Suy niệm mỗi ngày- Tuần 28 Thường Niên

222

SUY NIỆM MỖI NGÀY TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Lm Ngọc Dũng, SDB

Thứ Hai Tuần XXVIII – Thường Niên

CHÚA GIÊSU: “DẤU LẠ” CỦA THIÊN CHÚA

(Rm 1:1-7; Lc 11:29-32)

Bài đọc 1 hôm nay trình thuật cho chúng ta phần giới thiệu của thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Rôma. Trong phần giới thiệu này, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta biết nội dung chính của bức thư. Một cách cụ thể, chúng ta nhận thấy có ba ý chính trong phần giới thiệu: (1) Thánh Phaolô giới thiệu chính mình là một Tông Đồ. Theo thánh nhân, Tông Đồ là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, được dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa: “Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 1:3). (2) Sau khi giới thiệu chính mình, thánh nhân giới thiệu về Chúa Giêsu: “Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4). (3) Thánh nhân kết thúc phần giới thiệu bằng việc giới thiệu những người sẽ nhận bức thư: Họ là những người “vâng phục Tin Mừng hầu cho dân Người được rạng rỡ” (Rm 1:6). Không những thế, họ là “những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh” (Rm 1:7). Chúng ta cũng là những người được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi làm tông đồ của Ngài. Chúng ta phải sống đời sống thế nào để chỉ tìm kiếm “ân sủng và bình an” của Đức Giêsu Kitô, không chỉ cho mình mà cho người khác nữa.

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải đọc nó trong bối cảnh của những cuộc tranh luận mà qua đó ý nghĩa cuộc hành trình [lên Giêrusalem] của Chúa Giêsu được mạc khải. Cụ thể là trong trình thuật Tin Mừng hôm nay Thánh Luca nói về “dấu lạ” của Giôna mạc khải ý nghĩa về sự hiện diện của Chúa Giêsu cho thế hệ Ngài [và mọi thế hệ sau đó].

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với việc trở lại vấn đề “dấu lạ,” điều đã được giới thiệu trong câu 16 [“Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời”]. Chúng ta cũng tìm thấy trình thuật tương tự trong Tin Mừng Thánh Mátthêu (12:38-42). Tuy nhiên, nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng, bản văn của Thánh Mátthêu không được đọc và hiểu trong bối cảnh mà Thánh Luca đang nhắm đến trong trình thuật của ngài. Cách cụ thể hơn, Thánh Luca không quan tâm đến việc Giôna ở ba ngày trong bụng cá như Thánh Mátthêu. Điều Thánh Luca quan tâm là việc đón nhận điều Giôna giảng dạy như là dấu chỉ cho việc đón nhận sứ điệp Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu giảng dạy. Câu 30 và 32 của trình thuật Tin Mừng làm sáng tỏ rằng điều Thánh Luca quan tâm là việc giảng dạy của Giôna về lời Thiên Chúa là dấu lạ [dấu chỉ]. Đó là lý do thánh nhân sử dụng để kêu gọi “dân chúng tụ tập đông đảo” phải lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa mà Chúa Giêsu công bố.

Trong câu 31, Thánh Luca quy chiếu về hình ảnh của Nữ Hoàng Phương Nam. Hình ảnh này tìm thấy trong sách các Vua quyển Thứ Nhất [chương 10]. Trong câu này, một lần nữa, Thánh Luca suy gẫm ý nghĩa về Chúa Giêsu: sự khôn ngoan của Ngài vĩ đại hơn vị vua khôn ngoan trong truyền thuyết của người Israel, là vua Solomon. Tuy nhiên, trước sự giảng dạy [dấu lạ] của Giôna, dân thành Ninivê đã sám hối. Nói cách khác, sức mạnh lời Chúa trong Giôna được biểu lộ qua việc toàn dân thành Ninivê sám hối. Trong Đức Kitô, vị “phát ngôn viên của Thiên Chúa và là Ngôi Lời,” thì sức mạnh mang lại sự sám hối phải vĩ đại hơn. Chi tiết này được Thánh Luca sử dụng để nói đến sự bắt chước bởi những thính giả dân ngoại (những người được xem là không được chọn lựa) của ngài và của các môn đệ trong việc đáp lại lời Thiên Chúa cách quảng đại.

