SUY NIỆM Lời Chúa Suy niệm mỗi ngày: Tuần 5 Mùa Chay

Suy niệm mỗi ngày: Tuần 5 Mùa Chay

SUY NIỆM TUẦN V MÙA CHAY

THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY
(Đn 13:1-9.15-17.19-30.33-62; Ga 8:1-11)

PHÚC ÂM: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

SUY NIỆM: SỐNG NHÂN TỪ VỚI NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI

Mỗi khi gặp khó khăn và không được ai hiểu, chúng ta có chạy đến với Chúa không? Bài đọc 1 hôm nay kể cho chúng ta nghe về câu chuyện rất cảm động của bà Susana, một người không chỉ đẹp bên ngoài, nhưng còn đẹp cả bên trong: “bà rất xinh đẹp và kính sợ Chúa” (Đn 13:2). Câu chuyện của bà là câu chuyện của những người bị tố cáo cách bất công và không thể biện minh cho chính mình. Nhưng Thiên Chúa thấu hiểu tâm can con người từng gang tấc. Ngài sẽ là người minh oan cho những người bị tố cáo cách bất công. Bà Susana dạy chúng ta những điều sau đây khi đối diện với những tố cáo bất công hoặc bị hiểu lầm trong đời sống gia đình hay cộng đoàn: (1) thinh lặng; (2) sợ làm mất lòng Thiên Chúa hơn là sợ làm mất lòng người đời; (3) tin cậy vào Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho mình. Từ gương sáng của bà Susana, chúng ta có thể rút ra hai điều sau để suy gẫm:
Thứ nhất, thà làm mất lòng người đời hơn là làm mất lòng Chúa: “Bà Susanna thở dài não nuột và nói: ‘Tôi bị khốn tứ bề! Quả thật, nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!’ (Đn 13:22-23). Nhiều lần trong cuộc sống, vì tính cả nể nên chúng ta sợ làm mất lòng người khác, nhất là những người mà chúng ta mang ơn, hơn là sợ làm mất lòng Thiên Chúa. Gương sáng của bà Susana nhắc nhở chúng ta về việc phải sợ ai: sợ người chỉ giết chết thân xác chúng ta hay Đấng có thể ném cả hồn và xác vào lửa không bao giờ tắt.

Thứ hai, hãy thinh lặng và mở lòng ra với Thiên Chúa, Đấng sẽ minh oan cho chúng ta: “Nhưng bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: ‘Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng am tường những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi chúng xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì trong những điều họ đã vu cho con’ (Đn 13:42-43). Chúng ta thấy trong bài đọc 1, Thiên Chúa đã nghe lời van xin của bà Susana và sai Đanien đến minh oan cho bà. Chúng ta cũng sẽ thấy Thiên Chúa dùng mọi hình thức khác nhau để giải thoát những tâm hồn tin cậy vào Ngài. Hãy giữ thái độ bình thản và trông cậy vào Thiên Chúa dù chung quanh bạn không còn ai hiểu bạn.
Lời của Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay diễn tả đúng tâm tình của bà Susana và của mỗi người chúng ta khi phải đi trong bóng đen của những xét đoán bất công từ người khác: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.” Dù đi trong đêm đen của cuộc đời, con không còn sợ nguy khốn vì có Chúa là ánh sáng soi bước chân con. Đây chính là đề tài mà Thánh Gioan trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay: “Đức Giêsu nói với người Pharisêu rằng: ‘Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống’” (Ga 8:12). Chỉ những người có Chúa Giêsu là ánh sáng mới có thể nhìn thấy và đọc được ý nghĩa của ơn cứu độ trong bóng đêm đen của cuộc đời mình.

Theo các học giả Kinh Thánh, câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay được thêm vào Tin Mừng Thánh Gioan vào thế kỷ thứ 3. Mặc dù câu chuyện lấp đầy khoảng trống bằng việc cung cấp một trình thuật trước Ga 8:12-59, nó không chứa đựng đặc tính nào của thần học và lối viết của Thánh Gioan. Người chép đặt câu chuyện vào đây có thể nghĩ rằng câu chuyện làm sáng tỏ điều Chúa Giêsu nói trong Ga 8:15, “Tôi không phán xét bất kỳ ai,” và 8:46, “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?” Trong câu chuyện, chúng ta thấy những người chống đối Chúa Giêsu đặt một cái bẫy mà Chúa Giêsu phải tránh khỏi bằng một hành động hay lời nói khôn ngoan. Bối cảnh của câu chuyện giả định việc ‘giảng dậy thường ngày trong Đền Thờ” liên kết với sứ vụ ở Giêrusalem của Chúa Giêsu trong Lc 20:1; 21:1,37; 22:53: “Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 11:2). Câu chuyện nói về việc Chúa Giêsu tha thứ cho một người phụ nữ tội lỗi. Đề tài này phản chiếu đề tài xuất hiện trong truyền thống đặc biệt của Thánh Luca. Để rút ra bài học cho ngày sống của mình, chúng ta có thể suy gẫm những điểm sau:

Thứ nhất, thái độ của các kinh sư và người Pharisêu: “Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 11:3-6). Các kinh sư và người Pharisêu sử dụng người phụ nữ như là một phương tiện, một cái bẫy để thử và tấn công Chúa Giêsu. Nói cách khác, đối tượng tấn công của họ là Chúa Giêsu chứ không phải là người phụ nữ ngoại tình. Đây cũng chính là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần chúng ta cũng dùng người khác như phương tiện để đạt được điều mình mong muốn. Chúng ta không đối xử với họ như những chủ thể cần được tôn trọng như chúng ta, nhưng như những ‘con vật thiêu thân,’ những con người tội lỗi đáng bị lên án. Chi tiết này mời gọi chúng ta xem xét lại thái độ sống của mình với Chúa và anh chị em chung quanh.

