Suy niệm mỗi ngày – Tuần 26 Thường Niên

236

SUY NIỆM MỖI NGÀY TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Lm. Ngọc Dũng, SDB

Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên – Các Thiên Thần Hộ Thủ

CHỚ LÀM PHIỀN LÒNG THIÊN THẦN HỘ THỦ

(Xh 23:20-23; Mt 18:1-5.10)

Kinh nghiệm ngày sống dạy chúng ta rằng khi làm một việc gì hay thực hiện một hành trình nào đòi hỏi nhiều nỗ lực; và nếu có một ai đó bên cạnh luôn nâng đỡ, động viên và an ủi, chúng ta cảm thấy mạnh mẽ hơn khi gặp thất bại và hạnh phúc hơn khi được thành công. Người ta thường nói: Niềm vui nhân đôi khi được chia sẻ và nỗi buồn sẽ vơi một nửa khi được sớt chia. Đây chính là điều chúng ta cảm nghiệm thấy đối với thiên thần hộ thủ của chúng ta. Theo niềm tin Kitô Giáo, mỗi người chúng ta được ban cho một thiên thần hộ thủ, đấng luôn kề bên chúng ta để bảo vệ chúng ta, nhất là khi chúng ta gặp khó khăn và bị cám dỗ. Niềm tin này có nền tảng trong Kinh Thánh. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu vai trò của các thiên thần hộ thủ được trình bày trong các bài đọc lời Chúa hôm nay.

Bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành trình bày cho chúng ta về việc Đức Chúa dẫn đưa dân Israel vào đất hứa. Để thực hiện điều đó, Đức Chúa “sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn” (Xh 23:20). Những lời này chỉ cho chúng ta thấy vai trò của thiên thần hộ thủ là đi trước để “dẫn đường.” Đồng thời, trong hành trình của mình, ngài luôn “giữ gìn” và “đưa chúng ta vào” đất mà Chúa đã dọn sẵn. Ai trong chúng ta cũng đang trên hành trình về Đất Hứa, về Thiên Đàng. Thiên thần hộ thủ luôn đi trước để hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường. Ngài cũng gìn giữ chúng ta khỏi mọi nguy hiểm đang rình rập và đưa chúng ta vào Thiên Đàng. Chính vì vậy mà chúng ta phải “ý tứ và nghe lời người. Đừng làm cho người phải chịu cay đắng; người sẽ không tha lỗi cho các ngươi, vì danh Ta ngự trong người” (Xh 23:21). Chúng ta phải sống một đời sống ngay thẳng. Một trong những điều quan trọng là chúng ta phải “nghe” lời thiên thần hộ thủ cũng như ý tứ lời ăn tiếng nói của mình hầu không làm buốn lòng ngài. Khi chúng ta lắng nghe thiên thần hộ thủ, chúng ta sẽ được trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa và được Người yêu mến. Chính Thiên Chúa sẽ là Đấng chiến đấu cho chúng ta trên hành trình về Thiên Đàng!

Vai trò của thiên thần hộ thủ được đặt trong cuộc “chất vấn” của các môn đệ về người lớn kẻ nhỏ trong Nước Trời. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được trích đọc trong ngày hôm qua, lễ kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Vấn đề được các môn đệ quan tâm là vấn đề mà mỗi người chúng ta cũng quan tâm, đó là vấn đề “vị trí” trong cộng đoàn. Đi đến một tổ chức nào, chúng ta cũng được giới thiệu về “phẩm trật.” Người càng làm lớn dường như được nhiều bổng lộc, được kính trọng, và được nhiều đặc ân. Tư tưởng này ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của các môn đệ [và chúng ta] khi nghĩ về Nước Trời. Trong Nước Trời, chắc cũng có chỗ trước chỗ sau! Vì vậy, các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu về vị trí lớn nhất trong Nước Trời: “Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?’” (Mt 18:1). Trong những lời này, chúng ta không thấy các môn đệ trực tiếp tranh giành nhau về chỗ nhất trong Nước Trời. Điều các môn đệ làm là hỏi cách chung chung ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Đứng trước câu hỏi này, Chúa Giêsu “gọi” một em nhỏ và “đặt vào giữa” các ông (x. Mt 18:2). Qua hành động này, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở các môn đệ về ơn gọi của họ: Họ được Chúa Giêsu “gọi” và “đặt vào giữa” muôn dân, hầu làm gương sáng cho muôn dân. Nhìn từ khía cạnh này, mỗi người chúng ta được Chúa gọi để làm “thiên thần hộ thủ” cho nhau qua đời sống gương mẫu của mình. Thật vậy, trong đời sống gia đình hay cộng đoàn, mỗi người được Thiên Chúa trao cho những anh chị em để chăm sóc và yêu thương. Mong sao chúng ta hoàn thành trách nhiệm này cách tốt đẹp, để không bị rơi vào tình cảnh như Cain, khi Đức Chúa hỏi ông về em của mình là Aben, ông trả lời là ông không phải là người chăm sóc cho em của mình. Hãy là người chăm sóc anh chị em của chúng ta!