Nhìn chung, bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của mình. Nói cách khác, lời khiển trách của Chúa Giêsu với thế hệ của Ngài vẫn còn có ý nghĩa cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng sống “gian ác” với anh chị em mình qua thái độ loại trừ. Chúng ta cũng đòi Chúa ban cho mình những dấu lạ, đó là ban cho chúng ta những điều chúng ta xin. Điều đáng buồn nhất là chúng ta chạy đến với người khác, nghe người khác, tìm kiếm sự khôn ngoan nơi con người hơn là nơi Chúa Giêsu [Thiên Chúa]. Chúng ta để cho thái độ sống hay cảm xúc của mình bị thay đổi bởi lời nói của người khác, nhưng lại không có “cảm giác” và “thay đổi” gì khi nghe lời Chúa. Hãy để lời Chúa biến đổi chúng ta vì lời Ngài mang lại sự sống đời đời.

Thứ Ba Tuần XXVIII – Thường Niên

HÃY RỬA SẠCH TÂM HỒN ĐỂ CHÚA GIÊSU NGỰ VÀO

(Rm 1,16-25; Lc 11:37-41)

Ai trong chúng ta cũng đã một lần hổ thẹn. Chúng ta hổ thẹn về điều gì? Làm sai một điều gì đó? Ngược lại, nhiều khi chúng ta không thấy hổ thẹn để làm một điều gì hoặc nhìn nhận một ai đó. Để không hổ thẹn, chúng ta phải có can đảm. Thánh Phaolô cho chúng ta biết trong bài đọc 1 rằng ngài “không hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1:16). Ngài cho chúng ta biết lý do mà ngài không hổ thẹn về Tin Mừng như sau: “Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải, nhờ đức tin để dẫn đến đức tin, như có lời chép: Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống” (Rm 1:16-17). Trong những lời này, Thánh Phaolô nêu rõ cho chúng ta biết Tin Mừng chính là sức mạnh Thiên Chúa và mang lại sự sống cho những ai có đức tin. Chúng ta cũng nghe lời Chúa mỗi ngày [hoặc mỗi Chúa Nhật], lời Chúa có là sức mạnh giúp chúng ta tăng trưởng về đời sống đức tin không?

Tiếp đến, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta về “sai lầm” của những người “lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý” (Rm 1:18). Theo Thánh Phaolô, những người này là những người (1) tuy biết Thiên Chúa, mà không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo; (2) đầu óc suy luận viễn vông và tâm trí hoá ra mê muội; (3) khoe mình không ngoan; (4) thờ hình tượng người phàm hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết (x. Rm 1:20-25). Đọc những điều này, chúng ta thấy mình cũng bị mắc vào một trong những điều trên. Thật vậy, nhiều người trong chúng ta tự hào là đã “đi đạo” hay “đi tu” thật lâu, chúng ta tự hào là biết rõ Chúa và đường lối của Ngài, nhưng cuộc sống chúng ta lại không trở thành lời tôn vinh và tạ ơn. Đầu óc chúng ta thường nghĩ về “lợi ích” cho chính mình và đi tìm chính mình hơn là vinh danh Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta tôn thờ chính mình và chạy theo những ước muốn của mình hơn là tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải thiết lập lại vị trí của Chúa trong tâm hồn chúng ta. Vì chỉ có Chúa trong tâm hồn, cuộc sống chúng ta mới trở nên trong sạch như bài Tin Mừng hôm nay trình thuật.

Sau khi mời gọi thính giả tìm kiếm sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa hơn là nơi con người, Chúa Giêsu tiếp tục hướng dẫn họ trong việc làm cho mình được xứng đáng hơn với Thiên Chúa qua việc bố thí (x. Lc 11:37-54). Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh lời giảng dạy của Chúa Giêsu về sức mạnh của việc bố thí có sức mạnh làm cho con người trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa.

Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi sống theo lối sống của Chúa Giêsu, họ sẽ phải đối diện với nhiều chống đối từ bên trong và bên ngoài. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện “chống đối đến từ bên trong.” Điều này được diễn tả qua hình ảnh của người Pharisêu, người mời Chúa Giêsu, và đề tài tranh luận là “việc rửa tay” trước khi ăn. Đây chính là thói quen của những người Do Thái. Việc làm của Chúa Giêsu khiến cho chủ nhà [và có thể những khách mời khác] ngạc nhiên, vì Ngài là một người Do Thái, nhưng khi được mời, Ngài “liền vào bàn ăn” (Lc 11:37) mà không rửa tay. Hành động không theo luật rửa tay của Chúa Giêsu ám chỉ đến việc những người theo Ngài sẽ không cần phải thực hiện những “luật lệ con người” mà làm cản trở ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác, chi tiết này cho thấy, những người theo Chúa Giêsu phải cắt đứt với lối sống cũ của mình. Họ phải có một sự đổi mới tận căn trong chính lối sống của họ. Họ không chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, hoặc tuân theo những luật lệ bên ngoài, nhưng quan trọng nhất là quan tâm đến sự thay đổi bên trong.