Thứ hai, thái độ của Chúa Giêsu với các kinh sư và người Pharisêu: “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.’ Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi (Ga 11:6-9). Chúng ta thấy dù hiểu rõ các kinh sư và người Pharisêu tìm cách thử và tố cáo Ngài, Chúa Giêsu rất bình thản, không vội vàng. Ngài sử dụng ‘chiến thuật’ hành động – lời nói – hành động để trả lời câu hỏi của các kinh sư. Trong cấu trúc này, chúng ta thấy kiểu ‘bánh mì kẹp,’ đó là hai hành động giống nhau, đó là cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Đây chính là hình ảnh của sự khiêm nhường, thống hối. Còn cái kẹp giữa quan trọng nhất chính là lời nói. Chính lời nói của Ngài đã đưa thính giả của Ngài đi sâu vào trong tim mình và mang lại nơi họ một sự biến đổi tận căn. Ở đây, điểm đáng lưu ý là những người đến với Chúa Giêsu có sự thay đổi sau khi gặp Ngài: họ không còn lên án người phụ nữ ngoại tình. Điều này xảy ra vì qua hành động và lời nói của Chúa Giêsu đã làm cho họ nhận ra họ cũng là những tội nhân như người phụ nữ, là những người cần được tha thứ. Đây cũng chính là lời mời gọi cho mỗi người trong chúng ta. Tất cả chúng ta là tội nhân. Hãy kiên nhẫn với nhau, đừng xét đoán và lên án người khác vì tất cả chúng ta đều cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa.

Thứ ba, thái độ của Chúa Giêsu với người phụ nữ: “Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: ‘Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?’ Người đàn bà đáp: ‘Thưa ông, không có ai cả.’ Đức Giêsu nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 11:9-11). Chúa Giêsu tỏ thái độ bao dung với người phụ nữ vì Ngài biết thân phận yếu đuối tội lỗi của con người. Ngài không lên án chị, nhưng nhìn chị với ánh mắt cảm thông, tha thứ và yêu thương. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng kiên định trong việc mời gọi chị phải thay đổi lối sống của mình, không trở về lối sống cũ. Chúa Giêsu cũng yêu thương chúng ta như yêu thương người phụ nữ ngoại tình. Ngài cũng mời gọi chúng ta sau khi trở về với Ngài thì đừng phạm tội nữa. Chúng ta chỉ làm được điều này khi chúng ta không tách mình ra khỏi Chúa Giêsu.

THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY
(Ds 21:4-9; Ga 8:21-30)

PHÚC ÂM: Ga 8, 21-30

“Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người biệt phái rằng: “Ta ra đi, các ông sẽ tìm kiếm Ta và sẽ chết trong tội của các ông. Nơi Ta đi các ông không thể tới được”. Người Do-thái nói với nhau rằng: “Ông ta sắp tự vẫn hay sao mà lại nói “Nơi Ta đi các ông không thể tới được”?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Các ông thuộc về hạ giới; còn Ta, Ta bởi trời cao. Các ông thuộc về thế gian này; còn Ta, Ta không thuộc về thế gian này. Ta đã nói: Các ông sẽ chết trong tội các ông. Vì, nếu các ông không tin Ta, các ông sẽ chết trong tội của các ông”. Vậy họ liền hỏi: “Ông là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Là Nguyên thuỷ đang nói với các ông đây! Ta có nhiều điều phải nói và đoán xét về các ông, nhưng Ðấng đã sai Ta là Ðấng chân thật, và điều Ta nói ra trong thế gian đây, chính là điều Ta đã nghe biết ở Ngài”. Nhưng họ không hiểu là Người nói về Chúa Cha, vì thế Chúa Giêsu nói: “Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Ta là ai. Ta không tự mình làm điều gì. Ðiều Ta nói, chính là điều Chúa Cha đã dạy Ta. Ðấng đã sai Ta đang ở với Ta; Ngài không để Ta một mình, bởi vì Ta luôn luôn làm điều đẹp lòng Ngài”. Khi Người nói những điều ấy thì có nhiều kẻ tin vào Người.

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU LUÔN Ở BÊN BẠN VÌ NGÀI LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU

Ai trong chúng ta cũng đã một lần xem thấy rắn, và cũng đã nhiều lần được nghe người ta nói về rắn. Kinh Thánh ngay từ những trang đầu cũng đã nói về rắn và sự hiện diện của rắn đã mang lại những trang lịch sử buồn cho con người. Hình ảnh rắn trong Kinh Thánh ám chỉ đến mãnh lực của sự dữ, của cám dỗ, của Satan. Hai bài đọc lời Chúa hôm nay cũng tập trung vào hình ảnh của con rắn.

Trong bài đọc 1, rắn được trình bày như là nguyên nhân cái chết của nhiều người; đây cũng là hình ảnh quen thuộc trong sách Sáng Thế. Trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy sau khi Adam và Evà nghe lời dụ dỗ của con rắn và ăn trái cây, thì hậu quả là họ phải chết. Điều này cho thấy có sự liên kết chặt chẽ giữa hình ảnh con rắn và sự chết; và nó được lặp lại trong bài đọc 1 hôm nay. Sự khác biệt giữa câu chuyện trong sách Sáng Thế và câu chuyện của dân Israel trong bài đọc 1 hôm nay nằm ở chỗ dân Israel không bị rắn dụ dỗ để ăn trái cây và phải chết, nhưng bị “rắn cắn” chết: “Bấy giờ Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Israel phải chết” (Ds 21:6). Bài đọc 1 hôm nay đề nghị với chúng ta những điều gì để suy gẫm? Chúng ta tập trung vào hai điểm sau:

Thứ nhất, sự hiện diện của sự dữ, của Satan trong lịch sử nhân loại và lịch sử của đời sống cá nhân mỗi người chúng ta: không biết bao lần, chúng ta đã nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của quyền lực sự dữ để rồi đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa cho cuộc đời chúng ta. Một trong những cám dỗ lớn nhất là “quên” Thiên Chúa trong cuộc đời của mình, để cuối cùng tự tôn mình lên làm chúa của đời mình. Hệ quả của việc lãng quên Thiên Chúa và những kỳ công Ngài thực hiện được bài đọc 1 trình bày là “mất kiên nhẫn”. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê rằng: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này” (Ds 21:4-5). Từ những lời này chúng ta có thể chỉ ra ba hậu quả sau đây của việc lãng quên Thiên Chúa: (1) mất kiên nhẫn [với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa]; (2) than trách hay phàn nàn Thiên Chúa và người khác về những đau khổ của mình; (3) muốn trở lại với lối sống “nô lệ” trước kia. Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta có rơi vào những điều này không? Nếu có, hãy bắt đầu lại! Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa đã thực hiện cho anh chị em mà lớn tiếng ngợi khen Ngài.

