Suy niệm mỗi ngày: Tuần Bát Nhật Phục Sinh

233

SUY NIỆM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH

LM. Ngọc Dũng, SDB

THỨ HAI

HÃY BIẾN CUỘC SỐNG CỦA BẠN THÀNH BÀI GIẢNG
VỀ SỰ PHỤC SINH CỦA CHÚA GIÊSU

(Cv 2:14.22b-33; Mt 28:8-15)

Trong Mùa Phục Sinh, các bài đọc 1 được lấy từ sách Công Vụ các Tông Đồ. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai, cuốn sách này được gán cho Thánh Luca. Theo các học giả Kinh Thánh, sách Công Vụ các Tông Đồ là cuốn thứ hai trong bộ sách hai cuốn của Thánh Luca viết về lịch sử Kinh Thánh [Tin Mừng Thánh Luca là cuốn thứ nhất]. Cuốn sách này trình bày ơn cứu độ được hứa cho dân Israel trong Cựu Ước, được Đức Giêsu Kitô hoàn thành và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã được mang đến cho dân ngoại như thế nào. Công Vụ các Tông Đồ được viết khoảng năm 80-90 AD.

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tìm thấy điều được gọi là Kerygma [“giảng dạy”]. Từ này được dùng để trình bày nội dung về sứ điệp của các Tông Đồ về Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong Thư gởi tín hữu Rôma [10:14] rằng, Kerygma là điều thiết yếu mà chúng ta phải tin để được ơn cứu độ. Chúng ta tìm thấy Kerygma trong lời giảng dạy của Thánh Phêrô: “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. (Cv 2: 23-24). Những lời này được Thánh Phêrô lập lại trong đoạn tiếp theo: “Người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2:29-32). Đọc những lời này, chúng ta có thể nhận ra những yếu tố sau đây của Kerygma: Chúa Giêsu đã bị nộp, bị đóng đinh, chết và đã phục sinh [sống lại]. Đây là nội dung của lời rao giảng đầu tiên của các tông đồ. Nói cách khác, sứ điệp về Chúa Giêsu mà các Tông Đồ rao giảng là Ngài đã chết cho chúng ta, đã sống lại và sẽ đến trong vinh quang. Như vậy, sứ điệp đầu tiên của Tin Mừng là sứ điệp Thập Giá và Phục Sinh của Chúa Giêsu, sứ điệp của cuộc “vượt qua” từ sự chết đến sự sống của Chúa Giêsu. Như Thánh Phêrô và các Tông Đồ, chúng ta cũng được mời gọi để rao giảng sứ điệp của cuộc vượt qua của Chúa Giêsu trong ngày sống của mình. Qua lời nói, cử chỉ và hành động của mình, chúng ta phải tỏ cho người khác biết rằng chúng ta đang sống mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, đó là chúng ta đã chết đi cho con người cũ của mình và đang sống con người mới đầy yêu thương trong Đức Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu hiện ra với những người phụ nữ đến viếng mộ Ngài. Sự kiện bắt đầu với cảm xúc lẫn lộn của các người phụ nữ trước sự kiện ngôi mộ trống và những lời của thiên thần: “Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28:8). Cảm xúc vừa sợ hãi vừa vui mừng. Theo tâm lý học, đây chính là cảm xúc của những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân. Những người phụ nữ đã trở thành tông đồ của các tông đồ, và lời chứng của họ trở nên đáng tin cậy về mặt lịch sử. Cảm xúc lẫn lộn của những người phụ nữ trở thành hành động thờ phượng và sứ mệnh sau khi gặp Chúa Giêsu, Đấng lòng họ hằng yêu mến: “Bỗng Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: ‘Chào chị em!’ Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với các bà: ‘Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó’” (Mt 28:9-10). Truyền thống về việc Chúa Giêsu phục sinh tỏ mình ra cho những người phụ nữ còn được Thánh Gioan thuật lại trong Tin Mừng của mình, nhưng Thánh Mátthêu thêm vào hành động bái lạy để làm chứng cho thực tại của thân xác phục sinh (x. 1 Cr 15:44). Một chi tiết cần chúng ta lưu ý là việc Chúa Giêsu gọi các môn đệ của Ngài là  “anh em” như trong Tin Mừng Thánh Gioan (26:17). Khi gọi các môn đệ như thế, Chúa Giêsu muốn nói rằng Ngài đã tha thứ cho sự “bất trung” của họ. Từ nay trở đi, những con người đã chối và bỏ Ngài trở thành những thành viên trong gia đình mới của Ngài, gia đình mà Ngài đã sử dụng cái chết và sự phục sinh của mình để quy tụ lại. Đứng trước thực tại này, chúng ta cũng được mời gọi sống sứ điệp tha thứ của phục sinh. Chúng ta được mời gọi biến những người mà chúng ta xem là kẻ thù hoặc những kẻ chống đối thành anh chị em của mình. Chỉ khi thực hành điều này, chúng ta mới thực sự sống sứ điệp phục sinh.

Khác với những người phụ nữ, những người lính phản ứng hoàn toàn trái ngược. Sự kiện Chúa Giêsu sống lại mang lại niềm vui và đức tin cho những người yêu mến Chúa Giêsu, nhưng mang lại sự lo sợ và nghi ngờ nơi những người giết Ngài. Chi tiết này cho thấy cùng một sứ điệp hay sự kiện, có người xem đó là tin mừng, nhưng cũng có người xem đó là điều gì đáng sợ như chúng ta thấy trong thái độ của các thượng tế và kỳ mục: “Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.’ Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do Thái cho đến ngày nay” (Mt 28:12-15). Chúng ta chỉ tìm thấy sự kiện này trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Theo các học giả Kinh Thánh, đoạn này tiếp tục những gì đã được ám chỉ trong những đoạn trước (x. 27:62-66; 28:4) và cùng với những đoạn này phản chiếu những cuộc tranh luận xảy ra chung quanh sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu trong những thập niên 80 và 90. Các thượng tế và kỳ mục không chỉ “hối lộ” các lính canh mà còn yêu cầu họ nói dối và trấn an họ về việc chểnh mảng trong công việc điều mà có thể sẽ bị phạt nặng. Trước những hứ hẹn của các thượng tế và kỳ mục, các lính canh làm những gì họ được yêu cầu. Chi tiết này chỉ ra rằng, những người lãnh đạo đã trở thành những thầy dạy về phạm tội. Sự đổ vỡ và trống rỗng trong đời sống thiêng liêng thường được khoả lấp bởi những nỗ lực tích luỹ của cải vật chất. Điều này khuyến cáo chúng ta về sự nguy hiểm của của cải vật chất cho đời sống thiêng liêng: Khi chúng ta chạy theo của cải vật chất và sử dụng chúng cho những mục đích xấu của mình thì chúng ta đang dần dần giết chết đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đừng để của cải vật chất làm chúng ta trở nên những người nói dối, tham lam, đồng loã trong việc xấu của người khác mà quên mất mình có một linh hồn bất tử cần được nuôi dưỡng bằng đời sống thiêng liêng lành mạnh.