Trong cuộc sống, chúng ta đã từng chứng kiến nhiều người tốn nhiều tiền cho quần áo, mỹ phẩm hoặc giải phẩu thẩm mỹ để làm cho vẻ bên ngoài của mình trông đẹp hơn. Nhưng bên trong lại không có sự thay đổi nào đẹp hơn. Chúa Giêsu cũng nói với những người này như Ngài đã nói với người Pharisêu mời Ngài: “Này, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Thật là ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc 11:39-41). Trong những lời này Chúa Giêsu mời gọi thính giả của mình lưu ý đến những gì bên trong hơn nhưng gì bên ngoài. Khi “thế giới bên trong” được bình an, thì “thế giới bên ngoài” được an bình. Nói cách cụ thể hơn, khi chúng ta có khả năng kiểm soát cảm xúc nóng giận bên trong của mình, thì sẽ không có cãi vã bên ngoài. Theo các học giả Kinh Thánh, chữ “bên trong” có thể mang ba ý nghĩa sau: (1) chúng ta được mời gọi trao ban “nội dung” [thức ăn và của uống] như của bố thí; (2) điều đáng lưu ý nhất trong đời sống nội tâm của mỗi người là việc bố thí; (3) khi bố thí, chúng ta hãy trao ban với trọn con tim của mình. Nói cách khác, chúng ta phải bố thí cho người khác với “cái tâm.”

Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy việc bố thí có một vị trí quan trọng trong thần học của Tin Mừng Thánh Luca. Ngoài Mt 6:2-4, chỉ có Tin Mừng Thánh Luca và Công Vụ Các Tông đồ trong Tân Ước đề cập đến vần đề bố thí. Vì lý do này, bố thí trở thành một yếu tố cốt yếu của đời sống luân lý Kitô giáo đối với Thánh Luca. Khi nói đến bố thí, Thánh nhân một lần nữa mời gọi thính giả của mình chia sẻ của cải vật chất cho những người túng thiếu. Trong bối cảnh Tin Mừng của mình, khi mời gọi các Kitô hữu dân ngoại làm việc bố thí, Thánh Luca muốn “ra lệnh” cho họ thực hiện một trong ba việc đạo đức của người Do Thái [ăn chay, cầu nguyện và bố thí]. Đây chính là điều đem lại sự liên tục trong niềm tin Kitô giáo với việc thực hành đạo đức của người Do Thái. Điều không liên tục là ý niệm về việc trong sạch: đối với người Do Thái, đụng chạm đến những vật hoặc người ô uế sẽ làm cho mình ra ô uế; còn đối với cộng đoàn Thánh Luca, vượt qua ranh giới để chăm sóc cho những người cần đến mình [như người Samaria nhân hậu] làm cho một người trở nên thanh sạch [dù phải đụng chạm đến người bị ô uế bên ngoài]. Chi tiết này cho thấy, nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta để cho vẻ bên ngoài ngăn cản chúng ta khỏi việc chăm sóc cho anh chị em mình: Những thành kiến, những ánh mắt không thiện cảm và những lời nói thiếu tế nhị có thể đóng cửa tâm hồn chúng ta lại. Đó chính là những điều làm chúng ta trở nên ô uế! Hãy trở nên trong sạch trước mặt Chúa bằng cách “rửa sạch” những thái độ “xoi mói” và “xét đoàn” anh chị em mình.

Thứ Tư Tuần XXVIII – Thường Niên – Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng

BIẾN ĐỜI SỐNG THÀNH TIN MỪNG CỦA CHÚA GIÊSU

(2 Tm 4:10-17; Lc 10:1-9)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính Thánh Luca, Tác Giả Sách Tin Mừng. Thánh nhân là ai? Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta biết thánh sử là một trong những cộng sự của Thánh Phaolô: “Anh thân mến, anh Đêma đã bỏ tôi, bởi yêu mến thế gian này; anh ta đã đi Thêxalônica. Anh Cơrétxen đã đi sang miền Galát, anh Titô đi sang miền Đanmatia. Chỉ còn một mình anh Luca ở với tôi” (2 Tm 4:10-11). Dù người khác bỏ Thánh Phaolô, Luca không bỏ rơi. Điều này chứng tỏ thánh nhân là một người “trung thành” với ơn kêu gọi của mình và sẵn sàng gắn bó và cộng tác với người khác trong công việc loan báo Tin Mừng. Đây chính là điều đầu tiên chúng ta có thể học hỏi ở thánh nhân. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta không cộng tác với những người chúng ta thấy không hợp, không thích. Chúng ta đánh đổi niềm vui mang Chúa đến cho người khác với một vài cảm xúc khó chịu khi sống và làm việc chung với người khác. Đừng để bất kỳ điều gì cướp mất niềm vui rao giảng Tin Mừng của chúng ta.