Thứ hai, niềm hy vọng vững vàng vào Thiên Chúa, Đấng đã làm ra thuốc “chữa lành” khỏi nọc độc của sự chết [con rắn] bằng việc “treo con rắn lên một cây cột”: “Đức Chúa liền nói với ông: ‘Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.’ Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21:8-9). Điều này nói lên quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể mang lại sự chữa lành từ những đổ vỡ và tội lỗi của con người. Không có đau khổ nào hay tội lỗi nào của con người mà Thiên Chúa không thể chữa lành và biến nó thành phương tiện của ơn cứu độ. Điều quan trọng là liệu chúng ta có “nhìn lên Ngài” và cho phép Ngài chữa lành chúng ta hay không! Khi bị cám dỗ và tấn công bởi mãnh lực của sự dữ, nếu chúng ta nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta sẽ được chữa lành và đồng thời nhận ra rằng Ngài là người thật và là Thiên Chúa thật.

Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi chúng ta nối kết nó với đoạn trước (Ga 8:12-20) mà trong đó Thánh Gioan trình bày việc Chúa Cha làm chứng cho Chúa Giêsu. Nhưng dù có Chúa Cha làm chứng, người Do Thái vẫn không tin vào Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến. Vì không tin, nên khi Chúa Giêsu trở về với Chúa Cha, những người Do Thái không tin sẽ chết trong tội của mình: “Đức Giêsu nói với người Do Thái rằng: ‘Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’” (Ga 8:21). Đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay. Trong những lời trên, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc Ngài sẽ phục sinh và trở về với Chúa Cha, nhưng những Người Do Thái không tin và không hiểu điều Ngài nói, nên họ tưởng Ngài sẽ tự tử (x. Ga 8:22). Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình. Nhiều lần Thiên Chúa nói chúng ta qua lời Ngài, qua những người khác, qua những sự kiện trong cuộc sống mà chúng ta vẫn không tin vào Ngài. Đức tin của chúng ta ngày càng suy yếu và chúng ta chết trong lối sống tội lỗi của mình. Hãy mở rộng cõi lòng cho Chúa Giêsu, để Ngài dẫn chúng ta về với Chúa Cha qua mầu nhiệm vượt qua của Ngài – qua cái chết đến vinh quang.

Đứng trước việc người Do Thái không hiểu điều Ngài nói, Chúa Giêsu khẳng định về sự khác biệt giữa Ngài với họ: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8:23-24). Sự tương phản giữa nguồn gốc từ trời của Chúa Giêsu và nguồn gốc từ đất của những người chống đối Ngài làm cho việc họ đi đến nơi Chúa Giêsu đến trở nên không thể. Điều này không có nghĩa là họ không thể đến. Họ có thể đến nơi Ngài đến [Chúa Cha] chỉ qua Ngài, đó là tin vào Ngài. Sự tương phản này chỉ nhằm mục đích mạc khải chân tính của Chúa Giêsu: Ngài là Đấng Hằng Hữu. Như vậy, những ai không tin Ngài là Đấng Hằng Hữu sẽ bị phán xét và sẽ mang tội mình mà chết. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về việc nhiều lần chúng ta quá nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu và biến Ngài thành một con người. Chúng ta cần phải nhớ rằng Chúa Giêsu cũng là Chúa. Vì vậy, đức tin vào Chúa Giêsu giúp chúng ta tuyên xưng Ngài là Chúa thật và là Người thật. Hai bản tính này không thể tách rời nhau.

Dù Chúa Giêsu nói cho họ biết về nguồn gốc thượng giới của mình, người Do Thái vẫn không biết Ngài là ai: “Họ liền hỏi Người: ‘Ông là ai?’” Theo các học giả Kinh Thánh, những lời này là lời đáp trả của những người không có khả năng nghe Chúa Giêsu trực tiếp, nên họ cần lời giải thích về chân tính của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu đáp: ‘Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.’ Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha” (Ga 8:26-27). Những lời này một lần nữa chứng minh Chúa Giêsu đến từ Chúa Cha. Lời của Ngài đến từ Chúa Cha qua lời phán xét dành cho những ai không nhận ra rằng Thiên Chúa đang nói với họ qua Ngài. Điều này mời gọi chúng ta xem xét lại lời ăn tiếng nói của mình. Chúng ta có thật sự nói lại những điều chúng ta đã nghe Thiên Chúa nói không? Những người để Thiên Chúa nói qua họ là những người không bao giờ dùng lời nói của mình để nói xấu hầu làm tổn thương và mất danh dự của người khác.

Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định cho thính giả của mình rằng: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người” (Ga 8:28-29). Trong những lời này, Chúa Giêsu nói cho thính giả của Ngài rằng, chính cái chết trên thập giá của Ngài mạc khải Ngài là ai và chứng tỏ sự hiệp nhất của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Đây không phải là giây phút vinh quang của Satan; cũng không phải là dấu hiệu Thiên Chúa bỏ rơi Ngài (x. Ga 14:30; 16:32-33). Thập giá là giây phút vinh quang khi Satan bị đánh bại và sự nên một với Thiên Chúa được cảm nghiệm cách sâu xa nhất. Chi tiết này an ủi chúng ta trong giây phút đau khổ của cuộc đời. Trong giây phút đó, chúng ta được mời gọi bước vào mầu nhiệm tình yêu, mầu nhiệm vinh quang của Thiên Chúa để chiến thắng quyền lực tối tăm làm chúng ta nản lòng và mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ trong giây phút của thập giá, chúng ta mới hiểu được tình yêu của Thiên Chúa, mới biết thế nào là yêu cho đến cùng và như thế mới cảm nghiệm được Thiên Chúa gần chúng ta như thế nào.

THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY
(Đn 3:14-20.24-25.28; Ga 8:31-42)

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do-thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

SUY NIỆM: HÃY SỐNG NGAY LÀNH ĐỂ THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH QUA BẠN

Câu chuyện về ba thanh niên trong bài đọc 1 hôm nay đáng cho chúng ta học hỏi. Họ là những người đứng vững trong đức tin của mình dù cho phải thiệt thân. Điều làm chúng ta ngạc nhiên và bị thách đố là câu trả lời của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô với vua Na-bu-cô-đô-nô-xo [ước gì câu trả lời của họ cũng là của mỗi người chúng ta khi chúng ta chọn lựa giữa tôn thờ Thiên Chúa hay ngẫu tượng tiền tài và danh vọng thế gian]:

Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo: “Này Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, các ngươi không phụng sự các thần của ta và không thờ lạy pho tượng vàng ta đã dựng nên, có đúng như vậy không? Bây giờ khi nghe tiếng tù và, tiếng sáo, tiếng đàn dây, đàn sắt, đàn cầm, tiếng kèn và đủ thứ nhạc cụ, các ngươi có sẵn sàng sấp mình thờ lạy pho tượng ta đã làm không? Nếu các ngươi không thờ lạy thì tức khắc các ngươi sẽ bị ném vào lò lửa đang cháy phừng phực, liệu có Thiên Chúa nào cứu được các ngươi khỏi tay ta chăng?” (Đn 14-15). 

Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” (Đn 3:16-18). 

Nếu ở trong trường hợp của ba thanh niên này, chúng ta có kiên định trong đức tin của mình vào Thiên Chúa như họ không? Nói cách khác, chúng ta có đứng vững trong đức tin nếu chúng ta nghi ngờ không biết Thiên Chúa có giải thoát mình khỏi khó khăn và đau khổ không? Chính  đời sống kiên định trong đức tin của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô mà những người không tin vào Thiên Chúa phải thốt lên những lời tôn vinh Ngài: “Chúc tụng Thiên Chúa của Sát-rác, Mê-sác và A-vết Nơ-gô, Người đã sai thiên sứ đến giải thoát các tôi tớ của Người là những kẻ đã tin tưởng vào Người. Họ đã cưỡng lại lời vua, hy sinh tính mạng để khỏi phụng sự và thờ lạy một thần nào khác ngoài Thiên Chúa của họ” (Đn 3:28). Cũng vậy, chính cuộc sống trung thành với Thiên Chúa của chúng ta dù phải đối diện với khó khăn và thử thách, người khác sẽ nhận ra vinh quang và sức mạnh của Thiên Chúa đang tỏ hiện trong cuộc đời của chúng ta. Những người kiên định trong đức tin vào Thiên Chúa và không tôn thờ ngẫu tượng là những người tự do nhất.

Chúng ta là những người tự do hay nô lệ? Tự do là điều ai trong chúng ta cũng mong muốn. Ngay cả những người sống trong đời sống thánh hiến, những người đã khấn lời khấn vâng phục cũng chạy theo “phong trào đòi thêm tự do.” Nhiều người trong chúng ta hiểu tự do là không bị áp lực bên trong [bên trên] hoặc bên ngoài nào can thiệp vào những gì mình muốn có và muốn làm hoặc muốn là. Có hai loại tự do: tự do khỏi và tự do cho. Nhiều khi chúng ta có “tự do khỏi,” nhưng chúng ta lại không có “tự do cho.” Ví dụ, chúng ta có thể có “tự do khỏi” kiểm soát của người khác, nhưng điều đó không bảo đảm là chúng ta có “tự do cho điều tốt.” Đây chính là bối cảnh để giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng hôm nay.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục những gì bài Tin Mừng hôm qua để lại. Thính giả của Chúa Giêsu là những người đã tin vào Ngài khi Ngài nói với họ về mầu nhiệm vượt qua của Con Người. Nhưng niềm tin này phải biến họ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8:31-32). Theo các học giả Kinh Thánh, khi nói về nhóm người đã tin vào Chúa Giêsu như là các môn đệ và liên kết với việc ‘ở lại trong lời Tôi’ (x. Ga 6:56b; 14:21, 23-24; 15:4-10), người kể đang còn nghĩ về các Kitô hữu người Do Thái trong thời gian của mình đang phải đối diện với sự chọn lựa tiếp tục làm môn đệ Chúa Giêsu hay từ bỏ sự trung thành để tiếp tục là những môn đệ của Môsê (x. Ga 9:27-28). Chúng ta cũng thường đứng trước chọn lựa này, trung thành với Chúa Giêsu hay đi theo lời mời gọi của thế gian. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy để cho sự thật hướng dẫn, vì chỉ có sự thật mới có thể giải phóng chúng ta. Sự thật Chúa Giêsu nói đến đây chính là Ngài. Chúa Giêsu chính là con đường duy nhất để được ơn cứu độ, được giải thoát khỏi nô lệ của tội lỗi.