THỨ BA

TÔI ĐÃ THẤY CHÚA GIÊSU VÀ TÔI LÀM CHỨNG

(Cv 2:36-41; Ga 20:11-18)

Trong phần đầu của sách Công Vụ Các Tông Đồ, chúng ta sẽ nghe về Thánh Phêrô giảng dạy. Là người được Chúa Giêsu đặt làm đầu trong các môn đệ [và Giáo Hội], Thánh Phêrô được trình bày như là người giảng dạy và làm chứng có uy quyền nhất sau khi Chúa Giêsu lên trời. Hôm qua, trong bài giảng của Thánh Phêrô, chúng ta đã thấy được Kerygma của Giáo Hội, và trong bài giảng hôm nay, Thánh Phêrô đã làm chứng rằng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và đã có ba ngàn người tin vào lời chứng của Thánh Phêrô và gia nhập Kitô giáo.

Trong bài đọc 1, chúng ta thấy có một sự thay đổi tận căn trong những người Do Thái nghe Thánh Phêrô làm chứng về Chúa Giêsu: “Toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Chắc chắn rằng trong số này có người không “trực tiếp” đóng đinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên, họ nhận ra trong lời giảng của Thánh Phêrô rằng họ đóng đinh Chúa Giêsu khi họ không kêu lên với Philatô để tha cho Ngài thay vì tha cho Barnabas, khi họ để cho chính mình bị ảnh hưởng bởi đám đông để không dám làm chứng cho sự thật và nhất là khi họ phạm tội. Nhận ra điều này, nên khi nghe Thánh Phêrô nói “họ đau đớn trong lòng” (Cv 2:37). Đau đớn trong lòng là bước đầu tiên trong quá trình trở về với Chúa. Và Thánh Phêrô lập lại sứ điệp sám hối của Chúa Giêsu: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:38). Chúng ta tự hỏi: Tại sao Thánh Phêrô lại có khả năng thuyết phục như thế? Sự thuyết phục của Thánh Phêrô không hệ tại ở chính khả năng của ngài, nhưng dựa vào những lời ngài rao giảng. Nói cách cụ thể, Thánh Phêrô “lặp lại” những gì Chúa Giêsu đã nói. Ngài chỉ đơn giản để cho sứ điệp này được vọng lại trong chính cuộc đời của mình. Ngài chứng minh cho lời giảng của Chúa Giêsu bằng chính sự biến đổi của mình, từ một người chối Chúa trở thành người mạnh dạn làm chứng cho Chúa. Như vậy, Thánh Phêrô đã sống điều Chúa Giêsu rao giảng và biến nó trở thành chính điều ngài rao giảng. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: không có bài giảng nào có ảnh hưởng lớn trên người khác cho bằng việc sống lời Chúa Giêsu giảng dạy và biến nó thành xương thịt của mình trước khi nói cho người khác. Hay nói cách khác, “gương sáng nói lớn hơn ngôn từ.”

Giống như những người Do Thái trong bài đọc 1 hôm nay, Maria Magdala cũng đã có một sự thay đổi tận căn: từ một người buồn bã khóc than đến một người tràn đầy niềm vui. Điều này xảy ra vì bà đã được Chúa Giêsu gọi chính tên, đã nhận ra và đã được nhìn thấy Ngài. Điều này ám chỉ cho chúng ta sự thật này: tất cả những ai gặp Chúa Giêsu sẽ tìm thấy được niềm vui. Nếu chúng ta đến với Chúa mà không có niềm vui, chúng ta sẽ không thể nghe và nhận ra được tiếng Ngài gọi tên chúng ta và vì vậy sẽ không gặp được Ngài. Mỗi khi đến với Chúa, nếu chúng ta không muốn gặp Ngài, thì ít ra chúng hãy cho phép Ngài gặp chúng ta. Đừng trốn trong những khái niệm cao siêu “về Ngài,” đừng trốn trong “đống lo lắng,” đừng trốn sau bức tường của ghen tỵ và hận thù, và đừng trốn trong nấm mồ của sự cô đơn và chia rẽ của chúng ta. Hãy để cho Chúa Giêsu gặp chúng ta! Hãy ra khỏi những gì chia cắt chúng ta với Chúa Giêsu và người khác.

Giờ đây, chúng ta cùng nhau phân tích bài Tin Mừng hôm nay để khám phá ra những yếu tố cần thiết giúp chúng ta ra khỏi nấm mồ của chúng ta để phục sinh và sống một đời sống mới với Chúa Giêsu. Chúng ta nhận thấy trong bài Tin Mừng những chuyển biến sau:

Hành động và thái độ của Maria Magdala trước khi gặp Chúa Giêsu: “Khi ấy, bà Maria Magdala đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: ‘Này bà, sao bà khóc?’ Bà thưa: ‘Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!’” (Ga 20:11-13). Chúng ta lưu ý những hành động của Maria: “bà đứng ngoài, gần bên mộ, mà khóc.” Bà không đi vào trong mộ như Thánh Phêrô và môn đệ được Chúa Giêsu yêu để “thấy và tin.” Chúng ta không biết lý do tại sao bà không vào. Có lẽ bà sợ không dám đối diện với nỗi đau của bà hoặc cũng có thể là bà không được phép vào. Điều rõ ràng là bà vẫn để cho nỗi đau hoàn toàn chiếm ngự chính mình để rồi chỉ muốn đi tìm lại một Đức Giêsu đã chết. Đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta cũng đi tìm một “Thiên Chúa đã chết,” một Thiên Chúa mà chúng ta có thể đặt đâu chúng ta tuỳ thích, một Thiên Chúa làm theo ý muốn của chúng ta. Khi làm như thế, chúng ta sẽ không bao giờ nhận ra Ngài, vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống.