Như chúng ta biết, Thánh Luca được xem là tác giả của Tin Mừng và Sách Công Vụ Các Tông Đồ. Ngài được đồng hoá với Luca của Thánh Phaolô, là một thầy thuốc được yêu thương (x. Cl 4:14). Vì vậy, thánh nhân là bổn mạng của các y bác sĩ và phẫu thuật gia. Biểu tượng của thánh sử là con bò [hay con bê] bởi vì đây là những biểu tượng của hy tế – hy tế của Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại. Mừng lễ kính thánh sử, chúng ta được mời gọi biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa qua việc biến cuộc đời mình thành một Tin Mừng sống động để loan báo sứ điệp tình yêu và tha thứ của Thiên Chúa cho mọi người.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc “Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1). Chi tiết này cho thấy, nhóm môn đệ này khác với nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là “chính Chúa Giêsu chỉ định” họ chứ không phải họ tự chỉ định. Từ chỉ định ở đây có thể được hiểu là “chọn.” Họ được chọn để được sai “từng hai người một đi trước” Chúa Giêsu. Vai trò của họ là được sai đi như những người báo tin, những người chuẩn bị cho người khác để đón Chúa Giêsu. Đây là điều Thánh Luca đã làm qua việc trình thuật những gì Chúa Giêsu đã làm, đã nói. Đây cũng là sứ mệnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta được chọn và sai đi để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được sai đi một mình mà được sai đi với anh chị em của chúng ta. Vì vậy, chúng ta cần học làm việc với nhau hay đúng hơn, chúng ta được chọn và sai đến với nhau trước khi được chọn và sai đến những người bên ngoài. Một chi tiết quan trọng khác là việc các ông được sai đi đến “tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.” Những lời này ám chỉ rằng các môn đệ không đi đến những nơi mình muốn đến, mà đến những nơi Chúa muốn đến.

Trước khi sai các môn đệ đến những nơi Ngài muốn đến, Chúa Giêsu trình bày cho họ (1) thái độ họ cần có trước khi ra đi, (2) những điều cần thiết họ phải mang cho hành trình, (3) những điều họ cần phải nói, và (4) những điều họ cần phải làm. Chúng ta cùng nhau chia sẻ vắn tắt về những điều này.

Thái độ cần có trước khi các môn đệ được sai đi là thái độ cầu nguyện liên lỉ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10:2). Nhờ cầu nguyện, các môn đệ sẽ ý thức được mình là thợ gặt chứ không phải chủ mùa gặt. Nói cách khác, cầu nguyện giúp cho người môn đệ biết được căn tính của mình. Qua cầu nguyện, người môn đệ sẽ nhận ra rằng: mọi sự bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Ngài. Nếu không gắn bó với Ngài, người môn đệ sẽ không gặt hái gì cho Thiên Chúa, mà chỉ chiếm lấy “chiến lợi phẩm” cho chính mình.

Theo Chúa Giêsu, điều cần thiết cho hành trình là sự “hiền lành và đơn sơ” của con chiên. Khi có hai điều này, người môn đệ nhận ra rằng những thứ vật chất như túi tiền, bao bị, giày dép hoặc những mối tương quan chào hỏi mang tính xã giao dọc đường không phải là những thứ quan trọng cho hành trình (x. Lc 10:3-4). Nếu chúng ta xem xét kỹ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, hiền lành và đơn của con chiên ám chỉ về Chúa Giêsu, Đấng là Chiên Thiên Chúa. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta nhận ra điều Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ mang theo cho hành trình là chính Ngài.

Sứ điệp hoà bình hay sứ điệp bình an là điều các môn đệ phải rao giảng: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là điều mà Chúa Giêsu mang đến cho con người. Vì vậy, đây cũng là điều mà các môn đệ phải mang đến cho người khác. Nói cách khác, các môn đệ Chúa Giêsu phải là những con người của bình an, những người mang lại hoà bình chứ không phải là những người mang chiến tranh. Nhưng đáng buồn thay, điều này không luôn luôn xảy ra nơi các môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta đã từng chứng kiến những “trận chiến tàn khốc” giữa những người tự hào mình là môn đệ Chúa Giêsu. Hãy trở nên những con người mang lại hoà bình! Điều này chỉ có được khi chúng ta có được sự bình an của Chúa Giêsu. Thứ bình an này chính là hoa trái của một cảm nghiệm “được yêu và được tha thứ vô điều kiện.”