Nhưng vì ‘nguồn gốc hạ giới’ của mình, các thính giả của Chúa Giêsu không hiểu điều Ngài nói nên hỏi Ngài: “Chúng tôi là dòng dõi ông Ápraham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói: các ông sẽ được tự do?” (Ga 8:33). Trong những lời này, thính giả của Chúa Giêsu nói về một loại tự do mà không đặt nền tảng trên hoàn cảnh chính trị vì trong lúc đó họ đang chịu sự đô hộ của người La Mã. Dựa vào điều này, Chúa Giêsu đưa họ đến một loại nô lệ mà họ không nghĩ rằng mình đang sống trong đó: “Thật, tôi bảo thật các ông: hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. Tôi biết các ông là dòng dõi ông Ápraham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói” (Ga 8:34-38). Trong những lời này, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh tương phản giữa ‘người con’ và ‘nô lệ’ để nói đến tình cảnh của những người sống trong tội. Những người nô lệ trở thành con cái chỉ khi có người ‘Con,’ là chính Chúa Giêsu, giải phóng. Nói cách khác, chúng ta chỉ là những con người tự do khi chúng ta sống ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình cách triệt để. Chi tiết đáng để chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu chỉ ra cho thính giả của Ngài lý do tại sao họ tìm cách giết Ngài, đó là vì “lời Ngài không thấm vào lòng họ.” Nhiều lần chúng ta cũng tìm cách giết Chúa Giêsu vì chúng ta không đem lời Ngài ra thực hành và tiếp tục sống lối sống tội lỗi. Hãy để lời Chúa thấm vào lòng chúng ta và biến đổi chúnng ta thành những người con đích thật của Thiên Chúa, những người lắng nghe lời Ngài và đem ra thực hành.

Điểm cuối cùng chúng ta có thể suy gẫm là chi tiết Chúa Giêsu giải thích cho thính giả của Ngài về việc họ không thuộc dòng dõi Ápraham. Qua điều này, Ngài gián tiếp đặt một tiêu chuẩn mới để trở nên con cái Ápraham: “Giả như các ông là con cái ông Ápraham, hẳn các ông phải làm những việc ông Ápraham đã làm. Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Ápraham đã không làm” (Ga 8:39-40). Tiêu chuẩn đó là luôn làm theo thánh ý Thiên Chúa, là tin vào Chúa Giêsu, Đấng được sai đến. Điều này được Chúa Giêsu khẳng định trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha: “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi” (Ga 8:42). Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta cũng không tự mình mà đến trong thế gian này [được sinh vào trong thế gian này], nhưng là được Thiên Chúa muốn. Mỗi người chúng ta được sai đến với một mục đích, là làm vinh danh Thiên Chúa [thực thi thánh ý Thiên Chúa] như Chúa Giêsu.

THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY

(St 17:3-9; Ga 8:51-59)

PHÚC ÂM: Ga 8, 51-59

“Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Người Do-thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: “Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết”. Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?” Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”. Người Do-thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?” Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”. Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.

SUY NIỆM: TRƯỚC KHI ÁPRAHAM HIỆN HỮU, CHÚA GIÊSU ĐÃ HIỆN HỮU

Hai bài đọc lời Chúa hôm nay tập trung vào hình ảnh của Ápraham. Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta việc Thiên Chúa đổi tên Ápram thành Ápraham khi lập giao ước với ông: “Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc. 5 Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:4). Trong Kinh Thánh, việc đổi tên mang ý nghĩa rất quan trọng: nó nói đến một sự cắt đứt hoàn toàn về tương quan xác thịt để hoàn toàn thiết lập một tương quan mới với Thiên Chúa và để nói lên việc không còn thuộc về gia đình nhân loại, nhưng thuộc về Thiên Chúa và gia đình thiêng liêng của Ngài; nó cũng ám chỉ sứ mệnh mà Thiên Chúa kêu gọi người đó chia sẻ với Ngài.

Bài đọc 1 cũng trình bày cho chúng ta những điều kiện của bản giao ước giữa Thiên Chúa và Ápraham. Đây là giao ước mà Thiên Chúa ký kết muôn đời với dân Israel. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng đây là bản hợp đồng được ký kết giữa hai đối tác “không tương xứng”: một bên là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, một bên là con người, tạo vật; một bên là vô hạn, một bên là hữu hạn; một bên luôn trung thành và một bên luôn sống bất trung. Chúng ta nhận thấy trong bản giao ước, Thiên Chúa làm hết mọi sự cho con người từ việc làm cho Ápraham không có con cái trở thành cha của những dân tộc và vua chúa, từ việc không có đất làm gia nghiệp thành một người có đất Canaan làm gia nghiệp muôn đời: “Ta sẽ cho ngươi sinh ra nhiều, thật nhiều: Ta sẽ làm cho ngươi thành những dân tộc, và vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi. Ta sẽ lập giao ước của Ta giữa Ta với ngươi và với dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đây là giao ước vĩnh cửu, do đó Ta sẽ là Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi sau này. Ta sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (St 17:6-8). Còn về phía con người, Thiên Chúa chỉ mời gọi họ một điều là: “Phần ngươi, hãy giữ giao ước của Ta, ngươi và dòng dõi ngươi sau này, từ thế hệ này qua thế hệ khác” (St 17:19). Giao ước mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta tuân giữ hôm nay chính là giao ước chúng ta đã ký kết trong ngày lãnh Bí Tích Rửa Tội hay trong ngày khấn dòng. Khi chúng ta tuân giữ giao ước của Ngài, Thiên Chúa sẽ làm cho chúng ta trở nên nguồn phúc lành cho nhiều người. Hãy biến sự hiện diện của chúng ta thành lời “phúc lành” của Thiên Chúa cho những người chúng ta đang sống và tiếp xúc mỗi ngày; đừng là lời “chúc dữ” cho họ.

