dù họ đã nghe biết, thậm chí gặp gỡ, họ vẫn cứng lòng tin. Và chính trong sự cứng tin ấy, Chúa vẫn không từ bỏ họ. Ngài khiển trách, nhưng đồng thời giao phó sứ mạng cao cả: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.”
Chúa Giêsu không tuyển chọn những người hoàn hảo để truyền giáo. Ngài chọn những kẻ yếu đuối, nhát đảm, những người từng bỏ chạy trong đêm tối sợ hãi. Nhưng Ngài chọn họ để biến đổi họ, để những người đó trở nên chứng nhân của tình yêu và quyền năng phục sinh. Điều này không chỉ dành cho các tông đồ xưa, mà còn dành cho mọi Kitô hữu hôm nay.
Đã hai ngàn năm trôi qua kể từ ngày Chúa truyền lệnh loan báo Tin Mừng. Giáo Hội đã và đang hiện diện trên khắp các châu lục. Các thánh đường mọc lên, các họ đạo lớn mạnh. Nhưng cũng đã hai ngàn năm, thế giới này vẫn chỉ là một phần nhỏ được biến đổi, còn biết bao vùng đất – thậm chí từng là “đạo gốc” – nay lại trở thành “ngoại đạo”, lạnh lùng với Tin Mừng.
Nhiều Kitô hữu ngày nay vẫn còn nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là nhiệm vụ của linh mục, của tu sĩ. Họ lặng lẽ đóng góp chút tiền vào ngày khánh nhật truyền giáo, rồi xem như đã xong trách nhiệm. Nhưng sứ mạng truyền giáo không loại trừ ai. Đức Kitô đã phục sinh vì tất cả nhân loại, nên tất cả những ai thuộc về Ngài đều phải rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống của mình.
Thế giới hôm nay không còn dễ tin vào những lời giảng dạy suông. Họ muốn thấy Thiên Chúa, thấy sự thật, thấy yêu thương. Nhưng họ sẽ không thấy Ngài nơi một Kitô hữu ích kỷ, lừa lọc, nơi một người Công giáo chỉ biết vật chất, nơi một người nói về Chúa nhưng sống như chưa hề biết Ngài.
Chỉ khi nào ta sống yêu thương như Đức Kitô, chỉ khi nào cuộc đời ta trở nên chứng tá sống động, khi ấy người khác mới có thể nhận ra Ngài.
Rao giảng Tin Mừng không cần bắt đầu từ bục giảng, mà bắt đầu từ những cử chỉ yêu thương nhỏ bé: tha thứ khi bị xúc phạm, chia sẻ với người đau khổ, bảo vệ sự thật khi bị áp bức, và can đảm sống khác với thế gian. Khi đó, Chúa phục sinh sẽ được “thấy” nơi cách ta sống và yêu thương.
Ngày xưa, con người đã giết Thiên Chúa Tình Yêu vì họ không muốn từ bỏ ích kỷ, không muốn tình yêu ấy phá vỡ những tính toán của họ. Hôm nay, nếu chúng ta yêu như Chúa, rất có thể ta cũng sẽ bị tẩy chay, nhạo cười, kết án. Nhưng chính trong những khước từ ấy, chúng ta nên giống Đức Kitô hơn cả.
Thánh Phêrô đã từng đứng lên, nói thẳng vào mặt những kẻ quyền thế rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta.” Và như thánh nhân, biết bao chứng nhân đã dám chết vì Tin Mừng, như cha Macximilianô Kolbê, người đã hiến mạng sống để cứu một người cha trong trại tập trung, làm chứng cho tình yêu Đức Kitô bằng chính cái chết của mình.
Thế giới hôm nay đang khủng hoảng ý nghĩa sống, họ đánh mất niềm vui và hy vọng. Nhưng chính chúng ta – những Kitô hữu – có thể mang lại cho họ niềm vui và cứu cánh ấy. Bởi vì cùng đích và ý nghĩa cuộc đời làm người chính là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là tình yêu. Nếu không có Thiên Chúa, cuộc sống con người chỉ là một bi kịch triền miên. Nhưng nếu có Ngài, mọi khổ đau, mọi bất công đều có thể được đổi thành vinh quang phục sinh.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh,
Chúa đã hiện ra với các môn đệ trong lúc họ cứng lòng tin, và trao cho họ sứ mạng loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Xin cho con hôm nay biết đón nhận sứ mạng ấy, không phải bằng những lời lẽ cao siêu, nhưng bằng một đời sống đơn sơ yêu thương như Chúa.
Xin đừng để con nên cớ vấp phạm cho tha nhân, nhưng qua từng cử chỉ nhỏ bé của con – một ánh mắt, một lời nói, một hành động phục vụ – người khác có thể nhận ra khuôn mặt sống động của Chúa đang hiện diện.
Xin cho con can đảm làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa một thế giới thờ ơ, bất tín, để dù bị từ chối, con vẫn trung tín. Vì con biết: chỉ khi yêu như Chúa, con mới thực sự sống như Chúa.
Amen.