Tuy nhiên, để trở thành người lớn nhất trong Nước Trời, trước tiên chúng ta phải vào được Nước Trời qua việc “sám hối,” thay đổi cuộc sống mình trở nên hoàn toàn tin tưởng, lệ thuộc như trẻ nhỏ. Chỉ khi làm được điều này, chúng ta mới trở thành người lớn nhất trong Nước Trời: “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18:4). Trong những lời này, chúng ta thấy lời mời gọi trở nên người lớn nhất trong Nước Trời là dành cho hết mọi người, chứ không chỉ dành riêng cho một số. Những ai “tự hạ và coi mình như trẻ nhỏ” sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời. Ở đây, Chúa Giêsu lấy em nhỏ để “làm đại diện” cho Ngài. Hay nói đúng hơn, Ngài “đồng hoá” chính mình với trẻ nhỏ, để “ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mt 18:5). Nói cách cụ thể, những ai sống tinh thần trẻ thơ [“đón nhận một em nhỏ như em này”] hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa thì mới trở thành người lớn nhất trong Nước Trời. Chúng ta có lệ thuộc vào Chúa Giêsu không? Chúng ta phải nhớ rằng: “Không có Thầy anh em sẽ không làm được gì” (Ga 15:5).

Bài Tin Mừng kết thúc với hình ảnh trái ngược với thái độ đón nhận trẻ nhỏ trên, đó là thái độ “coi khinh,” tức là không muốn lệ thuộc vào Chúa: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10). Chính trong bối cảnh “coi khinh” các em nhỏ mà vai trò của thiên thần hộ thủ được làm nổi bật. Trong những lời trên, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc trẻ nhỏ là những người có một mối tương quan rất mãnh liệt với các thiên thần và Thiên Chúa. Điều này đến từ việc các em luôn luôn sống trong tâm tình “lệ thuộc.” Đây là một sự lệ thuộc mang tính tích cực [nhận ra sự túng thiếu của mình và mình không làm được gì nếu không có người khác] chứ không mang tính tiêu cực [dựa dẫm hay lợi dụng người khác khi mình có thể]. Hãy lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa vì Ngài luôn chăm sóc cho chúng ta qua các thiên thần hộ thủ!

***********************

Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên

HÃY CÓ CON TIM RỘNG MỞ

(Dcr 8:20-23; Lc 9:51-56)

Chúng ta tìm kiếm điều gì trong từng ngày sống? Chúng ta có tìm kiếm Thiên Chúa không hay chúng ta tìm kiếm chính mình. Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ Dacaria tuyên sấm rằng người muôn dân muôn nước sẽ tuôn đến Giêrusalem để tìm kiếm Đức Chúa: “Các nước và dân cư trong các thành phố lớn vẫn còn tuôn đến. Dân thành này sẽ đến thành khác mà nói rằng: ‘Nào ta cùng đi làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại và tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh; cả tôi nữa, tôi cũng đi!’ Các dân đông đảo và các nước hùng cường sẽ đến tìm kiếm Đức Chúa các đạo binh ở Giêrusalem và làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại” (Dcr 8:20-22). Mọi người tìm kiếm Đức Chúa với mục đích làm nguôi cơn thịnh nộ của Ngài, làm cho “nét mặt Đức Chúa dịu lại.” Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là việc Đức Chúa chọn Giêrusalem là nơi mà muôn dân tuôn đến để tìm kiếm Ngài. Nói cách cụ thể hơn, “trong những ngày ấy, mười người đàn ông thuộc mọi ngôn ngữ trong các dân tộc sẽ níu lấy áo của một người Giuđa mà nói: ‘Chúng tôi muốn đi với anh em, vì chúng tôi đã nghe biết rằng Thiên Chúa ở với anh em’” (Dcr 8:23). Đức Chúa sử dụng con cái Israel để chứng tỏ cho muôn dân biết Ngài đang hiện diện ở giữa họ. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại sự hiện diện của mình ở giữa anh chị em. Liệu cuộc sống chúng ta có trở nên dấu chứng sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa lòng đời không? Liệu chúng ta có thể nói với những người đang tìm kiếm Thiên Chúa rằng: Hãy nhìn vào cuộc sống của tôi, anh chị em sẽ nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện với anh chị em!

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu với sự kiện “khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9:51). “Đã đến ngày” nói lên sự khẩn cấp sứ mệnh của Chúa Giêsu. Như chúng ta biết, đối với Thánh Luca, Giêrusalem là trung tâm nơi Chúa Giêsu kết thúc sứ mệnh trên trần thế của mình; Giêrusalem cũng là nơi các Tông Đồ [Giáo Hội tiên khởi] bắt đầu sứ mệnh rao giảng của mình. Chỉ trong “bối cảnh khẩn cấp” của việc “kết thúc” và “bắt đầu” sứ mệnh này mà chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu.

Để chuẩn bị cho sự kiện Ngài lên Giêrusalem, Chúa Giêsu “sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến” (Lc 9:52). Hành trình của Chúa Giêsu phải đi qua làng Samaria, nhưng vì Ngài đang đi về hướng Giêrusalem nên dân làng không đón tiếp Ngài (x. Lc 9:53). Hình ảnh “không đón tiếp” này dường như hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mà Thánh Luca vẽ lên khi nói đến người Samaria. Như chúng ta biết, Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samaria nhân hậu trong chương kế tiếp để dạy các môn đệ (Lc 10:25-37), người Pharisêu và kinh sư về lòng nhân từ. Lý do mà người Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu đơn giản là vì Ngài đang trên đường lên Giêrusalem. Khi đọc những câu Tin Mừng trên, chúng ta đôi khi có thái độ khó chịu với những người Samaria. Tuy nhiên, đây cũng chính là hình ảnh mỗi người trong chúng ta. Thật vậy, chi tiết này làm chúng ta suy gẫm về nhiều lần đã không đón tiếp Chúa Giêsu vào trong đời mình, hoặc nếu đón tiếp thì cũng với thái độ hời hợt và với con tim bị phân chia.