Cuối cùng, điều các môn đệ cần làm là “chấp nhận” những gì người khác “trao tặng” cho mình, dù đó là điều tốt hay chống đối. Nhưng trên hết, họ phải làm hai điều mà chính Chúa Giêsu làm, đó là “chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông’” (Lc 10:9). Người môn đệ là người chữa lành những vết thương của anh chị em mình. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại thái độ sống của mình. Chúng ta phải chân nhận rằng, nhiều lần chúng ta thay vì chữa lành anh chị em, chúng ta lại tạo ra những vết thương nơi thân xác và nhất là trong tâm hồn [tâm trí] của anh chị em mình. Hãy là những người chữa lành, chứ đừng gây tổn thương cho người khác. Đây chính là điều Thánh Luca đã thực hiện, không chỉ với nghề nghiệp của mình, nhưng với ơn gọi và sứ mệnh của ngài như là một thánh sử.

Thứ Năm Tuần XXVIII – Thường Niên

LẮNG NGHE CHÚA NÓI QUA NHỮNG NGƯỜI NGÀI SAI ĐẾN

(Rm 3:21-30; Lc 11:47-54)

Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta làm thế nào để được nên công chính. Theo thánh nhân, việc nên công chính không hệ tại ở việc giữ luật Môsê, nhưng hệ tại việc tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô. Việc nên công chính này không chỉ dành cho một số người được tuyển chọn, nhưng cho hết mọi người (x. Rm 3:22). Nó là một món quà nhưng không của Thiên Chúa ban cho những người có lòng tin qua Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, nhờ lòng tin mà chúng ta được nên công chính. Đây chính là điều làm chúng ta hãnh diện (x. Rm 3:27-30). Chi tiết này làm chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình. Nhiều người trong chúng ta hãnh diện về tài năng, tiền tài, của cải mình có. Nhưng không có bao nhiêu người trong chúng ta cảm thấy hãnh diện về niềm tin của mình. Chỉ có những người hãnh diện về đức tin của mình mới hiểu được giá trị đích thực của nó và như thế biết cách bảo vệ đức tin của mình. Bạn đang hãnh diện về điều gì?

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta hai lời khiển trách cuối cùng trong ba lời khiển trách dành cho các thông luật. Như chúng ta biết, các thông luật là những khách được mời khác của người Pharisêu mời Chúa Giêsu. Họ là những chuyên gia luật trong số những người Pharisêu. Lời khiển trách thứ hai dành cho các thông luật liên quan đến hành vi “đồng loã” của họ trong việc giết chết các ngôn sứ, những người được Thiên Chúa sai đến: “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng” (Lc 11:47-48). Ý nghĩa của những lời này không sáng tỏ như pha lê vì chúng ta thường xây dựng đài tưởng niệm với ý định tung hô và tôn kính một người nào đó. Tuy nhiên, bối cảnh câu chuyện cho chúng ta thấy rằng các thông luật đã bị tố cáo là không lắng nghe những người được Thiên Chúa sai đến trong quá khứ [các ngôn sứ] hoặc hiện tại [Chúa Giêsu]. Vì vậy, câu 48 có thể mang tính châm biếm: các ngươi tôn kính các ngôn sứ đã chết, chứ không tôn kính ngôn sứ đang sống. Bằng việc xây dựng lăng cho các ngôn sứ, các thông luật muốn khẳng định rằng các ngôn sứ đã chết và như thế không còn tương quan gì với họ bây giờ. Việc xây dựng lăng cho các ngôn sứ là điều đáng khen, nhưng việc họ không còn lắng nghe những người được Thiên Chúa sai đến như cha ông của họ làm là điều đáng khiển trách. Chi tiết này mời gọi chúng ta xem xét lại thái độ sống, nhất là thái độ lắng nghe của chúng ta đối với lời Chúa và những lời khuyên tốt đẹp của những người Thiên Chúa sai đến với chúng ta.

Một điểm cần lưu ý trong lời khiển trách thứ hai này là dù các ngôn sứ “thời xưa” đã bị giết chết, nhưng Thiên Chúa tiếp tục “sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng” (Lc 11:49). Theo Thánh Luca, họ chính là những người “phát ngôn viên” trong chính cộng đoàn. Dù là những người thuộc cộng đoàn, người này bị giết kẻ kia bị lùng bắt (x. Lc 11:49). Chi tiết này cho thấy, qua mọi thời, những người được Thiên Chúa [Chúa Giêsu] sai đến đều chung số phận với những ngôn sứ thuở xưa. Điều này giúp chúng ta hiểu những lời tiếp theo của Chúa Giêsu: “Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu” (Lc 11:50-51). Theo các học giả Kinh Thánh, có một sự tương phản được trình bày trong những lời này qua hai hình ảnh Aben và Dacaria được tường thuật trong sách đầu tiên của Kinh Thánh (St 4:8-10) và một trong những cuốn sau cùng (2 Sb 24:20-22). Điều ám chỉ qua hai hình ảnh này là những thính giả của Chúa Giêsu đã tóm tắt sự đáp trả với Lời Chúa nơi Ngài những gì đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử mà trong đó Thiên Chúa đối xử với dân Ngài.