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Maria Magdala:

Người dẫn:         Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu.”

Chúa Giêsu:        “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai?”

Maria Magdala: (tưởng là người làm vườn): “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”

Chúa Giêsu:        “Maria!”

Maria Magdala: “Rápbuni !” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).

Chúa Giêsu:        “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”

Cuộc đối thoại [gặp gỡ] giữa Chúa Giêsu và bà Maria Magdala là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất để nói lên tương quan giữa người gọi và người được gọi. Như chúng ta đã biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu luôn là người đi bước trước trong tất cả các cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại này cũng vậy, Chúa Giêsu bắt đầu với “cảm xúc” mà Maria Magdala đang cảm nhận, cảm xúc “buồn sầu khóc lóc.” Lúc đầu, Chúa Giêsu sử dụng danh từ chung dành cho mọi người phụ nữ để gọi bà, đó là “thưa bà [chị].” Khi được gọi như thế, bà Maria đã “tưởng Chúa Giêsu là người làm vườn.” Nhưng khi Chúa Giêsu “gọi đích danh” của mình, bà Maria ngay lập tức nhận ra Thầy của mình. Gọi tên là để thiết lập mối quan hệ. Trong hai lần gọi này, chúng ta nhận ra có sự thay đổi trong mối tương quan: Từ mối tương quan chung chung [“này bà”] đến mối tương quan “cá vị.” Điều này nói cho chúng ta điều gì? Tương quan của chúng ta với Thiên Chúa [Chúa Giêsu] phải là một mối TƯƠNG QUAN CÁ VỊ. Thiên Chúa yêu tôi và người khác như nhau, nhưng Thiên Chúa yêu tôi “theo cách thức mà tôi là” chứ không theo cách thức Ngài dùng để yêu người khác. Thật vậy, giữa người gọi và người được gọi luôn hiện diện một mối tương quan cá vị, chứ không dừng lại ở mối tương quan chung chung.

Hành động và thái độ của Maria Magdala sau khi gặp Chúa Giêsu: “Bà Maria Magdala đi báo cho các môn đệ: ‘Tôi đã thấy Chúa,’ và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20:18). Trong những lời này, chúng ta thấy Maria Magdala làm hai điều sau đây khi đã thấy Chúa Giêsu, đó là “đi” và “kể lại.” Đây là hành động của những người được sai đi, hành động của những người môn đệ khi đã “nhìn thấy Chúa.” Thật vậy, những ai đã nhìn thấy Chúa họ không thể giữ Ngài cho chính mình, nhưng sẽ trở thành người “được sai đi” để nói “lại những gì Chúa đã nói với mình.” Niềm vui có Chúa là niềm vui dành cho hết mọi người. Đây chính là điều Chúa mời gọi chúng ta: hãy mang niềm vui được nhìn thấy Chúa cho người khác.

THỨ TƯ

NHẬN RA CHÚA GIÊSU ĐANG ĐỒNG HÀNH

(Cv 3:1-10; Lc 24:13-35)

Như chúng ta đã trình bày hôm qua, sách Công Vụ Các Tông Đồ đã tường thuật cho chúng ta thấy những gì các Tông Đồ đã làm, và qua đó chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì các ngài nói và làm đều lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm. Vì vậy, chúng ta nhận ra câu chuyện trong bài đọc 1 hôm nay tương tự với câu chuyện của anh mù từ khi lọt lòng mẹ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Gioan (x. Ga 9:1-41). Chúng ta tập trung vào hình ảnh của những nhân vật chính trong bài đọc 1 để xem Chúa muốn mình làm gì hôm nay.

Đặt mình trong trường hợp của anh què, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi có người nào đó bỗng dưng cho chúng ta điều mà chúng ta thực sự mong ước từ lâu nhưng chưa ai cho? Có lẽ lúc còn nhỏ, anh què cũng mong ước được chạy nhảy như chúng bạn. Năm tháng trôi qua, anh sống trong cảnh tối tăm và dần dần hài lòng với đời sống “ăn xin” của mình: “Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí” (Cv 3:2). Mong ước của anh bây giờ chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền ăn mỗi ngày. Mong ước được chạy nhảy, đi lại đã dần chết trong lòng anh. Anh thật sự không còn hy vọng được nhìn thấy ánh sáng. Hình ảnh của anh què cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng mong ước được đi đến với ánh sáng trong những đêm đen. Nhưng năm tháng trôi qua, điều chúng ta mơ ước không được đáp ứng. Chúng ta vẫn đi một mình cô đơn trong bóng tối. Từ từ, chúng ta bỏ cuộc và hài lòng với việc sống trong bóng đen của cuộc đời. Chúng ta cảm thấy thoả mãn với những “bố thí” của con người và quên đi Thiên Chúa, Đấng mà đối với Ngài mọi sự đều có thể (x. Mt 19:26). Hãy đến với Chúa trong những đêm đen của cuộc đời, vì Ngài là ánh sáng bất diệt.

Đặt mình trong trường hợp của Phêrô và Gioan, chúng ta sẽ làm gì cho anh què? Thường khi một người xin chúng ta một điều gì đó, chúng ta chỉ nhìn thấy nhu cầu trước mắt của người đó và đáp ứng lại, chứ chúng ta không nhìn thấy nhu cầu xa của người đó. Chúng ta thường nghe nói rằng: Hãy dạy cho người khác câu cá thay vì cho họ cá mỗi ngày, để họ có thể câu cá hầu cung cấp cho chính mình và những người thân của họ. Phêrô và Gioan không chỉ nhìn thấy nhu cầu “cần của ăn áo mặc” của anh què, nhưng còn nhìn thấy khát vọng đã chết trong lòng anh ta, khát vọng được chạy nhảy và đi lại. Và các ngài đã đáp ứng khát vọng thầm kín này của anh. Tuy nhiên, khát vọng này chỉ có thể được đáp ứng “nhân danh Đức Giêsu Kitô.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể đáp ứng những nhu cầu mà chúng ta không thể tìm thấy ở con người; và chúng ta cũng chỉ có thể giúp người khác đi ra khỏi đêm đen của đời họ nhờ nhân danh Đức Giêsu Kitô.