Thái độ không đón tiếp của người Samaria trở thành lý do để “hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9:54-56). Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ không theo bản tính tự nhiên của mình để đáp trả lại người khác. Nhưng phải luôn tìm thánh ý Thiên Chúa. Việc Ngài lên Giêrusalem là ý muốn của Cha Ngài. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu thực hiện những điều Ngài dạy các môn đệ ngay trong những câu đầu tiên của chương 9 này (x. Lc 9:1-6). Nhiều lần chúng ta cũng tỏ thái độ giận dữ như Giacôbê và Gioan khi không được tiếp đón như lòng mong ước hoặc khi người khác không làm theo ý muốn của mình. Những khi như thế, Chúa Giêsu cũng “khiển trách” chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta không phản ứng theo bản tính tự nhiên, nhưng biết đọc ra điều Chúa muốn trong những sự kiện đó. Ngài muốn chúng ta phải chậm xét đoán hầu tìm ra lý do tại sao anh chị em mình lại có thái độ như thế. Kinh nghiệm của đời sống thường ngày dạy ta rằng, khi thật sự đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác, chúng ta có thể có thái độ tệ hơn anh chị em mình. Chúng ta cần có con tim rộng mở để cảm thông cho anh chị em mình trong mọi hoàn cảnh sống. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự kiện của đời sống thường ngày.

*************************

Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên

CHÚNG TA THEO CHÚA GIÊSU VỚI THÁI ĐỘ THẾ NÀO?

(G 9:1-12.14-16; Lc 9:57-62)

Bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Nơkhemia. Bài đọc thuật lại cuộc đối thoại của Nơkhemia và Vua Ác-tắc-sát-ta. Câu chuyện dạy chúng ta về mối tương quan chủ-tớ. Chúng ta thấy vua Ác-tắc-sát-ta có sự tinh tế về việc quan sát những người thuộc quyền mình. Nói một cách khác, đức vua quan tâm đến từng người tôi tớ của mình. Khi thấy Nơkhemi buồn, vua đã hỏi thăm và tận tình giúp cho Nơkhemia tìm lại được niềm vui và ý nghĩa trong những buồn sầu của mình. Chúng ta cùng nhau thuật lại cuộc đối thoại này:

Vua Ác-tắc-sát-ta: “Sao mặt khanh buồn rầu thế? Khanh có đau ốm gì đâu! Hẳn trong lòng phải có chuyện chi buồn lắm!”

Nơkhimia: “Đức vua vạn vạn tuế! Sắc mặt của thần không buồn sao được, khi mà thành đô, nơi tổ tiên của thần an nghỉ, đã ra hoang tàn, và cửa thành bị thiêu huỷ.”

 Vua Ác-tắc-sát-ta: “Vậy khanh muốn gì?”

Nơkhimia: “Nếu đẹp lòng đức vua và nếu bề tôi của ngài là người vừa ý ngài, thì xin cử thần đi Giu-đa, đến thành có phần mộ của tổ tiên thần để xây dựng lại.”

Vua Ác-tắc-sát-ta: “Khanh đi bao lâu? Bao giờ mới trở lại?”

Nơkhimia: “Nếu đẹp lòng đức vua, thì xin hạ lệnh cấp chiếu thư cho thần đem tới các trưởng Vùng bên kia sông Êu-phơ-rát, để họ cho phép thần đi qua đó đến tận Giu-đa. Cũng xin một chiếu thư cho ông A-xáp, quản đốc ngự lâm, để ông cấp gỗ cho thần làm khung cửa đồn luỹ ở sát Đền Thờ, làm tường thành và làm nhà cho thần đến ở.”

Vua ban cho tôi như thế, vì bàn tay nhân lành của Thiên Chúa tôi che chở tôi.

Trong cuộc sống của chúng ta, liệu chúng ta có được sự nhạy cảm và tận tuỵ giúp đỡ anh chị em mình như vua Ác-tắc-sát-ta không?

Chúng ta nhận thấy có sự khác biệt trong bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay về những đòi hỏi cho những người được gọi. Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Êlia cho phép Êlisa về nhà chào tạm biệt những người thân. Còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu không cho phép những người theo Ngài làm điều đó. Đâu là lý do? Đó là “khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9:51). “Đã đến ngày” nói lên sự khẩn cấp sứ mệnh của Chúa Giêsu. Như chúng ta biết, đối với Thánh Luca, Giêrusalem là trung tâm nơi Chúa Giêsu kết thúc sứ mệnh trên trần thế của mình; Giêrusalem cũng là nơi các Tông Đồ [Giáo Hội tiên khởi] bắt đầu sứ mệnh rao giảng của mình. Chỉ trong “bối cảnh khẩn cấp” của việc “kết thúc” và “bắt đầu” sứ mệnh này mà chúng ta hiểu những lời của Chúa Giêsu.