Cuộc tranh luận về nguồn gốc của Chúa Giêsu được tiếp tục trong bài Tin Mừng ngày hôm nay với sự liên kết với nguồn gốc của Ápraham. Câu đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay về việc “tuân giữ lời” của Chúa Giêsu nối kết với bài Tin Mừng hôm qua. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ngày hôm qua “việc nghe lời Chúa Giêsu” được xem là dấu hiệu cho biết một người là môn đệ của Chúa Giêsu, còn ngày hôm nay “việc nghe lời Chúa Giêsu” là điều kiện cần để “không bao giờ chết: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8:51). Câu này được Thánh Gioan sử dụng như cầu nối để chuyển đề tài về nguồn gốc của Chúa Giêsu sang đề tài về sự sống vĩnh cửu của Ngài với Thiên Chúa của Ápraham, hay đúng hơn là để khẳng định Ngài là Đấng Hằng Hữu. Và hơn hết, chính câu này làm cho những người chống đối Chúa Giêsu hiểu lầm ý Ngài và như vậy trở thành cơ hội để Ngài công bố sự cao trọng của Ngài vượt trên Ápraham.

Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, đoạn Tin Mừng hôm nay chứa đựng một số truyền thống khác nhau để trình bày về ý tưởng Chúa Giêsu bị quỷ ám (x. Mc 3:22-23), với việc gán cho ngài danh xưng tiệu cực “là người Samaria.” Khi làm như thế, những người chống đối Chúa Giêsu xỉ nhục nguồn gốc của Ngài và liên kết Ngài với ma quỷ. Đây chính là bối cảnh giúp chúng ta hiểu câu trả lời của Chúa Giêsu về mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa của Ápraham. Ngài là con cháu của Ápraham theo bản tính nhân loại [là một người Do Thái], nhưng trong bản tính Thiên Chúa, Ngài cao trọng hơn Ápraham. Chính trong bản tính này mà Ngài hiện hữu và được tôn vinh với Thiên Chúa của Ápraham từ muôn thuở: “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8:54-56). Trong câu trả lời này của Chúa Giêsu, điều làm chúng ta lưu ý và suy gẫm là việc ông Ápraham đã “hớn hở và vui mừng và hy vọng được thấy ngày của Chúa Giêsu. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Sự vui mừng của Ápraham mang hai đặc tính: hiện tại và tương lai [trong ngày sau hết]. Đây là niềm vui và hy vọng mang tính cánh chung, nhưng đã được bắt đầu trong giây phút hiện tại của ngày sống. Điều này có đang thật sự xảy ra cho chúng ta hay không? Chúng ta có thật sự vui mừng và hớn hở mỗi khi được nhìn thấy ngày hay đúng hơn là sống trong ngày của Chúa Giêsu hay không? Khi Chúa Giêsu tuyên bố với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8:58), Ngài muốn nói cho họ và cho chúng ta biết rằng: Ngài siêu vượt thời gian, nhưng Ngài có thời gian cho mỗi người chúng ta. Ngài luôn là “hiện tại,” luôn hiện diện. Như vậy, không có giây phút nào trong ngày sống của chúng ta không thuộc về Thiên Chúa. Liệu chúng ta có thuộc về Ngài mỗi giây phút không?

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với thái độ giận dữ và chống đối của người Do Thái khi họ “lượm đá để ném Người” (Ga 8:59). Hình phạt “ném đá” cho đến chết thường được dành cho tội phạm thượng. Qua câu khẳng định về sự “Hằng Hữu” của mình, Chúa Giêsu đã bị liệt vào hàng những người phạm thượng, đáng phải chết. Điều này giúp chúng ta hiểu hơn về nguyên nhân cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Tuần V Mùa Chay là tuần cuối cùng chuẩn bị chúng ta bước vào Tuần Thánh, Giáo Hội trích từ Tin Mừng Thánh Gioan để giúp chúng ta suy gẫm và hiểu hơn về bối cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu: mầu nhiệm của sự chống đối của con người do hiểu lầm và không sám hối [không thay đổi lối nhìn, lối suy nghĩ thiển cận và lối sống hẹp hòi của mình] và mầu nhiệm của tình yêu vô điều kiện và tuyệt đối của Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành với tình yêu của mình và sẵn sàng tha thứ mỗi khi con người trở về với Ngài. Hãy sám hối để Chúa Giêsu không bị “chúng ta ném đá” bởi tội lỗi của mình, hay bị “người khác ném đá” vì gương mù gương xấu của chúng ta.

THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY

(Gr 20:10-13; Ga 10:31-42)

PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?” Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.

SUY NIỆM: ĐỪNG PHẢN ỨNG TIÊU CỰC KHI NGHE NHỮNG LỜI KHÓ NGHE

Bài đọc 1 hôm nay nói về tâm trạng của Giêrêmia khi bị vu cáo. Giống như nhiều mẫu gương trong Cựu Ước, Ngôn sứ không tìm cách để biện minh, nhưng chạy đến giãi bày nỗi lòng với Đức Chúa. Một trong những lý do Ngôn sứ Giêrêmia đưa ra để khuyên chúng ta phải đến với Thiên Chúa khi bị vu cáo là: “Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng (Gr 20:11). Vì Đức Chúa luôn ở bên chúng ta nên chỉ có một mình Ngài “thấu suốt tâm can” (Gr 20:12). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không đánh giá đúng mức giá trị của việc chạy đến giãi bày nỗi lòng với Thiên Chúa khi bị vu cáo hoặc hiểu lầm. Chúng ta thường để cho những suy nghĩ hay lối cư xử tiêu cực chiến thắng chúng ta, để rồi chúng ta có những lời nói, suy nghĩ và hành động gây tổn hại cho chính mình và người khác. Những ai khi bị tố cáo hoặc hiểu lầm mà biết giữ thinh lặng và chạy đến giãi bày với Đức Chúa, sẽ giữ được bình tĩnh và sẽ là người chiến thắng vì Thiên Chúa sẽ biện minh cho họ. Tuy nhiên, bài đọc 1 hôm nay cũng khuyến cáo chúng ta tránh thái độ vu cáo và “bới lông tìm lỗi” của người khác. Một người mà chỉ tập trung đi tìm lỗi của người khác để vu cáo và kết án là người không biết mình. Những người như thế không bao giờ hiểu tình yêu đích thật, vô điều kiện và tuyệt đối là gì. Đừng mất giờ vô ích cho việc tìm lỗi người khác để vu cáo và lên án. Hãy dành thời gian đó cho việc nhận ra lỗi của mình để sửa và lớn lên trên đường nhân đức.