Hình ảnh của Phêrô và Gioan trong tương quan với người què nhắc nhở chúng ta về một nguyên tắc không thể thay đổi trong đời, đó là chúng ta không thể cho cái chúng ta không có [hay nói cách tích cực, chúng ta chỉ có thể cho cái chúng ta có]. Chúng ta không thể cho người khác tiền, nếu chúng ta không có tiền. Như vậy, chúng ta không thể cho người khác Chúa Giêsu nếu chúng ta không có Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có Chúa Giêsu trong cuộc đời mình để mang Ngài đến cho người khác không? Nếu chúng ta chưa có Ngài trong con tim của mình, hãy chuẩn bị cho Ngài một chỗ để Ngài ngự vào ngay hôm nay. Có như thế, chúng ta mới có thể thốt lên như Thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6).

Câu chuyện tuyệt vời về hành trình Emmau chỉ được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca. Câu chuyện này chứa đựng những chủ đề chính của Tin Mừng, đó là những chủ đề về hành trình, đức tin như hành động nhìn thấy, và hiếu khách. Bài Tin Mừng bắt đầu với sự kiện hai môn đệ “rời Giêrusalem để đi đến một làng tên là Emmau”: “Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra” (Lc 24: 13-14). Để hiểu những lời này, chúng ta cần biết rằng, trong Tin Mừng Thánh Luca, hành trình của Chúa Giêsu là “hành trình lên Giêrusalem.” Giêrusalem là trung tâm, là điểm tới hành trình của Ngài vì nơi đó có nhà của Cha Ngài, và đó cũng là nơi Ngài sẽ hoàn thành sứ mệnh mà Cha Ngài đã giao cho Ngài. Người môn đệ cũng được mời gọi đi theo hành trình này, chứ không đi ngược lại. Nhìn từ khía cạnh này, hai môn đệ đã bỏ con đường của Chúa Giêsu và đi ngược lại với hành trình của Ngài vì Ngài không thực hiện được những điều mà họ kỳ vọng vào Ngài (x. câu 21). Sự bất trung của họ đối ngược với sự trung thành của những người phụ nữ (x. Lc 23:49-24:12). Nói cách cụ thể hơn, họ chạy trốn những biến cố đau thương của cuộc sống người môn đệ, họ chạy trốn không dám đối diện với những đòi hỏi của người môn đệ. Đây cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta cũng không muốn đi theo hành trình Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta mà muốn tạo hành trình riêng cho chính mình. Thánh Luca đã sử dụng đề tài hành trình trong câu chuyện này để nhắc nhở chúng ta rằng: Giống như Chúa Giêsu đã hoà giải hai người môn đệ trên đường Emmau và giúp họ trở lại với hành trình lên Giêrusalem của Ngài, Ngài cũng muốn hoà giải với chúng ta để chúng ta không còn đi theo hành trình của riêng mình nữa, mà chỉ đi theo hành trình của Chúa Giêsu mà thôi.

Đối diện với sự “bất trung” [không đi theo con đường của người môn đệ], Chúa Giêsu không bỏ rơi hai môn đệ. Ngài đã đến với và cùng họ đi trên hành trình mà họ đã vạch ra cho chính mình: “Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24:15-17). Hành động của Chúa Giêsu cho thấy Ngài không bỏ rơi chúng ta khi chúng ta không đi theo con đường của Ngài. Ngài như người cha trong câu chuyện “người cha nhân hậu” đã đi ra khỏi ‘nhà’ của mình để chờ và đón người con thứ, và một lần nữa đã đi ra ngoài con đường của mình để thuyết phục người con trưởng vào nhà và tham dự bữa tiệc. Chi tiết làm chúng ta suy gẫm là việc Ngài đến gần chúng ta khi chúng ta đi ngược với hành trình của Ngài. Ôi tình yêu thật cao vời, sâu đậm! Nhưng rồi chúng ta cũng như hai người môn đệ, đã để cho mắt mình bị những đau thương của cuộc sống che khuất không nhận ra Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta. Ở đây, chúng ta thấy Thánh Luca nói về chủ đề ‘nhận ra’ hay ‘thấy.’ Đề tài này đã được thánh sử nói đến nhiều lần trong Tin Mừng của ngài (x. 9:45; 18:34; 23:8,35,47-49), nhưng ở đây, thánh sử trình bày cách chi tiết về đề tài này để chỉ ra việc Chúa Giêsu mở mắt cho hai môn đệ giúp họ nhận ra ý nghĩa của tất cả những gì Ngài trải qua trong kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hai người môn đệ chỉ được mở mắt hoàn toàn để nhận ra Chúa Giêsu khi họ tỏ lòng hiếu khách với Chúa như một người xa lạ qua việc mời Ngài vào “nhà mình.”

Đề tài về đức tin như sự nhìn thấy là một điểm khác để chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay. Đề tài này liên kết chặt chẽ với hành động hiếu khách của hai môn đệ và hành động mở mắt cho hai môn đệ qua việc bẻ bánh: “Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: ‘Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.’ Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24:28-31). Trong lời mời của hai người môn đệ, Thánh Luca đưa đề tài đức tin như là sự nhìn thấy đến đỉnh cao của nó. Hai môn đệ đã được Chúa Giêsu đồng hành và giờ đây được Ngài cho mắt họ mở ra để nhận ra Ngài. Theo R. H. Smith, qua việc đồng hành với hai môn đệ, nhất là qua việc đồng bàn với họ Chúa Giêsu dạy họ rằng thần tính của Ngài không được biết đến hoặc tỏ ra trong những hành động tranh chấp hoặc trả thù hoặc ngay cả trong những dấu chỉ vĩ đại và đáng sợ, nhưng qua chính thập giá và được diễn tả trong một bữa tiệc – một hành động của sự hiếu khách, bình an, huynh đệ. Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng, chỉ khi chúng ta mời Chúa Giêsu ở lại với mình, thì chúng ta mới có thể thấy Ngài; chỉ khi chúng ta chia sẻ trong bữa ăn với Ngài, đúng hơn trong sự sống đời đời của Ngài, chúng ta mới nhận ra Ngài là Chúa. Một điều chúng ta cần lưu ý trong những lời trên là việc các môn đệ nhận ra Chúa Giêsu trong hành động bẻ bánh. Theo các học giả Kinh Thánh, sự kiện này không được giải thích ngay là Thánh Thể, nhưng phải được liên kết với đề tài bàn ăn mà Thánh Luca đã trình bày và phát triển trong Tin Mừng của mình. Qua đề tài này, thánh sử chỉ ra rằng Nước Thiên Chúa đã đến trong việc Chúa Giêsu chia sẻ thức ăn với người khác, đặc biệt với những người bị loại bỏ. Chúa Giêsu, Đấng đã nói trong bữa tiệc ly rằng Ngài sẽ không chia sẻ thức ăn với các môn đệ cho đến khi Nước Thiên Chúa đến (x. Lc 22:16,18), bây giờ chia sẻ thức ăn với họ và như thế chỉ ra rằng Nước Thiên Chúa đã thật sự đến rồi. Bây giờ, tại bàn ăn của Ngài không phải là những người thu thuế, nhưng là hai môn đệ, là những người đã bỏ hành trình của Ngài. Họ đã được tha thứ và sai trở lại hành trình theo Ngài của họ. Nhưng tất cả những điều này xảy ra chỉ vì họ đã rất hiếu khách. Liệu chúng ta có hiếu khách đủ để mời Chúa Giêsu đến ở với chúng ta, nhất là trong những khó khăn và đêm đen của cuộc sống không?