Để chuẩn bị cho sự kiện Ngài lên Giêrusalem, Chúa Giêsu “sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến” (Lc 9:52). Hành trình của Chúa Giêsu phải đi qua làng Samaria, nhưng vì Ngài đang đi về hướng Giêrusalem nên dân làng không đón tiếp Ngài (x. Lc 9:53). Hình ảnh “không đón tiếp” này dường như hoàn toàn trái ngược với hình ảnh mà Thánh Luca vẽ lên khi nói đến người Samaria. Như chúng ta biết, Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samaria nhân hậu trong chương kế tiếp để dạy các môn đệ (Lc 10:25-37), người Pharisêu và kinh sư về lòng nhân từ. Lý do mà người Samaria không đón tiếp Chúa Giêsu đơn giản là vì Ngài đang trên đường lên Giêrusalem. Thái độ không đón tiếp của người Samaria trở thành lý do để “hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác” (Lc 9:54-56). Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ không theo bản tính tự nhiên của mình để đáp trả người khác. Nhưng phải luôn tìm thánh ý Thiên Chúa. Việc Ngài lên Giêrusalem là ý muốn của Cha Ngài. Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu thực hiện những điều Ngài dạy các môn đệ ngay trong những câu đầu tiên của chương 9 này (x. Lc 9:1-6).

Sau khi quở trách hai môn đệ, Chúa Giêsu tiếp tục hành trình lên Giêrusalem. Trong bối cảnh “đang trên đường,” Thánh Luca trình thuật cho chúng ta về câu chuyện của ba người [đại diện cho ba loại người] muốn theo Chúa Giêsu. Chúng ta cùng nhau phân tích “ơn gọi” của ba người này để xem mình thuộc vào nhóm nào.

Người thứ nhất mong ước theo Chúa Giêsu nên “chủ động” đến nói với Ngài: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo.” Đứng trước lòng thành của anh, Chúa trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9:57-58). Người thứ nhất đại diện cho những người mong ước theo Chúa Giêsu, nhưng điều họ quan tâm nhất là “nơi chốn” [“Thầy đi đâu, tôi cũng xin theo”]. Việc họ theo Chúa mang “đặc tính địa lý.” Chúa Giêsu đáp lại bằng việc khẳng định cho họ rằng: việc theo Ngài không mang đặc tính địa lý, nhưng mang đặc tính “nội tâm,” đó là “không có chỗ tựa đầu” – luôn luôn trên hành trình. Như vậy, điều quan trọng trong hành trình theo Chúa không hệ tại ở việc mình ở đâu, nhưng hệ tại ở việc con tim của mình được Chúa chiếm lấy và được cùng đi với Ngài.

Người thứ hai được chính Chúa Giêsu “chủ động” mời gọi: “Anh hãy theo tôi!” Nhưng anh ta do dự vì còn luyến tiếc với người thân đã khuất: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Đứng trước do dự của anh, Chúa Giêsu khuyên anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9:59-60). Người thứ hai đại diện cho những người được gọi, nhưng lại do dự vì sự níu kéo của tình cảm tự nhiên. Chúa Giêsu mời gọi anh vượt qua tình cảm tự nhiên để đạt đến một mối tương quan siêu nhiên với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không có ý xem thường tình cảm tự nhiên. Ngài chỉ muốn nói đến tầm quan trọng của việc loan báo Nước Trời [vị trí tối thượng của tương quan với Thiên Chúa] so với tình cảm tự nhiên của con người.

Người thứ ba “chủ động” muốn theo Chúa, nhưng lại ra điều kiện với Ngài: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã.” Đứng trước điều kiện của anh [hay sự nửa vời của lòng anh], Chúa Giêsu muốn anh phải dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9:61-62). Người thứ ba đại diện cho những người muốn theo Chúa Giêsu, nhưng lại muốn những ước muốn riêng mình cần được hoàn thành trước. Đa số chúng ta thuộc loại thứ ba này. Chúng ta sẵn sàng theo Chúa Giêsu, nhưng lại muốn Ngài cho phép chúng ta làm một số việc mà chúng ta thích. Thay vì khi đi theo Chúa, chúng ta phải theo “thời khoá biểu” của Ngài, thì chúng ta lại có một thời khoá biểu của riêng mình song song với thời khoá biểu của Chúa. Hơn nữa, chúng ta lại muốn thời khoá biểu của mình được thực hiện trước. Khi đi theo một ai, chúng ta không nên để mình bị chi phối bởi những “hành trình” khác, vì khi làm như thế, chúng ta sẽ dễ dàng lạc mất người chúng ta đang theo. Hãy tập trung vào Chúa Giêsu khi đi theo Ngài. Đừng ngoái lại phía sau mà để “mất dáng” Ngài.

Điểm cuối cùng chúng ta cần lưu ý trong bài Tin Mừng là lối viết “bánh mì kẹp”: Bắt đầu và kết với hai người “muốn được theo Chúa Giêsu.” Điều khác biệt là người đầu tiên không đặt điều kiện, còn người cuối đặt điều kiện. Người đầu nói về “nơi chốn,” còn người cuối chỉ đơn giản nói “theo thầy” mà không quan tâm đến nơi chốn. Tuy nhiên, cả hai đều có giới hạn riêng  của mình. Người đầu bị giới hạn bởi “địa lý,” còn người cuối bị giới hạn bởi “tình cảm gia đình” [tình cảm con người]. Chúng ta không biết ba người này có theo Chúa hay không. Đây là lối kết lửng mà Thánh Luca thường sử dụng vì Ngài muốn chính người nghe sẽ là người kết thúc câu chuyện. Một cách cụ thể, đây là câu chuyện về cuộc đời của mỗi người trong chúng ta. Có người muốn theo Chúa, nhưng lại muốn đến những nơi mình muốn; có người được gọi, nhưng lại vương vấn không dứt khoát với các quan hệ con người; có người muốn theo, nhưng lại đặt điều kiện với Chúa. Chúng ta thuộc loại nào? Nếu được gọi, chúng ta có dứt khoát đi theo Chúa Giêsu không?