Lời khiển trách thứ hai liên quan đến “chìa khoá của sự hiểu biết về mầu nhiệm Nước Trời”: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản” (Lc 11:52). Những lời này chứa đựng một điều tích cực về các thông luật hay những người lãnh đạo trong cộng đoàn của Thánh Luca sở hữu “chìa khoá của sự hiểu biết.” Tuy nhiên, điều đáng khiển trách là cách cư xử của họ đối với người khác không có cảm thông và tha thứ, và như thế ngăn cản họ khỏi việc sử dụng kiến thức đó để sinh lợi cho chính mình và người khác. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về khuynh hướng ích kỷ của mình. Chúng ta được Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết về Ngài và về cách cư xử theo ý Ngài, nhưng chúng ta không chia sẻ sự hiểu biết đó cho anh chị em mình. Cũng nhiều lần, bởi gương mù gương xấu của mình, chúng ta đã ngăn cản người khác đạt đến sự hiểu biết Thiên Chúa.

Điều cuối cùng đáng để chúng ta suy gẫm là phản ứng của các kinh sư và người Pharisêu trước lời khiển trách của Chúa Giêsu: “Khi Đức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng” (Lc 11:53-54). Đây cũng là phản ứng của nhiều người trong chúng ta khi bị khiển trách hay sửa lỗi. Chúng ta cũng căm giận ra mặt và tìm cách trả đũa người đã khiển trách mình. Khi bị người khác khiển trách, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường. Đôi khi chúng ta cần có óc “khôi hài,” tức là biết “cười” sự “dại dột” của mình và tìm cách thăng tiến. Người khôn ngoan là người tìm thấy ý nghĩa trong cái vô nghĩa; tìm thấy bài học trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là những biến cố không mấy “theo ý mình.”

Thứ Sáu Tuần XXVIII – Thường Niên

ĐỪNG SỢ VÌ CHÚNG TA LUÔN CÓ CHÚA PHÙ TRỢ

(Rm 4:1-8; Lc 12:1-7)

Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay nói về gương sáng của Ápraham. Điều đầu tiên làm cho Ápraham trở nên vĩ đại chính là được nên công chính. Tuy nhiên, ông trở nên công chính không phải vì việc ông làm, nhưng vì niềm tin ông đặt nơi Thiên Chúa: “Giả như ông Áp-ra-ham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện, nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? Ông Áp-ra-ham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (Rm 4:2-3). Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về thái độ sống ghen tỵ hoặc tự mãn khi thấy người khác làm tốt hơn mình hay mình làm tốt hơn người khác. Tất cả những gì chúng ta làm phải là hoa trái của niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, trọng điểm của niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa là nhận ra mình được Thiên Chúa liệt kê vào danh sách những người công chính mà không xét đến việc chúng ta làm. Thánh Phaolô mượn lời Thánh Vịnh gia để nói đến niềm vui khi được Thiên Chúa kể là công chính như sau: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!” (Rm 4:7-8). Thái độ khoan dung tha thứ của Thiên Chúa phải trở nên thái độ sống mỗi ngày của chúng ta khi đối xử với anh chị em mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bắt đầu nói cho các môn đệ về những chống đối đến từ bên trong và bên ngoài cộng đoàn mà họ phải đối diện trong hành trình làm chứng cho Ngài. Chi tiết đầu tiên đáng để chúng ta lưu ý là ở nơi Chúa Giêsu có một sự lôi cuốn kỳ diệu đến nỗi đám “đông tụ họp hàng vạn người, đến nỗi giẫm lên nhau” (Lc 12:1). Điều này đặt cho chúng ta một câu hỏi, đó là chúng ta có bị Chúa Giêsu lôi cuốn đến nỗi chúng ta chỉ mong được đến để ở bên Ngài, để lắng nghe lời Ngài nói, để có được những giây phút hạnh phúc bình an bên Ngài không? Khi đến gần Chúa Giêsu, chúng ta cũng nghe được lời mời gọi sống thật với Chúa, với người khác và với chính mình, đồng thời chúng ta cũng nghe được lời Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta “phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả” (Lc 12:1). Một cách tự nhiên, ai trong chúng ta cũng lên án đồ giả hoặc lối sống giả tạo. Chúng ta cũng lên án lối sống đạo đức giả. Nhưng nhiều khi chính chúng ta lại rơi vào lối sống đó trong khi lên án người khác. Trong những lời trên, Thánh Luca tiếp tục thái độ cứng rắn chống lại lối sống của những người Pharisêu và những thầy dạy khắt khe trong cộng đoàn của mình, là những người mà hành động không đi đôi với lời nói. Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài không bị lối sống như thế lây nhiễm. Lời nói và hành động của người môn đệ phải đi chung với nhau. Nếu có che đậy thế nào, thì lối sống đạo đức giả hay lời nói không đi chung với hành động sẽ bị vén mở: “Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (Lc 12:2-3). Những lời này nói cho chúng ta biết rằng dù những lời dạy của những người Pharisêu có thuyết phục và có sức ảnh hưởng thế nào đi nữa, thì bản chất của địa vị và con người thật của họ sẽ bị tỏ lộ một ngày nào đó. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về lối sống “trước mặt thì nói ngọt ngào, còn sau lưng thì nói lời chua chát.” Chúng ta cần phải biết rằng: sự thật mãi vẫn là sự thật, dù chúng ta có nói gì hoặc làm gì để thay đổi sự thật thì mãi mãi chúng ta không thể thay đổi nó. Điều này cũng đúng với những gì giả dối. Chúng ta chỉ có thể thay đổi chính mình từ sống giả dối đến sống chân thật [hoặc ngược lại] chứ không thể thay đổi những điều chân thật và giả dối đã làm. Hãy cẩn thận với lời nói và hành động của mình vì chúng ta sẽ không thể thay đổi bản chất của nó khi chúng ta đã thực hiện.