Bài Tin Mừng kết thúc với sự kiện hai môn đệ trở về lại với hành trình của Chúa Giêsu mà hai ông đã từ bỏ. Hành trình của người môn đệ chỉ có niềm vui khi đi cùng hành trình với Chúa Giêsu, hành trình lên Giêrusalem: “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: ‘Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simôn.’ Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24:33-35). Những lời này mời gọi chúng ta nhìn lại hành trình mình đang đi: vui hay buồn. Những ai đi theo hành trình của Chúa Giêsu luôn cảm nghiệm được niềm vui thật sâu kín dù phải gặp nhiều thử thách và khó khăn. Còn những ai không đi theo hành trình của Chúa Giêsu, chỉ kết thúc trong buồn sầu và thất vọng dù đạt được những vinh quang ở đời.

THỨ NĂM

CHÍNH ANH CHỊ EM LÀ NHÂN CHỨNG CỦA THẦY

(Cv 3:11-26; Lc 24:35-48)

Chúng ta không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của Phêrô, từ một người nhút nhát chối Chúa Giêsu ba lần thành một người can đảm làm chứng cho Ngài. Đây chính là món quà đầu tiên của Phục Sinh, sống một đời sống mới trong Đức Giêsu Kitô và can đảm làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe. Chúng ta đã bắt đầu sống món quà này của Phục Sinh, là hoàn toàn sống cho Chúa Giêsu chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu ngay giây phút này. Đừng để cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu trở nên vô nghĩa trong cuộc đời chúng ta.

Sợi chỉ nối kết hai bài đọc hôm nay chính là hai từ “làm chứng.” Trong bài đọc 1, chúng ta thấy Thánh Phêrô làm chứng cho Chúa Giêsu và trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ của Ngài làm chứng về những điều họ đã nghe và đã thấy. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nhận ra trong bài giảng của Thánh Phêrô hai điều căn bản và cần thiết cho việc rao giảng về Chúa Giêsu như sau: (1) dùng kinh nghiệm hằng ngày để nói về Chúa Giêsu và (2) biết được người nghe của mình là ai. Điều thứ nhất giúp chúng ta bắt đầu việc làm chứng không phải với những gì trừu tượng và lý thuyết, nhưng bắt đầu với một cái gì rất cụ thể, một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe. Điều này dựa trên mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu. Điều thứ hai giúp chúng ta làm thế nào để làm cho lời chứng của chúng ta dễ hiểu và được chấp nhận với người nghe. Áp dụng hai điều này vào bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Thánh Phêrô dùng việc chữa lành của anh què để rao giảng về Chúa Giêsu. Trước sự kinh ngạc của toàn dân, Thánh Phêrô “nắm lấy cơ hội” mà họ thấy được để bắt đầu nói về Chúa Giêsu. Thánh Phêrô biết những người trước mặt mình là những người Do thái nên ngài sử dụng những hình ảnh rất gần gũi với họ, đó là các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp, hình ảnh của Môsê và các ngôn sứ. Chính những hình ảnh quen thuộc này làm cho lời rao giảng của ngài gần gũi và được đón nhận. Từ những điều này, chúng ta rút ra được điều gì để suy gẫm hôm nay?

Trong mỗi ngày sống, chúng ta trải qua rất nhiều kinh nghiệm. Nhiều người trong chúng ta cùng trải qua những kinh nghiệm giống nhau, nhưng có người đọc được bài học, có người không. Chúng ta cần phải lưu ý rằng, đối với người Kitô giáo, không có kinh nghiệm nào xảy ra cách ngẫu nhiên trong ngày sống của chúng ta. Phía sau mỗi kinh nghiệm vui buồn đều có bài học hay điều Chúa muốn nói với chúng ta. Hay nói cách khác, Chúa dạy và thanh luyện chúng ta mỗi ngày qua những kinh nghiệm vui buồn của mình. Chỉ khi chúng ta đọc ra được điều Chúa muốn nói với chúng ta qua từng kinh nghiệm sống, chúng ta mới có thể giúp người khác nhận ra được bàn tay Ngài hoạt động trong cuộc đời của họ. Đừng cảm thấy nhàm chán với những kinh nghiệm lặp lại trong từng ngày sống. Hãy khám phá ra sự mới mẻ của Thiên Chúa trong từng kinh nghiệm sống.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe về lời sai đi của Chúa Giêsu. Nhưng sự sai đi chỉ xảy ra sau khi hai môn đệ đã “trở về” từ hành trình của riêng mình để đi cùng hành trình với Chúa Giêsu: “Khi ấy, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24:35). Chỉ những người môn đệ đi cùng hành trình với Chúa Giêsu mới có khả năng mang sứ điệp phục sinh đến cho người khác và giúp họ nhận ra Chúa Giêsu, Người cũng đang đồng hành với họ.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần cuối của Tin Mừng Thánh Luca. Nó chứa đựng tất cả những đề tài về bình an (câu 36), bàn tiệc (câu 41-43), lời hứa của Thiên Chúa được hoàn thành nơi Chúa Giêsu (câu 44-47), tha thứ tội lỗi (câu 47), Thành Thánh Giêrusalem (câu 47,52), nhân chứng (câu 48), Chúa Thánh Thần (câu 49), Chúa Giêsu hoàn thành hành trình trở về với Thiên Chúa (câu 51), và Đền Thờ (câu 53). Toàn bộ Tin Mừng đạt đến đỉnh cao trong cử chỉ tôn thờ mà Thánh Luca diễn tả: Họ tôn thờ Ngài (câu 52). Chúng ta có thể suy gẫm trên những chi tiết sau của bài Tin Mừng:

Thứ nhất, món quà phục sinh của Chúa Giêsu cho các môn đệ: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!’” (Lc 24:36). Đây chính là lời chúc lành trọn vẹn và hoàn hảo cho cuộc sống được hứa trong 2:14. Lời chúc lành này được mang lại bởi sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu và được công bố trong 19:38 bây giờ được ban cho các môn đệ như một món quà vĩnh viễn bởi Đức Kitô phục sinh. Chúa Giêsu cũng ban cho mỗi người chúng ta món quà này vì Ngài đã ban cho chúng ta sự sống mới của Ngài trong ngày rửa tội. Nhưng nhiều lần chúng ta đánh mất món quà quý giá này qua những lần chúng ta sống không yêu thương và tha thứ, để rồi tâm hồn trở nên bất an với những tính toán hơn thua của thế gian.

Thứ hai, thái độ nghi ngờ của các môn đệ và sự kiên nhẫn hiền dịu của Chúa Giêsu: Như chúng ta biết, theo mạch văn thì các môn đệ đang tụ họp và đang nghe hai môn đệ trên đường Emmau thuật lại câu chuyện họ gặp Chúa Giêsu thế nào, thì Ngài hiện ra đứng giữa họ. Điều này làm họ “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.” (Lc 24:37). Chi tiết này chứng tỏ, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã mang lại một sự khác biệt nơi thân xác [diện mạo] của Ngài nên các môn đệ không nhận ra. Nhưng Chúa Giêsu khẳng định với họ là thân xác Ngài vẫn là thân xác trước kia của Ngài: “Nhưng Người nói: ‘Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?’ Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24:38-40). Trong những lời này, Thánh Luca muốn nhấn mạnh đến hai điều một nhân chứng của Chúa Giêsu cần phải có, đó là “nhìn thấy Chúa Giêsu” và “đụng chạm đến Chúa Giêsu.” Chỉ những người thấy Chúa Giêsu và đụng chạm đến Ngài [hoặc được Ngài đụng chạm đến] mới có thể trở thành nhân chứng đáng tin cậy cho mầu nhiệm phục sinh. Đây cũng là hai yếu tố quan trọng để vượt thắng sự hoảng hốt, ngờ vực trong đời sống đức tin. Khi chúng ta nghi ngờ tình yêu và sự tha thứ của Chúa, khi chúng ta muốn trở nên những nhân chứng đáng tin cậy của Ngài, chúng ta cần đến với Chúa Giêsu hoặc mở lòng để Chúa Giêsu đến với chúng ta, chúng ta cần đụng chạm đến Chúa Giêsu hoặc để Chúa Giêsu đụng chạm đến chúng ta. Có như thế, những vết thương của chúng ta mới được chữa lành và được chia sẻ trong đời sống mới với Chúa Giêsu.

Thứ ba, Chúa Giêsu được nhận ra trong lúc đồng bàn [chia sẻ bữa ăn] với các môn đệ: “Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?’ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” (Lc 24:41-43). Đây là đề tài chúng ta thấy Thánh Luca phát triển trong Tin Mừng của mình. Mỗi lần Chúa Giêsu ngồi vào bàn chia sẻ của ăn với ai, thì đức tin yếu kém của người đó được nâng đỡ, những nghi ngờ bị xua tan và người đó tìm lại được niềm vui cho hành trình theo Chúa Giêsu của mình. Điểm quan trọng mà những lời trên muốn nói đến không nhắm đến việc bảo vệ thực tại về thân xác của Chúa Giêsu, đúng hơn là nói về chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết được biểu lộ qua việc Ngài ngồi vào bàn tiệc huynh đệ với các môn đệ Ngài và làm cho bàn tiệc này được canh tân với niềm vui phục sinh, niềm vui bất diệt.

Cuối cùng, sứ điệp Tin Mừng là sứ điệp yêu thương và tha thứ: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:46-48). Các môn đệ đã cảm nghiệm được điều này qua biến cố phục sinh. Chúa Giêsu đã chết cho họ, đã hiện ra để chữa lành vết thương kém lòng tin, đã đồng bàn với họ để chia sẻ sự sống mới với họ. Giờ đây, đến lượt mình, các môn đệ cũng đem sứ điệp yêu thương và tha thứ mà họ cảm nghiệm đến tận cùng trái đất. Niềm vui phục sinh, niềm vui được yêu và được tha thứ phải được thể hiện qua đời sống yêu thương và tha thứ. Chúng ta đã làm điều này chưa?

THỨ SÁU

CHỈ NƠI ĐỨC KITÔ CHÚNG TA MỚI TÌM THẤY CUỘC SỐNG MỚI

(Cv 4:1-12; Ga 21:1-14)

Sự can đảm của Thánh Phêrô để làm chứng cho Chúa Giêsu lại được chứng tỏ ngày hôm nay trước những người mà trước kia thánh nhân rất sợ hãi. Điều này cho thấy sự kiện phục sinh đã thật sự mang lại một sự biến đổi tận căn nơi Thánh Phêrô. Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta thấy hai phản ứng khác nhau trước phép lạ và lời giảng dạy của Thánh Phêrô và Gioan. Đây là điều chúng ta thấy thường xảy ra cho Chúa Giêsu. Thật vậy, bài giảng của Phêrô và Gioan làm cho các tư tế, viên lãnh binh đền thờ và các người thuộc nhóm phản ứng cách giận dữ và chống đối; trong khi đó “trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv 4:4). Chi tiết quan trọng thứ hai xảy ra cho Chúa Giêsu được lặp lại trong cuộc đời của Thánh Phêrô và Gioan mà được trình bày trong bài đọc 1 là “bị luận tội trước công hội”: “Hôm sau, các thủ lãnh Do thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng họ thượng tế” (Cv 4:5-6). Tuy nhiên, giống với thầy của mình, các môn đệ can đảm làm chứng cho sự thật và trong lời làm chứng của mình, Thánh Phêrô đã khẳng định một chân lý quan trọng trong tín điều của Kitô Giáo, đó là “Ngoài Người [Đức Kitô] ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:10-12). Điều này khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Giêsu trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, không chỉ cho sự sống đời này mà còn cho sự sống vĩnh cửu. Nếu Chúa Giêsu quan trọng như thế, liệu Ngài có chiếm được chỗ trung tâm trong ngày sống của chúng ta không?