 

********************************

Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên

ĐƯỢC YÊU THƯƠNG, GỌI, CHỌN VÀ SAI ĐI

(Nkm 8:1-4a.5-6.7b-12; Lc 10:1-12)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta câu chuyện về đời sống của dân Israel sau khi trở về từ lưu đày. Theo sử biên, trong khi tái thiết lại đền thờ, họ tìm thấy Sách Luật. Họ liền “xin ông Étra là kinh sư đem sách Luật Môsê ra. Đó là Luật Đức Chúa đã truyền cho Israel (Nkm 8:1). Đối với người Do Thái, sách Luật Môsê chiếm vị trí hàng đầu. Họ lắng nghe Étra đọc sách luật “từ sáng tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật” (Nhm 8:3). Trong những lời này, dân Israel đã thực hành mệnh lệnh “lắng nghe” Đức Chúa [x. Đnl 6:4]. Vì không lắng nghe Đức Chúa nên họ phải chịu cảnh lưu đày. Lắng nghe Đức Chúa gợi lên trong dân Israel cảm xúc sám hối. Chính cảm xúc này đã mang lại niềm vui đích thực cho họ (x. Nhm 8:9-12). Chúng ta cũng lắng nghe lời Chúa mỗi ngày [mỗi tuần], lời Chúa có tác động gì đến cuộc sống chúng ta không? Nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất “cảm động” khi lắng nghe lời Chúa. Những cảm xúc yêu thương hoặc thách đố dâng trào. Nhưng chỉ sau một vài giây phút, cảm xúc đó tan biến và chúng ta lại trở về với lối sống và con người cũ của mình. Lắng nghe lời Chúa không phải để có được những “cảm xúc” thật cảm động, nhưng để được soi sáng hầu có thể “chọn lựa” [chọn yêu Chúa và yêu anh chị em mình].

Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu trình thuật về sứ vụ của các Tông Đồ. Đây là bài giảng dài nhất về sứ vụ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Luca. Nhìn chung, Thánh Luca không quan tâm nhiều đến tình hình sứ vụ hiện tại cho bằng tập trung vào bản chất của sứ vụ cũng như nguyên nhân của niềm vui và nỗi buồn trong sứ vụ. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Luca, từ “môn đệ” thường ám chỉ đến những người theo Chúa Giêsu chứ không giới hạn vào nhóm Mười Hai. Chúng ta thấy trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu “chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác” (Lc 10:1). Điều này có nghĩa là bên cạnh nhóm Mười Hai còn có bảy mươi hai môn đệ khác. Con số 72 là con số bị tranh luận. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng con số đúng là 70. Bản văn Cựu Ước đứng phía sau con số này là Sách Sáng Thế (10:2-31), trong đó chúng ta tìm thấy “bản thống kê” về các quốc gia trên thế giới: Kinh Thánh Do Thái [MT – Masoretic Text] đọc là 70 trong khi đó Bản Kinh Thánh LXX là 72. Dù trong trường hợp nào, 70 hoặc 72, điều đáng chúng ta quan tâm là Thánh Luca đặt nền tảng sứ vụ phổ quát của Giáo Hội trên sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả qua việc Ngài “chỉ định” và “sai” các môn đệ đi: “Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1).

Tuy nhiên, việc được “chỉ định” và “sai đi” và kết quả của việc “cầu xin chủ mùa gặt”: “Người bảo các ông: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Lc 10:2). Từ những lời này, chúng ta có thể rút ra rằng, mỗi ơn gọi làm môn đệ và tông đồ là hoa trái của việc cầu nguyện. Và ơn gọi này chỉ được tiếp tục triển nở qua việc cầu nguyện liên lỉ. Nói cách khác, nếu không cầu nguyện, người môn đệ và tông đồ sẽ không thể tồn tại và không thể hiểu được căn tính của mình. Thật vậy, chỉ trong đời sống cầu nguyện mà người môn đệ và tông đồ mới hiểu được những lời “sai đi” của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10:3-4). Chi tiết đáng lưu ý trong những lời này là người môn đệ được sai đi như “chiên con đi vào giữa bầy sói.” Điều này ám chỉ đến hai bình diện không thể tách rời trong đời sống sứ vụ của người môn đệ, đó là người môn đệ có thể bị tấn công bởi một thế giới chống đối nhưng người môn đệ phải nỗ lực để xây dựng một kỷ nguyên mới của hoà bình và hoà giải mà trong đó chiên con sẽ nằm với sói [được tiên báo trong sách Ngôn Sứ Isaia 11:6; 65:25].

Nếu xem xét kỹ trong những lời sai đi của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng, người môn đệ được sai đi với một mục đích, đó là thiết lập “Triều Đại Thiên Chúa,” một triều đại mà trong đó mọi người sống bình an với nhau. Điều này được phản ảnh trong những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ phải nói khi vào “bất cứ nhà nào” và “bất cứ thành nào”: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là lối diễn tả rất đặc trưng của Thánh Luca để nhấn mạnh đến sứ điệp Kitô giáo là theo đuổi sự hoà giải hầu mang lại bình an đích thật cho nhân loại. Nói cách cụ thể, những người môn đệ Chúa Giêsu là những người sống và rao giảng sứ điệp hoà giải như điều kiện cần thiết để có được sự bình an đích thật. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống mình. Đã bao nhiêu lần chúng ta không sống và rao giảng sứ điệp này khi chúng ta giữ trong lòng sự hận thù, ghen ghét. Chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình, dù ah chị em đến xin lỗi chúng ta. Chúng ta cần hiểu điều này: Nếu chúng ta không tha thứ và hoà giải với anh chị em thì trong ngày Triều Đại Thiên Chúa đến, chúng ta sẽ không được xử khoan hồng (x. Lc 10:12).