Trong phần thứ hai, Chúa gọi các môn đệ là bạn hữu của Ngài: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết” (Lc 12:4). Như chúng ta biết, lối diễn tả thân mật này chỉ xảy ra ở đây trong toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm [Mt, Mk và Lc). Điều này cho thấy, Chúa Giêsu luôn muốn có một mối tương quan thân tình với chúng ta. Liệu chúng ta có muốn bắt đầu mối tương quan đó với Ngài không? Khi trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra được điều gì là đáng sợ nhất, đó là đánh mất mối tương quan với Chúa Giêsu [Thiên Chúa]: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Lc 12:4-7). Giống như trong đời sống thường ngày, khi có một người yêu hay một người bạn tri kỷ, chúng ta sợ mất người đó. Trong những lời trên, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ phải sống trung thành với Thiên Chúa và sứ điệp mà Người Con Thiên Chúa mang đến (x. Lc 9:35) bởi vì Thiên Chúa là Đấng kiểm soát và quan phòng cho toàn bộ cuộc sống của người môn đệ. Chúng ta có sợ đánh mất mối tương quan đầy yêu thương với Chúa Giêsu [Thiên Chúa] không? Nếu không muốn, chúng ta phải sống trung thành với Ngài và sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu đã rao giảng cho chúng ta.

Thứ Bảy Tuần XXVIII – Thường Niên

MẠNH DẠN LÀM CHỨNG CHO CHÚA VỚI SỨC MẠNH THÁNH THẦN

(Rm 4:13.16-18; Lc 12:8-12)

Trong bài đọc 1 của những ngày trước, chúng ta nghe Thánh Phaolô trình bày việc chúng ta được nên công chính là do lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh nhân đưa ra cho chúng ta một mẫu gương cụ thể về lòng tin [đức tin], đó là ông Ápraham. Vì tin mà ông và con cháu ông được thừa hưởng điều Thiên Chúa đã hứa. Tuy nhiên, đức tin của ông Ápraham có đặc tính gì? Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta rằng đây là một đức tin “trung thành,” một đức tin luôn cậy trông dù không còn hy vọng gì. Hay nói đúng hơn, đức tin của Ápraham là một đức tin “không bỏ cuộc” dù trước mắt chỉ là một vực thẳm đầy bóng tối: Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4:18). Hình ảnh của Ápraham mời gọi chúng ta nhìn lại đức tin của mình. Chúng ta cũng nhiều lần tự hào là “người tin.” Nhưng không ít lần trong cuộc sống, chúng ta lại thất vọng trước những khó khăn của cuộc sống. Chúng ta không muốn tiếp tục hành trình và bỏ cuộc khi thấy trước mắt chúng ta một màu đen của sự vô vọng. Những người không bỏ cuộc là những người tin rằng, Thiên Chúa luôn trung thành với lời hứa của Ngài. Vì vậy, dù cuộc sống có thế nào đi nữa, cuối cùng họ cũng sẽ nhận được điều đã hứa. Điều quan trọng là liệu họ có trung thành trong đức tin đến cùng không.

Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh các môn đệ Chúa Giêsu sẽ gặp những chống đối từ bên trong và bên ngoài (x. Lc 12:1-59). Sự chống đối khi theo Chúa Giêsu luôn là điều mà người môn đệ phải đối diện qua mọi thời. Chúa Giêsu đã nói, “tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ bắt bớ Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ anh [chị] em” (Ga 15:20). Dù biết và hiểu điều này, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn còn tỏ ra “ngạc nhiên” và không chấp nhận thực tại này. Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đón nhận thực tại và hành xử như Chúa Giêsu đã dạy. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay làm ba phần:

Phần 1 (Lc 12:8-9) trình bày cho chúng ta hai thái độ sẽ xảy ra khi bị chống đối, đó là tuyên nhận và không tuyên nhận Con Người trước mặt thiên hạ: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 10:8-9). Những lời này ám chỉ đến thực tại đang xảy ra trong cộng đoàn Thánh Luca, đó là có người trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình, nhưng cũng có người từ chối khi gặp chống đối và bắt bớ. Theo Thánh Luca, những ai trung thành với ơn gọi làm môn đệ của mình cho đến cùng, Con Người [Chúa Giêsu] sẽ là Người nâng đỡ và đón nhận họ trong ngày phán xét. Còn những người không tuyên nhận Ngài sẽ bị từ chối. Mỗi người chúng ta cũng đang sống ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng nhiều lần chúng ta cũng đã từ chối Ngài qua những lời nói, những hành động thiếu bác ái, thiếu cảm thông, thiếu tha thứ của mình. Chúng ta hãy bắt đầu lại, hãy sống trung thành với ơn gọi môn đệ của mình dù người khác không sống trung thành. Đừng để những khó khăn và chống đối lấy đi niềm vui làm môn đệ Chúa Giêsu của chúng ta.

Trong phần 2 (Lc 12:10), Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết về điều họ phạm khi bị chống đối sẽ không được tha, đó là “bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha.” Theo các học giả Kinh Thánh, câu 10 này phải được đọc và hiểu trong tương quan với câu 11 và 12. Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca và nhất là trong bối cảnh phải đối diện với việc chống đối từ bên trong và bên ngoại của người môn đệ, tội “không được tha” được hiểu là một sự từ chối mang tính ngoan cố trước sứ điệp Tin Mừng [sứ điệp Kitô giáo] mà Giáo Hội, được đổ đầy với Chúa Thánh Thần, rao giảng. Nói cách khác, tội không được tha này là tội “đóng kín” cửa lòng trước tác động của Chúa Thánh Thần để đón nhận sứ điệp Tin Mừng mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội rao giảng. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ của chúng ta trước sự tác động của Chúa Thánh Thần. Mỗi ngày [mỗi Chúa Nhật] chúng ta lắng nghe sứ điệp Tin Mừng được công bố, nhưng chúng ta đóng kín cửa lòng mình lại, chúng ta ngoan cố từ chối sự tác động của Chúa Thánh Thần trên tâm trí chúng ta để rồi sứ điệp Tin Mừng không có chỗ trong cuộc sống chúng ta. Hãy dễ dạy với Chúa Thánh Thần vì Ngài là Đấng sẽ đưa chúng ta đến chân lý toàn vẹn.

Phần 3 (Lc 10:11-12) trình bày cho chúng ta thái độ các môn đệ cần có khi bị chống đối mà không rơi vào tình trạng phạm tội “không thể được tha.” Theo lẽ tự nhiên, khi bị chống đối chúng ta thường tìm cách biện minh cho chính mình hay chúng ta chạy trốn không dám đối diện với chống đối. Chúa Giêsu trấn an các môn đệ [và chúng ta] rằng: “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.” Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định vị trí quan trọng của Chúa Thánh Thần trong việc đón nhận sứ điệp Tin Mừng và trong việc làm chứng cũng như sự trung thành sống sứ điệp đó. Khi bị chống đối, dù bị người khác bỏ rơi, chúng ta không đơn độc đối diện với những khó khăn vì chính Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài là nhân vật chính, Đấng sẽ dạy chúng ta phải làm gì và nói gì. Vì vậy, khi bị chống đối và bắt bớ, chúng ta phải giữ cho mình bình thản và mở rộng cõi lòng với Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể sáng suốt nói và làm những điều Chúa muốn, chứ không làm theo phản ứng tự nhiên của mình.