Hôm qua, chúng ta thấy người Do Thái muốn bắt Chúa Giêsu vì họ cho là Ngài đã nói phạm thượng. Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục đưa chúng ta vào sâu trong sự ‘đối kháng’ giữa Chúa Giêsu và người Do Thái để cuối cùng dẫn đến cái chết trên thập giá của Ngài. Chính việc Chúa Giêsu khẳng định Ngài và Chúa Cha là một đã làm cho những người Do Thái giận dữ, xem đó là một lời nói phạm thượng. Đứng trước sự giận dữ của người Do Thái, Chúa Giêsu đối chất với họ về thái độ muốn ném đá Ngài của họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?” (Ga 10:32). Chúa Giêsu đã dùng hành động [dấu lạ Ngài đã thực hiện] để chứng minh rằng điều Ngài nói là chân thật. Nhưng những người Do Thái đã từ chối chấp nhận những công việc tốt đẹp như là chứng cớ cho biết Chúa Giêsu và Chúa Cha là một: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10:33). Chi tiết này một cách nào đó khuyến cáo chúng ta về sự chậm tin. Chúng ta thấy những phép lạ Thiên Chúa thực hiện trong đời sống thường ngày, nhưng ta không chịu tin. Chúng ta dần dần ‘ném đá giết chết’ Chúa Giêsu trong cuộc đời của mình qua thái độ dửng dưng, vô cảm và không có lòng biết ơn. Hãy là những người tin chứ đừng là những người tin nửa vời.

 Chúa Giêsu sử dụng lời Kinh Thánh để chỉ cho người Do Thái biết điều Ngài khẳng định không có gì sai: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’? Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10:34-38). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa những người chống đối về lại với ý nghĩa của Kinh Thánh và khẳng định với họ Ngài đến để hoàn thành những gì Kinh Thánh đã nói về Ngài. Bên cạnh đó, Ngài cũng khẳng định giá trị trường tồn của Kinh Thánh. Chính những lời Kinh Thánh làm chứng về nguồn gốc của Ngài vì Ngài và Chúa Cha là một. Chi tiết này mời gọi chúng ta có lòng yêu mến Kinh Thánh, vì trong đó chúng ta tìm thấy lời Chúa, là lời mang lại sự sống.

Sự ‘đối kháng’ được giảm bớt qua việc Chúa Giêsu lánh sang bên kia sông Giođan. Sự kiện này đã làm cho nhiều người tin vào Chúa Giêsu: “Đức Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giođan, đến chỗ trước kia ông Gioan đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. Nhiều người đến gặp Đức Giêsu. Họ bảo nhau: ‘Ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.’ Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu (Ga 10:40-42). Việc lánh mặt của Chúa Giêsu về bên kia sông Giođan mang một ý nghĩa quan trọng, đó là đưa thính giả của Ngài về với những gì đã xảy ra ở đó. Trong bối cảnh đó, họ mới có được sự so sánh giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Chính qua điều này, họ nhận ra được sự cao trọng của Chúa Giêsu qua lời chứng của Gioan về Chúa Giêsu và họ tin vào Chúa Giêsu. Đức tin là một hành trình tìm kiếm. Chỉ những người giữ được sự kiên định trong việc đến với Chúa Giêsu dù Ngài đi đâu, ở đâu mới có thể hoàn thành hành trình đức tin của mình trong hy vọng và tình mến.

THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY

(Ed 37:21-28; Ga 11:45-57)

PHÚC ÂM: Ga 11, 45-56

“Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát về một mối. Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.

SUY NIỆM: HÃY TRỞ NÊN NHÂN TỐ CỦA HIỆP NHẤT

Chia rẽ luôn đem lại nước mắt và đau khổ. Chia rẽ giữa những người không quen biết thì không đau đớn cho bằng chia rẽ giữa những người trong cùng một gia đình: giữa chồng với vợ, giữa cha mẹ với con cái, giữa con cái với nhau, hoặc giữa các thành viên trong cùng một cộng đoàn đời tu. Trong lịch sử dân Israel, các con cái của Giacóp cũng bị chia rẽ thành hai vương quốc, nhà Israel [gồm 10 chi tộc] và nhà Giuđa (gồm 2 chi tộc], trước và sau thời gian trị vì của Davít và Solomon. Đây chính là bối cảnh đằng sau bài đọc 1 hôm nay.

Niềm vui và bình an sẽ được tái thiết khi sự chia rẽ được vượt thắng. Trong bài đọc 1 hôm nay, Ngôn sứ Edêkien trình bày cho chúng ta về viễn cảnh Thiên Chúa sẽ quy tụ con cái Israel tản mác khắp nơi khi bị lưu đày trở về. Không những thế, Ngài còn chữa lành vết thương chia rẽ giữa họ để họ chỉ tôn thờ một mình Ngài. Ngài sẽ tha thứ lỗi lầm của họ, sẽ thanh tẩy họ và nhắc lại cho họ giao ước Ngài đã ký kết với Ápraham, tổ phụ của họ: “Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 37:22-23). Điều này cho chúng ta thấy rằng, chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể vượt qua được bức tường chia rẽ và với ơn của Ngài những vết thương bị chia rẽ gây ra sẽ được chữa lành.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta “hệ quả” của việc Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại. Theo các học giả Kinh Thánh, trong Tin Mừng của Thánh Gioan, dấu lạ cuối cùng này của Chúa Giêsu mang lại một dòng người tin vào Chúa Giêsu và tiếp tục cho đến khi Ngài vào thành Giêrusalem. Bên cạnh đó, Tin Mừng cũng trình bày cho chúng ta biết Giêrusalem là nơi mà những người có quyền kiểm soát hết các hoạt động: Họ kiểm tra Gioan Tẩy Giả (Ga 1:19,24) và điều tra các phép lạ của Chúa Giêsu (x. Ga 5:10,15; 9:13; 11:46). Điều đầu tiên chúng ta có thể suy gẫm là sự kiện Chúa Giêsu cho Ladarô sống lại làm trỗi dậy hai phải ứng khác nhau: Một số tin vào Chúa Giêsu: “Khi ấy, sau khi ông Ladarô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do Thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người” (Ga 11:45), nhưng ngược lại, có một số tìm cách giết người: “Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisêu và kể cho họ những gì Đức Giêsu đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pharisêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: ‘Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rôma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta’” (Ga 11:46-48). Chi tiết này khuyến cáo chúng ta rằng: Cùng một sự kiện, nhưng có những phản ứng khác nhau. Nó lệ thuộc vào động lực của người chứng kiến hoặc nghe về sự kiện đó. Nếu là người có thiện cảm, thì phản ứng sẽ dễ dàng, còn người không có thiện cảm sẽ có thái độ và những nhận xét không hay về sự kiện.

Trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay là lời tiên tri của Caipha về Chúa Giêsu: “Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: ‘Các ông không hiểu gì cả, các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt’” (Ga 11:49-50). Đây là chi tiết mà các học giả không biết rõ về mục đích của thánh sử. Đa số tự hỏi không biết thánh sử có lẫn lộn trong sự hiểu biết của mình về chức vị thượng tế và nghĩ rằng họ chỉ giữ chức vụ đó một năm hoặc có ý nói là Caipha là thượng tế ‘trong năm đó.’ Trong Ga 18:13, chúng ta được cho biết là Annas, bố vợ của Caipha là thượng tế. Mặc dù bị kiểm soát bởi những gia đình thượng lưu, những ai được chọn vào chức vụ thượng  tế giữ chức vụ bao lâu người La Mã cho phép. Caipha giữ chức thượng tế từ năm 18 và có thể tiếp tục thêm một thời gian ngắn sau khi Philatô hết quyền lực năm 36. Mặc dù thánh sử không rõ về những chi tiết, một lời giới thiệu về những quan tâm của mình về phản ứng của người La Mã trước một người lãnh đạo nổi tiếng như Chúa Giêsu là một lời giới thiệu xứng hợp để giải thích lý do tại sao người Do Thái phải nhóm họp hội đồng. Đến đây, chúng ta có thể hiểu được ý của thánh sử, đó là không nhằm mục đích cung cấp những chi tiết chính xác về lịch sử liên quan đến chức thượng tế, nhưng là để cho thấy cái chết của Chúa Giêsu liên quan đến hai quyền lực: chính trị [La Mã] và tôn giáo [thượng tế]. Trong lời tiên tri của Caipha, chúng ta thấy cái chết của Chúa Giêsu không chỉ cho một số người, nhưng cho ‘toàn dân.’ Tuy nhiên, thính giả của Thánh Gioan biết rằng cái chết của Chúa Giêsu không ngăn những người La Mã đến và phá huỷ Đền Thờ.

Thánh Gioan cho biết những lời này không phải tự ông nói ra, nhưng ông nói trên danh nghĩa là vị thượng tế năm ấy: “Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:51-52). Trong những lời này, chúng ta thấy rõ hai mục đích chính của cái chết của Chúa Giêsu, đó là chết thay cho toàn dân và quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. Điều này cho thấy cái chết của Chúa Giêsu là sự diễn tả đặc tính hy tế và không chỉ cho dân Do Thái mà thôi, như cho toàn thế gian. Điều này mời gọi chúng ta suy gẫm về cái chết của Chúa Giêsu cũng là cho chúng ta và để đưa chúng ta làm một trong Thiên Chúa. Nói cách cụ thể hơn, cái chết của Chúa Giêsu mang lại sự hiệp nhất. Chúng ta đừng làm cho cái chết của Chúa Giêsu trở nên vô nghĩa bằng đời sống chia rẽ của mình.

Đứng trước mưu tính của người Do Thái, “Đức Giêsu không đi lại công khai giữa người Do Thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Épraim. Người ở lại đó với các môn đệ” (Ga 11:54). Mặc dù bản văn không giải thích về quyết định của hội đồng về cái chết của Chúa Giêsu trở thành công cộng, thái độ chống đối của người Do Thái là nguyên nhân dẫn đến việc Chúa Giêsu không còn đi lại công khai, nhưng ẩn mình nơi thanh vắng với các môn đệ. Nhìn từ góc cạnh khác, chúng ta thấy việc Chúa Giêsu tránh về nơi thanh vắng là để chuẩn bị mình và các môn đệ cho biến cố sắp xảy ra hầu mang vinh quang cho Thiên Chúa. Điều này dạy chúng ta rằng: Trước khi làm những điều quan trọng, chúng ta cũng phải lui về nơi thanh vắng để kết hợp mật thiết với Chúa trong đời sống cầu nguyện và tìm thánh ý Thiên Chúa. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể sẵn sàng đối diện với bất kỳ điều gì sẽ đến trong việc thi hành ý Chúa.

Bài Tin Mừng lại kết thúc với hai thái độ trái ngược nhau trước sự kiện Chúa Giêsu có lên Giêrusalem trong dịp lễ Vượt Qua hay không: “Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do Thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giêrusalem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. Họ tìm Đức Giêsu và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: ‘Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không?’ Còn các thượng tế và người Pharisêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt” (Ga 11:55-57). Lại một lần nữa, chúng ta được mời gọi nhìn lại thái độ và lối sống của mình. Chúng ta cũng được nhắc nhở phải cẩn thận trong suy đoán và quyết định của mình vì cái xảy ra bên ngoài không quan trọng cho bằng những gì đang xảy ra trong chúng ta.

Exit mobile version