Chi tiết cuối cùng để chúng ta suy gẫm là làm thế nào để biết được Triều Đại Thiên Chúa đến? Bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta hai điều, thứ nhất là rao giảng sứ điệp hoà giải và bình an và thứ hai là chữa lành những người đau yếu trong thành. Sứ điệp về Triều Đại Thiên Chúa phải luôn được rao giảng dù người nghe có đón nhận hay không: “Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’” (Lc 10:8-11). Những lời này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống rao giảng của mình. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta chỉ rao giảng nơi được người khác đón nhận. Còn những nơi chống đối, chúng ta không rao giảng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không loại trừ ai trong sứ vụ rao giảng của mình. Tất cả mọi người đều có quyền “nghe” sứ điệp Nước Trời. Việc đón nhận sứ điệp hay không là quyền chọn lựa của họ. Về phần chúng ta, chúng ta được chọn và sai đi để công bố sứ điệp Tin Mừng. Đừng để bất kỳ thành kiến hay khó khăn nào làm chúng ta giới hạn việc công bố vào một nhóm người chúng ta thích [hoặc thích chúng ta].

************************

Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên

CUỘC ĐỜI: “CUỐN SÁCH” VỀ PHÉP LẠ CHÚA THỰC HIỆN

(Br 1,15-22; Lc 10:13-16)

Một trong những tội mà dân Israel thường mắc phải là tội “bất tuân.” Nhiều lần họ đã không đi theo đường lối mà Thiên Chúa vạch ra cho họ bằng cách không tuân hành những huấn lệnh của Ngài. Ngôn Sứ Barúc trình bày điều này rất rõ ràng trong bài đọc 1 hôm nay. Thiên Chúa luôn là Đấng công minh, trước mặt người “những người Giuđa và cư dân Giêrusalem, các vua và thủ lãnh, tư tế và ngôn sứ cũng như các bậc cha ông, chúng tôi phải hổ ngươi bẽ mặt như ngày hôm nay thì cũng đáng, vì tất cả chúng tôi đã phạm tội trước nhan Đức Chúa, đã bất tuân, không nghe tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, không vâng theo các mệnh lệnh Đức Chúa đã đề ra trước mắt chúng tôi” (Br 1:13-18). Việc bất tuân này xảy ra ngay từ ngày Đức Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Nguồn gốc của tội này là việc “vẫn làm ngơ không chịu nghe tiếng Người” (Br 1:19). Vì lý do này, chúng ta thấy một trong những điều Đức Chúa mời gọi dân thực hiện là “lắng nghe tiếng Ngài.” Đây chính là cốt lõi của đạo Do Thái Giáo, là Shema Israel [“nghe đây hỡi Israel” – Đnl 6:4]. Cũng đã nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Ngài nói với chúng ta qua tiếng nói của lương tâm. Nhưng chúng ta không mấy quan tâm, vẫn làm theo bản tính tự nhiên của mình. Thiên Chúa dựng nên chúng ta với khả năng nghe. Nghe nhau đã khó, còn nghe Chúa thì khó hơn. Tuy nhiên, nghe nhau và nghe Chúa có một tương quan chặt chẽ. Nói cách cụ thể, những ai luôn sẵn sàng lắng nghe người khác thì dễ dàng lắng nghe và nhận ra tiếng Chúa; còn những người luôn lắng nghe Chúa thì sẽ biết lắng nghe anh chị em mình với sự cảm thông và yêu thương. Người không biết lắng nghe dễ dàng quyết định sai. Người không biết lắng nghe luôn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ và như thế Chúa không có chỗ trong cuộc đời họ. Chúng ta có thuộc loại người này không?

Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đặt nó vào trong bối cảnh những lời giáo huấn của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Chúng ta thấy cung điệu giống với bốn lời “khốn” trong bài giảng trên núi (x. Lc 6:24-26). Trong bối cảnh của cộng đoàn Thánh Luca, những lời trong bài Tin Mừng có mục đích cảnh báo cho cộng đoàn này về việc đáp lại cách chân thành với lời Chúa và không bắt chước sự đáp trả cách chống đối trước việc giảng dạy của Chúa Giêsu của một số thành thuộc Galilê. Trong lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu chỉ ra cho chúng ta biết lý do những thành thuộc Galilê bị khiển trách. Lý do thứ nhất liên quan đến việc “chứng kiến” những kỳ công Chúa Giêsu thực hiện nhưng không “sám hối” và “tin” vào Tin Mừng. Lý do thứ hai liên quan đến thái độ “kiêu ngạo,” đặt mình vào chỗ của Chúa.