Chúng ta tiếp tục nghe trong tuần này những trình thuật về những lần hiện ra của Chúa Giêsu với các môn đệ của Ngài. Bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại bối cảnh của mẻ cá lạ lùng được Thánh Luca thuật lại (Lc 5:1-11). Những chi tiết giống nhau trong hai trình thuật này bao gồm: các môn đệ đánh cá suốt đêm mà không bắt được gì, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông thả lưới, bắt được nhiều cá, Thánh Phêrô phản ứng trước mẻ cá bắt được, cá là biểu tượng của sứ mệnh của các môn đệ, và điều kiện của lưới. Bên cạnh những điểm giống trên là những chi tiết khác nhau sau: vị trí của thuyền, vị trí của Chúa Giêsu so với chiếc thuyền, bản chất phản ứng của Phêrô, điều kiện thực sự của lưới, và sự hiện diện của các thuyền khác đến giúp.

Điều làm chúng ta ngạc nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay đó là sự kiện các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu dù đây là “lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 21:14). Làm sao các ông không thể nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài đã hiện ra cho họ hai lần rồi? Điều này khẳng định rằng sự sống phục sinh của Chúa Giêsu có gì đó hoàn toàn mới đến nỗi các môn đệ đã sống với Ngài ba năm và đã chứng kiến hai lần Ngài hiện ra mà không nhận ra Ngài. Điều giúp họ nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh chính là “bối cảnh rất quen thuộc” của đời sống hằng ngày của họ. Như vậy, đời sống mới trong Chúa Giêsu Phục Sinh không đưa chúng ta ra khỏi thực tại đang sống, nhưng biến đổi thực tại đó và làm cho nó trở thành nơi chúng ta gặp Ngài. Nói cách khác, những công việc chúng ta làm mỗi ngày chính là phương tiện biến đổi chúng ta và giúp chúng ta nhận ra đời sống mới trong Đức Kitô Phục Sinh.

Chúng ta cùng nhau phân tích ba phần của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài học hữu ích cho ngày sống của chúng ta. Phần 1 (Ga 21:1-3) nói cho chúng ta về hoàn cảnh và tâm trạng của Phêrô và các môn đệ sau biến cố Phục Sinh. Trong phần này, chúng ta thấy Phêrô là người “quyết định việc đi đánh cá” và các môn đệ khác hưởng ứng. Qua chi tiết này, Thánh Gioan ám chỉ đến vị trí đứng đầu của Thánh Phêrô. Chúng ta không biết lý do đằng sau quyết định đi đánh cá của Phêrô là gì. Có hai khả thể xảy ra: một là vì Phêrô muốn trở lại kinh nghiệm ban đầu, kinh nghiệm mà qua đó ông đã gặp và đáp lại tiếng Chúa Giêsu mời gọi theo Ngài hầu củng cố lại sự dấn thân của mình; nhưng cũng có thể là ông đã mệt mỏi với việc theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, nên muốn trở về lại với đời sống trước kia mà ông đã bỏ để đi theo Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chi tiết quan trọng ở đây chính là họ đã nỗ lực suốt đêm hôm đó mà không bắt được gì (Ga 21:3). Hình ảnh đánh cá được đặt nằm trong bối cảnh “Chúa Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ.” Điều này ám chỉ đến việc tìm Chúa trong công việc hằng ngày. Nhưng nhiều khi chúng ta nỗ lực tìm trong “bóng đêm,” trong đêm đen của nỗ lực con người nên chúng ta không thấy. Chỉ với ánh sáng của Chúa Giêsu mang lại, chúng ta mới có thể bắt được nhiều cá. Đây là chi tiết nối kết phần 1 với phần 2.

Phần 2 (Ga 21:4-8) bắt đầu với câu: “Khi trời đã sáng.” Điều này cho chúng ta thấy chỉ trong ánh sáng sự hiện diện của Chúa Giêsu, dù là một sự hiện diện không “được nhận ra,” chúng ta mới có thể đạt được những thành quả lớn trong những công việc mình làm. Chúng ta cũng thấy trong phần này thái độ của Chúa Giêsu. Ngài bình thản đồng hành với các ông. Ngài không vội vàng trong việc tỏ mình ra. Ngài sử dụng những kinh nghiệm hằng ngày của họ để giúp họ nhận ra Ngài. Đây chính là điều chúng ta cần ý thức trong cuộc sống khi chúng ta đi tìm kiếm Chúa. Không phải là chúng ta nỗ lực tìm mọi cách để nhận ra Chúa, nhưng chính Ngài tìm mọi cách để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Trong trường hợp này, người môn đệ được Chúa yêu nhận ra Ngài qua mẻ cá, còn Phêrô nhận ra Chúa Giêsu qua lời chứng của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến. Chúa Giêsu dùng những người khác và các sự kiện trong cuộc sống để giúp chúng ta nhận ra Ngài. Liệu chúng ta có muốn để cho mình bị Ngài thuyết phục không?

Trong phần 3, chúng ta thấy có sự “hoà lẫn giữa cá [và bánh] được Chúa Giêsu chuẩn bị” và “cá mới bắt được” (Ga 21:9-10). Đây chính là sự hoà quyện không thể tách rời của mầu nhiệm Giáo Hội; và đây cũng chính là sự hoà quyện của “ơn Chúa” và “nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa.” Trong phần này, có hai hình tượng chúng ta cần lưu ý đó là con số “một trăm năm mươi ba con” và hành động của Chúa Giêsu “cầm lấy bánh trao cho các ông.” Hình ảnh thứ nhất về “một trăm năm mươi ba con” đại diện cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Điều này ám chỉ đến sứ mệnh và tính phổ quát của Giáo Hội: trong Giáo Hội, mọi dân tộc [mọi người] đều tìm thấy chỗ của mình. Điều này mời gọi chúng ta hãy mở rộng con tim của mình để cũng có thể khẳng định rằng: trong trái tim của tôi, ai cũng có chỗ. Hình ảnh thứ hai quá quen thuộc với chúng ta, đó là hình ảnh về Bí Tích Thánh Thể. Khi Chúa Giêsu cầm bánh và cá trao cho các môn đệ, “không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21:12). Điều này có thật sự xảy ra cho chúng ta không? Nếu điều này xảy ra cho chúng ta, tại sao cuộc sống của chúng ta vẫn không có thay đổi?