Chúng ta cũng từng chứng kiến những “phép lạ” Thiên Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta như ngày xưa Ngài thực hiện cho Khoradin và Bếtxaiđa, nhưng chúng ta không chịu thay đổi và tin vào Chúa để sống một cuộc sống thánh thiện hơn. Nhìn lại cuộc sống của mình, nhiều khi chúng ta cứ biện minh rằng: “Tôi cũng là con người, nên tôi không thể giống Chúa được” – tôi không thể tha thứ và yêu thương như Chúa. Đúng là chúng ta không thể “như Chúa,” nhưng chúng ta có thể “giống Chúa” vì đó là điều chúng ta được tạo dựng để trở thành (x. St. 1:26-27). Khi không sám hối và trở nên hoàn thiện như Cha ở trên trời, chúng ta cũng sẽ bị “khiển trách” như thành Khoradin và Bếtxaiđa: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xiđôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Lc 10:13-14).

Bên cạnh khuyến cáo về việc “không sám hối” khi thấy những phép lạ xảy ra, Chúa Giêsu còn khuyến cáo những người tự nâng mình lên, hay đúng hơn những người tự cho mình là đủ, không cần đến ơn Chúa. Họ là những người đặt mình vào vị trí của Chúa qua việc làm chúa của đời mình. Nhưng khi họ tự nâng mình lên, thì họ cũng sẽ bị hạ xuống giống như Caphácnaum: “Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!” (Lc 10:15). Nhiều lần trong cuộc sống chúng ta cũng rơi vào tình trạng tự nâng mình lên này, nhất là những khi thành công. Chúng ta thường quy cho mình những thành công đạt được. Ngược lại chúng ta lại đổ lỗi cho Chúa và người khác về những thất bại trong cuộc sống của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta sống một đời sống khiêm nhường. Dù chúng ta có tự mình hay được người đời nâng lên tận trời cao, cuối cùng chúng ta cũng chỉ trở về với ba tấc đất. Nhưng khi để cho Chúa là Đấng nâng chúng ta lên tận trời cao, thì chúng ta mới biết được “trời cao đất rộng” sẽ như thế nào!

Chúa Giêsu kết lời khiển trách của mình với lời khẳng định về tương quan của những lời dạy của các môn đệ với Ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16). Những lời này ám chỉ rằng ý nghĩa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu tìm thấy sự diễn tả mang tính văn phong sau: nghe lời của người môn đệ là nghe lời Chúa Giêsu; nghe lời Chúa Giêsu là nghe lời Thiên Chúa. Đây chính là nền tảng sâu xa của sứ vụ truyền giáo của người Kitô hữu. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về lối ăn nói của mình: Lời ăn tiếng nói của chúng ta có chứa đựng sự ngọt ngào của lời Chúa hay chỉ chứa đựng sự cay đắng và chua chát?

**************************

Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên – Đức Mẹ Mân Côi

SỐNG XIN VÂNG QUA CHUỖI MÂN CÔI

(Cv 1:12-14; Lc 1:26-38)

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Mẹ Mân Côi. Thánh lễ này đưa chúng ta về thời gian lịch sử đầy sóng gió của Giáo Hội, nhất là trong trận chiến Lêpantô. Chính chuỗi mân côi đã mang lại bình an cho Giáo Hội. Sự phát triển của chuỗi kinh Mân Côi trải qua một quá trình lịch sử dài. Trước tiên, chuỗi kinh được bắt đầu với lối thực hành đọc 150 Kinh Lạy Cha của các Giáo Phụ để phỏng theo 150 Thánh Vịnh. Sau đó, song song với lối thực hành trên là lối thực hành đọc 150 Kinh Kính Mừng. Không lâu sau đó, một mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu được gán cho mỗi Kinh Kính Mừng. Mặc dù việc Đức Mẹ trao chuỗi Mân Côi cho Thánh Đa Minh được chấp nhận như một truyền thuyết, sự phát triển của chuỗi Mân Côi mắc nợ những người môn đệ của Thánh nhân, một trong số đó là Alan de la Roche. Người này được biết đến như là “vị tông đồ của chuỗi Mân Côi.” Alan thiết lập hiệp hội Mân Côi đầu tiên vào thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, chuỗi Mân Côi được phát triển thành hình thức như chúng ta đọc ngày hôm nay – với 15 mầu nhiệm [ngắm], chia ra làm ba mùa: vui, thương, và mừng. Năm 2002, Thánh Gioan Phaolô II thêm vào năm mầu nhiệm sự sáng. Như vậy, chuỗi Mân Côi chúng ta có hôm nay gồm 20 mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giêsu, và được chia ra làm bốn mùa: Vui, sáng, thương và mừng.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta vai trò quan trọng của Mẹ Maria ở giữa các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Mẹ như một người mẹ dịu hiền hiện diện giữa con cái mẹ [hiện diện với Giáo Hội] ngay từ buổi đầu. Mẹ cũng “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện” cùng với các môn đệ (x. Cv 1:14). Mẹ hiện diện với Giáo Hội tiên khởi trong giây phút chờ đợi lời hứa của Chúa Giêsu, đó là ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, Đấng đã rợp bóng trên Mẹ và làm cho Mẹ cưu mang Chúa và trao ban cho nhân loại. Thì bây giờ, Mẹ cũng hiện diện với các môn đệ để chuẩn bị họ cho việc “rợp bóng” của Chúa Thánh Thần hầu họ có thể mang Chúa trao ban cho mọi người đến tận cùng trái đất.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta về việc truyền tin của Thiên Thần Gáprien cho Mẹ Maria. Câu chuyện truyền tin này cho thấy hành trình đức tin [hành trình lên trời] của Mẹ. Hành trình của mẹ bắt đầu với một tình yêu con người. Điều này được diễn tả qua việc Mẹ là một trinh nữ “đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít” (Lc 1:27). Tình yêu con người này được thăng hoa và biến đổi qua tình yêu Thiên Chúa. Đây là một bước ngoặt lớn trong hành trình đức tin của mẹ. Bước ngoặt này được bắt đầu với một lời chào và tiếp tục với một cuộc đối thoại, và kết thúc với lời “xin vâng.”

Điều xảy ra đầu tiên trong bước ngoặt đời Mẹ Maria là lời chào của Thiên Thần Gáprien: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Những lời này chứa đựng ba điều quan trọng nhất cho hành trình của Mẹ Maria [và của mỗi người chúng ta], đó là niềm vui, ân sủng và Thiên Chúa ở cùng. Hai yếu tố thứ nhất là hoa quả của yếu tố thứ ba. Nói cách khác, chúng ta chỉ có được niềm vui đích thật và ân sủng khi có Chúa ở cùng [hoặc vì có Chúa ở cùng nên chúng ta có niềm vui và ân sủng]. “Đức Chúa ở cùng” là điệp khúc thường được lặp lại trong Cựu Ước khi Đức Chúa chọn và sai một người nào đó để thực hiện một sứ mệnh Ngài trao. Khi nghe những lời này, Mẹ ngạc nhiên, “bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì” (Lc 1:29). Mẹ bối rối và tự hỏi vì Mẹ nhận ra thân phận tôi tớ hèn mọi của mình mà được Đức Chúa ghé mắt nhìn đến. Mẹ bối rối và tự hỏi vì Đức Chúa muốn gì trên cuộc đời Mẹ. Đức Chúa cũng luôn ở cùng chúng ta, vì đó là điều Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài được đưa về trời: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Như vậy, mỗi ngày Chúa cũng chọn và sai chúng ta đi thực hiện sứ mệnh yêu thương và tha thứ Ngài trao. Chúng ta đã thực hiện sự mệnh này như thế nào?

Điều thứ hai là cuộc đối thoại giữa Thiên Thần và Mẹ Maria. Trong cuộc đối thoại này, Thiên Thần đã giải thích cho Mẹ tất cả những gì làm Mẹ bối rối và tự hỏi. Thiên Thần bắt đầu với lời trấn an Mẹ: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Đứng trước một sứ mệnh vượt trên sức con người, ai trong chúng ta cũng cảm thấy sợ hãi. Điều này cũng xảy ra với Mẹ và Thiên Thần đã trấn an Mẹ. Mẹ đừng sợ vì Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa. Đây là lời mời gọi và cũng là thách đố cho mỗi người chúng ta: khi đứng trước toà Chúa vào ngày phán xét, mong rằng chúng ta cũng không sợ hãi vì chúng ta đã được đẹp lòng Thiên Chúa. Sau khi trấn an Mẹ, Thiên Thần trình bày cho Mẹ điều Thiên Chúa muốn thực hiện trên cuộc đời Mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1:31-33). Những lời này đưa Mẹ vào trong “quỹ đạo tình yêu” của Thiên Chúa và làm Mẹ hỏi về điều “nghịch với” tình yêu con người: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1:34). Đứng trước điều này, Sứ Thần cho Mẹ biết là điều không thể với tình yêu con người thì có thể với tình yêu Thiên Chúa: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:35-37). Đây là mấu chốt và trung tâm của cuộc đối thoại: Những điều không thể với lối suy luận và hiểu biết của con người thì luôn có thể với Thiên Chúa. “Như trời xa hơn đất bao nhiêu, thì tư tưởng của ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi như thế” (Is). Chi tiết này mời gọi chúng ta đi vào trong quỹ đạo của tình yêu Chúa để hiểu được thánh ý của Ngài. Nói cách khác, để hiểu được thánh ý Thiên Chúa, chúng ta phải ra khỏi lối suy nghĩ [lối sống] quen thuộc của mình để bắt đầu hành trình mà Thánh Anselm gọi là “đức tin đi tìm sự hiểu biết.”

Điều cuối cùng trong bước ngoặt đời Mẹ là Mẹ nói lên lời “xin vâng”: “Bấy giờ bà Maria nói với sứ thần: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.’ Rồi sứ thần từ biệt ra đi” (Lc 1:38). Mẹ thốt lên lời xin vâng với trọn con tim mình. Niềm tin của Mẹ đã giúp mẹ hiểu rằng: Những điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa có thể làm. Mẹ đã để Chúa hoàn toàn chiếm lấy đời Mẹ để Ngài thực hiện tất cả những gì Ngài muốn trên cuộc đời Mẹ. Mẹ không giữ lại gì cho chính mình! Đây chính là đỉnh cao của hành trình đức tin, đó là hoàn toàn phó thác đời mình vào tay Thiên Chúa để Ngài thực hiện những gì Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta.

Khi đọc kinh Mân Côi, chúng ta cùng với Mẹ đi trên “hành trình” với Chúa Giêsu. Chúng ta suy gẫm thời kỳ thơ ấu qua mùa vui, cuộc sống sứ vụ qua mùa sáng, cuộc thương khó qua mùa thương và sự phục sinh qua mùa mừng. Hành trình này cũng là hành trình của mỗi người chúng ta: sinh ra [mùa vui], làm chứng cho Chúa qua đời sống phục vụ thường ngày [mùa sáng], đối diện với đau khổ và sự chết [mùa thương], được vinh phúc ở đời này và đời sau [mùa mừng]. Hãy lần chuỗi Mân Côi, để cùng với Mẹ, chúng ta đi trọn hành trình về Thiên Đàng!