THỨ BẢY

CHÚA LUÔN TIN TƯỞNG Ở CHÚNG TA

(Cv 4:13-21; Mc 16,9-15)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta tiếp tục nghe lời chứng của Phêrô và Gioan trước công hội. Sự thay đổi nơi Phêrô và Gioan sau sự kiện Phục Sinh đã làm các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì thấy hai ngài “mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào” (Cv 4:13-14). Chúng ta nhận ra ở đây một điều đáng suy gẫm, đó là khi những người “không học thức” để cho ánh sáng của phục sinh chiếu toả trên họ, hay nói một cách đơn giản, khi những người “bé mọn” để cho Chúa Giêsu Phục Sinh biến đổi mình thành con người mới, họ sẽ trở nên những nhân chứng thuyết phục đến nỗi những người tự xưng là “có học thức, có chữ nghĩa và có bằng cấp” không thể nào sánh với họ.

Đứng trước lời chứng đầy thuyết phục của Thánh Phêrô và Gioan, Thượng Hội Đồng phải công nhận lời chứng của các ngài: “Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem, và ta không thể chối được” (Cv 4:16). Tuy nhiên, họ không muốn ra khỏi sự chai đá của họ. Họ không muốn đối diện với sự thật là họ đã sai trong việc đóng đinh Chúa Giêsu. Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta khi chúng ta để lòng chúng ta trở nên chai đá dù chúng ta thấy Chúa đã thực hiện thật nhiều phép lạ cho chúng ta. Nói cách khác, nhiều lần chúng ta không chấp nhận mình sai. Chúng ta luôn cho anh chị em chúng ta sai và ngăn cấm họ làm những điều tốt nhân danh Chúa vì chúng ta sợ người anh chị em của mình có tầm ảnh hưởng rộng hơn mình. Đừng sợ anh chị em của mình có ảnh hưởng tốt trên người khác hơn mình. Nhưng hãy sợ chính mình không ảnh hưởng tốt trên người khác, hay để người khác ảnh hưởng xấu trên mình.

Đứng trước thái độ chống đối và đe doạ của Thượng Hội Đồng, Thánh Phêrô và Gioan không sợ hãi. Chính sự can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu, làm chứng cho sự thật của các ngài mà “ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra” (Cv 4:21). Điều đáng ngạc nhiên ở đây là mọi người không ca ngợi tôn vinh Thánh Phêrô và Gioan, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa. Điều này xảy ra vì Thánh Phêrô và Gioan không để cho cái bóng của mình che mờ Đấng họ làm chứng. Hay nói theo ngôn từ của bài đọc là các ngài nghe lời Thiên Chúa hơn là nghe lời con người (x. Cv 4:19). Và điều Thiên Chúa muốn là họ phải làm chứng cho “những gì tai đã nghe, mắt đã thấy” (Cv 4:20). Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: khi chúng ta làm việc cho Chúa [khi chúng ta phục vụ], đừng tìm vinh danh cho chính mình, đừng để cho cái bóng của mình che khuất bóng Thiên Chúa. Khi người đời tôn vinh chúng ta hơn là tôn vinh Thiên Chúa qua việc phục vụ của mình, chúng ta cần xem xét lại liệu chúng ta đang rao giảng về Thiên Chúa hay đang rao giảng về chính mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Máccô thuật lại cho chúng ta những lần Chúa Giêsu hiện ra. Theo các học giả Kinh Thánh, đây là phần kết dài và nguyên thuỷ không thuộc về Tin Mừng vì ngôn từ và cách viết hoàn toàn khác với phần còn lại của Tin Mừng. Đoạn này có thể xuất hiện vào thế kỷ thứ hai và là một bản tóm lược những lần Chúa Giêsu hiện ra được trình thuật trong Tin Mừng Thánh Luca (chương 24) với một ít ảnh hưởng của Tin Mừng Thánh Gioan (chương 20). Chúng ta thấy bài Tin Mừng bao gồm ba lần hiện ra: (1) với Maria Mácđala (Mc 16:9-11//Mt 289-10; Lc 2410-11; Ga 20:14-18); (2) với hai môn đệ đang trên đường về quê (Mc 16:12-13//Lc 24:13-35); và (3) với nhóm Mười Hai và sai các ông đi rao giảng (Mc 16:14-15//Lc 24:36-43). Chúng ta cùng nhau suy gẫm trên ba sự kiện này để rút ra những bài học cho ngày sống của mình.

Sự kiện hiện ra với Maria Mácđala giúp chúng ta hiểu rằng mầu nhiệm phục sinh phải trở thành một sứ mệnh, phải được công bố: “Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin” (Mc 16:9-11). Sau khi gặp Chúa Giêsu phục sinh, điều đầu tiên là bà về báo cho các môn đệ biết. Nhưng họ không tin. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng khi chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu, không phải ai cũng đón nhận lời chứng của chúng ta. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta nản chí và bỏ cuộc. Những khó khăn trong đời sống làm chứng giúp chúng ta trở nên sáng tạo, yêu thương, cảm thông và tha thứ hơn.

Đề tài sự phục sinh trở thành sứ mệnh được lặp lại trong hình ảnh của hai môn đệ trên đường về quê: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này” (Mc 16:12-13). Chi tiết cần lưu ý ở đây là việc Chúa Giêsu “hiện ra dưới một hình dạng khác.” Điều này khuyến cáo chúng ta rằng Chúa Giêsu có thể đến với chúng ta dưới nhiều hình dạng khác nhau: trong người nghèo, trong người bị bỏ rơi, trong người đang than khóc, v.v. Ngài luôn muốn đồng hành với chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Liệu chúng ta có con mắt thể lý và con mắt con tim để nhận ra Ngài đang hiện diện dưới những hình dạng khác nhau không?

Bài Tin Mừng kết thúc với việc Chúa Giêsu hiện ra trong bối cảnh bữa ăn, khiển trách, tha thứ và sai các ông đi loan báo Tin Mừng: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo’” (Mc 16:14-15). Sự kiện này mang lại cho chúng ta sự an ủi. Dù chúng ta có cứng lòng tin như các môn đệ, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến và mời gọi chúng ta trở thành những nhân chứng Tin Mừng của Ngài. Chúng ta có đón nhận lời mời gọi này không dù biết mình là những con người lầm lỗi và yếu đuối?